[Confession] Làm Thế Nào Để Giúp Đỡ Một Người Mắc Trầm Cảm Che Giấu?

#Q: Mình muốn xin chút lời khuyên ạ. Làm thế nào để giúp đỡ một người bạn trông như là bị trầm cảm che giấu? Mình ko biết có phải bạn mình bị vậy ko và mình cũng ko rõ …

#Q: Mình muốn xin chút lời khuyên ạ. Làm thế nào để giúp đỡ một người bạn trông như là bị trầm cảm che giấu?

Mình ko biết có phải bạn mình bị vậy ko và mình cũng ko rõ về trầm cảm che giấu lắm nhưng ko hiểu sao mình cứ có cảm giác là nó rất tiêu cực qua lời nói, và đôi lúc nhìn nó có vẻ suy sụp lắm, mặc dù là bề ngoài vẫn hay cố tỏ ra vui vẻ. Có 1 lần nói chuyện, nó kể mình là đã từng có những hành vi tự làm đau bản thân, từng có ý định tự tử vì áp lực học tập do ba mẹ quá kì vọng. Nó có nói những câu như: “Mày ko biết đâu chứ tao vô dụng lắm mày ạ”, “Chắc sau này tao ko làm được gì đâu”,… dù là nó rất tốt và giỏi nhưng nó hay phủ định điều đó. Mình ko hiểu lắm.

Mấy tháng gần đây thì mình ko nói chuyện với nó mấy, thi thoảng chỉ xã giao thôi. Nhưng mình luôn quan sát nó, và cảm thấy có gì đó ko ổn với nó sao đấy, mình muốn lại gần nói chuyện với nó nhưng lại ko biết bắt chuyện thế nào nữa. Cho tới một hôm học chung nhóm với nó thì mình với nó có nói chuyện, nó có bảo là dạo này nó buồn, mình hỏi sao thì sau đó mới biết là buồn về chuyện gia đình, và nó cũng có chút mâu thuẫn về quan hệ bạn bè nữa. Nó bảo là nó ko còn động lực sống. Mình chỉ ngồi im lắng nghe nó kể hết nhưng lại không biết đưa ra lời khuyên như thế nào, mình cảm thấy bản thân thật sự vô dụng khi không giúp được gì cho nó mặc dù nó đã từng giúp đỡ mình khá nhiều. Mấy hôm nay mình cứ có cảm giác bất an lo lắng ko yên, ko biết nó thế nào, cứ sợ nó nghĩ này kia. Mình lại muốn hỏi nó nhưng lại nhát ko dám hỏi, ko biết lựa lời thế nào, lại sợ làm phiền nó… Mình nên làm gì đây ạ?

flowers beside yellow wall

***

#A: Chào bạn,
Là bạn bè với nhau, ai cũng muốn giúp đỡ được bạn của mình, nhất là trong những lúc khó khăn. Mình đoán là người bạn mà bạn đang nói tới, là người bạn mà bạn rất trân trọng. Chắc hẳn người bạn đó cũng rất trân trọng bạn, thì mới kể và chia sẻ những cảm xúc, cảm nhận của bạn ấy với bạn. Nên bạn có thể yên tâm được phần nào, rằng việc bạn lắng nghe, đã là giúp đỡ bạn của bạn rất nhiều rồi.

Những dấu hiệu mà bạn kể về bạn của mình cho bọn mình qua đây, mình cũng không dám chắc là có phải là dấu hiệu của trầm cảm hay không, nhưng mình có thể thấy rằng người bạn ấy chắc hẳn đang cảm thấy rất đau khổ, áp lực vì chuyện gia đình, chuyện học tập. Với tư cách là một người bạn, bạn có thể hỗ trợ bạn mình bằng những cách dưới đây. Đây là ý kiến riêng của mình, bạn có thể tham khảo nhé:

+ Qua nhà, gặp mặt trực tiếp. Bạn có thể lấy lý do về bài tập, sau đó hỏi sang chuyện bài tập của bạn ấy, rồi hỏi đến cảm nhận của bạn ấy. Chẳng hạn như: “Hôm nay tớ sang làm bài với cậu thế này, cậu cảm thấy thế nào?”/ “Tớ ở đây rồi, có chuyện gì cậu muốn chia sẻ với tớ không, tớ sẵn sàng lắng nghe”.
Sau đó, hỏi về những dự định của bạn. Về chuyện gia đình, bạn đinh làm gì? Về chuyện bạn bè, mâu thuẫn với ai, điều gì dẫn tới mâu thuẫn đó. Bạn sẽ làm gì để giải quyết mâu thuẫn đó. Trong lúc nói chuyện, những cử chỉ và hành động kèm theo như nắm tay, vỗ vai hay thậm chí ôm người kia, cũng là một niềm an ủi rất lớn nhé.
Mình nghĩ nếu bạn ấy muốn gỡ rối những chuyện làm bạn ấy phiền lòng, những câu hỏi trên có thể giúp bạn ấy trong việc tự nhận ra vấn đề của mình, cộng với sự quan tâm của bạn, thì hai người sẽ giải quyết được vấn đề đó thôi.

+ Còn khi gặp mặt ở trên lớp. Bạn có thể chia sẻ những thứ mà bạn thích, bạn nghĩ bạn của mình cũng thích đển bạn í, một bài hát, hoặc một món đồ. Bạn hãy cứ là chính bạn nhé, đừng quá lo lắng hay sợ làm phiền bạn mình, vì những lo lắng của bạn, chắc chắn bạn ấy sẽ cảm nhận được. Cũng như bạn cảm nhận được sự tiêu cực qua lời nói của bạn mình vậy.

Yêu thương nhau, là tình cảm hai chiều. Nên mong bạn không nên quá lo lắng về việc mình sẽ làm gì, nói thế nào, vì những gì bạn đã và đang làm, đã hỗ trợ bạn ấy rất nhiều rồi.
Gửi đến hai bạn những cái ôm ấm áp nhất!

Được trả lời bởi cử nhân tâm lý học lâm sàng: Nguyễn Vân Chi

———————————-
Ảnh: Unsplash

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/. Xin cảm ơn!

A Crazy Mind confession là một dự án phi lợi nhuận mà tại đó, độc giả gửi gắm những câu chuyện, khó khăn tâm lý của mình – một chuyên mục với sự tham gia của các tham vấn viên tình nguyện, từ những sinh viên năm cuối đến các chuyên gia tâm lý học, nhằm đưa ra định hướng, hỗ trợ giải đáp, tìm ra con đường tối ưu nhất để giúp đỡ những người đang từng ngày đấu tranh với vấn đề tâm lý của mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn. 

Hãy gửi những câu chuyện đó qua link: https://bit.ly/2MiscLv nhé!

Tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan