LÀM THẾ NÀO ĐỂ CUỘC TRÒ CHUYỆN CỦA BẠN KHÔNG ĐI VÀO NGÕ CỤT?

Những kỹ năng và một vài bí quyết sẽ giúp cho cuộc trò chuyện của bạn trở nên sâu sắc hơn, tránh được những khoảng lặng khó xử và tình huống đi vào ngõ cụt đáng tiếc, bạn đã biết chưa?


Tôi thường gặp khó khăn khi trò chuyện và rất nhiều lần rơi vào những khoảng lặng khó xử. Khi kết bạn với những người có vốn kiến thức rộng về xã hội, tôi đã học được cách để duy trì các cuộc trò chuyện của mình. Trong lần hướng dẫn này, tôi sẽ chỉ cho các bạn cách để duy trì các cuộc hội thoại. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong các tình huống xã hội, kết bạn với mọi người. Sau đây là những cách để duy trì một cuộc trò chuyện:


1. Đặt những câu hỏi mở


Các câu hỏi đóng thường chỉ có hai cách trả lời: có hoặc không.

Ví dụ:

  • Hôm nay cậu ổn chứ?
  • Công việc vẫn tốt chứ?
  • Thời tiết đẹp nhỉ?

Mặt khác, các câu hỏi mở lại khuyến khích những câu trả lời dài hơn.

Ví dụ:

  • Đến hôm nay thì bạn đã làm được gì rồi?
  • Bạn đã làm gì trong công việc hôm nay?
  • Thời tiết mà bạn yêu thích là gì?

Những câu hỏi đóng không phải lúc nào cũng tệ. Nhưng nếu bạn gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng bạn có thể cố gắng đặt một vài câu hỏi mở.

Nếu bạn hỏi ai đó rằng công việc hôm nay của họ là gì , họ chỉ có thể trả lời, “Ồ, vẫn như mọi ngày thôi.”

Đúng là vậy! Khi chúng ta hỏi những câu hỏi như vậy, mọi người thường nghĩ bạn chỉ đang giữ phép lịch sự. (Cũng có thể họ đang bận và không muốn nói chuyện.)


2. Tiếp tục đặt câu hỏi gợi mở


Để cho người khác thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến câu trả lời của họ, hãy gợi ý cho họ những câu hỏi khác Nguyên nhân các cuộc hội thoại kết thúc thường là bởi chúng ta không đủ chân thành và sự quan tâm lẫn nhau.

Ví dụ:

  • Bạn: “Bạn làm gì mấy hôm nay thế?”
  • Họ: “Chủ yếu là làm việc thôi.”
  • Bạn: (tiếp tục) “Công việc hiện ại như thế nào rồi?”
  • Họ: “ Tôi nghĩ nó … (Bạn của bạn thường có xu hướng sẽ đưa ra câu trả lời dài hơn khi bạn đặt câu hỏi tiếp theo và điều này giúp cho cuộc hội thoại tiếp diễn.)”

Tất nhiên, không phải lúc nào đặt câu hỏi liên tục như vậy là tốt, nó sẽ phản tác dụng và khiến bạn như đang tra khảo bạn của bạn.

Giữa những lúc bạn đặt ra câu hỏi, bạn cũng nên chia sẻ đôi chút về bản thân mình. Tôi có một mẹo để khiến cho điều này trở nên hợp lý. Nó được gọi là phương pháp IFR.


3. Cân bằng giữa việc chia sẻ và đặt câu hỏi


Để cân bằng được hai việc chia sẻ và đặt câu hỏi, bạn có thể sử dụng phương pháp IFR.

IFR viết tắt cho:


  1. Inquire - Đặt ra một câu hỏi chân thành.
  2. Follow up - Tiếp tục đặt câu hỏi gợi mở
  3. Relate - chia sẻ điều gì đó về bạn để chia nhỏ các câu hỏi của bạn và giữ cho cuộc trò chuyện trong trạng thái cân bằng.

Ví dụ:

  • Bạn (hỏi chân thành): Kiểu thời tiết cậu thích là gì?
  • Bạn của bạn: Hmm, tôi nghĩ là (độ ẩm) xấp xỉ 65, tôi sẽ không đổ mồ hôi.
  • Bạn (câu hỏi gợi mở): Vậy cuộc sống của LA chắc hẳn là hơi nóng nhỉ?
  • Bạn của bạn: Đúng rồi, tôi sử dụng điều hòa rất nhiều!
  • Bạn (liên hệ bản thân) Tôi thích trời nắng nhưng chỉ riêng vào những ngày nghỉ mà thôi. Những ngày đi làm thì tôi thích thời tiết mát mẻ hơn vì nó khiến tôi có thể suy nghĩ thoải mái hơn.


Bây giờ, bạn có thể lặp đi lặp lại trình tự bằng cách hỏi lại một lần nữa:

Bạn (hỏi): Nắng nóng có làm bạn cảm thấy buồn ngủ không?

Sau khi họ trả lời, bạn có thể suy nghĩ các câu hỏi tiếp theo, liên hệ, và tiếp tục hỏi han. Sau đó hãy xem phương pháp IFR này tạo ra sự cân bằng như thế nào trong các cuộc trò chuyện của chính mình nhé.

“Nhưng làm cách nào để tôi có thể đặt ra những câu hỏi như thế này ngay từ lần đầu tiên gặp nhỉ?”


4. Hình dung đối phương như một dòng thời gian


Để phát triển một cuộc hội thoại, hãy hình dung ra một dòng thời gian. Mục đích của bạn là điền vào chỗ trống. Phần quan trọng là “hiện tại”, đây là điểm tự nhiên để bắt đầu cuộc hội thoại. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu nói về chính thời điểm hiện tại, sau đó làm việc theo cách rà soát dòng thời gian mà bạn đã hình dung trước đó.

Ví dụ:

Các câu hỏi về thời điểm hiện tại:

  • Bạn thích cuộn cá hồi như thế nào?
  • Bạn có biết tên bài hát này không?

Câu hỏi về tương lai gần

  • Bạn đang làm công việc gì?/bạn đang học gì?/Bạn thích nó như thế nào?
  • Bạn sẽ làm gì trong chuyến đi tới ….?
  • Chuyến đi của bạn đến nơi đây như thế nào?

Câu hỏi về tương lai lâu dài

  • Bạn có kế hoạch gì khi đến …. không?
  • Công việc có bận rộn không, bạn có được nghỉ ngơi nhiều không? Bạn có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ tiếp theo của mình không?
  • Nguyên quán của bạn là ở đâu vậy? Sao bạn lại chuyển đi vậy?
  • Nếu không làm việc thì bạn làm gì?

Bằng cách hình dung ra một dòng thời gian trực quan về hiện tại, quá khứ và tương lai của đối phương, bạn sẽ có thể đưa ra các câu hỏi một cách dễ dàng hơn.


5. Tránh hỏi quá nhiều câu hỏi liên tiếp


Tôi đã biên soạn các câu hỏi bên trên thành một list để bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, đó không phải để bạn phỏng vấn đối phương - mà là trò chuyện một cách đơn thuần. Khi đặt những câu hỏi cũng hãy thử chia sẻ về bản thân. Cuộc trò chuyện cũng có thể tiếp diễn theo bất kỳ hướng nào mà không phải lúc nào cũng đi theo dòng thời gian mà bạn đã hình dung sẵn.



6. Quan tâm một cách chân thành


Đừng chỉ hỏi vì mục đích của câu hỏi - hãy hỏi để bạn có thể làm quen với họ!

Đây là cách để bắt đầu một cuộc trò chuyện: thể hiện sự quan tâm chân thành đến mọi người. Khi làm như vậy, họ sẽ có thêm động lực để chia sẻ và phản hồi lại những câu hỏi chân thật về bạn.


7. Tìm ra sợi dây gắn kết để trò chuyện


Để cuộc hội thoại của mình không chỉ dừng lại ở những mẩu chuyện nhỏ, sớm hay muộn bạn cũng cần tìm ra một mối quan tâm chung để nói. Đó cũng là lý do mà tôi đặt câu hỏi hoặc đề cập đến những điều mà tôi nghĩ mọi người có thể quan tâm. Bạn có nghĩ người mà bạn đang trò chuyện có thể đang muốn nói điều gì đó? Văn học, sức khỏe, khoa học, hay nghệ thuật? May mắn thay, chúng ta có thể đưa ra những giả định về những gì ai đó có thể quan tâm và đưa nó vào cuộc trò chuyện của chính mình. Nếu bạn đọc nhiều, bạn có thể nói “Tôi vừa đọc xong cuốn sách tên là Shantaram này. Bạn có đọc nó nhiều không?” Nếu bạn không nhận được phản hồi tích cực, hãy thử hỏi về vấn đề khác hoặc đề cập đến sau đó. Nếu bạn đã đề cập đến sách nhưng người kia có vẻ không quan tâm lắm thì bạn có thể nói “Cuối cùng thì tôi cũng xem Blade Runner.

Cậu có thích khoa học viễn tưởng không?”


Tại sao các điểm chung lại góp phần không nhỏ trong việc duy trì các cuộc trò chuyện? Bởi vì khi trò chuyện với bất kì ai khác, nếu có những điểm chung để cùng nói, bạn sẽ cảm nhận được các kết nối đặc biệt. Cũng chính nhờ điểm này mà bạn có thể thảo luận về các vấn đề mà cả hai đều thích thú thay vì các mẩu chuyện nhỏ.


8. Đối diện với người khác và giao tiếp bằng mắt


Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc không thích bị vây quanh bởi mọi người, bạn có thể nhìn đi nơi khác với người mà bạn đang nói chuyện. Vấn đề là hầu hết mọi người giải thích về điều này một cách hững hờ hoặc không thành thật, có nghĩa là họ không muốn tập trung vào cuộc trò chuyện.Hãy đảm bảo thực hiện các việc sau, để cho thấy rằng bạn đang thực sự lắng nghe, bạn cần chắc chắn rằng:


  • Đối diện với người mình nói chuyện
  • Giao tiếp bằng mắt ngay cả khi người đó đang nói
  • Đưa ra những cái gật đầu hoặc điệu bộ “hmmm”


9. Sử dụng quy tắc FORD


Hãy nói về gia đình (Family), chức vụ (Occupation), sở thích (Recreation), và ước mơ (Dreams). Đây đều là những chủ đề an toàn và có hiệu quả trong hầu hết các tình huống. Đối với tôi, gia đình, nghề nghiệp, sự giải trí là những chủ đề để nói những câu chuyện nhỏ. Các cuộc trò chuyện thực sự gây thú vị là các cuộc trò chuyện về đam mê, sở thích và ước mơ. Nhưng bạn cần bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ cho đến khi mọi người thấy đủ thoải mái để đi sâu hơn các chủ đề thú vị.


10. Tránh bắt chuyện một cách vồn vã


Bất cứ khi nào thấy ai đó rất muốn trò chuyện, họ sẽ tỏ ra có một chút gì đó như là cần sự giúp đỡ. Kết quả là mọi người ngại nói chuyện. Bản thân tôi cũng từng mắc phải sai lầm này. Nhưng bạn sẽ không muốn đi quá xa theo một hướng ngược lại, và sẽ tỏ ra lúng túng.

Hãy cố gắng chủ động, nhưng đừng quá vội vàng. Nếu bạn đang nói chuyện với đồng nghiệp hoặc với ai đó mà bạn gặp rất nhiều lần, bạn không cần phải đặt ra quá nhiều câu hỏi. Bạn có thể đến gần họ và chia sẻ về bản thân trong những ngày tới.

Hãy tỏ ra ấm áp và dễ gần, nhưng hãy chấp nhận rằng việc giao tiếp xã hội và kết bạn cần thời gian. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta mất 50 giờ bên nhau để trở thành bạn bè.


11. Làm quen dần với sự im lặng


Sự im lặng là một phần tất yếu của bất cứ một cuộc trò chuyện nào. Và sự im lặng chỉ trở nên khó xử nếu bạn rơi vào hoảng sợ và khiến cho cuộc trò chuyện trở nên bế tắc. Một người bạn rất hiểu biết về xã hội đã cho tôi biết rằng: Khi sự im lặng trở nên khó xử, điều đó không có nghĩa là chỉ bạn mới là người cần nói. Có lẽ người đối diện cũng cảm thấy những áp lực tương tự. Đôi khi, thay vì áp lực, hãy thoải mái với những khoảng lặng. Nếu bạn duy trì cuộc trò chuyện với sự thoải mái, không chỉ bớt căng thẳng vì cố nghĩ ra điều để nói mà bạn còn giúp cho người kia cảm thấy thư giãn hơn.



12. Trở lại chủ đề đã nói

Các cuộc hội thoại đôi khi không cần nhất thiết phải đi theo một trình tự tuyến tính. Nếu chẳng may đi vào ngõ cụt, bạn có thể chậm lại một chút và nói về điều gì đó mà người khác đã đề cập trong cuộc nói chuyện đó.


Ví dụ nhé:


  • Vậy hãy kể tôi nghe thêm về chuyến đi đến Amsterdam mà cậu đã kết trước đó. Tôi rất muốn nghe cậu kể về những điều cậu đã tận hưởng ở đó.
  • Tớ nghe nói cậu mới bắt đầu học vẽ tranh dầu? Mọi chuyện thế nào rồi?


13. Hãy kể một câu chuyện


Những câu chuyện ngắn gọn và thú vị có thể khiến cho cuộc trò chuyện trở nên sống động hơn và giúp đối phương hiểu về bạn nhiều hơn. Hãy chuẩn bị khoảng 2 hoặc 3 mẩu chuyện nhỏ để kể. Điều đó sẽ giúp cho họ dễ theo dõi và nghĩ rằng bạn là một người dễ hiểu. Nếu ai đó tỏ ra thích các câu chuyện của bạn, lại có chút khiếu hài hước, bạn cũng có thể hỏi họ một vài câu chuyện. Ví dụ nhé, bạn có thể nói, “OK, đấy là một vài khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất của tớ trong năm nay đấy. Giờ đến lượt cậu chia sẻ chút đi.”


14. Luôn cập nhật đầy đủ các thông tin


Hãy dành 10 phút mỗi ngày để lướt qua các tin tức và xu hướng truyền thông trên mạng xã hội, điều đó có thể giúp bạn mở rộng hiểu biết nếu cuộc trò chuyện trở nên bế tắc. Bạn cũng có thể đọc một vài câu chuyện hơi mơ hồ hoặc thú vị. Nếu bạn luôn sẵn thông tin, bạn có thể xây dựng một cuộc chuyện trò nhẹ nhàng hoặc nghiêm túc, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.


15. Hãy cứ nói những gì bạn nghĩ


Kỹ thuật này đôi khi còn được gọi là “buột miệng mà nói”, tức là cứ nói mà chẳng cần suy nghĩ quá nhiều. Khi bạn đang cố gắng nghĩ đến điều gì đó để nói, hãy nói những thứ đầu tiên xảy đến trong đầu (trừ khi nó gây khó chịu). Đừng quá lo lắng về việc nói chuyện một cách dí dỏm. Nếu bạn để ý đến đối phương, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết những điều họ nói đều khá tự nhiên (tức là không cần quá học thuật hay khó hiểu) - điều đó hoàn toàn bình thường. Không phải lúc nào bạn cũng buột miệng nói ra tất cả mọi thứ. Nhưng, coi nó như một bài tập trong một khoảng thời gian có thể giúp bạn suy nghĩ nhẹ nhàng hơn.


16. Hãy xin lời khuyên hoặc sự đề xuất


Xin ai đó lời khuyên về chủ đề họ yêu thích là một cách rất tốt để bắt đầu cuộc trò chuyện về sở thích của họ. Cuộc trò chuyện cũng sẽ trở nên rất thú vị vì bạn nhận được một số những thông tin hữu ích từ họ.

Ví dụ:

“Nhân tiện, tôi nghe nói bạn biết về công nghệ. Tôi cần nâng cấp điện thoại của mình. Bạn có thể giới thiệu cho tôi một vài mô hình tốt không?”

“Có vẻ như cậu thích làm vườn? Cậu có mẹo nào hay đuổi lũ rệp đi không?”


17. Hãy chuẩn bị trước các chủ đề hội thoại


Nếu bạn sắp tham dự một sự kiện và biết rằng những ai sẽ hiện diện ở đó, bạn có thể chuẩn bị trước một vài chủ đề và câu hỏi để trò chuyện.

Lấy ví dụ, nếu bạn đến dự tiệc của một người bạn và biết rằng cậu ấy đã mời rất nhiều người bạn học cũ từng học về y khoa, đây chính là một cơ hội tốt để bạn gặp gỡ các bác sĩ. Bạn có thể chuẩn bị một vài câu hỏi về công việc, họ chọn lựa ngành nghề này như thế nào và điều mà họ yêu thích nhất trong công việc của mình.


18. Đặt mình vào tâm thế của một người chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện


Khi ai đó nói với bạn về một chủ đề hoàn toàn xa lạ với bạn, hãy tận dụng một thực tế rằng bạn chưa có kiến thức nền tảng. Vì thế hãy hỏi họ một số câu hỏi với tư cách một người mới bắt đầu. Những câu hỏi đó có thể khởi đầu cuộc trò chuyện một cách tuyệt vời, người kia sẽ cảm thấy bạn thực sự quan tâm đến sở thích của họ. Những câu hỏi dành cho những người mới bắt đầu bao gồm:


  • Chính xác thì (sở thích hoặc lĩnh vực của họ) liên quan đến những gì?
  • Bạn đã cải thiện (những kỹ năng) như thế nào?
  • Khi mới bắt đầu, mọi người thường cảm thấy khó khăn nhất với điều gì?
  • Điều mà bạn thích nhất trong (sở thích hoặc lĩnh vực) của mình là gì?


19. Luôn lạc quan


Nếu bạn chỉ trích sở thích của người khác, có thể họ sẽ không muốn nói chuyện với bạn, cuộc trò chuyện vì thế sẽ trở nên rất khó xử.

Thay vì phàn nàn, hãy thử những cách sau:

  • Tự mình tìm hiểu lý do người đó lại có sở thích như vậy. Họ có thể sẽ dành sự quan tâm nhiều đến sở thích của mình nhiều hơn bạn nghĩ.
  • Thử tìm ra một điểm chung nào đó. Ví dụ, nếu ai đó nói về sở thích cưỡi ngựa, bạn cảm thấy hơi nhàm chán, bạn có thể mở rộng chủ đề nói bằng cách nói về các môn thể thao ngoài trời. Từ đó, bạn có thể nói về tự nhiên, thể hình, hoặc cả các vấn đề về môi trường.


10. Phản hồi các câu hỏi


Nếu ai đó hỏi bạn, điều đó nghĩa là họ cũng rất mở lòng khi nói về một chủ đề chung.

Ví dụ:

Họ: Bạn thích làm gì vào cuối tuần?

Bạn: Tôi thường đi chơi với bạn bè vào mỗi thứ sáu, chơi board game. Thi thoảng một vài đứa sẽ đi bộ hoặc xem phim vào thứ bảy. Thời gian còn lại thì tôi đọc sách, dành thời gian cho gia đình hoặc thử các công thức nấu ăn mới. Còn bạn thì sao?


21. Tìm cảm hứng từ xung quanh


Hãy vừa quan sát vừa đặt câu hỏi. Ví dụ, nếu bạn đang nói chuyện với ai đó trong đám cưới, bạn có thể nói “Đây thực sự là một địa điểm tuyệt vời để tổ chức đám cưới! Làm sao cậu quen cô dâu chú rể vậy?”


Ngay cả bạn đang ở trong một không gian tối giản bạn cũng có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện. Ví dụ, giả sử bạn đang ở trong một hội trường chỉ toàn màu trắng, và bạn đang rất tẻ nhạt chờ cuộc họp diễn ra.

Bạn có thể nói, “Tôi nghĩ rằng đôi khi các phòng họp cần trở nên thú vị hơn một chút. Nếu là tôi, tôi sẽ đặt một chiếc sofa ở chỗ này, hay một chiếc máy pha cafe,... chắc chắn sẽ tạo nên một không gian tuyệt đấy chứ”. Điều này có thể tạo nên một cuộc thảo luận về thiết kế nội thất, cafe, đồ đạc hoặc chính không gian làm việc nói chung.


22. Đưa ra các giả định và kiểm tra chúng


Ví dụ, nếu bạn đang nói chuyện với một người đam mê về xe cộ, hãy hỏi họ về xe cộ hoặc cách thức đi lại. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tiến thêm bước nữa. Hãy hỏi chính mình “Sở thích của họ cho thấy họ là người như thế nào? Họ có thích những gì khác không?”


Trong trường hợp này, bạn có thể đoán rằng ai đó rất thích đi xe, hoặc cũng có thể thích:

  • Các chuyến đi/ du lịch
  • Thể thao mạo hiểm/ tiêu tốn năng lượng
  • Các khía cạnh khác của văn hóa lái xe ngoài việc cưỡi ngựa, ví dụ như xăm mình

Bạn không cần phải hỏi họ những câu hỏi trực tiếp về chủ đề này. Bạn có thể lồng ghép chúng vào cuộc trò chuyện một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.


Thay vì nói, “cậu có hình xăm nào trên người không?”, hoặc “Cậu thích xe cộ, vậy chắc cậu cũng thích xăm mình nhỉ?”, bạn có thể nói về những hình xăm bạn muốn sở hữu hoặc một hình xăm thú vị nào đó mà bạn đã từng nhìn thấy. Nếu giả định của bạn đúng, họ sẽ vui vẻ tiếp tục nói chuyện về chủ đề này.



  • Cách duy trì cuộc trò chuyện trực tuyến

Hầu hết các mẹo bên trên cũng có thể áp dụng khi bạn chuyện trò online. Dù gặp trực tiếp hay qua mạng, bạn đều muốn có một cuộc trò chuyện cân bằng đôi bên, khám phá những điểm chung và tìm hiểu nhau hơn nữa.

Sau đây là các mẹo bổ sung cho các cuộc trò chuyện trực tuyến:


  • Sử dụng hình ảnh, bài hát và các liên kết để làm luận điểm

Gửi cho họ một bức ảnh về điều gì đó bất thường hoặc hài hước mà bạn nhìn thấy, một bài hát bạn thích hoặc một đường link đến một bài báo khiến bạn liên tưởng đến họ. Nói họ nghe những gì bạn nghĩ về nó rồi hỏi ý kiến của họ.


  • Chia sẻ một hoạt động trực tuyến

Các hoạt động được chia sẻ có thể khơi mào một cuộc trò chuyện trực tiếp cũng như qua mạng. Ví dụ, bạn có thể xem một bộ phim cùng nhau, tham quan một viện bảo tàng online, hoặc cùng nhau nghe một list nhạc nào đó.


  • Đề xuất cuộc gọi hoặc video

Một số người cảm thấy khó thể hiện bản thân qua tin nhắn nhưng lại giỏi trò chuyện thẳng mặt. Nếu bạn thích nói chuyện với ai đó trên mạng, nhưng cuộc trò chuyện giữa các bạn lại có đôi chút ngại ngùng, hãy hỏi họ xem họ có sẵn lòng khi trò chuyện qua điện thoại hay video không nhé.

-----------------

Dịch bởi bluewhale52

Biên tập: Ori

Ảnh: burst.shopify

Tham khảo:

David Morin (2020). How to keep a conversation going

Available at:

<https://socialpronow.com/blog/the-5-best-ways-to-keep-a-conversation-going> [Accessed at 6th August 2021]



BẢN THẢO
Bài viết liên quan