Làm thế nào để vượt qua nỗi cô đơn tuổi trẻ?

Mặc dù cô đơn thường là một trải nghiệm khó khăn - đặc trưng bởi những cảm xúc buồn bã, thất vọng, tức giận và tuyệt vọng, nhưng nó có thể giúp ta thúc đẩy sự kết nối và đánh giá lại các mối quan hệ của mình, để từ đó, chúng ta có thể xây dựng (hoặc tìm kiếm) những mối quan hệ có ý nghĩa hơn.


Cảm giác cô đơn khi còn trẻ là cực kỳ phổ biến. Có rất nhiều cách để đẩy lùi cảm giác cô đơn, tuy nhiên điều quan trọng là bạn phải tìm ra đâu mới là cách phù hợp với mình.


Những điều bạn cần biết

Nếu trước đây bạn đã từng nhìn qua những bức tranh miêu tả trực quan về sự cô đơn, thì có thể bạn sẽ cảm nhận được xúc cảm này khi một người nào đó (thường là người trên 65 tuổi) đang ngồi một mình bên cửa sổ, có thể bị bóng tối bao trùm, đăm chiêu nhìn về nơi xa xăm. Tuy nhiên, những hình ảnh như vậy đã và đang đem lại hiểu lầm: các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người trải qua cảm giác cô đơn nhiều nhất thực ra là những người trẻ tuổi, và những hình ảnh miêu tả trực quan bên trên là không phù hợp với trải nghiệm cô đơn ở tuổi thanh thiếu niên. Những năm tháng cô đơn đó thường xảy ra xung quanh nhiều người: ở trường, ở nhà hoặc tại nơi làm việc. Khảo sát về sự cô đơn của BBC thực hiện trên 55.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã chỉ ra rằng 40% trong số những người từ 16-24 tuổi nói rằng họ cảm thấy cô đơn từ thường xuyên đến rất thường xuyên.


Cô đơn có thể được định nghĩa là một phản ứng cảm xúc tiêu cực trước sự khác biệt giữa các mối quan hệ mà chúng ta muốn với những mối quan hệ mà chúng ta có. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể sẽ cảm thấy cô đơn khi ở bên cạnh những người khác nếu như ta không cảm nhận được rằng họ hiểu chúng ta hoặc đang chia sẻ lợi ích với chúng ta. Mặc dù cô đơn thường là một trải nghiệm khó khăn - đặc trưng bởi những cảm xúc buồn bã, thất vọng, tức giận và tuyệt vọng, nhưng nó có thể giúp ta thúc đẩy sự kết nối và đánh giá lại các mối quan hệ của mình, để từ đó, chúng ta có thể xây dựng (hoặc tìm kiếm) những mối quan hệ có ý nghĩa hơn. Khi cô đơn, chúng ta có thể chú ý nhiều hơn đến cách tương tác của chúng ta với người khác, khiến chúng ta nhận thức được những điều ta cần thay đổi. Người ta cho rằng cơ chế này có liên quan đến nhu cầu tiến hóa của con người, để mỗi người trở thành một phần của một nhóm, để bảo vệ các cá nhân khỏi sự cô đơn và tình trạng dễ bị tổn thương.


Hãy tưởng tượng tình huống sau: Trong những năm tháng trung học, bạn có một nhóm bạn thân và một trong số họ học chung trường đại học với bạn. Lúc đầu, bạn rất vui khi có những người đồng hành cùng bạn từ cấp ba đến tận bây giờ, nhưng khi mọi thứ trở nên ổn định hơn, những người bạn đó bắt đầu hình thành nên những mối quan hệ bạn bè khác với những người không cùng sở thích với bạn. Bạn băn khoăn không biết nơi nào là phù hợp với mình, và bạn cảm thấy mình thiếu đi sự thân thiết mà bạn từng có với những người bạn kia: bạn bắt đầu trải qua cảm giác cô đơn. Bạn có thể đáp lại những cảm xúc này bằng cách cố gắng hòa nhập với nhóm bạn mới, cố gắng tìm ra những điểm chung với họ. Hoặc là bạn có thể nhận thức được rằng, những người bạn cũ đã không còn phù hợp với con người hiện tại của bạn nữa, và vì vậy, đã đến lúc bạn cần đi tìm những người bạn mới rồi.



Ảnh: Dung Ho | Behance


Đối với đa số mọi người, cảm giác cô đơn thường không kéo dài; nó là xúc cảm tạm thời và sẽ tiêu tan khi ta được kết nối với người khác một lần nữa. Nhưng đối với một số người, cô đơn có thể trở thành một căn bệnh mãn tính và tác động bất lợi đến cuộc sống của họ. Một lý do khiến mọi người bị mắc kẹt trong trạng thái cô đơn mãn tính là sự kỳ thị đi kèm với nó. Những người trải qua nỗi cô đơn thường có những đặc trưng tiêu cực như sống ẩn dật, suy nghĩ tiêu cực, giao tiếp xã hội kém, có nghĩa là thực chất con người không hề muốn gắn liền với sự cô đơn. Một người được bao quanh bởi những người khác có thể không tin rằng họ đang cô đơn, bởi cô đơn thường được nhận thức như sự cô lập xã hội, sự thiếu liên kết với những người khác. Họ có thể cảm thấy nỗi cô đơn của mình là không đúng, dẫn đến việc tự phán xét lại bản thân, ngăn cản họ tìm đến những sự hỗ trợ khác. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, cô đơn là một trải nghiệm bình thường mà hầu hết mọi người sẽ gặp phải vào một thời điểm nào đó trong đời.

Mặc dù sự cô đơn có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, nhưng có một số đặc điểm nhất định của tuổi vị thành niên và thanh niên có xu hướng phát sinh sự cô đơn. Dưới đây là một vài trải nghiệm phổ biến mà những người trẻ tuổi đề cập đến.


Khao khát mối quan hệ bạn bè

Thanh thiếu niên là đối tượng rất coi trọng tình bạn trong việc hỗ trợ họ về mặt tinh thần. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người trẻ tuổi có kỳ vọng về tình bạn cao hơn nhiều so với người lớn tuổi; họ thể hiện sự ưu tiên những những nhóm bạn nhiều người, có mối liên hệ thân thiết và có sự đồng hành cũng như tần suất liên lạc cao. Khi chúng ta sử dụng cô đơn như một thứ công cụ bảo vệ ta khỏi xã hội, tức là ta đã cảm thấy cô đơn rồi đấy!


Trưởng thành 

Một phần của tuổi thanh thiếu niên có ảnh hưởng đến các mối quan hệ là việc chúng ta đang phát triển ý thức về bản thân, khám phá xem con người thực sự của chúng ta là ai. Điều đó thường liên quan đến những thay đổi về giá trị, niềm tin và thẩm mỹ cùng với việc thử những điều mới mẻ. Nó có thể là một thách thức khi bạn bè của bạn cũng cùng trải qua một thời kỳ trưởng thành như thế, nhưng họ không đi theo con đường giống bạn. Có lẽ, bạn sẽ dần cảm thấy những giá trị của mình không còn tương thích với họ, hoặc những người bạn cũ của bạn không còn hợp với bạn nữa. Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ bị khai trừ ra khỏi nhóm. Đó có thể là một vấn đề đặc biệt đối với các thành viên trong nhóm bị kỳ thị chủng tộc, bị kỳ thị về khuynh hướng tính dục, giới tính hay vì bị khuyết tật, có khó khăn về sức khỏe tâm thần. Điều cần nhớ là, nhiều người không hề cảm thấy họ tìm được “đám đông” thuộc về họ trong những năm tháng tuổi teen và những năm đầu trưởng thành, nhưng thời gian và kinh nghiệm sẽ mang lại những cơ hội mới để tìm thấy và phát triển những hội nhóm như vậy.


Sự chuyển tiếp

Các sự kiện trong cuộc sống như chuyển đến một trường học mới hoặc đi học đại học có thể là một thách thức lớn. Ở trong môi trường xa lạ, bạn sẽ cần nhiều năng lượng để tự điều chỉnh. Nó thường liên quan đến sự tách biệt khỏi bạn bè và sự ủng hộ từ gia đình. Những khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ mới, ví dụ như những sinh viên mới ra trường cảm thấy thiếu thốn sự hỗ trợ từ xã hội.


Khó khăn khi ở nhà

Những người trẻ tuổi thường nói rằng họ cô đơn nhất ở khi trường, trong khi ở nhà là không gian thoải mái nhất với họ. Nhưng khi gặp vấn đề với gia đình - như tranh cãi hoặc tình trạng căng thẳng với các thành viên trong gia đình, sự ra đi của một thành viên nào đó, sức khỏe tâm thần của gia đình hoặc các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện - những điều này có thể làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn. Một vài người cô đơn cho biết họ cảm thấy bị cha mẹ gạt đi khi cố gắng nói về sự cô đơn của chính mình.


Mô hình tư duy

Cô đơn được củng cố bởi sự tăng cường cảnh giác trước các mối đe dọa xã hội, có nghĩa là những người trải qua nỗi cô đơn có xu hướng tìm kiếm các khía cạnh trong xã hội có thể dẫn đến việc họ bị từ chối bởi người khác. Một số người trẻ từng trải qua cảm giác cô đơn có thể bắt đầu giải thích những tương tác của họ với người khác một cách tiêu cực hơn. Thông thường, những người trải qua sự cô đơn sẽ tự trách bản thân về xúc cảm của họ và hầu như không thể tìm được những kết nối mà họ mong muốn. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt động lực trong nỗ lực kết nối với những cá nhân khác, vì họ tin rằng điều đó sẽ thất bại. Những người trải qua sự cô đơn có nhiều khả năng coi việc kém cỏi về năng lực xã hội là một đặc điểm không thể thay đổi. Do đó, bài viết này đề cập đến “những người đang trải qua sự cô đơn”, nhắc lại một lần nữa rằng đó là một xúc cảm có thể vượt qua được; chúng ta không nói về một “người cô đơn”, danh từ này chính là một ngụ ý sai về một đặc tính có thể thay đổi.


Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc khám phá cảm giác cô đơn ở những người trẻ tuổi, và ở bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những gì mình đã học được về cách để vượt qua nó. Nghiên cứu của Lily tập trung vào việc lắng nghe những gì người trẻ nói về sự cô đơn để tìm hiểu cách họ trải qua nó và đối phó với nó. Còn Pamela là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này, cô đã điều tra sự cô đơn của giới trẻ trong 25 năm qua. Mặc dù cô đơn là một thách thức, nhưng chúng ta có thể vượt qua nó và cuối cùng có thể kết nối với những người mà sự hiện diện của họ là liều thuốc tốt nhất với chúng ta.


Những điều cần làm

Vì cô đơn là một trải nghiệm rất phức tạp, nó không nhất thiết phải được quy về một nguyên nhân cụ thể nào cả, do đó, có thể nó sẽ không thể được xoa dịu chỉ bằng một giải pháp. Những gì hiệu quả với người này chưa chắc có thể áp dụng với người khác. Nếu bạn vẫn cảm thấy mình cô đơn và những phương pháp bạn sử dụng không hề có hiệu quả thì cũng đừng từ bỏ hy vọng. Rất có thể bạn vẫn chưa tìm ra được giải pháp phù hợp với mình. Dưới đây là một số bước thực tế mà bạn có thể thử, bắt đầu với những gì bạn có thể tự làm và chuyển dần sang những phương pháp kết nối với người khác.


Đánh giá lại những suy nghĩ tiêu cực

Tự nói chuyện với bản thân theo hướng tiêu cực có thể khiến ta mắc kẹt trong một vòng lặp của sự cô đơn: nó ngăn cản ta tiếp cận với người khác và khiến chúng ta cảm thấy thấp thỏm. Trước tiên, có thể sẽ rất hữu ích nếu bạn nhận ra rằng, có một suy nghĩ sẽ ko khiến những suy nghĩ tiêu cực kia thành sự thật. Ví dụ: bạn có thể nghĩ rằng người bạn kia không muốn nói chuyện với bạn, nhưng hãy nghĩ điều đó không phải sự thực, thay vào đó, có lẽ bạn ấy chỉ đang phân tâm bởi một vấn đề nào đó bạn ấy đang gặp phải mà thôi. Nếu chúng ta cho rằng bạn bè không quan tâm nói chuyện với ta, điều đó có thể góp phần tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và bạn bè, thúc đẩy chúng ta rút lui và làm nảy sinh trong bạn ý tưởng bản thân không còn kết nối với họ nữa.


Lấy cảm hứng từ liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioural therapy - CBT), chúng ta có thể đánh giá lại mọi thứ. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn đang nói chuyện trong một nhóm bạn, nhưng khi bạn lên tiếng lại chẳng có ai trả lời. Nếu sau đó bạn suy nghĩ là không có ai quan tâm đến bạn cả, vậy nên bạn im lặng là được rồi, thì bạn sẽ thường xuyên có phản ứng là chấp nhận suy nghĩ đó là sự thực và giữ im lặng. Nhưng thay vào đó, bạn có thể tự hỏi xem suy nghĩ kia thực sự có giá trị gì hay không: Việc tin rằng “không ai quan tâm đến mình” có giúp bạn điều gì không? Việc tin rằng bạn nên giữ im lặng có khiến bạn được bạn bè thừa nhận không nhiều thì ít không? Có những lời giải thích nào khác cho việc không ai phản hồi lại lời bạn nói hay không? Điều này có thể sẽ giúp bạn có động lực xem xét các quan điểm tích cực hơn là việc chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực.


Tận hưởng khoảng thời gian một mình

Rất nhiều hoạt động thú vị có thể được thực hiện khi chúng ta một mình - chẳng hạn như đi dạo, đọc sách, nghe nhạc hoặc làm những điều ta thích - chúng có thể giúp ta hoàn thiện bản thân trong khi đánh lạc hướng cảm xúc của chính mình. Bằng cách loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về cảm giác khi ở một mình, bạn có thể để cảm xúc trôi qua, kéo bản thân ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực dai dẳng hoặc tăng cường những cảm xúc đó.


Thời gian ở một mình cũng có những lợi ích khác nữa, đặc biệt là khi bạn đã dành nhiều thời gian cho những người khác ở trường hoặc nơi làm việc. Điều đó sẽ mang lại cho bạn không gian riêng tư để nạp năng lượng và suy ngẫm về những gì đã xảy ra trong cuộc sống của bạn. Những người trẻ tuổi cho biết họ sử dụng thời gian một mình như một cơ hội để thư giãn, hoặc để bình tĩnh lại khi họ có thấy thất vọng.


Thể hiện cảm xúc của bạn thông qua các phương tiện sáng tạo

Nếu hiện tại bạn không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với ai đó về cảm giác cô đơn của mình thì có lẽ bạn nên viết về nó. Bạn có thể viết nhật ký hằng ngày, hoặc một “kho chứa chất xám” - nơi mà bạn sẽ viết ra những suy nghĩ của mình về những chuyện đã xảy ra. Viết ra những suy nghĩ của bạn có thể giúp bạn xác định điều mà bạn cảm thấy tiêu cực là gì. Bạn có thể xác định mô hình mà những suy nghĩ tiêu cực đó có xu hướng tuân theo. Ví dụ, trong số những suy nghĩ ngẫu nhiên mà bạn không hay để ý tới, bạn có thể có một suy nghĩ khó chịu về một chuyện gì đó ở trường. “Bạn nhớ lúc tôi nói chuyện với Tom không? Thật là khó xử quá mà!” Và bạn có thể nhận thấy rằng, phản ứng của bạn chính là tô đậm thêm những suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình. “Anh ấy quá thẳng thắn, rõ ràng là không muốn nói chuyện với tôi, nhưng tôi lại cứ tiếp tục nói… Tôi cá là anh ấy rất khó chịu… Tại sao tôi lại hành động như vậy? Không ai muốn nói chuyện với tôi cả…” Viết và nhận ra những suy nghĩ tiêu cực còn giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi để thực hành các chiến lược đánh giá lại suy nghĩ đã nói ở trên.


Ngoài ra, bạn có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mô tả cảm giác của bạn, chẳng hạn như một bức vẽ, một bài thơ hoặc một bài hát giúp bạn hiểu rõ cảm xúc của mình. Khi bạn cảm thấy không thoải mái để cởi mở với người khác, hoặc bạn không có từ ngữ nào để giải thích trái tim mình với ai khác, có thể sẽ hữu ích hơn nếu bạn bắt đầu bằng cách viết hoặc vẽ ra những cảm giác cả bạn. Nếu sau đó bạn cảm thấy thoải mái hơn với việc cởi mở, bạn có thể sử dụng những tác phẩm bạn đã tạo ra đó để mở đầu cuộc trò chuyện.


Nói chuyện với những người mà bạn tin tưởng

Nếu bạn đang trải qua sự cô đơn, bạn có thể cảm thấy thật khó khăn để nói với người khác về nó. Có lẽ bạn sợ rằng với người mà bạn tâm sự, những gì bạn chia sẻ với họ sẽ là gánh nặng. Nhưng bằng cách tiếp cận, bạn có thể nhận thấy rằng người mà bạn đang bộc bạch cùng cũng đã trải qua những điều tương tự. Nhận được sự đồng cảm và chấp nhận phản hồi từ người khác về các vấn đề có thể giúp ta giảm bớt sự nghi ngờ bản thân và từ đó, nâng mối quan hệ với người mà bạn tâm sự lên một tầm cao mới. Chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình, hoặc một người nào đó không phải người thân như một người bạn ở trường hay trong khu bạn ở.


Có thể sẽ rất hữu ích khi bạn bắt đầu bằng cách nói ra lý do tại sao bạn cởi mở trò chuyện cùng họ và những điều mà bạn mong muốn nhận được từ cuộc trò chuyện này - bạn có thể muốn xin lời khuyên, hoặc đơn giản chỉ là cần một người để lắng nghe mà thôi. Từ đó, khả năng họ phản ứng theo cách mà bạn không mong muốn sẽ giảm đáng kể. Một cách khác để bắt đầu là nói về sự cô đơn theo một cách tổng quát hơn, hỏi người đó xem họ có từng trải qua cảm giác cô đơn hoặc có kiến thức gì về nó hay không. Và hãy nhớ rằng, một cuộc trò chuyện trực tiếp với nhau không phải là lựa chọn duy nhất, bạn hoàn toàn có thể thoải mái hơn khi trò chuyện qua tin nhắn hoặc viết thư cho họ.


Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với người quen, bạn có thể tâm sự với một nhà tư vấn hoặc bác sĩ tâm lý. Đôi khi, nói chuyện với những người xa lạ có thể khiến ta an tâm hơn. Ngoài ra, khi tâm sự với người khác, chúng ta thường chú ý nhiều hơn đến các sự kiện tiêu cực, sự có mặt của một chuyên gia sẽ đảm bảo rằng điều đó không xảy ra và định hướng bạn đi tìm giải pháp. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc tìm một chuyên gia tâm lý phù hợp là một cách tốt để bắt đầu quá trình vượt qua nỗi cô đơn. Đối với sinh viên, cố vấn tâm lý tại trường cũng là một lựa chọn vô cùng tốt. Nếu bạn không có cơ hội gặp được chuyên gia thì bạn có thể đăng ký tư vấn trực tuyến thông qua các tổ chức, phòng khám như Childline ở Anh, Crisis Text Line ở Mỹ hay Lifeline ở Úc.


Lên kế hoạch

Tiếp cận với người khác không phải lúc nào cũng có nghĩa là mở lòng với họ. Có lẽ bạn đã chờ đợi ai đó đến mời bạn đi chơi, nhưng thay vào đó, có thể sẽ tốt hơn nếu bạn là người mở lời trước. Bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng cách lên kế hoạch đi cà phê hoặc đi dạo trong công viên. Tất nhiên, bạn có thể sẽ lường trước trường hợp bị từ chối. Đó cũng là một rủi ro, nhưng khi bạn không muốn mở lời chỉ vì rủi ro này cũng tức là bạn đang bỏ lỡ những sự kết nối tiềm năng khác.

Một cách khác để trở nên chủ động trong giao tiếp là tham gia một nhóm người tập trung vào một sở thích hoặc một hoạt động, chẳng hạn như đọc và thảo luận về sách hoặc chơi bóng đá. Tìm một câu lạc bộ tập trung vào những gì bạn thích và cần đảm bảo rằng bạn sẽ có ít nhất một mối quan tâm chung với những thành viên khác; điều đó có nghĩa là bạn sẽ có những chủ đề để thảo luận và từ đó, có khả năng mở ra những tình bạn với những người cùng chí hướng.

Tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng có thể giúp bạn tạo ra cảm giác thân thuộc. Tình nguyện có thể là một cách tuyệt vời để mở rộng và phát triển tình bạn thông qua việc hợp tác cùng hướng tới một mục tiêu chung. Bạn có thể tìm thấy các cơ hội tình nguyện bằng cách tìm kiếm với từ khóa “Tình nguyện tại (nơi bạn sống)”. Nếu nơi bạn sống có nhóm Facebook về mảng này, thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên hơn.


Hình thành tình bạn từ mối quan hệ trực tuyến

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, không phải ai cũng có những người bạn kết nối với họ và điều đó là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể thấy rằng những người thích những gì bạn làm và có chung chí hướng với bạn thường ít khi xuất hiện ở trường học. Các hội nhóm trực tuyến có thể sẽ giúp bạn xác định những người như vậy. Có rất nhiều nhóm Facebook về mọi thứ, từ bảo vệ động vật tới ban nhạc yêu thích của bạn. Tìm kiếm những người sống trong khu vực của bạn (Ví dụ như K-pop’s fan London) nếu bạn muốn có cơ hội gặp gỡ trực tiếp mọi người. (Chỉ cần đảm bảo rằng bạn sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào và gặp gỡ ở những không gian công cộng và trong một nhóm hơn là gặp mặt một người.) Mạng xã hội thường được coi là gây ra những tác động tiêu cực lên người trẻ, nhưng khi chúng được sử dụng để tương tác trực tiếp với bạn bè thì nó có thể trở nên vô cùng hữu ích cho việc xây dựng các mối quan hệ và giúp bạn giảm cảm giác cô đơn. Diễn đàn trực tuyến cũng có thể là nơi để bạn chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình với những người đã trải qua những trải nghiệm tương tự mà không ai biết về danh tính thực sự của bạn.


Những điều có thể bạn cần biết


Phải làm gì nếu người thân của bạn đang cô đơn

Cho dù bạn có tự mình trải qua cô đơn hay không thì rất có thể một lúc nào đó, những người xung quanh của bạn sẽ như vậy. Mặc dù có thể bạn sẽ đau lòng khi thấy người bạn yêu quý nói rằng họ đang cô đơn, nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận việc có nhiều lý do khác nhau sẽ dẫn ai đó đến tình trạng như vậy; nhưng điều đó không có nghĩa là họ coi mối quan hệ giữa họ với bạn là có thiếu sót.

Bởi vì cô đơn là một cảm xúc rất phức tạp nên rất khó để biết rõ về cách giúp người khác vượt qua nó, đặc biệt là khi bạn chưa từng trải qua nó. Dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến những gì bạn cần biết để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn trên.


Những điều cần chú ý

Sự kỳ thị gắn liền với sự cô đơn, vì thế nên những người trẻ tuổi thường miễn cưỡng tìm kiếm sự hỗ trợ để vượt qua nó. Biết các dấu hiệu và nguyên nhân dẫn đến cô đơn có thể sẽ giúp bạn quan tâm nhiều hơn đến bạn bè và thành viên trong gia đình, những người đang cô đơn nhưng lại ngại nói ra.

  • Tự nói chuyện với mình theo hướng tiêu cực. Một người nào đó đang cảm thấy cô đơn có thể sẽ tự nói chuyện với bản thân với thái độ chỉ trích, đặc biệt là về kỹ năng xã hội của họ.
  • Khó khăn trong tình bạn. Họ có thể thường xuyên tranh cãi với bạn bè hoặc cảm thấy không được bạn bè chấp nhận hoặc hoặc hiểu cho họ. Đặc biệt, có những người thậm chí còn tách khỏi gia đình và mối quan hệ bạn bè sẵn có, hủy bỏ kế hoạch và dành nhiều thời gian cho riêng mình.
  • Luôn lo lắng. Trong các buổi phỏng vấn, những người trẻ trải qua nỗi cô đơn thường tỏ ra ngại ngùng và không thoải mái. Tuy nhiên, những người phỏng vấn lại khen ngợi họ, mô tả họ là “tươi sáng”, “thân thiện” và “tốt đẹp”.
  •  Một sự kiện gây xáo trộn cuộc sống. Mất đi người thân, chuyển trường hoặc chuyển nhà hay một mối quan hệ tan vỡ có thể là những sự kiện làm gián đoạn các mối quan hệ của chúng ta và có thể dẫn ta đến sự cô đơn. Nếu ai đó bạn biết đã trải qua sự thay đổi như vậy trong cuộc sống của họ, hãy hỏi họ về những trải nghiệm đó.


Hỗ trợ tinh thần và tạo sự thoải mái

Điều quan trọng đối với những người trải qua sự cô đơn là nhận ra rằng, xung quanh họ luôn có những người quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ họ nếu cần. Nếu là bạn bè, bạn có thể cố gắng cởi mở hơn nếu ai đó muốn tâm sự với bạn và đảm bảo giữ bí mật về những gì họ sẽ tâm sự. Cố gắng lắng nghe và chỉ đưa ra lời khuyên nếu được yêu cầu; tập trung vào việc làm một người lắng nghe kiên nhẫn.

Nếu bạn là cha mẹ hoặc một người chăm sóc, điều đặc biệt quan trọng là phải cẩn thận để không vô tình đẩy trẻ ra xa khi họ tìm đến với ta để tâm sự. Mặc dù có thể những gì họ trải qua là những trải nghiệm vô cùng phổ biến ở tuổi trẻ, nhưng quan trọng là họ phải cảm nhận được giá trị của những cảm xúc của cá nhân mình vì với họ, đó có thể là một trải nghiệm đau đớn nhất, mặc dù xúc cảm đó cũng chỉ là tạm thời. Nếu bạn không cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ họ, hãy giúp họ tìm sự hỗ trợ từ một chuyên gia. Điều đó có thể sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho họ.


Tổ chức các hoạt động xã hội

Nếu bạn biết hoặc nghi ngờ ai đó đang cảm thấy cô đơn, bạn có thể tổ chức một hoạt động xã hội có bao gồm họ. Nếu ai đó cảm thấy không ai để ý đến họ, cảm giác cô đơn sẽ rất dễ dàng nảy sinh trong họ, vì vậy, tốt nhất là bạn nên tập trung vào các hoạt động giúp mọi người cảm thấy được hòa nhập. Ví dụ, tại một sự kiện của câu lạc bộ, đừng quá chú trọng vào người đang trải qua sự cô đơn, và sự tự nhiên trong giao tiếp thì nên được đẩy mạnh. Nếu ai đó bạn biết đang cô đơn, hãy đảm bảo rằng họ được tham gia những hoạt động xã hội mà bạn thực hiện. Ngay cả khi họ không muốn tham dự, hãy cứ mời họ đi cùng, điều đó sẽ giúp họ nhận ra rằng họ cũng được quan tâm. Đối với những người trải qua sự cô đơn, từng chút một sẽ giúp bạn đi được cả chặng đường dài; những cử chỉ nhỏ như một tin nhắn dù không tốn nhiều công sức nhưng sẽ thể hiện được sự quan tâm của bạn, giúp họ cảm thấy bản thân cũng được trân trọng.


Người dịch: LISA

Theo dõi dịch giả tại: Góc của LISA

Beta: Smultronställe- Góc nhỏ trong tim tôi

Tác giả: Lily Verity & Pamela Qualter

Link bài gốc

BẢN THẢO
Bài viết liên quan