Làm sao để kết thúc mối quan hệ một cách êm đẹp?

Nói ra lời chia tay thực sự là một việc khó khăn vì sau đó bạn sẽ còn rất nhiều chuyện phải giải quyết. Bạn sẽ phải cân nhắc xem làm thế nào để cả bạn và người đó không bị tổn thương? Làm thế nào để cân bằng lại cuộc sống của mình sau khi chia tay? Và đây là một vài bước mà bạn có thể áp dụng.

Dù trong lời bài hát hay là kinh nghiệm thực tế đều cho chúng ta thấy rằng chia tay là một điều không hề dễ dàng. Ngay cả khi đó là quyết định đúng đắn, bạn vẫn có thể có thể cảm thấy mình đã sai. Buông bỏ một người quan trọng với bạn có nghĩa là xóa bỏ sự tồn tại đầy ý nghĩa của ai đó trong cuộc sống của bạn hay thậm chí là bạn phải buông bỏ cả những người bạn cùng chung sở thích hay những địa điểm mà cả hai đã từng đến. Bạn cũng từ bỏ hy vọng rằng mối quan hệ đó có thể trở nên tốt hơn. Đó thực sự là khoảng thời gian buồn bã, hỗn độn, gây bối rối và đau lòng cho cả hai. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện vài bước sau để xoa dịu được phần nào nỗi đau đó!

Đừng trì hoãn.

Sẽ không có thời điểm nào là tốt để chia tay. Bạn càng trì hoãn lâu thì càng có nhiều khả năng bạn sẽ hành động một cách rủi ro hơn. Bởi vì tâm trí của bạn đã rời khỏi mối quan hệ, nên các hành động của bạn cũng sẽ dần theo xu hướng đó. Bạn có thể nhận thấy rằng mình đang dành nhiều thời gian ở một mình hơn, bắt đầu những mối quan hệ mới hoặc nói những điều không tốt đẹp. Những hành vi này có thể ngụ ý rằng cuộc chia tay là điều không mong muốn đối với bạn và bạn hoàn toàn không phải là người dàn xếp nó. Tình trạng này rất phổ biến nhưng thường nó sẽ khiến bạn trượt dài trong quá khứ. Hãy trung thực với bản thân và người yêu của bạn. Hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện thực sự chín chắn và tôn trọng lẫn nhau.

Nên làm thế nào?

Bình tĩnh lại và suy nghĩ thông suốt xem khi nào và bằng cách nào bạn và cả người ấy đều lạnh nhạt và quay lưng lại với nhau. Bạn có thể cảm thấy mâu thuẫn với điều tôi nói trước đó. Mặc dù không có thời điểm thích hợp để chia tay, nhưng chắc chắn có những thời điểm làm điều đó khủng khiếp hơn. Hãy gặp mặt trực tiếp ở một nơi riêng tư. Hãy quan tâm đến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người đó. Có lẽ bạn không nên chia tay họ chỉ vài giờ trước một cuộc phỏng vấn xin việc hoặc một cuộc họp quan trọng. Khi bạn dành thời gian để chuẩn bị cho điều đó, hãy mô tả trước ý định của bạn cho buổi trò chuyện ấy, ví dụ như: “Em muốn nói chuyện với anh về mối quan hệ của chúng ta. Em nghĩ đã đến lúc chúng ta nên chia tay nhau”. Hãy chuẩn bị cho tất cả các loại phản ứng có thể có khi bạn làm họ cảm thấy mất mát.



Hãy chịu trách nhiệm.

Điều quan trọng ở đây là cả 2 bạn phải cùng cố gắng trong tình huống này. Việc tự chịu trách nhiệm về phần mình trong mối quan hệ sẽ thể hiện sự tôn trọng, trung thực và lòng biết ơn đối với người kia. Hãy cho người đó biết những suy nghĩ của bạn, ví dụ như “Em bắt đầu coi sự tồn tại của anh là điều hiển nhiên và ngừng nỗ lực vì mối quan hệ này”. Hoặc “Em bắt đầu cảm thấy bực bội và không muốn giải quyết những xung đột hay làm gì đó để giảm bớt sự tức giận đối với anh.” Điều này cũng sẽ khiến người kia cảm thấy họ nên chịu một phần trách nhiệm trong mối quan hệ này. Hãy cho phép họ đặt câu hỏi. Nếu điều này xảy ra như một cú sốc, người đó có thể cần thời gian để cân nhắc về việc kết thúc mối quan hệ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải chịu đựng những lời nói tục tĩu hay lăng mạ. Bạn có quyền tránh xa những điều đó và bảo vệ cảm xúc của mình.

Chú ý đến việc giữ ranh giới giữa hai người.

Ranh giới trong chuyện tình cảm là hết sức cần thiết. Nói một cách dễ hiểu, cả hai người đều cần không gian riêng tư và cảm xúc cá nhân, và ranh giới sẽ giúp cả hai bạn không đi quá giới hạn hay làm tổn thương lẫn nhau. Đối với nhiều cặp đôi, để giữ được ranh giới này, họ quyết định sẽ không gặp lại nhau trong tương lai. Tuy nhiên đôi khi các bạn vẫn có thể vô tình chạm mặt. Bạn sẽ cần quyết định xem nên xử lý thế nào với bạn bè chung của cả hai và những địa điểm mà hai người có thể gặp nhau. Ví dụ: bạn có thể đề nghị chuyển phòng tập thể dục nếu cả hai bạn đang trong cùng một lớp. Hãy ưu tiên nhu cần của bản thân nhưng cũng cần phải linh hoạt.

Chơi đẹp.

Việc kiên nhẫn trong suốt quá trình kết thúc một mối quan hệ cũng hết sức quan trọng. Thậm chí, bạn có thể coi đây là thời gian để tìm hiểu thêm về người kia. Bạn có thể đề cập đến chuyện chia tay này một cách tế nhị và thành thật với bạn của mình, rằng bạn đang muốn chia tay. Cho dù người đó giải quyết việc chia tay như thế nào thì bạn cũng đừng nên đánh mất sự trung thực của mình. Bạn có thể sẽ muốn cư xử một cách tồi tệ vì cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc tội lỗi. Hay nếu bạn thấy mình chưa được lắng nghe, bạn cũng có thể bị hấp dẫn bởi việc tìm kiếm những người có vẻ sẽ lắng nghe câu chuyện ​​của bạn. Tuy nhiên, hãy giữ những mớ hỗn độn này tránh xa các mạng xã hội!



Tái kết nối.

Một trong những lý do chính khiến bạn chia tay với người đó có thể là thiếu sự hòa hợp ở một số khía cạnh. Có lẽ bạn đã không kết nối về mặt tinh thần hoặc tình cảm; hoặc anh ấy nghiêng về thế giới nội tâm, trong khi bạn lại là người hướng ngoại. Bạn có thể muốn đầu tư thời gian vào việc hình thành sở thích, xây dựng sự tự tin và giá trị độc lập của bản thân với một mối quan hệ lãng mạn nào đó. Việc học cách kết nối lại với bản thân trong thời gian này có thể là một khía cạnh quan trọng của việc chữa lành. Ví dụ, hãy liên lạc với những người bạn mà bạn đã lâu không gặp, dành nhiều thời gian hơn cho các mục tiêu nghề nghiệp, khám phá thế giới tâm hồn của bản thân,…

Rèn luyện lòng trắc ẩn.

Trong khi bạn đang kết nối lại với cộng đồng của mình, đây cũng là lúc để kết nối lại với một phiên bản tốt hơn, thanh lịch hơn của bản thân. Lòng trắc ẩn có thể là chiếc bè cứu sinh giúp bạn vượt qua biển cảm xúc khó lường này. Lòng yêu thương hay metta (lòng nhân từ, hảo tâm), xuất phát từ truyền thống Phật giáo là nuôi dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương đối với chúng sinh. Ai cũng có thể thực hành điều này, bất kể tín ngưỡng tôn giáo và niềm tin tâm linh của bạn. Để rèn luyện lòng nhân từ, bạn chỉ cần cầu chúc cho bản thân và những người xung quanh: sức khỏe, hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Bạn có thể bắt đầu với những người mà bạn cực kỳ quan tâm và dần dần mở rộng đến những người giống như “người đó” - những người đem lại cho bạn cảm xúc lẫn lộn. Điều quan trọng không kém là hãy hướng lòng trắc ẩn vào bản thân để bạn có được sự tử tế và yêu thương bản thân.

Tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn.

Mặc dù bạn có thể cần một vài ngày để đắm chìm trong một cuốn sách hoặc một bộ phim hay, nhưng việc tăng cường hoạt động xã hội sẽ giúp giảm cảm giác cô đơn, trống rỗng và lo âu. Hãy lưu ý đến các loại hoạt động mà bạn tham gia - bạn có thể cần giữ khoảng cách đối với các tình huống kích thích cảm xúc như lễ đưa dâu hoặc chịu đựng việc trở thành mục tiêu công kích. Tuy nhiên, hãy tiếp cận với cả những người bạn cũ và mới để tham gia vào các hoạt động thú vị - có thể là một bộ môn thể thao hay sở thích nào đó - tốt nhất là bất cứ điều gì đó hoàn toàn thu hút bạn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đừng vội vàng trong việc chữa lành.

Khi một mối quan hệ kết thúc, cảm giác cô đơn và hoài nghi là điều hết sức bình thường. Việc xa cách với những người bạn yêu thương thường dẫn đến những cảm xúc đau buồn. Có người nhầm lẫn những trạng thái cảm xúc này với dấu hiệu cho thấy rằng họ đã quyết định sai lầm. Và nhiều người sau đó sẽ nhen nhóm những mối quan hệ tạm bợ chỉ vì cảm thấy cô đơn và bấp bênh. 


Đừng để điều này đánh lừa bạn! Việc bạn sẽ trải qua tất cả các loại cảm xúc tiêu cực là một phần của quá trình chữa lành. Vì vậy, hãy bước qua chúng – đừng mãi quanh quẩn với những cảm xúc khó chịu. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn với bạn bè và gia đình - những người giàu lòng nhân ái và biết lắng nghe. Về lâu dài, nó sẽ dần xoa dịu nỗi đau trong lòng bạn. Khoảng thời gian bạn cần để giải quyết ổn thoả việc chia tay và thực sự bước qua mối quan hệ đó có thể khá lâu nhưng đừng chỉ trích nó. Hãy cứ dành bao nhiêu thời gian tuỳ thích. Việc phán xét chỉ làm bạn đau đớn hơn mà thôi. Dựa vào những người thân yêu và nếu bạn cần hỗ trợ thêm, hãy cân nhắc việc bắt đầu trị liệu để có một không gian chữa lành an toàn và không có sự bình phẩm.


-------------

Dịch bởi: Boba

Biên tập: Ori

Ảnh: Pexels

Tham khảo:

Amy Vigliotti, Ph.D (2019), Breaking Up Better [Online] Available at: <https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-now/201908/breaking-better> [Accessed 15 September 2021]

-------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan