Để biết mẹ có thao túng tinh thần (gaslight) mình không phải là điều dễ dàng.Thao túng tinh thần, về bản chất, rất khó bị phát hiện, vì nó luôn làm bạn cảm thấy bối rối và mất phương hướng. Nhưng nếu bạn biết về những dấu hiệu của nó, hoặc cách nó tác động đến mình, việc phán đoán sẽ trở nên dễ dàng hơn.
“Thao túng tinh thần là một hình thức lạm dụng tâm lý, và là một cách thức khiến nạn nhân nghĩ mình vô giá trị” tiến sĩ Jamie Long, một nhà tâm lý học lâm sàng thuộc The Psychology Group Fort Lauderdale, nói với Bustle, thêm vào đó có thể mẹ bạn không biết mình đang làm điều đó, hoặc bà ấy thao túng như một cách để tự bảo vệ mình.
“Đối với nhiều bà mẹ, tư tưởng mình là một bậc phụ huynh tồi tệ là cơn ác mộng kinh hoàng nhất” Long nói, “vì vậy bản năng tiềm thức đã phủ nhận, giảm thiểu, hoặc làm chệch hướng thực tế đau đớn này”. Nghĩa là, có thể điều này có lợi cho bà ấy, nhưng nó lại không thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là khi nó có thể làm bạn trở nên thất vọng, cảm thấy bị bỏ rơi hoặc tệ hơn thế nữa.
“Để ngăn chặn thao túng tinh thần ảnh hưởng đến bạn, cố gắng tạo cho [mẹ của bạn] một niềm tin vững chắc nhất có thể và luôn duy trì một vùng giới hạn an toàn”, Long nói. Bạn cũng có thể trò chuyện với một chuyên gia trị liệu, giãi bày tất cả những ảnh hưởng từ việc bị thao túng bởi mẹ của bạn. Nếu bạn nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào được liệt kê dưới đây, nó có thể giải thích rất nhiều điều, các chuyên gia nói, và thậm chí có thể giúp cải thiện mối quan hệ của bạn.
1. Bà ấy khiến bạn nghi ngờ về quá khứ của chính mình
Không thể đảm bảo rằng bạn và mẹ mình sẽ nhớ tất cả những sự việc trong quá khứ hệt như nhau. Dù gì, hai người cũng là hai cá thể riêng biệt và nhìn sự việc theo những khía cạnh khác nhau. Nhưng bà ấy có thể sẽ thao túng bạn nếu bà ấy phủ nhận, nghi ngờ, hoặc “thu nhỏ” kí ức của bạn, Long nói.
“Khi bạn lưu tâm đến những kí ức đau khổ thời thơ ấu, [bà ấy] có thể sẽ nói, “Oh, con giàu tưởng tượng quá đấy!” hoặc những câu nói có ý xem nhẹ kí ức của bạn.” Long nói.
Câu chuyện sẽ còn đặc biệt độc hại nếu bạn đến hỏi mẹ về những kí ức đau đớn trước đây chỉ để bị phủ nhận nó. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn hãy chia sẻ chúng với một người khác.
2. Bà ấy xem nhẹ cảm xúc của bạn
“Các bà mẹ có thể đang thao túng khi họ làm những đứa con của mình nghi ngờ về nhận thức của chúng đối với những việc chúng đã trải qua,” Karen C.L. Anderson, một tác giả và là chuyên gia trong các mối quan hệ mẹ-con gái đầy phức tạp, nói với Bustle. Trong trường hợp đó, bạn có thể nghe bà ấy nói những điều như “Đừng có ngớ ngẩn như vậy, con đang làm quá lên đấy,” hoặc “Đừng có làm quá lên, nó không tệ như vậy đâu!”
“Hậu quả là, đặc biệt nếu chúng được thực hiện từ thời thơ ấu, một đứa trẻ sẽ nghi ngờ về bản thân chúng và cả những nhận thức về những điều đã xảy ra,” Anderson nói. “Chúng không tin tưởng chính mình, cảm xúc, bản năng, và trực giác của chúng. Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu trách nhiệm với bản thân khi chúng trưởng thành.”
Khi bạn nhận ra điều này, có lẽ bạn nên thảo luận với một chuyên gia để bạn có thể bắt đầu tháo gỡ một số những tác động tiêu cực này.
3. Mẹ bạn cố gắng cạnh tranh với bạn
Nghe có vẻ kỳ quặc, thế nhưng bạn có thể nhận thấy rằng mẹ của bạn cố gắng cạnh tranh với bạn, Stephanie Sarkis, tiến sĩ, tác giả của cuốn sách Gaslighting, nói với Bustle. Thậm chí bà ấy trở nên giống một người chị gái hoặc một người bạn hơn là một người mẹ.
Thậm chí có khi bà ấy còn cố gắng sống cuộc sống của bạn Sarkis nói, có thể bằng cách khuyến khích bạn giành chiến thắng ở tất cả các phương diện và trở nên thành công, để bà ấy cũng có thể cảm nhận được sự thành công đó. Hoặc bằng việc làm những điều kỳ lạ khác, như trở thành bạn bè với những người bạn của bạn.
“Những kẻ thao túng tinh thần là những “bậc thầy” của việc điều khiển và thao túng, và thậm chí những bậc cha mẹ cũng có thể trở thành những người thao túng,” Sarkis nói. Vì vậy, nếu có bất cứ một dấu hiệu nào mà bạn cảm thấy quen thuộc, có thể là bạn đang bị thao túng.
4. Bà ấy so sánh bạn với những anh chị em khác
Nếu mẹ của bạn thao túng bạn, chắc chắn một điều rằng bà ấy sẽ đối xử với những anh chị em khác như thể là “những cục vàng” vậy, Sarkis nói, và có thể bạn chỉ là “một sản phẩm thất bại” trong “dây chuyền sản xuất” của gia đình. Và một lần nữa, tất cả điều này đều có thể xuất phát từ mong muốn duy trì quyền kiểm soát của bà ấy.
Việc bị so sánh với anh chị em mình trong suốt cuộc đời có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của bạn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng, khiến bạn tự vấn về chính mình và thậm chí ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong tương lai của bạn.
Một lần nữa, những chuyện như thế này bạn nên tâm sự với những người khác, chẳng hạn một bác sĩ chuyên khoa, để hiểu cặn kẽ những chuyện đang xảy ra.
5. Bà ấy không vui mừng vì thành công của bạn
Mặt khác, bạn có thể nhận thấy rằng mẹ của bạn sẽ khó chịu bất cứ khi nào bạn thành công, hoặc không khuyến khích bạn đạt đến những mục tiêu đã định.
“Những kẻ tha túng cố gắng hủy hoại những thành tựu biểu hiện sự độc lập của những đứa con của họ, chẳng hạn như nói với [bạn] học rằng đại học là một lãng phí thời gian trong khi với trường hợp này, những người họ hàng thực sự sẽ khuyến khích [bạn] đi xa hơn trên con đường học vấn của mình,” Sarkis nói.
Mẹ của bạn thậm chí có thể phản ứng một cách đầy kích động như là một cách để kiểm soát bạn và làm cho bạn thay đổi suy nghĩ của mình, Sarkis nói, có thể bằng cách đe dọa không bao giờ nói chuyện với bạn một lần nữa, ném đồ đạc của bạn, hoặc “loại bỏ bạn ra khỏi suy nghĩ”.
6. Bạn không cảm thấy thỏa mãn
Nếu mẹ của bạn thao túng bạn, “bạn có thể sẽ cảm thấy rằng mình không được vui vẻ hay thỏa mãn như những người đồng trang lứa,” Sarkis nói. Điều này có thể thể hiện ở nhiều dạng, nhưng cảm giác tổng thể chính là bạn không cảm thấy hài lòng hoặc an ổn với cuộc sống của mình.
“Nếu bạn được nuôi nấng bởi một kẻ thao túng, bạn sẽ mang những tính cách chẳng hạn như dối trá về những điều không cần thiết phải làm vậy, xây dựng nên những mối quan hệ tràn ngập drama và biến nó trở nên bình thường, luôn cho rằng việc bắt buộc người khác làm những điều bạn muốn sẽ dễ dàng hơn việc yêu cầu họ một cách chính đáng,” Sarkis nói. Và còn nhiều nữa.
Có thể sẽ khó khăn, song việc tìm kiếm sự cân bằng là điều hoàn toàn có thể “Kiềm chế những kẻ thao tung tinh thần chẳng hạn như những bậc cha mẹ, giảm thiểu những mâu thuẫn trong gia đình, và đối mặt với những người anh chị thao túng bạn là vô cùng khó khăn,” Sarkis nói, “và bắt đầu nhận thức rằng những hành động này là không lành mạnh.”
7. Bạn thường hay chỉ trích bản thân vì những điều đã làm
Cụ thể hơn, bạn có thể thấy rằng bạn thường hay chỉ trích bản thân vì những điều đã làm. Khi nói đến việc đưa ra quyết định, bạn không chắc chắn phải làm thế nào. Và khi bạn cố gắng lắng nghe cảm xúc của mình, bạn lại không chắc chắn rằng bản thân mình đang cảm thấy như thế nào.
Đó là bởi vì bạn đã có khả năng dạy rằng những gì bạn nhìn thấy, nghe, và cảm nhận không hoàn toàn là sự thật, Christine Scott-Hudson, thạc sĩ, một chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý được cấp phép, chuyên gia trong lĩnh vực Hôn nhân và Gia đình, và chủ sở hữu của Create Your Life Studio, nói với Bustle.
“Trẻ em lớn lên bên cạnh một người mẹ luôn thao túng tinh thần sẽ mất khả năng tin tưởng vào nhận thức của riêng mình, tin tưởng vào các dấu hiệu cơ thể, và đưa ra những quyết định rõ ràng dựa trên những trải nghiệm thể xác của họ,” bà ấy nói. “Những người mẹ thao túng sẽ cướp đi khả năng tin tưởng vào bản thân mình [của bạn].”
8. Hành động không thống nhất với lời nói
Nếu hành động của mẹ bạn hiếm khi thống nhất với lời nói, có thể đó là một dấu hiệu bà ấy đang thao túng bạn. “Những kẻ thao túng sẽ phủ nhận những điều họ nói hoặc những việc họ làm nếu bạn đề cập đến chúng,” Scott-Hudson nói. “Họ sẽ tìm cách đánh trống lảng.” Và nó có thể gây ra một tác động lớn đến bạn.
Để phát hiện ra điều này, bạn cần phải chú ý vào những việc bà ấy làm hơn là những điều bà ấy nói. Như Scott-Hudson nói, thông thường đối với những kẻ thao túng, “hành động và lời nói của họ thường không phù hợp và không thống nhất,” điều đó sẽ giúp bạn phân biệt “sự thật của bà ấy” và “sự thật thật sự”.
9. Bà ấy đổ mọi rắc rối của mình lên bạn
Một câu hỏi lớn khác cần giải đáp là liệu mẹ của bạn có đổ mọi rắc rối của mình lên bạn, khiến bạn cảm thấy bối rối hay không. Ví dụ, bà ấy có thể buộc tội bạn về hành vi mà bà ấy gây nên, chẳng hạn như nói dối, Scott-Hudson nói. Nên là hãy bắt đầu chú ý đến những điểm bất thường, hoặc những cuộc cãi vã vô cớ ngay từ bây giờ.
Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này, có thể là mẹ của bạn đang thao túng bạn, và rằng bạn cần phải lập nên một ranh giới vững chắc hơn với bà ấy để ngăn chặn nó ảnh hưởng đến bạn. Việc hạn chế liên lạc (hoặc không liên lạc) với mẹ của bạn là cần thiết nếu bạn cảm thấy nó hữu ích. Lựa chọn phụ thuộc vào bạn.
(Gaslight: (nghĩa đen: thắp sáng đèn ga) một hình thức lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc, trong đó kẻ lạm dụng sử dụng thông tin bị bóp méo, thiếu sự thật khiến nạn nhân ban đầu lo lắng, bối rối rồi dẫn đến nghi ngờ suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của mình và mất dần đi cảm nhận về thực tế.)
[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX – Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]
Dịch: Uyển Nhi
Biên tập: Hương
Minh họa: Lilien
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind – Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL
—————————-
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí – Trả Phí Theo Yêu Cầu tại