Liệu một người hướng nội có đang phí hoài tuổi trẻ?

Những người hướng nội luôn bị đánh giá là không hòa đồng, không thực sự sống hết mình vì tuổi trẻ. Vậy điều đó có thực sự chính xác?



“Con bé kia cứ suốt ngày thui thủi một mình thôi, chẳng thấy nó đi giao du kết bạn bao giờ.”


“Sao lần nào nó cũng cứ ngồi im lặng, không nói chuyện với mọi người thế nhỉ?”

Chắc hẳn chúng ta đều từng nghe thấy những lời đánh giá như vậy về những người hướng nội. Họ bị nhận xét rằng luôn khép mình, không hòa đồng với tập thể, tự tách mình khỏi đám đông. Hay họ không biết cách thể hiện bản thân, không biết cách nói lên chính kiến. Thậm chí một số người còn bị nói là “tự kỉ”. Những người như họ bị xem là đang phí hoài khoảng thời gian tuổi trẻ, đang tự đánh mất đi cơ hội được trải nghiệm những tháng ngày thanh xuân tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết.


Mình có một cô bạn, cô ấy cũng là một người hướng nội. Trong những tháng ngày đầu tiên vừa bước chân vào cấp ba, cô ấy cũng như bao người khác, mơ mộng về những năm tháng trung học với các mối quan hệ bạn bè thân thiết, với những hoạt động thú vị và mới mẻ của các câu lạc bộ. Cô ấy luôn cố gắng tham gia vào các sự kiện chung, tham gia vào những buổi vui chơi với mọi người. Trong các cuộc trò chuyện, thay vì tranh nhau làm người kể chuyện, cô ấy lựa chọn lắng nghe người khác. Vậy nhưng chỉ một thời gian sau, cô bạn ấy chìm trong nỗi hoang mang bởi những lời đánh giá từ các anh chị khóa trên, từ những người bạn cùng lứa:


“Em hãy hòa đồng hơn, nói chuyện với mọi người nhiều hơn đi.”


“Sao em không thể thân thiện được như các bạn khác? Các anh chị làm thế nào mới làm quen được với em đây.”


“Có chuyện gì thì cậu cứ chia sẻ với mọi người chứ sao lúc nào cũng im lặng thế?”


Những lời nhận xét, những quan điểm sống của người khác khiến cô ấy bắt đầu hoài nghi về chính bản thân mình. Cô ấy tự hỏi liệu việc bản thân là một người hướng nội là sai sao? Liệu cách sống của cô ấy từng ấy năm thực sự cần thay đổi?


Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây có nằm ở những người hướng nội hay không? Theo mình, câu trả lời là không.



(“HÃY TRỞ THÀNH MỘT KẺ CÔ ĐỘC. ĐIỀU NÀY GIÚP BẠN DÀNH THỜI GIAN TỰ VẤN VÀ TÌM KIẾM SỰ THẬT” - ALBERT EINSTEIN)


Những người luôn đánh giá, phán xét kia đã bao giờ thực sự lắng nghe điều những người hướng nội suy nghĩ, đã bao giờ họ đặt mình vào góc nhìn của người khác để cố gắng thấu hiểu? Hay sự thật là họ chỉ áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác và nghĩ rằng như vậy mới là đúng đắn?


Dưới góc nhìn của mình, việc cá nhân cô bạn kia, hay những người hướng nội nói chung, không thể hòa nhập được với mọi người phải chăng là do môi trường ấy không phù hợp với họ. Họ không thể tìm kiếm được tiếng nói chung, không thể thực sự giãi bày với bất kì ai ở nơi đó. Có lẽ điều họ cần làm là tự giải thoát cho bản thân: từ bỏ việc nghe theo những định kiến của người khác, từ bỏ những mối quan hệ khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Có đôi khi, “từ bỏ” không phải là một điều xấu.


Trong cuốn sách “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật”, tác giả Mari Tamagawa có viết: “Bạn nên sống theo “quan điểm cá nhân”, những chuẩn mực của riêng bạn. Khi bạn sống theo “quan điểm của bản thân” thay vì “quan điểm của người khác”, những lo âu của bạn sẽ mau chóng tan biến đi như chưa từng xuất hiện, và cuộc sống của bạn sẽ xoay theo một chiều hướng mới, trở nên vui vẻ và thoải mái hơn.”


Cô bạn của mình sau khi chịu đựng quá nhiều áp lực liền quyết tâm rời khỏi câu lạc bộ. Cô ấy tìm về với những sở thích cá nhân: đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh, vẽ vời. Cô ấy dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, học ngoại ngữ, dọn dẹp nhà cửa, quản lí thời gian. Khác hẳn với một cô gái luôn âu lo, mệt mỏi, tự ti của thời gian trước, mọi nỗi niềm của cô ấy dường như đã được giải tỏa hoàn toàn. Giờ đây cô ấy thực sự vui vẻ, thực sự thoải mái tận hưởng thời gian dành cho bản thân và gia đình.


Cũng như cô bạn của mình, những người hướng nội không hề phí hoài tuổi trẻ, họ không phải những con rùa rụt cổ chỉ biết chui trong vỏ bọc an toàn của bản thân trong mắt những người khác. Họ chỉ đang tận hưởng cuộc sống theo một cách riêng. Thay vì vùi vào những cuộc vui tụ tập, những chuyến lượn lờ ăn uống khắp phố phường, họ ưa thích việc dành thời gian một mình đọc cuốn sách yêu thích, lắng nghe điệu nhạc cổ điển du dương hơn cả. Họ tận hưởng thời gian thoải mái nằm xem phim hay cặm cụi nửa ngày trời để hoàn thành bức vẽ mình mong muốn. Những người hướng nội luôn dành ra cho mình một khoảng lặng để tự lắng nghe tiếng lòng, tự đối diện với bản thân. Và họ thực sự sống trong những phút giây yên bình ấy.


Nếu ví thế giới của mỗi người như một chiếc hộp bí ẩn, những người hướng ngoại yêu thích việc bước ra khỏi chiếc hộp ấy để khám phá những điều mới lạ phía bên ngoài. Những người hướng nội lại tìm kiếm được những niềm vui, những điều thú vị bên trong chiếc hộp. Họ cẩn thận nâng niu từng giá trị nhỏ bé trong chiếc hộp ấy, lặng lẽ bảo bọc và trân trọng chúng. Nhưng họ không hề cô độc. Trên thế gian này “không có “người lạ”, chỉ có những người chưa gặp được nhau” (Tục ngữ Ireland). Mình tin rằng sẽ có những người thực sự muốn lắng nghe, muốn thấu hiểu, muốn khám phá những giá trị bên trong những “chiếc hộp” đóng kín ấy. Điều quan trọng là bản thân mỗi người phải học cách trân trọng chính mình.



("QUÁ KHỨ VÀ NGƯỜI KHÁC LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC. NHƯNG TƯƠNG LAI VÀ BẢN THÂN LẠI CÓ THỂ THAY ĐỔI" - ERIC BERNE)


Nhà soạn kịch nổi tiếng Oscar Wilde từng nói “Yêu chính bản thân mình là bắt đầu cho cuộc sống lãng mạn”. Bởi vậy, những người hướng nội thay vì tự hoài nghi bản thân, hãy chấp nhận sự khác biệt. Hãy tin rằng chúng ta là những sắc màu độc nhất trên bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc đời. Hãy học cách yêu lấy chính bản thân mình trước khi mưu cầu tình thương hay sự chấp thuận từ người khác. Nếu như không thể thay đổi cách nhìn nhận của mọi người, vậy ta chỉ cần sống cho phút giây hiện tại, sống hết mình theo cách của riêng ta.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan