Liệu Bạn Có Thuộc Kiểu Tính Cách Nhóm D?

Những đặc điểm thuộc tính cách loại D có thể gây tổn hại đến sức khỏe và các mối quan hệ của bạn. Bạn có thường xuyên cảm thấy buồn rầu nhưng lại muốn giữ nỗi buồn ấy cho riêng …

Những đặc điểm thuộc tính cách loại D
có thể gây tổn hại đến sức khỏe và các mối quan hệ của bạn
.

Bạn có thường xuyên cảm thấy buồn rầu nhưng lại muốn giữ nỗi buồn ấy cho riêng mình, che giấu những cảm xúc của bạn với người khác và có xu hướng nhìn mọi thứ theo cách bi quan? Nếu bạn thấy bản thân mình có những đặc điểm trên, rất có thể bạn thuộc nhóm tính cách loại D. Ban đầu, các kiểu tính cách được tìm thấy bởi các bác sĩ chuyên khoa tim vào những năm 1950 nhằm xác định các bệnh nhân nào có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Nghiên cứu này tiếp tục phát triển trong nhiều năm sau đó, nhiều kiểu tính cách khác nhau đã được khám phá và gọi tên bằng các chữ cái cụ thể; trong đó, mỗi chữ cái – mỗi kiểu tính cách, mang những đặc điểm, sắc thái khác nhau.

Có thể trước đây bạn đã từng nghe nói về tính cách loại A với những đặc điểm như tính cạnh tranh, hung hăng và tham vọng lớn. Người ta nhận thấy rằng những người thuộc tính cách loại A có nguy cơ mắc các biến chứng về tim mạch cao hơn như huyết áp cao và bệnh tim.

Khi thảo luận về các kiểu tính cách, chúng tôi không đề cập đến một chẩn đoán về sức khỏe tâm thần có sẵn mà là một mô hình những đặc điểm của mỗi nhóm tính cách có thể giúp các nhà nghiên cứu nhận biết được ai có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như các biến chứng về sức khỏe thể chất khác.

Vậy, loại D nghĩa là gì?

Loại D là một kiểu tính cách đặc biệt được đặt tên lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học và nghiên cứu người Bỉ Johan Denollet vào những năm 1990. Chữ “D” trong tên của nhóm tính cách này là chữ viết tắt của từ “distressed” (bị làm cho đau khổ), trong đó đề cập đến một mô hình tính cách bao gồm các đặc điểm như:

  • Có cảm giác lo lắng
  • Buồn bã
  • Dễ nóng giận, cáu kỉnh
  • Có cái nhìn bi quan
  • Độc thoại tiêu cực
  • Né tránh các tình huống xã hội
  • Thiếu sự tự tin ở bản thân
  • Sợ bị bỏ rơi
  • Xuất hiện cảm giác ủ rũ, buồn bã
  • Cảm thấy tuyệt vọng

Hầu hết chúng ta đôi khi có thể rơi vào một vài trạng thái nêu trên; tuy nhiên, những người thuộc nhóm tính cách loại D lại trải qua những điều này thường xuyên hơn so với người bình thường và ổn định hơn theo thời gian.

Một nhóm tính cách không nhằm đưa ra chẩn đoán về sức khỏe tâm thần, chỉ những mô hình hành vi đáng chú ý trong đó mới có thể được nghiên cứu theo hướng liên quan đến sức khỏe thể chất, đặc biệt là sức khỏe tim mạch và hệ miễn dịch.

Làm cách nào để biết được liệu bạn có thuộc nhóm tính cách D không?

Để hiểu tốt hơn về tính cách loại D cũng như cách mà nó đe dọa đến sức khỏe thể chất của con người, các nhà nghiên cứu đã phát triển một bảng đánh giá tiêu chuẩn, gọi là DS14 (Type D Scale-14), được thiết kế nhằm xác định những người mang những đặc điểm của nhóm tính cách D. Công cụ này giúp các nhà nghiên cứu đo lường được sự ức chế về mặt xã hội và tính nhạy cảm một cách tiêu cực, cả hai đặc điểm này đều là dấu hiệu để phân biệt những người thuộc tính cách loại D. Sự ức chế về mặt xã hội thể hiện ở những người có khuynh hướng né tránh các tương tác xã hội, có thể do nỗi lo sợ bị bỏ rơi hay bị phê bình, chỉ trích; và bên cạnh đó họ cũng thường thiếu đi sự tự tin trong các tình huống xã hội. Tính nhạy cảm một cách tiêu cực nghĩa là họ luôn phải trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng và cáu kỉnh.

Những câu hỏi nên xem xét:

Nếu bạn tò mò không biết liệu mình có phải người thuộc nhóm tính cách D hay không, việc xem xét những câu hỏi dưới đây có thể giúp ích cho bạn:

  • “Tôi có hay kìm nén những cảm xúc của mình và không thể hiện chúng cho người khác thấy hay không?”
  • “Tôi có gặp khó khăn trong việc gặp gỡ những người mới không?”
  • “Tôi có dễ dàng trở nên choáng ngợp khi rơi vào những tình huống khó khăn không?”
  • “Tôi có hay né tránh các tương tác xã hội bất cứ khi nào có thể không?”
  • “Tôi có thường tự nói những điều tiêu cực với bản thân mình không?”
  • “Tôi có thường cảm thấy buồn hay cáu kỉnh không?”
  • “Tôi có thường xuyên rơi vào tâm trạng không tốt không?”
  • “Tôi có lo lắng quá nhiều không?”

Những thử thách cảm xúc:

Việc chia sẻ cảm xúc của bản thân với những người bên cạnh có thể khiến chúng ta cảm thấy không an toàn. Ý nghĩ chia sẻ cảm xúc với người khác có thể khiến những người thuộc tính cách loại D cảm thấy vô cùng đáng sợ.

Các cá nhân của nhóm này thường lo sợ về việc bị từ chối và phải nhận những lời phê bình, đánh giá từ người khác và, với nỗ lực bảo vệ bản thân khỏi những điều lo lắng trên, họ sẽ thường làm việc một cách chăm chỉ để che giấu đi những cảm xúc của mình. Ngoài ra, với nỗi lo sợ bị bỏ rơi và bị chỉ trích, người với tính cách loại D có thể gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác, đặc biệt là trong khoảng thời gian gặp tổn thương về mặt cảm xúc.

Như bạn có thể tưởng tượng, sự nỗ lực trong việc kìm nén những cảm xúc có thể là một thử thách. Những người thuộc nhóm tính cách D thường xuyên trải qua những cảm xúc tiêu cực và luôn có cảm giác bị bỏ mặc như thể không có ai giúp đỡ, hỗ trợ. Bên cạnh đó, các cá nhân mang những đặc điểm tính cách này còn lo sợ về việc trở thành gánh nặng cho người khác vì những tổn thương cảm xúc của chính mình, đặc biệt là những người gần gũi với họ nhất.

Sức khỏe thể chất

Những cá nhân với tính cách loại D làm việc chăm chỉ nhằm kiềm chế, che đậy và ẩn giấu đi những cảm xúc khó chịu nhất, thường có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe và khiến họ có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh động mạch vành (CAD), tổn thương chức năng của hệ miễn dịch và viêm nhiễm mãn tính.

Nghiên cứu ở các lĩnh vực này tiếp tục phát triển nhằm giúp các bác sĩ và các thực tập sinh khác xác định nguy cơ mắc bệnh của các bệnh nhân và những khía cạnh cần sự chăm sóc. Việc làm việc chăm chỉ nhằm kìm nén hoặc che giấu đi những cảm xúc có thể gây ra những tổn thương đáng kể đến cơ thể của người thuộc nhóm tính cách D, như gia tăng nhịp tim khiến huyết áp cũng như đường huyết tăng.

Nghiên cứu ban đầu được thực hiện bởi Denollet đã nêu ra mức độ ảnh hưởng của đặc tính nhóm D lên sức khỏe thể chất có thể đến mức nào. Trong cuộc khảo sát hơn 300 bệnh nhân tại một chương trình phục hồi chức năng tim mạch, người ta thấy được rằng khoảng 27% bệnh nhân thuộc loại tính cách D đã qua đời trong vòng 10 năm sau đó, so với chỉ 6% nhóm bệnh nhân được xác định là không thuộc nhóm tính cách trên. Ngoài ra, trong hầu hết 900 bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật động mạch vành, những bệnh nhân với tính cách loại D có nguy cơ bị đau tim cao hơn gấp 4 lần so với những người khác hoặc sẽ tử vong trong vòng 9 tháng sau khi phẫu thuật.

Những mối quan hệ:

Do những người thuộc kiểu tính cách D phải vật lộn với nỗi lo lắng và sự buồn bã ở mức độ nghiêm trọng hơn so với bình thường, đồng thời còn gặp khó khăn trong việc tham gia vào các tương tác xã hội, việc xây dựng các mối quan hệ có thể trở thành một cuộc đấu tranh lớn đối với họ.

Sự ức chế về mặt xã hội hạn chế khả năng của con người trong việc tạo dựng mối quan hệ với mọi người ở những mức độ khác nhau, từ những người có vị thế bình thường như đồng nghiệp hay người quen, cho đến tình bạn và tình thân.

Khi những cá nhân với tính cách D thấy mình có thể kết nối với người khác, có khả năng họ sẽ thấy mình khó có thể phát triển và duy trì mối quan hệ khi mà ảnh hưởng tiêu cực của bản thân này tiếp tục xuất hiện trong mối quan hệ đó. Họ có thể bị cho là bi quan, ảm đạm và khó gần đối với đối tác, bạn bè và các thành viên trong gia đình.

Học tập và công việc:

Những người mang đặc điểm tính cách loại D có thể trải qua những khó khăn đáng kể khi đi học hay đi làm. Với xu hướng né tránh xã hội, những cá nhân thuộc nhóm tính cách này gặp khó khăn trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ với người khác.

Xu hướng né tránh hay chống lại các tương tác xã hội còn có thể khiến người ta gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm cảm giác thân thuộc và chia sẻ những mối quan tâm với người khác; ngoài ra, xu hướng này còn làm gia tăng nỗi đau đớn, khổ sở ở họ khi phải đối mặt với những công việc hay dự án đòi hỏi sự hợp tác với người khác. Và chính vì bản tính rụt rè, nhút nhát, các cá nhân thuộc nhóm tính cách D thường bị cho là không quan tâm hoặc không sẵn lòng tham gia vào các hoạt động tập thể nói trên.

Biết được những người mang đặc điểm của tính cách kiểu D thường xuyên gặp khó khăn khi phải đối mặt với những cảm xúc khó chịu và phải đấu tranh với những lời độc thoại tiêu cực, thật dễ hiểu khi nói rằng họ cũng vô cùng chật vật trong việc thiết lập và đạt được những mục tiêu cá nhân.

Dù đi làm hay đi học, sự căng thẳng do những nhiệm vụ hay dự án đều khiến các cá nhân loại D trải qua những cơn lo âu quá mức. Trong trạng thái cảm xúc này, họ có thể có xu hướng dự đoán trước được những hậu quả tiêu cực hoặc có thể dễ dàng nhận biết nguyên nhân vì sao mọi thứ không diễn ra một cách suôn sẻ, tốt đẹp.

Những điều cần nắm nếu bạn là một người thuộc nhóm tính cách D

Mặc dù được biết là phải đấu tranh với quá nhiều nỗi khổ, các cá nhân của nhóm D có thể tìm hiểu một vài phương pháp để giúp họ có một cuộc sống trọn vẹn và thú vị hơn. Những điều này không chỉ mang đến cho cá nhân thuộc nhóm tính cách D sự thay đổi về những trải nghiệm cảm xúc và quan điểm sống mà còn giúp họ cải thiện sức khỏe thể chất.

Tìm hiểu những phương pháp mới để kiểm soát sự căng thẳng, gia tăng niềm hy vọng và tinh thần lạc quan, cũng như vượt qua được tình trạng ức chế về mặt xã hội có thể là những nhân tố then chốt giúp các cá nhân loại D sống một cuộc sống tốt nhất.

Dưới đây là các biện pháp mà những người thuộc nhóm tính cách D có thể thực hiện để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình:

  • Độc thoại tích cực: Xác định và kích thích các lối độc thoại tiêu cực cũ có thể giúp người ta nhận ra được những ảnh hưởng của nó trong việc đưa ra quyết định, hành vi, và các mối quan hệ. Việc dành thời gian để khám phá và kết hợp độc thoại tích cực, trung thực có thể góp phần giúp thay đổi cuộc chơi đối với các cá nhân thuộc loại D.
  • Điều tiết cảm xúc: Đối mặt với những nỗi buồn, căng thẳng và lo âu có thể là một thử thách lớn đối với những người thuộc tính cách D. Hiểu được cách mà những cảm xúc này vận hành cũng như việc làm thế nào để điều khiển chúng theo cách có lợi cho chúng ta giúp đưa ra những quyết định đúng đắn hơn và hạn chế được những đau khổ. Chẳng hạn, chúng ta có thể suy xét xem mỗi khi cảm thấy cáu kỉnh, khó chịu, chúng ta thường cần gì?
  • Các kỹ năng ứng phó lành mạnh: Kết hợp những hành vi mới và lành mạnh để đối phó với những tình huống gây ra các cảm xúc tiêu cực sẽ rất có ích. Do các cá nhân thuộc nhóm tính cách này cực kì giỏi trong việc kìm nén và che giấu những xúc cảm của bản thân, việc học cách trở nên ý thức hơn về các loại cảm xúc có thể giúp họ điều khiển những đau khổ tốt hơn và đối phó với chúng một cách lành mạnh hơn.
  • Kỹ năng kết nối: Sự ức chế xã hội là dấu hiệu đặc trưng của người thuộc tính cách kiểu D; do đó, việc học cách vượt qua những thử thách trong mối quan hệ giữa người với người chính là chìa khóa giúp họ cải thiện chất lượng sống của mình. Tìm cách tiếp cận người khác, hay những mối quan tâm chung cũng như học cách chấp nhận các rủi ro nhỏ về mặt cảm xúc có thể mang lại những kết quả tuyệt vời. Đó có thể là một việc gì đó đơn giản như nói lời chào với một người mới quen, hoặc học cách bắt đầu cuộc trò chuyện với người khác.
  • Rèn luyện thể chất: Kết hợp việc tập luyện thể dục đều đặn vào các thói quen hằng ngày có thể giúp ích cho chúng ta ở những mức độ khác nhau. Đối với những người mang đặc điểm của tính cách loại D, nó giúp họ điều khiển cảm xúc tốt hơn và tìm ra những phản ứng lành mạnh. Bên cạnh đó, việc rèn luyện thể chất còn giúp chúng ta trong việc điều hòa những hormone gây stress và cho phép ta có cơ hội giảm bớt sự căng thẳng.
  • Chấp nhận sự đau khổ: Cuộc đời vốn có những thăng trầm; chính vì thế, ý nghĩ loại bỏ hoàn toàn sự đau khổ ra khỏi cuộc sống không phải là một lựa chọn thực tế. Tuy nhiên, học cách để xử lý những khoảnh khắc căng thẳng sẽ có hiệu quả. Các kỹ thuật như hít thở, thiền, và rèn luyện lòng biết ơn là một vài ví dụ về những phương pháp thích hợp để kiểm soát những tình huống căng thẳng.
  • Tin vào năng lực của bản thân: Người với tính cách loại D thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hy vọng và khó cảm nhận được rằng bản thân có quyền ảnh hưởng đến những thay đổi trong cuộc sống của chính mình. Việc khám phá và ăn mừng những chiến thắng nhỏ có thể giúp họ nâng cao ý thức về năng lực bản thân. “Tin vào năng lực bản thân” là một khái niệm đề cập đến nhận thức, niềm tin của chúng ta về năng lực của chính mình cũng như mức độ thành công mà ta nghĩ bản thân có thể đạt được khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó chẳng hạn. Việc ăn mừng những chiến thắng, dù cho đó chỉ là những thành tích nhỏ, và đánh giá lại sự nỗ lực, kiên trì có thể giúp ích cho chúng ta trong việc gia tăng ý thức về năng lực bản thân.
  • Xây dựng mối quan hệ: Do sự ức chế về mặt xã hội của họ cũng như những lo sợ xoay quanh việc bị bỏ rơi và chỉ trích, không hề khó hiểu khi nói rằng các cá nhân loại D thường có một khoảng thời gian khó khăn để xây dựng và duy trì các mối quan hệ thân thiết. Học cách tin tưởng, giao tiếp có hiệu quả, và trở thành một đối tác lành mạnh có thể là một phương tiện góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cá nhân này. Bên cạnh đó, việc khuyên nhủ, chỉ dẫn đúng đắn còn giúp con người học cách xử lý xung đột trong các mối quan hệ một cách hiệu quả, đồng thời cung cấp cho họ những hướng dẫn giúp họ có thể tạo dựng và giữ gìn các mối quan hệ thân thiết, lành mạnh.
  • Đặt ra mục tiêu: Niềm hy vọng và tinh thần lạc quan là những thử thách lớn đối với các cá nhân loại D. Học cách thiết lập những mục tiêu có ý nghĩa có thể giúp con người xác định được rõ ràng quyền ưu tiên cũng như những giá trị cá nhân của họ. Ngoài ra, việc thiết lập các mục tiêu ngắn hạn còn cho phép các cá nhân này tập trung vào tương lai của bản thân với sự gia tăng ý thức về niềm hy vọng, tinh thần lạc quan và sự tự tin.
  • Thiền: Thiền, cầu nguyện và suy niệm có thể dẫn cá nhân đến sự thanh thản, gia tăng sự bình yên trong tâm hồn, lấy lại niềm hy vọng, đồng thời cung cấp những phương pháp đáng tin cậy giúp họ điều chỉnh được cảm xúc trong khoảng thời gian đau khổ. Có nhiều lợi ích khác nhau, cả về thể chất lẫn tinh thần, khi luyện tập thiền và học cách kiềm chế bản thân trong những tình huống như vậy.
Cách hỗ trợ những người thuộc nhóm tính cách loại D

Bạn có thể quan tâm đến một người nào đó mang những đặc điểm của tính cách loại D; tuy nhiên, điều đó lại không hề dễ chịu với họ. Sẽ rất khó khăn cho những người xung quanh trong việc xác định thời điểm mà các cá nhân nhóm D cần sự giúp đỡ, do các cá nhân này phải trải qua vô số những đau khổ, nhưng lại luôn tìm cách kìm nén và che giấu chúng đi. Người thuộc kiểu tính cách này xung quanh bạn có thể đã trở nên thành thạo trong việc che đậy và kiềm chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Chính vì thế, bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi sự đấu tranh của họ.

Vậy, bạn có thể giúp đỡ họ như thế nào? Có vài cách mà những người thân yêu có thể làm để cung cấp sự hỗ trợ và động viên cho những người mang các đặc điểm của nhóm tính cách này.

Bước quan trọng nhất mà bạn có thể làm là tiếp cận họ. Bạn không cần nghĩ quá nhiều về nội dung cần nói, quan trọng là hãy thể hiện được sự nỗ lực trong việc tiếp cận và thiết lập các mối quan hệ.

Những người với các đặc điểm thuộc nhóm tính cách D có thể cảm thấy cô đơn khi đắm chìm trong nỗi đau khổ của họ và thường do dự trong việc để người khác cùng trải nghiệm những cảm xúc ấy. Do các cá nhân này gặp khó khăn khi tiếp cận với người khác, việc thỉnh thoảng ở cùng họ để hiểu được những điều họ đang phải trải qua có thể giúp ích cho những người thân yêu bên cạnh. Thực tế là ngay cả khi họ cảm thấy khó khăn trong việc trao đổi về những cảm xúc hay để bạn tìm hiểu trải nghiệm của họ, việc bạn dành thời gian tiếp cận và giao lưu với các cá nhân này có thể khiến họ chú ý và đánh giá cao những nỗ lực của bạn.

Nếu người bạn nhóm D bên cạnh bạn có khuynh hướng thu mình, đồng thời sức khỏe thể chất của họ cùng  bị ảnh hưởng bởi cảm giác cô lập đó, hãy chớp lấy cơ hội để rủ họ đi tập thể hình, đi dạo hay cùng tham gia một hoạt động thú vị và lành mạnh. Bất cứ việc gì cho phép các cá nhân này có cơ hội để vận động và kết nối với những người khác đều có thể mang đến nhiều lợi ích cho họ.

Cung cấp một không gian an toàn về mặt cảm xúc để các cá nhân nhóm D có thể trò chuyện sẽ vô cùng hữu ích. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi và chỉ trích dẫn họ đến việc không muốn tiếp cận với người khác và có thể khiến họ gặp khó khăn trong việc tin tưởng hoặc luôn có cảm giác dễ bị người khác gây tổn thương, ngay cả với gia đình hay bạn thân. Thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe cảm xúc và khiến các cá nhân loại D cảm thấy an tâm rằng bạn luôn ở bên cạnh bất cứ lúc nào họ sẵn sàng là những điều then chốt có thể giúp họ học được cách tìm đến người khác mỗi khi gặp đau khổ, thay vì việc kìm nén những cảm xúc và luôn trong tình trạng cảm thấy cô độc.

——————————
Dịch: Catthi
Biên tập: Huy
Nguồn: http://verywellmind.com/what-does-it-mean-to-have-type-d-personality-4175368
Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Vì vậy, chúng tôi cần sự đóng góp và ủng hộ của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan