Làm sao để sống trọn vẹn với hiện tại và những điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không làm như thế?

Nghiên cứu đã cho thấy rằng hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian để nghĩ về quá khứ và tương lai, lượng thời gian ít ỏi còn lại mới dành cho hiện tại.

Trong cuộc sống, thật dễ dàng để cảm thấy bị choáng ngợp. Việc cần làm thì luôn quá nhiều so với quỹ thời gian và sức lực của bản thân. Điều đó khiến bạn cảm thấy như mình bị nhấn chìm bởi sự bận rộn. Bạn cố gắng tập trung vào một việc nhưng lại bị cuốn đi bởi suy nghĩ về việc sẽ xảy ra trong tương lai – hay những việc không mong muốn đã xảy ra trong quá khứ.

 

Nghe có quen không?

 

Giả sử có một ứng dụng điện thoại thống kê lại 3 chỉ số sau:

 

1.  Lượng thời gian bạn dành để nghĩ về tương lai 

2.  Lượng thời gian bạn dành cho những suy nghĩ về quá khứ

3.  Lượng thời gian bạn dành để nghĩ cho hiện tại

 

Kết quả mà bạn nhận được sẽ như thế nào?

 

Nghiên cứu đã cho thấy rằng hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian để nghĩ về quá khứ và tương lai, lượng thời gian ít ỏi còn lại mới dành cho hiện tại. Và điều đáng nói ở đây là: Để tạo ra tác động đến cuộc sống, ta phải tập trung năng lượng cho những việc ở hiện tại. Nếu năng lượng của chúng ta bị phân tán quá nhiều cho quá khứ hay tương lai, thì hiện tại sẽ chẳng có bao nhiêu.


Hiện tại là nơi duy nhất ta có thể tạo ra thay đổi.

 

Giá trị của sự Tập trung

 

Khi tôi còn nhỏ, bố tôi từng dắt tôi ra vườn với một chiếc kính lúp trên tay. Ông nhờ tôi tìm một chiếc lá khô cằn rụng từ cây nho trong vườn. Rồi sau đó ông bảo tôi hãy dùng chiếc kính lúp để hội tụ ánh sáng chiếu vào chiếc lá.

 

“Gần xíu nữa…Gần thêm xíu nữa…” ông bảo tôi. Mỗi khi tôi đưa kính gần hơn, vòng tròn sáng trên chiếc lá trở nên nhỏ lại. “Hãy làm nó nhỏ hết mức có thể”. Không lâu sau, ánh sáng trên chiếc lá nhỏ đến mức chỉ còn là một chấm tròn – và ngay lập tức, ánh nắng đã khoét một lỗ trên chiếc lá và khói bốc lên.

 

Tôi rất hào hứng. Tôi nghĩ: “Mình đứng dưới nắng cả buổi mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu mình tập trung ánh nắng lại, mình có thể khiến mọi vật bốc cháy”. Và thế là tôi chạy quanh vườn thử đốt bất kỳ thứ gì lọt vào tầm mắt mình – những cành cây khô nhỏ, cốc giấy, vỏ cây, em gái tôi,…

 

Vào lúc đó, nó chỉ là một trò vui. Nhưng bài học mà sau này tôi nghiệm ra đã theo tôi suốt cuộc đời:

Những điều tuyệt vời sẽ xảy ra nếu bạn đủ tập trung.

 

Hai thứ cướp đi sự tập trung của bạn

 

Điều gì khiến ta không thể tập trung? 

Ngày nay, có rất nhiều thứ có thể khiến ta sao lãng. Nhưng trong số đó có hai thủ phạm đáng chú ý hơn tất cả số còn lại:

1.  Quá khứ

2.  Tương lai


Chúng rất nguy hiểm vì chúng kéo ta ra khỏi hiện tại mà ta đang sống – nơi duy nhất ta có thể làm bất cứ điều gì. Chúng ta không thể làm gì trong quá khứ nữa, vì nó đã qua rồi.

Chúng ta cũng chẳng thể hành động trong tương lai, vì ta nào đã đặt chân đến đâu.

Vì thế, nơi duy nhất mà ta có thể tác động đến cuộc đời chính là hiện tại. Càng ít tập trung vào hiện tại, hiệu quả hoạt động của ta càng thấp.

 

Mối nguy từ Quá khứ

 

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng nếu mình có thể sống lại từ đầu, ta sẽ sống hoàn toàn khác:

·    Ta sẽ đầu tư nhiều hơn

·    Ta sẽ ăn uống lành mạnh hơn

·    Ta sẽ tập luyện thể thao đều đặn hơn

·    Ta sẽ bắt đầu những việc quan trọng của đời mình sớm hơn

·    Ta sẽ đối xử tốt hơn với những người quan trọng của mình

 

Thực tế, dù điều đó có xảy ra, chúng ta cũng chẳng thể thay đổi được gì, ta sẽ không hành động khác đi – bởi vì chúng ta đã không biết những thứ mà bây giờ ta mới biết. Chỉ trong những chiêm nghiệm về những việc đã qua, ta mới thấy mình đã sai ở đâu. Còn lúc ấy, ta không có đủ trải nghiệm cuộc sống để có thể định hướng những quyết định một cách đúng đắn.

 

Nhìn lại và tiếc nuối “Giá như…” thì rất dễ…

 

Buông tay khỏi quá khứ là điều khó khăn

 

Bất cứ khi nào dành thời gian để đắm chìm trong suy nghĩ về những lựa chọn đã thực hiện trong quá khứ, ta đã đánh mất cơ hội hành động. Dĩ nhiên là quá khứ có thể có tác động tích cực tới hiện tại, như khi ta xin lỗi một người bạn vì những lời khó nghe đã trót nói ngày hôm qua. Nhưng sống trong quá khứ có nghĩa là sống trong hối tiếc.


Khi ta chọn sống trong quá khứ, nó không còn là quá khứ nữa. Nó trở thành hiện tại của ta, bởi vì con người ta đang ở đó.

Chúng ta có thể học từ quá khứ, nhưng không nên sống trong đó.

Nó sẽ chỉ đưa ta đến với nuối tiếc và hối hận.

 

(Hãy nhớ rằng, chúng ta chỉ đang nói về những lựa chọn của bản thân trong quá khứ - ta không nói đến những việc người khác đã làm với ta hay những hoàn cảnh mà ta không thể kiểm soát được. Những sang chấn tâm lý có nguồn gốc sâu xa trong quá khứ có thể khiến ta khó bước tiếp trong cuộc sống, và trong trường hợp này thì cần có sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.)

 


Mối nguy hiểm mang tên Tương lai


Sống trong tương lai cũng cướp đi khả năng tác động đến hiện tại của ta. Nó được thực hiện bởi hai hình thức: Mơ mộng và Lo lắng.

 

Mơ mộng

 

Vài năm trước, một chương trình marketing nổi tiếng đã kêu gọi những thành viên tham gia xem tạp chí và cắt ra những tấm hình về những thứ mà họ muốn sở hữu nếu có rất nhiều tiền, sau đó dán chúng lên cửa tủ lạnh. Ý tưởng chính là nếu ta nhìn những thứ đó nhiều lần, ta sẽ có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn để đạt được chúng.

 

Trong nhiều trường hợp thì nó không hề hiệu quả. Nó nhấn mạnh kết quả, nhưng lại không nhấn mạnh nỗ lực cần thực hiện để đạt được kết quả đó. Dần dần, các thành viên thậm chí còn nản chí hơn, vì họ không thấy có tiến triển gì.

 

Có mục tiêu là điều tốt, vì chúng cho ta định hướng. Một khi đã có mục tiêu, việc thỉnh thoảng nhìn lại nó có thể giúp ta đánh giá và điều chỉnh hướng hành động nếu cần. Nhưng nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào những mục tiêu trong tương lai đó, ta sẽ chẳng thể tập trung vào hành động trong hiện tại để đạt được mục tiêu.

 

Lo lắng

 

Sự lo lắng làm đóng băng hành động. Đó là khi ta vừa nảy ra một ý tưởng thì trí não liền lập tức thách thức nó:

“Cách đó không có hiệu quả đâu”

“Mày nghĩ mày là ai chứ?”

“Làm vậy sẽ có rất nhiều rủi ro, ví dụ như…”

Chúng ta sợ thất bại, vì vậy ta chẳng dám hành động cho đến khi con đường đi đến thành công đã được trải sẵn trước mắt.

 

Đây cũng là vấn đề mà bản thân tôi hay gặp phải. Tôi nghĩ ra được hàng ngàn ý tưởng, nhưng giọng nói chỉ trích đó xuất hiện rất nhanh và rõ mồn một. Giờ tôi thường nghĩ nếu những lúc đó mà mình có thể lờ chúng đi thì mình có thể đã đạt được những thành tựu gì. Như một câu nói của Wayne Dyer: “Người ta thường ít khi nuối tiếc về những việc mình đã làm. Chính những việc đã không làm mới là thứ hành hạ tinh thần ta nhiều hơn cả.”

 

Chúng ta có thể lựa chọn không nghe giọng nói bên trong nếu muốn

 

Pastor Max Lucado đã nói: “Bạn sẽ gặt hái được những gì bạn nuôi dưỡng”. Đây là mô tả của ông ấy từ cuốn sách Anxious for Nothing (tạm dịch: Lo âu không nguyên do)

 

“Bạn không thể chọn ngày sinh hay nơi sinh cho mình. Bạn không thể chọn cha mẹ hoặc anh chị em. Bạn cũng không quyết định được thời tiết hay lượng muối trong biển. Có rất nhiều thứ trong đời bạn không có quyền lựa chọn. Nhưng hành động vĩ đại nhất trong cuộc sống lại nằm trong quyền kiểm soát của bạn. Bạn có thể quyết định suy nghĩ của mình.

 

Bạn là người kiểm soát không lưu trong sân bay tưởng tượng của mình. Bạn nắm quyền điều hành trạm điều khiển và có khả năng điều hòa những chuyến bay trong thế giới tưởng tượng đó. Những suy nghĩ của bạn như những chiếc máy bay lượn vòng trên bầu trời, cứ đến rồi đi. Nếu một trong số chúng hạ cánh, thì đó là bởi sự cho phép của bạn. Nếu một chiếc nào đó phải rời sân bay, thì đó là vì mệnh lệnh của bạn. Bạn có thể điều hướng những luồng suy nghĩ của mình như cách ấy.“

 

Mơ mộng là việc ta tập trung vào những thứ sẽ đi đúng hướng mình mong muốn. Còn lo lắng là việc ta tập trung vào những khả năng xấu có thể xảy ra.

 

Lựa chọn sống trong hiện tại

 

Bạn dành nhiều thời gian để lo nghĩ về tương lai, hay nuối tiếc quá khứ nhiều hơn? Cả hai thứ đó đều có thể là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cho hiện tại. Tương lai giúp ta định hướng. Còn quá khứ giúp ta điều hướng tiến trình hiện tại. Nhưng nơi duy nhất mọi thứ diễn ra là hiện tại. Những hành động mà ta làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai, và phần nào cứu vãn quá khứ. Dưới đây là một số việc đơn giản bạn có thể thử ngay hôm nay để thực hành việc sống trong hiện tại:

·    Chuẩn bị một cuốn sổ hay tờ giấy, hay một mục ghi chú trong điện thoại.

·    Ghi lại những gì bạn suy nghĩ trong suốt một ngày. Đặt báo thức trong điện thoại của bạn để nó báo sau mỗi 15 phút, và ghi lại tất cả những gì bạn đã nghĩ trong khoảng thời gian vừa qua đó. (chỉ thực hiện với một ngày thôi)

·    Vào cuối ngày, đánh dấu những suy nghĩ về quá khứ bằng một màu, và những suy nghĩ về tương lai bằng một màu khác.

·    Liệt kê ra những cảm xúc mà bạn đã có khi đọc lại danh sách những suy nghĩ đó. Lo lắng và căng thẳng thường gắn với việc nghĩ quá nhiều về tương lai, còn hối tiếc và hổ thẹn thường bắt nguồn từ quá nhiều suy nghĩ về quá khứ.

 

Giờ hãy nghĩ, một điều gì từ quá khứ hay tương lai mà bạn có thể buông bỏ, để có thể dành thời gian đó cho hiện tại. Chiếc máy bay nào sẽ không được bạn cho phép hạ cánh nữa?

 

Đừng cố thay đổi tất cả mọi thứ – chỉ một thôi. Hãy cố không nghĩ đến nó trong vài ngày và xem cảm xúc của bạn thay đổi như thế nào. Sau đó, hãy chọn thêm một thứ nữa. Khi bạn có thể tập trung vào hiện tại nhiều hơn, bạn sẽ thấy ảnh hưởng của mình lên cuộc sống của bản thân tăng lên và hiệu quả hoạt động được cải thiện như thế nào.

 

Bạn có cam kết sẽ tạo ra một sự thay đổi cho cuộc sống của mình từ bây giờ không?

Bắt đầu với một bước nhỏ.

Ngay tại đây.

Ngay bây giờ.

 

Hãy chia sẻ về lựa chọn của bạn ở phần bình luận để chúng tôi có thể học hỏi nhiều hơn từ những trải nghiệm của bạn!


Dịch bởi: Lyo

Nguồn: http://www.mikebechtle.com/how-to-live-in-the-present-what-happens-when-you-dont/

---------


Bạn có thể theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

A Crazy Mind: https://www.facebook.com/acrazymindVN/

Viết sáng tạo: https://www.facebook.com/acm.vietsangtao

A Crazy Mind Books - Những trang sách chạm đến tâm hồn: https://www.facebook.com/ACMbook.Healing

BFN Academy - Nghệ thuật chữa lành: https://www.facebook.com/bfn.academy

----

A Crazy Mind – Viết để trưởng thành: http://bit.ly/Group-VDTT

Câu chuyện điên rồ của tôi: https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

------------

Kênh youtube: https://bit.ly/3bBwaLJ

Kênh spotify: http://bit.ly/ACM-spoti

Kênh instagram: https://www.instagram.com/acrazymindvn/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan