Làm Bạn Với Người Yêu Cũ, Nên Hay Không?

Có rất ít câu hỏi về mối quan hệ nào mang tính phân cực nhiều như câu hỏi nên hay không nên làm bạn với người cũ. Trong khi nhiều người ra sức cứu vãn những điều tốt đẹp và …

Có rất ít câu hỏi về mối quan hệ nào mang tính phân cực nhiều như câu hỏi nên hay không nên làm bạn với người cũ. Trong khi nhiều người ra sức cứu vãn những điều tốt đẹp và quên đi những chuyện tồi tệ thì một số khác lại chọn cách bước tiếp và không ngoảnh đầu lại. Tranh luận xoay quanh hai xu hướng này đều có những lý lẽ riêng – nhưng dưới góc nhìn của các chuyên gia, họ nói gì?

Nhà tâm lý trị liệu tại New York, đồng thời cũng là tác giả của quyển The Breakup Bible – Rachel Sussman khuyên mỗi người nên thận trọng khi nói đến việc giữ mối quan hệ bạn bè với người cũ, nhưng cũng khẳng định rằng đối với nhiều người thì chuyện này vẫn khả thi; nói chung đây vẫn là “một quyết định cá nhân”. Tuy vậy, Sussman cho biết có một số nguyên tắc mà tất cả những ai sau khi chia tay cũng nên tuân theo.

Khi nào thì nên cắt đứt quan hệ với người cũ

Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì một mối quan hệ mang tính bạo hành, thao túng và độc hại cũng không nên được chuyển thành tình bạn – Sussman nói. Nhưng thậm chí cho dù mối quan hệ của bạn nhìn chung là lành mạnh, tích cực, chỉ đơn giản là không đạt được kết quả như mong muốn, thì bạn vẫn nên cân nhắc kĩ trước khi trở thành bạn bè với đối phương. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2000 đã cho thấy mối quan hệ bạn bè giữa những người từng yêu nhau thường mang tính chất tiêu cực và có ít điều tích cực hơn so với mối quan hệ bạn bè thuần túy.

Điều này đặc biệt đúng khi cả hai chưa từng làm bạn trước khi đi đến hẹn hò – Sussman nói. “Nếu cả hai gắn kết với nhau thật sự chặt chẽ và có chuyện tình đầy đam mê gắn với đời sống tình dục thì làm sao bạn có thể trở thành bạn bè với đối phương được cơ chứ?” Sussman cho biết. “Phản ứng hóa học giữa hai người không phải lúc nào cũng thay đổi.”

Sussman còn cho biết việc giữ quan hệ thân thiện với tình cũ cũng tiềm ẩn nhiều mặt tiêu cực. “Điều đó đôi khi ngăn cản bạn đến với một mối tình mới” – cô cảnh báo. (Thậm chí còn có nghiên cứu  để chứng minh cho điều này). “Hoặc là bạn sẽ bắt đầu mối quan hệ mới và nói với người yêu mới của bạn rằng “Người yêu cũ của em/anh là một trong những người bạn thân thiết nhất”. Chuyện này sẽ phức tạp lắm đấy. Bạn có đang cho mối tình mới của mình một cơ hội (công bằng) để phát triển hay không đây?”

Một nhà nghiên cứu tâm lý vào độ tuổi cuối 20 (người đã yêu cầu sử dụng bút danh để bảo vệ danh tính) – Ashley Brett hiểu rất rõ về nỗi khó xử này. Sau khi chia tay mối tình một năm rưỡi với bạn trai, Brett đã giữ mối quan hệ bạn bè với anh ấy – và kết quả là cô vướng vào một mối tình lúc hợp lúc tan kéo dài hơn 5 năm. “Mối quan hệ bạn bè chưa bao giờ thực sự tách rời khỏi mối quan hệ tình cảm trước đó”, Brett nói. “Nó đã chuyển đổi thành chu kì kế tiếp của một mối quan hệ tình cảm và sau đó lại trở thành tình bạn.”

Mặc dù Brett chia sẻ rằng mối quan hệ đó có đủ những mặt tích cực để khiến cô sẵn sàng “phạm một lỗi hai lần”, nhưng lại cho biết rằng bản thân khá do dự khi đề xuất điều tương tự cho một người bạn hay bệnh nhân của cô ấy. “Nhược điểm lớn nhất chính là việc bị ngăn cản khỏi các mối quan hệ mới cũng như những trải nghiệm mới”, Brett nói. “Tôi đã khép lòng mình lại và không thực sự muốn mở lòng với ai đó khác lần nữa và về mặt tâm lý, đây có lẽ không phải là định hướng lành mạnh nhất cho cuộc sống.”

Brett nói thêm rằng việc phụ thuộc vào tình bạn một cách lặp đi lặp lại cho phép cô làm tê liệt một vài nỗi đau của các cuộc chia tay – nghe có vẻ giống như một chiến thuật tốt nhưng lại thực sự có thể ngăn cản sự phát triển trong tương lai. Một nghiên cứu được công bố năm 2013 trên tờ PLOS One cho biết “nỗi buồn chia tay có thể đóng vai trò như một chất xúc tác cho sự phát triển cá nhân”, trong khi việc tránh né nỗi đau đó lại có thể ngăn cản quá trình phát triển.

Khi nào nên giữ quan hệ bạn bè với tình cũ

Sussman cho rằng những người từng yêu nhau và có con với nhau nên cố gắng duy trì quan hệ thân thiện nếu có thể, bởi vì họ sẽ còn xuất hiện trong đời nhau một quãng thời gian rất dài. Đối với các cặp đôi không có con thì ranh giới sẽ trở nên mờ mịt hơn, nhưng Sussman cho rằng những người hẹn hò khi họ còn trẻ; đã từng làm bạn trước khi yêu; hẹn hò thông thường hay chỉ ở cạnh nhau một thời gian rất ngắn thì sẽ phù hợp với mối quan hệ bạn bè.

Robin  Zabiegalski, một nhà văn 31 tuổi sống tại Vermont, là một ví dụ trái ngược đáng chú ý. Cô ấy có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc mà vẫn duy trì tình bạn thân thiết với một vài người yêu cũ sau khi chia tay – bao gồm chồng cũ và một người bạn trai cũ cô đã từng chung sống nhiều năm. 

Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như thế ngay từ đầu. “Tôi đã từng thiêu trụi tận gốc mọi mối quan hệ với bất kì người yêu cũ nào của mình,” Zabiegalski nói. Nhưng cuối cùng, để theo đuổi sự phát triển cá nhân, cô ấy đã kết nối lại với những người yêu cũ của mình – đầu tiên là xin lỗi vì những sai lầm trong quá khứ, sau đó là cố gắng và “phục hồi” mối quan hệ họ đã cùng chia sẻ nhiều năm. “Đó là một mảnh lớn của cuộc đời như một kiểu đồng sở hữu với người đó,“ cô nói. “Tôi cảm thấy như những mảnh ghép của chính mình đã mất đi và cách duy nhất để khôi phục chúng chính là đặt ra câu hỏi “Liệu chúng ta có thể sửa chữa mối quan hệ này không?”

Zabiegalski thừa nhận rằng những mối quan hệ bạn bè này chỉ khả thi bởi chồng cô là một người “vốn tính không ích kỉ” và bởi cô cũng cởi mở với những mối quan hệ trong quá khứ và sự tương tác hiện tại với tình cũ. Cô còn cho biết rằng chỉ nên tiếp tục tình bạn ở thời điểm mà ngọn lửa lãng mạn giữa cả hai đã hoàn toàn bị dập tắt. “Nếu các bạn trở thành bạn bè với nhau và mục đích thực sự là để đối phương quay lại thì đó chỉ là bạn đang kéo dài một vở kịch không cần thiết mà thôi.”

Quan điểm đó được ủng hộ bởi các nghiên cứu. Các nghiên cứu cho rằng các cặp đôi duy trì liên lạc với cùng lý do – dù mang tính thực tế hay cảm tính – thì có nhiều khả năng thành công hơn trong việc xây dựng tình bạn, trong khi việc giữ liên lạc chỉ bởi những mong muốn lãng mạn còn tồn đọng lại báo trước những kết quả tồi tệ sẽ đến.

Làm thế nào để giữ quan hệ thân thiện với ex

Theo Sussman, nếu bạn quyết định cố gắng duy trì quan hệ bạn bè với người cũ thì bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi trước đã. “Tôi khá là hoài nghi về các cặp đôi nào sau khi vừa chia tay đã nói với tôi ngay rằng họ sẽ trở thành những người bạn tốt nhất của nhau. Thời gian sẽ chữa lành vết thương. Rất nhiều suy nghĩ thông suốt cần có thời gian và không gian riêng.”

Điều đó được áp dụng cho cả trên phương tiện truyền thông xã hội cũng như tương tác trực tiếp. “Tôi thực sự muốn các cặp đôi sẽ bỏ theo dõi và hủy kết bạn với nhau khoảng vài tháng (sau khi chia tay)” – Sussman nói. Nếu không thì “sớm muộn gì, bạn sẽ lại check Instagram như thường lệ và rồi vô tình nhìn thấy ex của mình, sau đó thì một loạt các thể loại suy nghĩ và cảm xúc sẽ ùa tới, ở một mức độ nào đó, bạn sẽ cảm thấy mình đang được kết nối lại với người ấy.”

Sussman cho biết, ranh giới cũng là điều rất quan trọng đối với quan hệ bạn bè được chuyển đổi từ tình yêu mặc dù với mỗi người thì nó sẽ thể hiện qua những hình thức khác nhau. “Một ranh giới an toàn có thể được cụ thể hóa thành một số nguyên tắc như sau “Đừng nói chuyện với nhau mỗi ngày. Đừng nhắn tin cho nhau mỗi ngày”, – Sussman nói. “Cứ mỗi vài tháng hãy cùng nhau đi ăn, đi xem phim – nhưng đừng là liên lạc đều đặn mỗi ngày.”

Trên hết, hãy thường xuyên nhìn nhận lại xem mối quan hệ bạn bè đó khiến bạn cảm thấy như thế nào, và thành thật với chính bản thân mình. “Thường thì (ai đó khi giữ quan hệ bạn bè với tình cũ) là kiểu đang cố bấu víu vào một điều gì đó”, Sussman nói, “Nó giống như là bạn đang tìm kiếm sự an toàn cho bản thân mình vậy.”

Nếu trường hợp đó xảy ra với bạn, sẽ tốt hơn khi bạn để tình bạn đó ra đi – ngay cả khi điều đó sẽ khiến bạn đau lòng.

Dịch: Châm

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn: https://time.com

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan