Liệu cuộc sống của con người có một nhịp sống tự nhiên nào không?

Nhịp sống tăng nhanh trong cuộc sống hiện đại có thể đang khiến chúng ta yếu dần đi.

 NHỮNG Ý CHÍNH

  • Sự thật rằng nhịp sống nhanh của cuộc sống hiện đại có thể dẫn đến sự căng thẳng và những vấn đề sức khỏe liên quan đến triệu chứng này được khá nhiều người biết đến.
  • Những vấn đề này có thể một phần là do sự không tương thích giữa nhịp sống hiện nay và nhịp sống mà chủng loài của chúng ta đã tiến hóa như những người du mục.
  • Tính thích nghi của “vỏ não mới” của chúng ta (neocortex - một khu vực ở não chịu trách nhiệm về nhận thức và suy nghĩ cảm giác) có thể đã lấn áp những tín hiệu từ cơ thể và tâm trí để ta “bắt kịp/thích nghi”.


Tính đến bây giờ, tôi đã nghỉ hưu khoảng năm năm, và tôi cũng đang tận hưởng cuộc sống với một nhịp độ khác biệt. Khi tôi còn đang làm việc toàn thời gian, tôi thường xuyên đi hết sự kiện này đến sự kiện khác nhanh đến nỗi tôi hầu như không có thời gian để nghĩ về những gì đang diễn ra. Tôi sang số ô tô như cách một người dự thi F1 làm (F1 hay Formula One là một cuộc thi chạy đua xe ô tô quốc tế) - tôi chạy vào một khúc cua, kết thúc một khúc cua khác, rồi chạy trên một đường thẳng đến khi nó đụng đến một khúc cua khác. Đừng hiểu nhầm tôi: tôi đã yêu thích công việc của mình và tin rằng công việc của mình hữu dụng và quan trọng. Nhưng vài năm gần đây sau khi nghỉ hưu, tôi đã có thể đọc sách, suy nghĩ, làm tình nguyện, làm việc nhà và làm vườn, chơi nhạc, thậm chí là viết lách một ít ở một nhịp sống phù hợp. Tôi cũng có thời gian ở cùng gia đình và bạn bè thay vì chỉ vẫy tay chào họ từ bên trong chiếc xe hơi của mình khi tôi phóng đi.


Tôi thường hay thắc mắc liệu nhịp sống này có phù hợp không bởi vì nó gần với thứ gọi là nhịp sống tự nhiên của loài người. Một lý do để cho rằng một nhịp sống tự nhiên tồn tại là khi những nhóm người du mục săn bắt hái lượm sống cuộc sống của họ với một nhịp sống tương đối chậm rãi và giống nhau (tất nhiên là ngoại trừ lúc họ đang đuổi theo con mồi).


Chúng ta sợ hãi việc bị bỏ lại ở phía sau, nhưng liệu chúng ta có sợ hãi việc bỏ mọi người lại ở phía sau? | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Những người săn bắt hái lượm đã “làm việc” khi họ cần - như săn bắt, hái lượm, chế tác dụng cụ và chỗ ở - nhưng dĩ nhiên họ không có thiên hướng tích tụ một lượng lớn quả hạch và củ cho tương lai. Nếu bạn là một người du mục, sẽ không có nghĩa lý gì để thu nạp những thứ mà bạn phải kéo lê từ nơi này đến nơi khác. Khi họ đã có đủ cho những nhu cầu tạm thời, họ sẽ dừng “làm việc”. Do đó, họ có thời gian làm những việc mà chúng ta đều thích làm: thư giãn cùng bạn bè và gia đình, kể chuyện, và giải trí. Đương nhiên, làm việc để sinh tồn là cần thiết, nhưng đó chỉ là một phương diện của việc tìm kiếm sự sống (theo nghiên cứu của Marshall vào năm 1976, Turnbull vào năm 1961, Tonkinson vào năm 1978). Thật vậy, nhà nhân loại học Marshall Sahlins gọi những người săn bắt hái lượm là “xã hội giàu có nguyên gốc” không phải vì họ sở hữu được nhiều thứ mà là bởi vì họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi (theo nghiên cứu của Sahlins vào năm 1974).


Liệu điều đó có nghĩa là cuộc sống hàng trăm ngàn năm của người săn bắt hái lượm đã tạo ra nhịp sống liên kết với sức khỏe thể chất và tâm lý - một nhịp sống tự nhiên trong bộ gen di truyền của Người Tinh Khôn không? Một vài học giả có thể sẽ tranh cãi về ý kiến này. Không phải chúng ta có thể thích nghi với bất cứ điều kiện nào sao? Không phải chúng ta là “giống loài dễ thích nghi nhất” trên Trái Đất sao? Rick Potts, giám đốc của Chương trình nghiên cứu Nguồn gốc Loài người ở Viện bảo tàng Quốc gia về Lịch sử tự nhiên thuộc Viện Smithsonian, đồng ý rằng chúng ta là giống loài dễ thích nghi nhất: “Sự tiến hóa của bộ não là ví dụ rõ ràng nhất cho cách chúng ta tiến hóa để thích nghi… khả năng thích nghi là một đặc tính tiến hóa” (theo nghiên cứu của Massey vào năm 2013).


Chắc chắn là loài người đã thích nghi không chỉ với những môi trường vô cùng khác biệt - như sa mạc, hoang mạc, rừng nhiệt đới, và Bắc Cực lạnh giá - mà còn với cả những biến đổi khí hậu trong suốt nhiều thiên niên kỷ. Tuy nhiên, nhịp sống và mối quan hệ giữa làm việc để sinh tồn và những khía cạnh khác của đời sống xã hội và gia đình trong một cộng đồng người lại giống nhau một cách bất ngờ với xã hội săn bắt hái lượm mà chúng ta biết đến, bất kể môi trường họ sinh sống là ở đâu.


Từ thời xa xưa, tốc độ và nhịp điệu của đời sống con người đã tương thích với những quá trình tự nhiên - với mùa màng, sự di cư của động vật, sự phát triển của cây cối. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới xô bồ, và trong một thế giới như thế, sẽ khó để tìm được một nhịp sống có thể cân bằng giữa gia đình, bạn bè và niềm vui. Trong một bài viết trên Internet, Sahlins viết, “Việc thừa nhận rằng những người săn bắt giàu có nghĩa là nhận thức được thực trạng nô dịch hiện tại của loài người, để rút ngắn khoảng cách giữa những mong muốn vô hạn và nguồn lực có hạn của họ là một bi kịch của đời sống hiện đại” (The Sahlins vào năm 2002).


Một trong những hậu quả nghiêm trọng của một nhịp sống tăng nhanh là chúng ta bị ép buộc phải đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Ta hầu như không có thời gian cho việc suy xét, cân nhắc, và bàn luận. Trong khi những điều đó lại là những thành phần của quá trình đưa ra quyết định mà loài ngoài đã xây dựng qua hàng trăm ngàn năm tiến hóa. Người du mục đưa ra quyết định như một nhóm, và chỉ khi đã thông qua những cuộc đàm thoại và thảo luận kỹ càng.


Liệu nhịp sống tăng nhanh của đời sống hiện đại có phải là tác phẩm của người bạn cũ của chúng ta (và sự báo ứng) - vỏ não mới? Hay nó chỉ là một hậu quả vô ý khác? Liệu tâm trí của ta có lấn áp những tín hiệu từ những cơ quan nội tạng khác - như sự căng thẳng, nỗi lo âu, sự không chắc chắn, vết thương bị loét, và sự đau tim - để chúng ta có thể bắt kịp với thế giới, để chen chúc từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, để kiểm tra email, tin nhắn, và bài đăng một lần mỗi một vài phút trôi qua, để sang số ô tô vài lần mỗi ngày? Liệu những nỗ lực để rút ngắn khoảng cách giữa những mong muốn vô hạn của ta và nguồn lực ta có thực sự là một “bi kịch của thời hiện đại”?


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: SweetIvy

Nguồn bài viết: <https://www.psychologytoday.com/intl/blog/evolution-in-daily-life/202202/is-there-natural-pace-living-human-beings>

Tham khảo:

Marshall, Lorna. “Marshall, L. 1976. "Sharing, Talking and Giving: Relief of Social Tensions among the !Kung." In Kalahari Hunter-Gatherers, edited by R. Lee and I. DeVore. Cambridge: Harvard University Press.

Massey, Nathanael. 2013. “Humans May Be the Most Adaptive Species.” Scientific American. September 25, 2013

Sahlins, 1972. Stone Age Economics. New York: Aldine.

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan