Làm gì khi có quá nhiều “chuyên gia”?

Mục đích của bài viết này nhằm cung cấp cho người đọc/những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tâm lí có thể có năng lực tìm hiểu thông tin trước dịch vụ tâm lí mà mình được cung cấp

Không thể phủ nhận ngành tâm lý học ở Việt Nam đang dần trở thành một chuyên ngành thu hút nhiều sự chú ý ở Việt Nam, cũng như vậy, những vấn đề tâm lý cũng dần được nhìn nhận một cách rõ rệt trong xã hội. Vậy nên một điều đáng quan tâm là làm sao để có thể cung cấp được dịch vụ hỗ trợ tâm lý (trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin đề cập đến các dịch vụ tham vấn và dịch vụ trị liệu tâm lý) cho những người có nhu cầu?


Một điều đáng tiếc là hiện nay ở Việt Nam, ngành tâm lý học vẫn chưa có mã nghề, vậy nên việc quản lí thực hành tâm lý vẫn chưa có. Vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể nào quy định một nhà thực hành tâm lí thì cần phải như thế nào. Có một tình trạng đang diễn ra đó là nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lí học bậc học cử nhân và đã thực hành ngay, sự thiếu kinh nghiệm thực hành có giám sát hay thiếu sự đào tạo sâu hơn có thể gây ra những vi phạm về cả mặt chuyên môn lẫn đạo đức trong quá trình thực hành của mình. Và cũng có những người chưa có sự đào tạo về chuyên ngành tâm lí nhưng tự nhận mình là chuyên gia tâm lí và thực hành.


Mục đích của bài viết này nhằm cung cấp cho người đọc/những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tâm lí có thể có năng lực tìm hiểu thông tin trước dịch vụ tâm lí mà mình được cung cấp. Vấn đề không phải là bạn có thể hỏi những câu gì, mà vấn đề là bạn có thể xử lí những thông tin như thế nào trước những câu trả lời cho câu hỏi của mình.


Hiệp hội Tâm Lý học Hoa Kì (APA) đã đặt ra 6 câu hỏi một người có thể hỏi nhà tâm lý để có thể có được những thông tin cần thiết cho bản thân cân nhắc. Dưới đây là 6 câu hỏi, trong 6 câu hỏi này, câu hỏi số 6 (Bạn chấp nhận loại bảo hiểm nào? Bạn sẽ chấp nhận thanh toán trực tiếp hoặc thanh toán từ công ty bảo hiểm của tôi? Bạn có liên kết với bất kỳ tổ chức chăm sóc được quản lý? Bạn có chấp nhận bảo hiểm Medicare hoặc Medicaid không?) thì tôi sẽ không thể đi sâu hơn được một phần vì do giới hạn hiểu biết của mình, phần còn lại vì câu hỏi này xét ở bối cảnh Việt Nam vẫn chưa thể áp dụng được.


Câu hỏi 1:


Bạn có phải là một nhà tâm lý học được cấp phép? Kinh nghiệm thực hành tâm lý của bạn là bao lâu?


Đây là câu hỏi để có thể phân biệt chuyên gia với “chuyên gia”. Công bằng mà nói, chính vì ở Việt Nam vẫn chưa có mã nghề, nên việc cấp phép là điều không thể vậy nên không có ai để kiểm soát tình trạng này, hệ quả của điều này đó là có những người tự xưng là chuyên gia tâm lý hay là chuyên gia tư vấn tâm lý trong khi chưa có sự đào tạo và thực hành phù hợp.


Thông thường điều kiện tối thiểu để có thể thực hành tham vấn/trị liệu là cần phải có bằng thạc sĩ trở lên, tuy nhiên thực tế thì việc tốt nghiệp cử nhân thôi cũng gọi là “đủ” điều kiện để đi thực hành rồi.


Cá nhân tôi đánh giá, đối với một ngành nghề liên quan đến sức khỏe tâm thần của con người như tâm lý học thì việc càng trau dồi và chuẩn bị tốt bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Một trong những nơi có sự kiểm soát chặt chẽ nhất về vấn đề giấy phép hành nghề tâm lý là Mĩ.


Tại đây, để có thể trở thành một nhà tham vấn/trị liệu tâm lý, đầu tiên, bạn cần phải có bằng tiến sĩ trở lên. Ngoài ra, bạn cần phải trải qua một số lượng giờ thực hành tối thiểu (sẽ được thảo luận kĩ hơn ở đoạn sau) và phải trải qua bài thi dành cho các nhà tâm lý (EPPP).


Nếu bạn hoàn thành những tiêu chí trên thì xin chúc mừng, bạn được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kì chứng nhận là một nhà tâm lý. Đây mới là chứng nhận, còn tùy vào mỗi bang mà bạn thực hành sẽ yêu cầu thêm những tiêu chí khác nhau tại vì mỗi một bang ở Mĩ có luật khác nhau đòi hỏi một nhà tâm lý phải đáp ứng được ở một mức độ nhất định.


Vậy là câu hỏi “Bạn có phải là một nhà tâm lý học được cấp phép?” có vẻ không hiệu quả, thay vào đó, cơ sở đào tạo và học hàm, học vị có thể là thứ thay thế để bạn hỏi nhà tham vấn của mình “Bạn đã tốt nghiệp ở trường nào?”

Một số cơ sở đào tạo chuyên ngành tâm lý học ở Việt Nam: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); Học viện Quản lí Giáo dục;…(xin lỗi nếu như còn những cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam không được nêu tên ra ở đây do giới hạn về kiến thức của tôi, thành thật xin lỗi). Nêu được tên cơ sở đào tạo là một điều tốt, nhưng cũng phụ thuộc vào bạn trong việc đánh giá chất lượng đào tạo tâm lý học của cơ sở đó.


“Kinh nghiệm thực hành tâm lý của bạn là bao lâu?”, câu hỏi này cũng là một cơ sở vững chắc để bạn đánh giá nhà tâm lý của mình. Ở Việt Nam, cụ thể Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hà Nội) (vì tôi học ở đây), cử nhân chuyên ngành Tâm lý học phải trải qua 100h thực hành trong tiến trình đào tạo, còn Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng phải trải qua 500h thực hành có giám sát trong tiến trình đào tạo (về mặt lí thuyết).


Nói chung thì ít nhất, một người thực hành tham vấn/trị liệu ở Việt Nam có 100h thực hành (bạn nên cân nhắc rằng 100h thực hành đó là 100h thực hành trong tiến trình đào tạo của cử nhân, vậy nên nếu 1 người nói với bạn là anh ta/cô ta đã có kinh nghiệm 100h thực hành thì có thể bạn đang gặp một người mới ra trường, chỉ là có thể thôi).


Câu hỏi 2


Tôi đã cảm thấy (lo lắng, căng thẳng, chán nản, v.v.) và tôi đang gặp vấn đề (với công việc, hôn nhân, ăn, ngủ, v.v.). Bạn có kinh nghiệm gì để giúp người với những loại vấn đề này?


Mọi thứ bây giờ bắt đầu trở nên đặc thù hơn với bạn, thông tin nên đến từ hai phía, việc bạn chia sẻ về các vấn đề của bản thân cũng là một điều tốt để cho nhà tham vấn/trị liệu có thể tự đánh giá bản thân xem mình liệu có phù hợp với bạn. Và ngược lại, việc cân nhắc về kinh nghiệm thực hành của nhà tham vấn/ trị liệu trước những vấn đề của mình là một điều hoàn toàn nên có từ phía bạn.


Câu hỏi 3


Lĩnh vực chuyên môn của bạn là gì?


Hiệp hội Tâm lý học Mĩ có tất cả 56 lĩnh vực chuyên ngành khác nhau (https://www.apa.org/about/division/index) , và mỗi một chuyên môn đều có sự khác biệt của nó với đối tượng và cách làm việc. Và tất nhiên là không một ai có thể là chuyên gia của toàn bộ 56 lĩnh vực chuyên môn đó được, nếu có tôi sẽ rất ngạc nhiên.


Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hà Nội) (vì tôi học ở đây) hiện có đào tạo 4 hướng chuyên ngành bao gồm Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học Quản lý - Kinh doanh.


Dù ở bất cứ đâu khi đã chia ra thành các chuyên ngành cụ thể thì từng chuyên ngành đều có định nghĩa của riêng mình cũng như tính đặc thù của thân chủ mà từng chuyên ngành làm việc cùng.


Riêng về bài viết này như tôi đã nói sẽ chỉ tập trung vào dịch vụ tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý (như đã nói ở trên), tuy nhiên chỉ riêng đó thôi đã có thể chia ra thành nhiều lĩnh vực khác nhau.


Ví dụ, khi so sánh giữa trị liệu cho trẻ em với trị liệu cho người lớn, ngoài điểm giống nhau là việc trị liệu có thể tập trung vào cảm xúc, nhận thức hoặc hành vi, thì trị liệu cho trẻ em còn phải quan tâm đến mức độ tham gia của cha mẹ dựa vào tuổi của trẻ, loại vấn đề mà trẻ đang có, hoặc hướng tiếp cận được sử dụng. Trẻ có thể được trị liệu đồng thời trong nhóm hoặc trị liệu gia đình.


Tuy nhiên cũng không vì thế mà nhầm lẫn tham vấn gia đình là phải luôn có con cái như là một vấn đề, bởi vì nhà tâm lý cũng thường tham vấn cho các thành viên khác của gia đình và cung cấp thông tin, sự hỗ trợ cảm xúc, và sự hướng dẫn thực tiễn cho các vấn đề có thể có trong bối cảnh gia đình ví dụ như việc nuôi dạy con cái bị khuyết tật, lập kế hoạch gia đình, hay lạm dụng chất.


Có thể nói trong tiến trình đào tạo cử nhân tâm lý, một người ít nhiều dù ở bất cứ chuyên ngành nào cũng đã phải học những kiến thức của chuyên ngành khác bởi tất cả đều có sự chia sẻ kiến thức tâm lý học đại cương.


Về khía cạnh thực hành, công bằng mà nói, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”, vậy nên khi một người có vấn đề tâm lý thì đó là sự vấn đề đó không chỉ gói gọn vào “1 vấn đề” mà nó còn ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong đời sống của người đó.


Đó là lí do tại sao tôi muốn nói rằng bất cứ người nào được đào tạo về tâm lý cũng có ít nhiều kinh nghiệm với vấn đề của bạn, nhưng như thế nào là đủ cho bạn, điều đó nằm ở bạn để có thể đánh giá.


Câu hỏi 4


Những loại phương pháp điều trị nào bạn sử dụng, và chúng đã được chứng minh hiệu quả để đối phó với loại vấn đề hoặc vấn đề của tôi?


Trong bài viết này, câu hỏi này đối với tôi là một chủ đề bẫy, nên tôi sẽ không thể chia sẻ quá nhiều về câu hỏi này, một phần vì giới hạn hiểu biết của tôi, một phần vì có rất nhiều phương pháp và hướng tiếp cận khác nhau, và tôi không muốn sa đà vào câu hỏi này. Nhưng tôi cam đoan với bạn, nếu như bạn chọn được phương pháp phù hợp với mình, bạn sẽ có được một tiến trình tham vấn/trị liệu hiệu quả và có ý nghĩa với mình.


Việc tìm hiểu trước cũng tốt, tuy nhiên hãy cẩn thận với những thông tin mà mình có, bởi vì rất có thể một phương pháp mà bạn hiểu sẽ khác với phương pháp đấy mà nhà trị liệu nói với bạn.


Đến cuối thì nhà trị liệu sẽ áp dụng những gì họ đã được đào tạo và thực hành, vậy nên là một điều cần thiết khi bạn đặt ra câu hỏi trên cho nhà tham vấn/ trị liệu của mình. Thông thường sẽ mất 1 buổi để bạn và nhà tham vấn/trị liệu có thể thảo luận chi tiết những thông tin này. Và đó là một điều tốt, việc đầu tư thời gian có thể giúp cho bạn có thêm thông tin để đánh giá tốt hơn sự phù hợp của nhà tham vấn/trị liệu đối với mình.


Câu hỏi 5


Lệ phí của bạn là bao nhiêu? (Phí thường dựa trên phiên 45 phút đến 50 phút) Bạn có chi phí thay thế không (Sliding scale fees)?


Nếu như đã giải quyết xong 4 câu hỏi ở trên, thì đây có lẽ là vấn đề cuối cùng mà bạn cần cân nhắc đến. Thật đáng tiếc là bởi vì chưa có sự quản lí đối với nghề này nên chi phí mà mỗi một nhà tham vấn/trị liệu đặt ra cũng rất là đa dạng.


Tôi sẽ không cung cấp thêm thông tin chi phí bởi vì tôi muốn sự cân nhắc của bạn đối với chi phí dịch vụ tham vấn/trị liệu cũng cần phải phù hợp với tình trạng kinh tế của bản thân.


Những vấn đề tâm lý thì không đợi tình trạng kinh tế của bạn. Đôi khi chi phí của dịch vụ vượt quá khả năng chi trả của bạn, đó là lí do tại sao một số nơi chấp nhận chi phí thay thế (Sliding scale fees), về cơ bản là chi phí có thể được trả bằng các sản phẩm khác tùy vào năng lực chi trả của khách hàng. Chi phí thay thế là một phương án tuyệt vời cho những người có nhu cầu tham vấn/trị liệu nhưng không có khả năng chi trả.


Phía trên là 5 câu hỏi mà bạn có thể hỏi nhà tham vấn/trị liệu của mình. Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn chủ động hơn bằng cách cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích khi tìm đến những dịch vụ tham vấn/trị liệu tâm lý.


Hãy cẩn thận, đừng tự biến mình thành “chuyên gia” , bởi vì chúng ta không phải như vậy, đừng cố hữu với những gì mà mình đã biết, không gì tuyệt hơn là một cuộc trao đổi thẳng thắn và đầy đủ thông tin của bạn và nhà tham vấn/trị liệu của bạn.


Xét cho cùng, chính những thông tin mà nhà tham vấn/trị liệu chia sẻ là cơ sở để bạn có thể đánh giá tiến trình tham vấn/ trị liệu của mình. Tất nhiên là đôi khi mọi thứ không như ý muốn, có thể ngay cả khi cân nhắc cả 5 câu hỏi này, bạn vẫn chưa có được một tiến trình trị liệu/ tham vấn làm mình hài lòng thì đó là lí do tại sao tôi cho thêm ý thứ 6 không phải là câu hỏi mà là lời khẳng định của cá nhân tôi:


Đến cuối cùng: Tất cả đều là trải nghiệm!


Đúng vậy, tất cả đều là trải nghiệm. Đôi khi không nhất thiết phải biết điều đúng mới nhận ra đó là điều đúng, chúng ta vẫn có thể biết những điều sai để rồi hiểu được điều đúng là như thế nào.


Một số người có thể đã có những dịch vụ tham vấn/trị liệu tồi tệ, một số người có thể vẫn chưa tìm được một dịch vụ phù hợp với mình, nhưng đừng để điều đó làm bạn nản lòng hay bất mãn. Mọi trải nghiệm đều đáng quý, bất kể tốt hay xấu, điều quan trọng là bạn học được gì từ những trải nghiệm của mình.


Bài viết này có thể có những chỗ sai sót bởi giới hạn hiểu biết và năng lực của tôi, nếu bạn cảm thấy không hiểu hay muốn góp ý, hãy comment và tôi sẽ cố gắng hết sức để trả lời cho bạn.


Đến cuối cùng, tôi mong rằng bạn có được dịch vụ tham vấn/trị liệu mà bạn cần!


Huy Cá Mập.

Nguồn bài viết được đăng tại: https://www.facebook.com/khamphatamlyhoc/ 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan