Bí quyết giúp bạn trông dễ gần hơn
1. Biểu cảm gương mặt thân thiện
Điều này bao gồm việc thả lỏng hàng chân mày, cười mỉm nhẹ, duy trì giao tiếp bằng mắt và biểu cảm gương mặt. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về cách giúp bạn trông thân thiện ở phần tiếp theo.
2. Tạo ngôn ngữ cơ thể cởi mở
Đứng thẳng: Lưng thẳng và hai tay không bắt chéo. Nếu bạn nghiên đầu ra sau, bạn sẽ tỏ vẻ sợ hãi hoặc kiêu ngạo. Nếu bạn cúi gầm đầu xuống, bạn sẽ tạo cảm giác bất an hoặc xa cách. Vì vậy, hãy giữ vẻ mặt hướng thẳng và ánh nhìn ngang với người đối diện.
3. Tránh che khuất gương mặt
Đừng đeo kính râm, mặc áo hoodie, choàng chiếc khăn quàng cổ lớn hoặc những thứ khác che kín người. Mọi người sẽ cảm thấy khó chịu khi họ không thể nhìn rõ ánh mắt hoặc biểu cảm gương mặt của bạn. Do đó, tốt nhất là bạn nên tránh che đi gương mặt mình. Việc che phần cổ có thể biểu lộ rằng bạn không thoải mái: Cổ là vùng cơ thể dễ bị tổn thương, vì vậy từ xa xưa, nó được coi như một dấu hiệu để xác định mức độ an toàn và tin tưởng của bạn với người khác và ngược lại.
4. Nhìn về cùng hướng với mọi người
Đừng nhìn thẳng vào người lạ trong đám đông hay những buổi tiệc, hãy nhìn theo cùng hướng với họ. Nếu ánh nhìn của họ hướng về bạn, bạn có thể giao tiếp bằng mắt và cười nhẹ lại với họ. Nếu bạn không nhìn theo cùng hướng với mọi người, bạn sẽ không nhận ra liệu họ có cố gắng tiếp cận với bạn hay không.
5. Hỏi xin lời khuyên từ người bạn tin tưởng
Thổ lộ với người bạn tin tưởng rằng bạn nghĩ mình là người khó gần. Hỏi xem họ có nghĩ như bạn không. Họ có thể cho bạn câu trả lời mà bạn vẫn chưa tìm ra.
Hãy nói rõ với người bạn đó rằng bạn không muốn nghe lời “hoa mỹ” mà là lời thật lòng của họ từ đó bạn có thể cải thiện bản thân trở nên tốt hơn.
6. Duy trì giao tiếp bằng mắt nhiều một chút
Tập trung ánh nhìn vào người đối diện. Khi bạn chào hỏi mọi người, hãy duy trì giao tiếp bằng mắt thêm vài giây sau khi bạn bắt tay.
Giao tiếp bằng mắt làm nhiều tình huống trở nên thoải mái hơn nhưng cũng khiến nhiều tình huống trở nên “ngột ngạt” hơn. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì giao tiếp bằng mắt với nét mặt thoải mái. Mẹo nho nhỏ: Nháy mắt một lúc khi giao tiếp bằng mắt có thể giảm cảm giác như bị nhìn chằm chằm.
7. Tránh những thứ gây xao nhãng như điện thoại
Có mặt ở chỗ hẹn và tránh sử dụng điện thoại trước mặt mọi người. Hãy thử quan sát những người xung quanh hơn là chăm chú vào điện thoại. Nếu bạn sử dụng điện thoại, mọi người sẽ cho rằng bạn không thân thiện.
8. Tránh tạo khoảng cách với người đối diện
Khi cảm thấy không thoải mái, chúng ta thường cố gắng tạo khoảng cách với người khác (mà không hề hay biết). Ví dụ như chúng ta ngồi chung một băng ghế với ai đó và thế là chúng ta bắt đầu ngồi ra xa người đó. Một ví dụ khác nếu chúng ta đang tham gia vào một cuộc trò chuyện nhóm nhưng cảm thấy không hòa nhập với họ, vì vậy chúng ta thường đứng ngoài cuộc trò chuyện đó. Nếu bạn nhận thấy rằng bạn đang đứng xa mọi người, hãy xích lại gần họ hơn một chút để tạo “khoảng cách an toàn” khi giao tiếp.
9. Xem người đối diện như những người bạn cũ
Hãy tưởng tượng rằng tất cả những người bạn gặp đều là những bạn cũ. Bạn sẽ có phản ứng như thế nào? Bạn sẽ cười với họ chứ? Biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ ra sao?
10. Tận dụng tối đa ngoại hình của bạn
Làm đẹp cho bản thân và chăm chút ngoại hình của bạn. Dưới đây là một số ví dụ: Thay đổi kiểu tóc và luôn để tóc trông gọn gàng. Chọn mặc những bộ quần áo xinh đẹp. Nếu da dẻ nhợt nhạt, bạn nên tắm nắng 20 phút mỗi ngày. Nếu bạn thừa cân, hãy tìm một chế độ ăn kiêng giảm cân lâu dài. Suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn trở nên lạc quan hơn với những dự định trong tương lai.
11. Đưa ra lời khen nếu bạn muốn bắt chuyện với đối phương
Đưa ra lời khen là tín hiệu cho thấy bạn có ý bắt chuyện với đối phương. Đó có thể là điều hiển nhiên và không cần phải khéo léo. Chỉ cần nói vài từ đủ để mọi người cảm thấy bạn là người thân thiện.
"Tôi rất thích nơi này"
"Bánh mì có mùi thơm quá"
"Ngôi nhà này thật đẹp"
Dưới đây là vài lời khuyên về cách bắt đầu câu chuyện.
Làm thế nào để trông thân thiện và dễ gần
Làm theo những cách dưới đây để học cách tạo thiện cảm với mọi người:
1. Thả lỏng biểu cảm gương mặt
Sự lo lắng có thể gây ra căng thẳng mà chúng ta không hề nhận ra. Nhắc nhở bản thân thả lỏng các cơ mặt nếu bạn cảm thấy căng thẳng. Giữ môi và răng của không cắn chặt vào nhau: Bạn nên để hàm của mình chỉ hơi mở nhẹ.
Biểu hiện của người khó gần:
Biểu hiện của người dễ gần:
2. Cười một cách tự nhiên
Nếu bạn thường cau mày, bạn hãy thử cười mỉm nhẹ. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy lạ lẫm nhưng dần dần nó sẽ trở thành một thói quen, điều đó là bình thường. Nụ cười thể hiện tế nhị - nó sẽ xóa bỏ vẻ cau mày hơn là cười toe toét.
Biểu hiện mệt mỏi trên gương mặt sẽ làm bạn trông có vẻ buồn chán hoặc tức giận được gọi là RBF hoặc biểu cảm mặc định. Vì một số lý do, tình trạng này thường xuất hiện nhiều ở nữ giới, nhưng nó cũng phổ biến ở nam giới.
3. Ánh mắt biết cười
Chỉ miệng mỉm cười còn mắt thì không có thể trông có vẻ không chân thành. Bạn biết đấy ánh mắt biết cười là khi mỉm cười bạn có một chút nếp nhăn ở khóe mắt ngoài có hình vết chân chim. Làm dịu vẻ mặt nghiêm nghị bằng ánh mắt biết cười với nụ cười mỉm nhẹ ở khóe miệng.
4. Thả lỏng hàng chân mày
Thả lỏng hàng chân mày của bạn nếu bạn muốn hạ chúng xuống. Lông mày cụp xuống làm lộ nếp nhăn ở giữa báo hiệu sự giận dữ, ngay cả khi làm vậy chỉ vì không thoải mái hoặc nghĩ về những việc khiến chúng ta khó chịu.
5. Nghĩ về điều làm bạn hạnh phúc
Hãy nghĩ về điều gì cụ thể làm bạn cảm thấy hạnh phúc. Hãy tận hưởng niềm hạnh phúc đó và dùng cả cơ thể để cảm nhận nó. Ví dụ, tôi rất vui khi nghĩ đến việc hẹn bạn thân đi cà phê. Tôi sẽ hình dung việc đi bộ đến quán cà phê và chỉ tập trung vào cảm giác vui vẻ đó. Điều này khiến biểu cảm của tôi trông có vẻ vui tươi và thân thiện hơn.
6. Tránh những bộ quần áo khiến bạn trở nên “đáng sợ”
Tránh mặc đồ toàn màu đen hoặc mặc những loại quần áo có thể khiến mọi người không thoải mái khi đến gần bạn. Tôi thích những người thể hiện cá tính thông qua quần áo của họ và tôi cũng thường mặc đồ toàn màu đen, nhưng khi tôi gặp đối tượng dễ tiếp xúc hơn, tôi lại nghĩ ăn mặc như vậy là “cực đoan”.
Mặc quần áo để lộ nhiều da thịt không làm bạn trở nên dễ gần hơn. Điều tương tự ở đây: Nếu bạn trông QUÁ khác biệt với những người xung quanh, điều đó có thể khiến bạn trông đáng sợ.
Mặt khác, bạn cũng có thể làm nổi bật bản thân theo hướng tích cực: Đeo một món trang sức sặc sỡ hoặc mặc một bộ trang phục bắt mắt giúp tôn lên vẻ ngoài của bạn và không gây khó chịu.
Để biết sự khác biệt, hãy tự hỏi xem trang phục của bạn có ra hiệu rằng nó mang cảm giác khó gần hay dễ gần khi đối phương tiếp cận bạn.
7. Dễ cười
Đôi khi thật khó để cười nếu chúng ta cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn thường nghiêm khắc với mọi người xung quanh, hãy thử bao dung hơn một chút bằng việc mỉm cười với họ.
8. Luyện tập điều chỉnh biểu cảm trước gương
Hãy thử luyện tập trước gương. So sánh sự khác nhau trước và sau khi điều chỉnh nụ cười, hàng chân mày và sự căng thẳng của bạn.
Luyện tập trước gương để đảm bảo rằng bạn không biểu lộ cảm xúc quá mức. Hoặc thậm chí là quay video về chính bạn bằng điện thoại. Chí ít đối với tôi, điều này làm tôi cảm thấy tự nhiên hơn là tự soi mình trong gương.
Trở nên thân thiện hơn khi trò chuyện với đối phương
1. Bắt chuyện với đối phương trước
Việc chúng ta có hơi không chắc chắn về suy nghĩ của đối phương là điều rất bình thường. Để tránh bị từ chối, chúng ta luôn đợi đối phương tiếp cận mình trước rồi mới dám kết thân. Điều đó hoàn toàn sai lầm vì người khác có thể cũng đang nghĩ điều tương tự.
Hãy đến bắt chuyện với người đó nếu bạn cho rằng họ có thiện cảm với bạn: Nở nụ cười, thân thiện, hỏi han chân thành, duy trì giao tiếp bằng mắt.
2. Đặt câu hỏi mở để “phát tín hiệu” rằng bạn là người thân thiện và cởi mở bắt chuyện
Hỏi xem đối phương là ai và họ làm gì. Điều đó thể hiện rằng bạn sẵn sàng bắt chuyện với họ. Cuộc trò chuyện đơn giản và những gì bạn hỏi không quá quan trọng. Nó chỉ “phát tín hiệu” rằng bạn là người thân thiện.
- Chào, dạo này thế nào rồi?
- Rất khỏe, bạn thì sao?
- Tôi ổn. Làm sao mà bạn biết mọi người ở đây vậy?
3. Nói chuyện dễ thương
Dùng tông giọng dễ thương một chút nếu bạn cảm thấy giọng của bạn có vẻ hơi khó nghe. Cảm giác lo lắng có thể khiến cổ họng bạn thắt lại và khiến giọng của bạn nghiêm nghị hơn. Hãy luyện tập những cách nói chuyện khác nhau khi bạn ở một mình. Một mẹo nhỏ để tông giọng nhẹ nhàng hơn là sử dụng việc biến đổi âm sắc: Thường xuyên thay đổi giọng của bạn giữa âm trầm và âm cao.
5. Thể hiện mặt tích cực
Tránh kể về những kỷ niệm không vui hay phàn nàn, đặc biệt là khi bạn lần đầu gặp ai đó. Mặc dù bạn có thể cảm thấy bạn không cố ý thể hiện thái độ tiêu cực với đối phương, nhưng về tổng thể, bạn có thể bị coi là một người tiêu cực.
Giải quyết những “vướng mắc” cơ bản khiến bạn trông có vẻ khó gần
Trong chúng ta, ai cũng đều có những lý do cơ bản khiến bản thân trông có vẻ khó gần, chẳng hạn như lo lắng hoặc nhút nhát.
1. Xem lại bản thân đang lo lắng điều gì
Nếu bạn căng thẳng, đó có thể là do sự nhút nhát tiềm ẩn hoặc do chứng rối loạn lo âu xã hội. Đọc các chỉ dẫn ở đây cách xoá bỏ sự nhút nhát và dập tắt sự căng thẳng.
2. Thay đổi suy nghĩ về bản thân
Chúng ta luôn tiêu cực tự nhủ rằng “tôi không được mọi người yêu thích” rõ ràng khiến chúng ta do dự hơn khi tiếp cận mọi người. Trớ trêu thay, sự do dự này khiến chúng ta trông khó gần và đến khi không thể bắt chuyện với mọi người, chúng ta lại nghĩ rằng đó là do mọi người không thích mình.
Thay đổi điều này bằng cách thay đổi suy nghĩ của bạn về bản thân. Nếu trong lòng bạn cho rằng mọi người sẽ không thích mình, hãy nhắc nhở bản thân nhớ về những lúc mọi người quý mến bạn.
Trở nên dễ gần hơn
Phần này có liên quan đến những tình huống hẹn hò hoặc tán tỉnh.
“Tôi cũng khá ưa nhìn nhưng bạn bè của tôi lại trông có vẻ dễ gần hơn. Tôi sợ rằng mình trông khó gần trong mắt người khác. Làm thế nào để tôi được các chàng trai bắt chuyện nhiều hơn? ”
Lời khuyên mà bạn nhận được đến lúc này cũng có liên quan đến những tình huống đó. Dưới đây sẽ bổ sung thêm một vài lời khuyên cụ thể hơn.
1. Duy trì giao tiếp bằng mắt và nở nụ cười nhẹ
Nếu bạn giao tiếp bằng mắt với ai đó, hãy duy trì điều đó thêm vài giây và nở nụ cười nhẹ. Bạn có thể nháy mắt để tránh bị hiểu lầm là nhìn chằm chằm vào họ. Những lời tán tỉnh tế nhị như thế “phát tín hiệu” rằng bạn là người dễ gần và khiến đối phương cảm thấy thoải mái hơn khi đến bắt chuyện với bạn.
2. Tránh chỉ đi theo nhóm đông người
Nhóm đông người khiến đối phương cảm thấy lo sợ nếu họ muốn tiếp cận bạn. Chứng sợ xã hội sẽ bộc lộ nếu bắt chuyện không thành công khi có nhiều ánh mắt quan sát. Bạn có thể được bắt chuyện nhiều hơn nếu bạn ở một mình.
3. Thả lỏng cơ thể và làm chủ chính mình ngay cả khi bạn đang ở nơi đông người
Khi lo lắng, chúng ta có xu hướng thu mình lại. Hãy nghĩ xem bạn sẽ thế nào khi ở cùng những người bạn thân trong một “vùng an toàn”. Nếu nơi đó bạn được làm chính mình, thì “con người thật” của bạn sẽ khiến bạn trở nên thu hút hơn.
4. Mở rộng “vùng an toàn”
Khi cảm thấy không thoải mái, chúng ta có xu hướng thu hẹp không gian hơn, kể cả trong các cuộc trò chuyện và hoạt động thể chất.
Khi bạn ra ngoài, bạn có thể tập mở rộng không gian hơn bằng cách đi dạo quanh nhiều nơi mà không có mục tiêu cụ thể nào khác ngoài việc “thử nghiệm”. Ban đầu có thể sẽ không thoải mái nhưng sẽ giúp bạn mở rộng “vùng an toàn” của mình. Trong một cuộc trò chuyện, hãy thử chia sẻ ý kiến của bạn về một chủ đề nào đó dù bạn cảm thấy không thoải mái khi được mọi người chú ý.
Đừng quá ồn ào hoặc quá nổi trội. Điều đó như thể đang bù đắp mặt hạn chế về bản thân bạn và là tín hiệu về sự bất an.
------------
Dịch bởi: Uyen Nguyen
Biên tập: Rabbie
Ảnh: burst.Shopify
Photo by Andrea Piacquadio from Pexels
Photo by Sarah Chai from Pexels
Photo by Sarah Chai from Pexels
[Online] Available at:
<https://socialpronow.com/blog/become-more-approachable/> [Last updated July 23, 2021]