Làm thế nào để giao tiếp khi ở trong một tập thể (hoặc tham gia vào cuộc hội thoại nhóm) ?

Chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng hoặc tất cả chúng ta sẽ cùng chết hoặc chúng ta sẽ phải học cách sống cùng nhau, và nếu chúng ta sống cùng nhau, chúng ta phải nói chuyện.


“Tôi rất thoải mái khi nói chuyện cùng một người bạn, nhưng mỗi khi tôi cố gắng tham gia vào một cuộc họp hay cuộc thảo luận nhóm nào đó, thì tôi không tài nào có thể nói được một lời nào, nói cách khác thì tôi không thể “hòa mình” vào để cùng mọi người trò chuyện. Giờ tôi phải làm sao để có thể tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm mà không gây phiền nhiễu, khó chịu, hay làm cắt ngang lời nói của mọi người hoặc tôi có thể vô tư thảo luận vấn đề với ai đó mà không sợ gì cả?”


Những người hướng ngoại có lợi thế là họ rất tự tin vào bản thân và họ có thể nói chuyện theo bản năng, những câu từ của họ cũng nghe vô cùng tự nhiên, nên trong bất kỳ hội nhóm nào họ chẳng bao giờ ngại nói những gì họ muốn. Nếu bạn là người nhút nhát, ít nói hoặc dè dặt, việc khơi mào cuộc trò chuyện chỉ với một người còn là cả thử thách lớn của bạn, chứ đừng nói đến chuyện tham gia cuộc trò chuyện nhóm có rất nhiều người. Mặc dù việc chủ động nói chuyện có thể đòi hỏi bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, nhưng thật sự nếu bạn có thể vận dụng kĩ năng này tốt thì nó sẽ là công cụ tuyệt vời cho bạn trong công việc cũng như cuộc sống, và ngay cả trong các đại hội lớn.


Nếu bạn không biết làm thế nào để sôi nổi trong một hội nhóm, hoặc làm thế nào để nói chuyện nhiều hơn hoặc phải nói những gì cho hợp lý để mọi người đều hiểu, thì bài viết này là dành cho bạn. Bạn sẽ được khám phá các quy tắc bất thành văn của cuộc trò chuyện nhóm và các mẹo để được tham gia đã được đưa vào bài viết này


Có phải bạn cảm thấy mình bị cô lập khi đứng giữa nhiều người?


Có thể bạn đang vô tình khép mình lại để tránh xa những cuộc thảo luận nhóm. Khi mọi người cảm thấy lo lắng hoặc bất an, họ thường giữ mình trong một 'phạm vi an toàn', hoặc đứng bất động ở một góc nào đó né tránh mọi thứ để bản thân không cảm thấy xấu hổ khi nói sai và càng không muốn gây chú ý về sự tồn tại của mình. Thói quen tạo một lớp bảo vệ xung quanh mình, có thể làm mọi việc trầm trọng thêm, bạn sẽ càng lo lắng và sợ hãi nhiều hơn, và lớp bọc đó sẽ càng khiến năng lực thực sự của bạn bị kìm hãm. Cứ tiếp tục như thế, miệng bạn có thể sẽ bị “đóng băng” mãi mãi, và bạn có biết những hạn chế không cần thiết đó đang ngăn bạn tham gia thảo luận với các thành viên trong nhóm, bạn có thể bị “tẩy chay” bất cứ lúc nào.


Bạn sẽ trở thành người ngoài cuộc trong các cuộc trò chuyện nhóm nếu như bạn mắc phải những lỗi sau:

  • Không dám ngắt lời người khác
  • Không dám bày tỏ quan điểm cá nhân
  • Phải cẩn trọng trong từng lời nói
  • Không dám phản đối với mọi người
  • Giữ khoảng cách
  • Đến muộn và về sớm
  • Quá sôi nổi hoặc nhiệt tình
  • Đừng nói trừ khi bạn được nói chuyện với
  • Được hiện diện nhưng không được lắng nghe
  • Giữ cảm xúc của bạn



Cách giao tiếp phù hợp trong một hội nhóm


Sẽ có nhiều lúc bạn cảm thấy bị lạc lõng hoặc cảm thấy mọi người quên mất sự hiện diện của bạn, điều đó thực ra là kết quả của việc bạn không hiểu vị trí mình đang đứng ở đâu, thời điểm nào là thích hợp cho mình, hoặc bản thân mình là ai. Dưới đây là một số cách hiệu quả có thể giúp bạn cảm thấy là một thành viên thực sự trong một nhóm lớn hoặc bất kì một nhóm nhỏ nào. Bạn có thể sử dụng những kỹ năng này để biết cách nói chuyện trong một nhóm bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người bạn mới gặp.


1. Giới thiệu bản thân với mọi người trong nhóm


Khi lần đầu tiên bước vào một phòng họp hay một cuộc thảo luận nhóm, lưu ý việc đầu tiên bạn phải làm chào hỏi các thành viên khác. Nếu họ đang trò chuyện trong một nhóm, bạn có thể nói điều gì đó cho tất cả họ cùng một lúc như "Xin chào tất cả các bạn!" hoặc "Mọi người ơi, tôi đã bỏ lỡ điều gì à?". Nếu họ đang dở thảo luận với người nào đó, bạn có thể chào hỏi từng người bằng cách đi lại xung quanh để chào hoặc bắt tay rồi hỏi xem mọi người có cần giúp đỡ gì không. Chào hỏi một cách thân thiện sẽ giúp bạn thiết lập một giai điệu tích cực để hòa chung vào không khí của cuộc trò chuyện và khiến mọi người chú ý đến bạn và muốn bạn là một phần trong nhóm của họ.


2. Nói ra càng sớm càng tốt


Bạn càng chờ đợi để được lên tiếng, thì việc làm đó càng trở nên khó khăn hơn. Lời nói đã ra tới trước miệng mà lại phải chờ đợi có thể sẽ khiến bạn lo lắng và thậm chí lời nói đó bạn không còn muốn nói ra nữa. Bạn có thể tránh điều này bằng cách nói cho mọi người biết sớm, trong vòng một hoặc hai phút đầu tiên sau khi nảy ra ý tưởng trong đầu. Điều này tạo ra động lực, khiến bạn có nhiều cơ hội tiếp tục phát biểu và đóng góp trong cuộc thảo luận. Nếu bạn không chắc chắn lời nói của mình sẽ được chú ý lắng nghe trong một đám đông hay không, chiến thuật tốt nhất là hãy phát âm rõ ràng và giọng nói của bạn phải to.


3. Hãy là người biết lắng nghe


Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng khi tham gia vào bất kỳ hội nhóm nào chỉ cần phát biểu, nêu ý kiến cá nhân là được, nhưng bạn có biết việc chú ý lắng quan điểm của người khác cũng quan trọng không kém. Biết lắng nghe có nghĩa là bạn nên dành hoàn toàn tâm trí của mình để tập trung vào những điều người khác đang nói, và bạn cũng có thể bày tỏ sự quan tâm đó bằng cách dõi theo ánh mắt của đối phương, gật nhẹ đầu như thể bạn đang đồng tình với những điều họ nói, mỉm cười và lặp lại những luận điểm bạn nghĩ nó quan trọng với chủ đề mà họ đã nói. Bằng cách giao tiếp như thế, bạn sẽ có thể cảm thấy bớt khó chịu và tự ti hơn là co ro vào một góc chờ người khác để ý tới mình.


4. Dành lời khen cho đối phương


Một cách khác để đưa bạn vào cuộc trò chuyện nhóm là đưa ra động viên “ngầm” hoặc tỏ ý đồng tình với người nói bằng cách giao tiếp bằng mắt, gật nhẹ đầu, mỉm cười hoặc sử dụng những hồi đáp kiểu như: “có” hoặc “uh-huh” để họ cảm thấy tự tin về phần trình bày của họ. Những người nhận được kiểu động viên hoặc hỗ trợ như thế, thường có xu hướng sẽ đến nói chuyện trực tiếp với bạn hoặc cho bạn cơ hội để nói chuyện.


5. Mở rộng chủ đề đang nói 


Khi bạn gia nhập một cuộc trò chuyện lần đầu, việc tốt hơn hết là bạn nên mở rộng vấn đề bàn luận dựa trên chủ đề mà mọi người trong nhóm đang hướng tới thay vì thay đổi chúng. Khi chuyển đổi chủ đề quá nhanh có thể làm các thành viên khác trong nhóm “bị dọa” tới mức “ngộp thở”. Đừng làm như vậy, hãy cân nhắc việc chú ý đến những gì đang được trình bày và cố gắng tìm cách kết nối với nội dung cuộc trò chuyện đang diễn ra. Ví dụ: nếu họ đang nói về một trận đấu bóng rổ, hãy hỏi "Ai đã thắng?" hoặc "Đó là một trận đấu gay cấn đấy."



6. Nếu cần, hãy lịch sự ngắt lời


Đôi khi, bạn sẽ không thể bày tỏ ý kiến bằng cách bất chấp “cạnh tranh” với lời nói của người khác, trừ khi bạn cố tình muốn làm đứt mạch cảm xúc của họ. Nếu bạn không có cơ hội để nói, bạn có thể ngắt lời, miễn là bạn làm điều đó một cách lịch sự. Ví dụ: câu nói như "Tôi chỉ muốn bổ sung một điều nữa" hoặc "Điều bạn vừa nói khiến tôi nảy ra một ý tưởng", những lời nói như thế vừa đơn giản mà lại hiệu quả khi bạn muốn đóng góp ý kiến cá nhân vào cuộc trò chuyện. Hãy cố gắng nói to và thể hiện giọng nói của bạn thật rõ ràng để mọi người trong phòng có thể nghe thấy bạn.


7. Ra kí hiệu


Cử chỉ phi ngôn ngữ là một phương tiện tuyệt vời trong giao tiếp và ít làm mất thiện cảm hơn so với việc ngắt lời hoặc tự ý lên tiếng. Vì người đang nói có khả năng sẽ nhường lượt cho người khác, hãy thử giơ ngón tay hoặc bàn tay lên trong khi người nói đang nhìn về phía bạn để họ biết bạn có điều gì đó muốn trao đổi. Nếu họ nhận ra tín hiệu đó, họ sẽ đề nghị bạn chờ một chút đến khi họ nói xong. Bạn cũng có thể sử dụng tín hiệu “phi ngôn ngữ” này để chuyển mọi người quay lại chủ đề hiện tại hoặc để chuyển chủ đề khác. 


8. Tìm kiếm sự đồng tình


Các thành viên trong nhóm không phải lúc nào cũng sẽ có chung một ý kiến, đôi khi họ vẫn có những quan điểm và cách nhìn nhận sự việc khác nhau. Những bất đồng này thường dẫn đến các cuộc mâu thuẫn và đối đầu, vì vậy bạn nên lên tiếng khi đồng ý với ai đó tích cực hơn, chứ đừng tỏ ra quá rõ ràng là bạn không đồng ý với quan điểm của họ. Mọi người gắn kết với nhau nhiều hơn nhờ những điểm tương đồng chứ không phải sự khác biệt, vì vậy tập trung vào điểm chung cũng có thể giúp bạn kết nối với mọi người. Nếu bạn thường cảm thấy bị bỏ rơi khỏi cuộc trò chuyện nhóm, tìm kiếm những ý kiến mà bạn cho là hợp lý và đồng tính với nó có thể là một cách tuyệt vời để hòa nhập.


9. Hoạt động hơn 10% năng lượng


Các hội nhóm luôn hoạt động với một năng suất cao để phát triển tốt hơn, nên sự nhiệt tình có thể giúp bạn tăng năng lượng cho cả nhóm. Niềm đam mê và nhiệt huyết cũng được chứng minh là cách thu hút những người có năng lượng tích cực. Hãy cố gắng hiểu rõ năng lượng của một nhóm và tăng nó lên 10%. Bạn có thể đẩy năng lượng lên cao bằng việc thể hiện trình độ của bạn với niềm đam mê, nhiệt huyết đang cháy trong con người bạn và diễn đạt chúng truyền cảm hơn. Sự nhiệt tình dễ lây lan, vì vậy thể hiện niềm đam mê và năng lượng tích cực là một cách tuyệt vời để tạo ấn tượng lâu dài và đóng góp cho nhóm phát triển.


10. Chú ý đến “dấu hiệu” xung quanh


Điều quan trọng phải nhận ra rằng một nhóm được tạo thành từ nhiều cá nhân, mỗi người đều có những cảm xúc, lo lắng và mối quan tâm riêng. Khi một người có dấu hiệu không thoải mái (tức là tránh giao tiếp bằng mắt hoặc im lặng), quan trọng là các thành viên khác nên cân nhắc điều hướng cuộc trò chuyện theo hướng mới. Hãy nhắm đến những chủ đề có xu hướng thu hút nhiều người trò chuyện và quan tâm hơn, thay vì những chủ đề có vẻ như làm mọi người không biết nói gì, khiến mọi thứ trở nên im lặng hoặc khiến mọi người né tránh. Hiểu rõ hơn các “nhất cử nhất động” những người xung quanh sẽ giúp bạn biết điều gì nên nói và điều gì không nên nói trong nhóm.


11. Hãy luôn là chính mình.


Sống thật với chính mình là điều cần thiết để có sự tự tin và chỉ có cách này mới có thể xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa. Mặc dù bạn hoàn toàn được phép chấp thuận những nhận xét của mọi người và biến mình thành một con tắc kè hoa làm những chuyện màu mè cho mọi người chiêm ngưỡng, nhưng khi làm như vậy bạn sẽ ngăn cản người khác biết đến con người thật của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là giao tiếp mà không đề cập đến bản thân, bạn có thể gây cho người đối diện sự dè chừng và không thật lòng đối xử với bạn. Nếu bạn sống đúng với cảm xúc, niềm tin và sở thích của mình thì sẽ dễ dàng tham gia các cuộc nói chuyện nhóm hơn là cảm thấy buộc phải sửa đổi bản thân để phù hợp.


12. Học cách kể chuyện


Kể chuyện là một cách tiếp cận tuyệt vời để truyền đạt nhiều hơn về bản thân mà không làm khán giả của bạn nhàm chán hoặc mất hứng thú. Một câu chuyện hay đều có đoạn mở đầu, đoạn gay cấn tạo “bước ngoặt” để đi đến hồi kết. Nếu bất kì điều gì trong cuộc trò chuyện nhắc bạn về những kỉ niệm vui vẻ, hấp dẫn hoặc kỳ quặc nào đó mà bạn đã từng trải qua cùng với nhóm, hãy cân nhắc việc chia sẻ nó ra để mọi người cùng ôn lại kỉ niệm. Những câu chuyện thường để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí họ và thậm chí nó có thể truyền cảm hứng cho những người khác trong nhóm giao tiếp cởi mở hơn và chia sẻ kinh nghiệm họ từng được trải nghiệm.


13. Thiết lập mối quan hệ cá nhân


Tại một sự kiện xã hội, đừng ngại bắt chuyện với bất kì ai mà bạn cảm thấy có nhiều điểm chung với họ. Nếu thấy một người trông có vẻ như họ đang cảm thấy lạc lõng hoặc đang đứng một mình và cũng có thể họ đang “vật lộn” trong việc tìm đường vào nhóm, hãy đến gần và nói chuyện với họ. Tiếp cận họ và thảo luận với họ có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, kể cả bạn. Nếu bạn là người hướng nội, tìm kiếm một người bạn đồng hành và trò chuyện cùng mình cũng giúp bạn cảm thấy an toàn hơn.


14. Quan sát, định hướng, quyết định & hành động


Phương pháp OODA [ Là chu trình bốn bước của vòng lặp: Quan sát (Observe), Định hướng (Orient), Quyết định (Decide) và Hành động (Act)], một trong những mô hình ra quyết định được thiết kế trong quân đội, nó được dùng trong tình huống có tính rủi ro cao hoặc cũng có thể được sử dụng cho bất kỳ tình huống căng thẳng nào. Nếu bạn sợ hãi hoặc choáng ngợp trước những cuộc tụ tập đông người, phương pháp này có thể là một công cụ hữu ích để tìm ra cách tham gia vào một cuộc trò chuyện nhóm.


Sử dụng phương pháp này như sau:

  • Dành một hoặc hai phút trước bắt đầu tham gia để quan sát tất cả mọi người: họ đang ngồi như thế nào, họ đang thảo luận đơn lẻ hay tụ tập từng nhóm nhỏ nói chuyện.
  • Chọn vị trí thích hợp để hòa mình vào cuộc nói chuyện. Cân nhắc ngồi vào chỗ trống hoặc chỗ ngồi gần người thân quen hoặc người muốn ngồi gần bạn.
  • Quyết định xem nên chào cả nhóm (nếu có một cuộc thảo luận nhóm đang diễn ra) hay nói chuyện với từng thành viên (nếu có một vài cuộc trò chuyện đơn lẻ).
  • Hành động bằng cách chào hỏi tất cả mọi người hoặc một cá nhân hoặc một phần nhỏ của nhóm một cách thân mật hoặc bằng cách giới thiệu bản thân.


15. Chú ý những điểm nổi bật


Nhiều người mắc “Hội chứng sợ giao tiếp xã hội” hoặc kỹ năng giao tiếp của họ còn rất kém, sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại những thiếu sót từ các cuộc nói chuyện trước đó, điều này có thể làm nỗi ám ảnh của họ trầm trọng hơn. Khi bạn để tâm sửa chữa bất kì phần nào trong cuộc thảo luận trước đây mà bạn cho là khó xử, bạn có thể sử dụng nó tốt hơn trong các cuộc thảo luận sau này hoặc có thể tránh sử dụng chúng. Trò chuyện thường xuyên là chìa khóa để củng cố khả năng giao tiếp xã hội của bạn. Thay vì lặp đi lặp lại những “dấu vết thất bại”, hãy cố gắng lục tìm trong trí nhớ những khoảnh khắc nổi bật của cuộc đối thoại. Điều này có thể thúc đẩy sự tự tin của bạn đồng thời cho phép bạn dõi theo quá trình phát triển của mình.



Lời cuối dành cho bạn


Những cuộc tụ tập đông người có thể gặp khó khăn, đặc biệt nếu bạn là người trầm tính, sống nội tâm hoặc ngại ngùng khi giao tiếp. Một trong những phương pháp nhanh nhất để vượt qua nỗi sợ hãi và cải thiện kỹ năng khi tham gia các cuộc trò chuyện nhóm là luyện tập thường xuyên, có thể mỗi ngày bạn tập đứng trước gương và tự nói chuyện một mình. Trò chuyện nhiều hơn có thể giúp bạn vượt qua "hội chứng ám ảnh xã hội", tự tin hơn trong lời nói của mình và phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với mọi người.


Điều quan trọng cần nhớ là quy trình của một cuộc trò chuyện cũng quan trọng như nội dung của nó. Bạn có thể theo dõi mạch chảy của một cuộc trò chuyện bằng cách thay phiên nhau lắng nghe đối phương nói chuyện, đồng thời tìm ra những điểm liên quan đến bản thân và kết hợp nó lại để cuộc đối thoại trở nên thú vị hơn.


----------

Dịch bởi: Moa 

Biên tập: Cẩm Ly

Nguồn ảnh: Unsplash

Tham khảo: <https://socialpronow.com/blog/talk-in-groups/ >

----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan