Ký ức tổn thương lẩn trốn trong bộ não bạn thế nào? Và làm sao để "đào" chúng lại?

Một cơ chế đặc biệt của não bộ: lưu giữ những ký ức liên quan đến stress – những ký ức trong vô thức

Một cơ chế đặc biệt của não bộ: lưu giữ những ký ức liên quan đến stress – những ký ức trong vô thức.


Viết bởi Marla Paul


Một số các trải nghiệm căng thẳng – như bạo hành trẻ em – là những trải nghiệm quá sức chịu đựng và đau đớn, nên chúng trở thành những ký ức và lẩn trốn như một bóng ma trong bộ não con người.


Trước hết, những ký ức lẩn khuất mà con người không thể nhớ đến trong trạng thái có ý thức, có thể giúp bảo vệ thân chủ khỏi những tổn thương xúc cảm gây ra bởi việc nhớ đến sự kiện. Nhưng sau đó, những ký ức bị đè nén này cũng có thể gây ra các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc rối loạn phân ly.


Quá trình “nhớ dựa trên tình huống” (state -dependent learning hay state-dependent memory) là một hiện tượng mà các ký ức sẽ trở nên rõ ràng nhất khi chủ thể được đặt vào tình huống tương tự – lúc mà ký ức đó được hình thành. Quá trình này được tin là đã góp một phần không nhỏ vào sự hình thành các “bóng ma” ký ức – không thể được tiếp cận bởi nhận thức thông thường. Cho nên, ký ức đến từ những xúc cảm đặc trưng, sự kích thích hay các trạng thái gây ra do thuốc (drug – induced state), có thể được khơi dậy tốt nhất khi bộ não được đặt trong các tình huống ấy một lần nữa.


Trong một nghiên cứu mới trên chuột bạch, đơn vị Y khoa Đại học Northwestern lần đầu tiên tìm ra cơ chế mà “trí nhớ dựa trên tình huống”, một cách có nhận thức, bất hoạt “trí nhớ dựa trên nỗi sợ” (fear-related memory).


“Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có nhiều cách để lưu trữ các trí nhớ được gây ra bởi nỗi sợ, và chúng tôi đã chỉ ra được con đường quan trọng nhất để hình thành nên loại trí nhớ này”, trích lời nhà nghiên cứu độc lập Tiến sĩ Jelena Radulovic, chuyên về các rối loạn lưỡng cực, Feinberg School of Medicine, Đại học Northwestern. “Nghiên cứu này có thể mang đến cách điều trị mới cho bệnh nhân rối loạn tâm lý, những người cần phải được khai quật các ký ức tổn thương một cách có nhận thức – như là một bước trong quá trình hồi phục.”

Theo Radulovic, đó sẽ là một thách thức cho các chuyên gia trị liệu, vì bệnh nhân, bản thân họ không thể nhớ được những trải nghiệm đau khổ mà họ từng đi qua, nhưng những trải nghiệm này lại chính là nguyên nhân gốc rễ gây ra các triệu chứng bệnh.


Nghiên cứu chỉ ra rằng, cách tốt nhất để khai sáng dần các ký ức này là giúp bộ não trở về với chính xác tình huống có nhận thức, thời điểm mà ký ức đó được ghi nhận.



HÃY CÙNG THAY ĐỔI TẦN SỐ CỦA BỘ NÃO BẠN NÀO!


Có 2 amino acid đóng vai trò như “âm” và “dương” trong bộ não của bạn: glutamate và GABA. Chúng đảm nhận trọng trách điều hòa các làn sóng cảm xúc; và điều khiển sự hưng phấn hoặc ức chế của các tế bào thần kinh. Ở trạng thái thông thường, hệ thống này được giữ cân bằng. Nhưng khi chúng ta đang cực kỳ hưng phấn hay đang vô cùng cảnh giác, thì lượng glutamate tăng vọt. Glutamate cũng là một chất thiết yếu giúp chúng ta lưu trữ thông tin vào mạng lưới thần kinh theo cách thức giúp ta dễ dàng lôi những thông tin đó ra để dùng ngay khi cần.


Mặt khác, GABA giúp chúng ta bình tĩnh và hỗ trợ đưa ta vào giấc ngủ bằng cách khóa hoạt động hưng phấn của glutamate. Đó cũng là cách mà loại thuốc an thần thông dụng nhất hiện nay – benzodiazepine – hoạt động: kích hoạt thụ thể của GABA trong bộ não của chúng ta.


Có 2 loại thụ thể GABA, trong đó có một loại là thụ thể GABA trên màng tế bào ở khe synapse (khe synapse là khe nằm giữa 2 tế bào thần kinh, tham gia vào con đường dẫn truyền thần kinh ở não bộ). Tại đây, glutamate sẽ hoạt động song song với GABA để cân bằng quá trình hưng phấn của não bộ và đáp ứng lại các kích thích từ bên ngoài, chẳng hạn như stress.


Thụ thể còn lại, thụ thể GABA ngoài synapse, lại là một tác nhân độc lập. Những thụ thể này trơ với kích thích hưng phấn của glutamate. Thay vào đó, chúng tập trung vào các yếu tố nội sinh, chúng điều hòa sóng não và các trạng thái tinh thần thông qua nồng độ của các chất hóa học nội sinh, chẳng hạn như GABA, hóoc-môn sinh dục và RNA vi thể. Thụ thể GABA ngoài synapse thay đổi trạng thái não bộ để khiến chúng ta thấy hưng phấn, buồn ngủ, cảnh giác, bình tĩnh hay thậm chí là cả các trạng thái say xỉn và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Northwestern cũng tìm thấy một vai trò quan trọng không kém của loại thụ thể này, đó là, chúng giúp mã hóa các trí nhớ liên quan đến nỗi sợ và giấu các ký ức này vào sâu trong tiềm thức.


“Bộ não hoạt động ở các trạng thái khác nhau, hệt như băng tần AM và FM của radio vậy.” – tiến sĩ Radulovic – “Nó kiểu như là bộ não bình thường sẽ ở bên đài FM để truy cập vào bộ nhớ, nhưng để truy cập sâu hơn nữa vào các ký ức của tiềm thức thì nó phải chuyển sang đài AM. Nếu một sự kiện đau lòng nào đó xảy ra vào đúng thời điểm mà thụ thể GABA ngoài synapse đang được kích hoạt, thì các ký ức này sẽ không thể được nhớ đến, trừ khi các thụ thể này được kích hoạt lại một lần nữa, tức là phải chuyển bộ não sang đài AM.”


TRIỆU HỒI NHỮNG KÝ ỨC “KHÔNG ĐƯỢC CHÀO ĐÓN”


Trong thực nghiệm, các nhà khoa học tiêm gaboxadol vào hồi hải mã của chuột. Hồi hải mã là một vùng não nhỏ, hình vòng cung, giữ chức năng quan trọng trong hệ viền. Ngoài ra, hồi hải mã còn đảm nhiệm vai trò hình thành các ký ức mới, tham gia vào quá trình học tập và xúc cảm của con người. Còn gaboxadol là một loại thuốc kích hoạt thụ thể GABA ngoài synapse. Theo Tiến sĩ Radulovic thì: “Điều này giống như cho bộ não một tí men say để thay đổi tạm thời trạng thái của nó.”


Sau đó, các con chuột trên được cho vào 1 cái hộp và bị kích thích nhanh bởi một dòng điện nhẹ. Ngày hôm sau, khi các con chuột này quay lại chiếc hộp, chúng thản nhiên chạy xung quanh hộp mà không có tí sợ sệt. Điều này chứng tỏ, chúng chẳng nhớ gì về cú shock điện hôm qua. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học tiêm thuốc vào chúng và bỏ chúng lại trong hộp, chúng lập tức đứng im, cứng đờ, chúng sợ sẽ phải bị một cú shock khác.


Radulovic cho rằng: “Điều này xảy ra khi chuột bị đưa về ngay đúng trạng thái được gây ra bởi thuốc, chúng đã nhớ ra trải nghiệm căng thẳng của cú shock đó.”


Cuộc thực nghiệm đã cho thấy rằng, khi các thụ thể GABA ngoài synapse bị kích hoạt bởi thuốc, chúng thay đổi cách mà các sự kiện “không hay” được mã hóa. Trong trạng thái được tạo ra bởi thuốc, não bộ dùng một cơ chế phân tử và con đường thần kinh hoàn toàn khác để lưu trữ ký ức.


Vladimir Jovasevic, đồng tác giả nghiên cứu, từng làm việc dưới vai trò nghiên cứu sinh tại phòng lab của Radulovic, cho rằng: “Đây là một hệ thống khác hoàn toàn, khác cả về mức độ gen và mức độ phân tử, so với hệ thống mã hóa trí nhớ thông thường.”.


Sự khác biệt này được điều hòa bởi RNA vi thể – miR-33, và có thể có cả cơ chế phòng vệ của não bộ khi chúng ta bị quá tải bởi stress.

Cuối cùng thì nghiên cứu chỉ ra rằng, trong trường hợp đối mặt với các tổn thương tâm lý, một số cá nhân thay vì kích hoạt hệ glutamate để lưu trữ thông tin thì lại kích hoạt hệ GABA ngoài synapse, và dẫn đến việc hình thành các ký ức tổn thương nằm ngoài sự kiểm soát của quá trình nhận thức.


SỰ LẨN TRỐN CỦA CÁC KÝ ỨC ĐAU LÒNG


Trí nhờ thường được lưu trữ và phân bố trong các vùng của não bộ, bao gồm các vùng vỏ não, và vì thế luôn ở trạng thái sẵn sàng được sử dụng trong trạng thái có ý thức. Nhưng khi các con chuột ở trong tình trạng gây ra bởi gaboxadol, các sự kiện căng thẳng nằm ở vùng dưới vỏ não, mới được kích thích. Đây là cách mà gaboxadol đã tái lập một con đường mới để lưu trữ các ký ức căng thẳng, và vì thế, chúng đã không thể dễ dàng được biết đến.


Nguồn: https://news.northwestern.edu/stories/2015/08/traumatic-memories-hide-retrieve-them

Dịch:  Dương Vũ

Biên tập: Ngọc

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan