Làm cách nào để buông bỏ sự oán hận với người yêu cũ của bạn

Bước đầu tiên để có thể buông bỏ đó là chấp nhận. “Tình yêu không làm bạn đau khổ. Chỉ có những người không biết yêu mới khiến bạn tổn thương”

Không có cảm giác nào đau đớn bằng cảm giác bị phản bội bởi người bạn tin rằng yêu bạn nhất. Có một thứ dường như cố hữu trong khái niệm về tình yêu, đó là niềm tin rằng bạn sẽ bảo vệ những lợi ích của đối phương. Cho phép bản thân yêu ai đó đòi hỏi mức độ tin tưởng cao mà chẳng dễ dàng trao đi. Vì vậy, khi niềm tin ấy bị chà đạp, giận dữ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nó giống như phản ứng phòng vệ bản năng của con người.


Tuy nhiên, vết thương lòng mà sự phản bội gây ra đôi lúc còn kéo dài rất lâu sau khi mối quan hệ kết thúc. Và sự căm phẫn, uất hận in hằn ấy nếu không được giải tỏa sẽ khiến bạn mất niềm tin và không dám tiến về phía trước. Nếu sự giận dữ đối với hành động của người cũ khiến bạn bị mắc kẹt và bế tắc, điều đó có nghĩa rằng anh/ cô ấy vẫn đang kiểm soát cuộc sống của bạn.


Vậy làm cách nào để bạn có thể buông bỏ sự giận dữ ấy?



Sau đây là bốn bước có thể giúp bạn vượt qua quá trình khó khăn này.


1. Thừa nhận nó


Tức giận là một cảm xúc khiến mọi người không thoải mái. Bạn đã từng có những suy nghĩ về sự giận dữ như: Người tốt đẹp thì không nổi nóng; tức giận là xấu xí hoặc tôi sẽ không bao giờ tức giận. Vì vậy, một vài người trong số chúng ta tìm đến những biện pháp cực đoan để kìm nén cơn giận, thường sẽ là những hành vi không lành mạnh và tự hủy hoại chính mình. Nhưng trốn tránh không khiến sự tức giận biến mất.


Bước đầu tiên để có thể buông bỏ đó là chấp nhận. Khi ai đó đối xử tồi tệ, xâm phạm vào những ranh giới và khiến bạn tổn thương, bạn có quyền tức giận. Sự phẫn nộ trong những trường hợp đó thể hiện rằng bạn có lòng tự tôn cần thiết. Đồng thời, nhận thức được sự tức giận bên trong còn có thể giúp đỡ bạn. Sự căm phẫn cho bạn biết rằng đây không phải là nơi phù hợp để tiếp tục và truyền cho bạn dũng khí để rời khỏi một mối quan hệ độc hại như vậy.


2. Thể hiện nó


Đây là một điều thực sự khó khăn. Bạn có thể đã từng cố nén cơn giận vào trong cho đến khi cơn giận ấy bùng nổ. Và sau đó bạn cảm thấy hối hận, tự hứa với bản thân rằng lần sau sẽ chôn chặt nó sâu hơn nữa. Hoặc trong quá khứ, bạn đã từng bị chỉ trích vì thể hiện sự tức giận. Nói rõ hơn, có những cách thể hiện sự tức giận lành mạnh và không lành mạnh. Những cách thể hiện sự giận dữ theo chiều hướng tiêu cực có thể hủy hoại bạn và phá vỡ những mối quan hệ với người khác. Dẫu biết việc bộc lộ sự tức giận một cách đúng mực là một thử thách khó khăn, nhưng chỉ khi bạn thể hiện nó ra ngoài thì mới có thể giải thoát bản thân khỏi nó.


Trong một vài trường hợp, bộc lộ sự tức giận trực tiếp với ai đó là điều cần thiết. Tuy nhiên khi đối mặt với người yêu cũ, một mối quan hệ đã qua, bạn là người cần được chữa lành, không phải anh/ cô ấy. Vì vậy, thể hiện sự phẫn uất với họ là không cần thiết, bởi thực tế bạn không cần một lời xin lỗi hay thậm chí sự công nhận của họ để chữa lành. Một cách an toàn để giải tỏa cơn giận là viết nó ra. Bạn có thể viết một lá thư gửi người cũ tất cả những gì muốn nói, đừng giữ lại bất cứ thứ gì. Bởi đơn giản bạn sẽ không gửi nó đi. Ẩn sâu dưới sự căm phẫn thường là những tổn thương sâu sắc, vì vậy khi viết những dòng đó, hãy cứ khóc nếu bạn muốn. Sau khi viết hết cảm xúc của mình, hãy để lá thư sang một bên và làm thứ gì đó thật vui vẻ. Nếu trong tương lai bạn vẫn còn cảm thấy tức giận, bạn có thể chia sẻ lá thư với một người bạn tin tưởng như là bạn thân hoặc nhà trị liệu. Đến khi bạn đã sẵn sàng, hãy cất nó đi hoặc tốt hơn hết là loại bỏ nó.


Nguồn: Lady Bird

3. Ngừng đổ lỗi cho bản thân


Bất cứ điều gì người khác nói hay làm không liên quan đến bạn nhiều như bạn nghĩ. Nếu đối phương lừa dối bạn, đó không phải bởi vì bạn chưa đủ tốt mà bởi vì người đó lựa chọn sống phản bội. Cơn giận sẽ dễ dàng được giải tỏa hơn khi bạn không tập chung vào những điều đã xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó, hãy thử đặt bản thân vào những góc nhìn khác nhau. Hầu hết mọi người không cố ý làm tổn thương nửa kia của mình. Nhìn chung, họ đưa ra những lựa chọn nhằm làm cho bản thân cảm thấy tốt hơn. Một phần bản chất con người, dù tốt hay xấu, hoạt động dựa trên quan điểm tư lợi cá nhân. Vì vậy, việc cân nhắc xem những gì chúng ta làm có ảnh hưởng đến người khác như thế nào thường ở vị trí số hai. Điều này không thể biện hộ cho những hành động sai trái, nhưng đôi khi xem xét cách suy nghĩ của người khác có thể khiến bạn hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra và ngừng đổ lỗi cho bản thân. Bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho ai đó hơn nếu nhìn nhận toàn diện người đó. Nếu vẫn còn cảm thấy tức giận, hãy cố lùi lại và nhớ về những phẩm chất tốt đẹp mà người ấy có trong lần đầu tiên gặp mặt. Đồng thời hãy nhớ rằng: Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo và đều mắc sai lầm. J. Shetty đã từng nói: “Tình yêu không làm bạn đau khổ. Chỉ có những người không biết yêu mới khiến bạn tổn thương”.


4. Chữa lành những vết thương


Phục hồi sau chấn thương tinh thần không khác gì hồi phục những vết thương về thể chất. Bạn cần nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân mình trong suốt quá trình tự chữa lành. Hãy bao dung với chính mình, và làm những hoạt động chăm chút cho bản thân càng nhiều càng tốt. Điều quan trọng hơn cả là hãy ở bên cạnh gia đình và những người bạn, những người thực sự lo lắng, quan tâm đến lợi ích tốt nhất của bạn từ tận đáy lòng. Nhớ rằng dù trải nghiệm đó có tồi tệ đến đâu, bạn sẽ luôn học được một điều gì đó từ nó. Những thứ đó sẽ giúp cho cuộc sống tương lai của bạn tốt đẹp hơn và tìm thấy ánh hào quang của chính mình. Đồng thời, hãy tin rằng ở một mình còn tốt hơn nhiều so với bên cạnh một người không trân trọng và nhận ra những giá trị của bạn


Nguồn: Insider


------------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Roam 

Nguồn bài viết:

<https://www.psychologytoday.com/intl/blog/living-forward/201906/how-stop-being-angry-your-ex>







BẢN THẢO
Bài viết liên quan