Live on

“Ở tuổi thiếu niên hay tráng niên, thậm chí trung niên đi chăng nữa cuộc sống cũng chẳng bao giờ đứt đoạn, nó luôn diễn biến, giấc mơ và mục tiêu có thể thay hình đổi dạng rồi tiếp tục tồn tại bên chúng ta.”

Dí mặt vào lớp kính khoang tàu, nhỏ phóng tầm nhìn bao quát cả một xứ Cờ Hoa mà người ta vẫn thường ví von với “vùng đất của cơ hội”; nhưng, cứ nghĩ đến, bụng nhỏ lại sôi sục, choáng váng bởi vẻ tráng lệ nọ. Quảng trường sáng trưng, tương lai rực rỡ; đó là những mặc định, kỳ vọng khi trở về trên chặng bay 20 tiếng à. Chuyển mình trong chốc lát, sương bắt đầu đan dày đặc như vô vàn mũi chỉ giăng chéo nhau, được cố định trên trục điện. Tối dần, hình như nhỏ đang đi vào ngõ cụt.


Có chút nhộn nhạo, nhỏ nuốt ực. Áp suất trong buồng, như cái siêu nước hú còi lúc dao động âm thanh, đẩy lên quá nửa đầu ù ù. Nhỏ có thể đoán được rằng, phi cơ vừa khởi hành, vừa đâm thủng tầng tầng mây, lớp lớp ý nghĩ. Nhỏ thấy mình đang trôi.


Mùa hè năm 2020, cứ như có ai đó châm ngòi nổ liên thanh, đại dịch Covid làm càn trên đất Mỹ. Y xì cuộc chạy loạn được phóng họa từ Reality Z, hàng trăm, hàng ngàn lỗ hổng trong cảnh túng quẫn đột ngột phát sinh, chạm mức ngất ngưỡng; từ hiện tượng xả súng, biểu tình ngoài kiểm soát do bất ổn về kinh tế, chính trị đến sự bùng lên của vấn nạn kì thị Châu Á, cộp mác “kung-flu”.


Khác xa tưởng tượng nhỏ hằng ao ước, “sự kiện đổi đời” tự dưng chệch kế hoạch dự trù ban đầu, khiến du học sinh lâm vào tình cảnh chết dở. Vùng vẫy như con cá mắc cạn, ba mẹ thì liên tục bơm tiền hồi sinh cho giấc mộng nồng nhiệt xưa kia của nhỏ, đến độ đặt cược cả căn nhà duy nhất, chỉ vì một chút niềm tin cỏn con. “Ráng một chút nữa thôi. Sắp tới rồi!” Dẫu vậy, một thân một mình nơi đất khách, nhỏ thấy áp lực vô cùng. Trên mẻ lưới, chả trách bởi hoài bão quá khổ, nhỏ bị kẹt, giữa một bên là bình ổn ngay thời điểm này hay trở thành vì sao sáng suốt quãng đời còn lại. Ơ, mà đâu biết được, có lắm chữ “ngờ”. Cuộc sống sau dấu phẩy, ai biết sẽ ra sao.


Mọi trật tự, đảo lộn thật sự. Tính khí nhỏ thay đổi, lúc nắng lúc mưa, còn bỏ hẳn thói quen tự nấu theo chế độ dinh dưỡng. Nhỏ thồn một đống thức ăn nhanh mỗi ngày, khi không buồn miệng chỉ biết nhấm nháp socola và bia cho thỏa. Đó là thứ ít ỏi giúp nhỏ cảm nhận rõ vị giác, có chăng cả sự tồn tại của bản thân. Rồi buồn nôn, nhỏ ho và ho và ho. Nhỏ ước được về nhà.


Bệnh viện quá tải, nhiều trường đại học úp mở về động thái đóng cửa ngắn hạn; hễ mở điện thoại lên, thanh thông báo lại dồn dập loạt tin tức khủng bố tinh thần, chậm rãi mà bóp nghẹt từng chút một. Hoá ra, giấc mơ Mỹ, người trẻ trông đợi gì ngoài những xa hoa, nói nó là nguồn vốn để đầu tư, lập nghiệp thì đúng hơn. Tích luỹ kinh nghiệm, vốn sống làm gì khi mà về quê nhà không lấy cho mình một tấm bằng. Cứ nhìn hai bàn tay trắng mà xét nét, thật khó để họ chấp nhận sự thật này.


Bất luận sự chênh lệch múi giờ đến một vòng đồng hồ, đều đặn mẹ facetime ngóng tình hình của nhỏ thế nào, ăn có đủ bữa không; rồi hổng chừng con đường gày dựng sự nghiệp của nhỏ có gặp nhiều bất trắc chứ. Mẹ quan tâm là thế, vậy mà nhỏ cứ quấy, nước mắt ngắn dài sưng húp, chân tay bệ rạc một màu xác khô. Nghĩ lại, nhỏ thấy có lỗi lắm.


Dần dà, con tàu đến miền đất hứa tuột phanh, lao dốc vun vút, nhỏ kiềm bánh lăn, chẳng tài nào hãm được tốc độ. Gánh trên vai sức nặng, bấy giờ nhỏ mới thấm thía sâu sắc cú trượt dài của cô sinh viên năm cuối, tưởng chừng đã độc chiếm đỉnh cao, rốt cục lại dang dở dự định, ước mơ đình trệ. Cầm lên phải buông xuống được, nhỏ dứt khoát. Mặc kệ người ngoài cuộc thi nhau xối tai điều tiếc nuối, “Con bé ấy tự nhiên lại bỏ cuộc vào phút chót.”

— — —


Thế giới bận đóng băng. Biên giới Việt Nam im lìm mãi chẳng mở. Cứ lên rồi lại xuống một cách thất thường, nhỏ bồn chồn không yên khi ngầm hình dung lộ trình vô định phía trước. Lênh đênh như con thuyền giữa biển, đến đâu thì tới. 


Ba mẹ cuối cùng cũng tích cóp được đủ số tiền, nhưng không phải bồi sức để tiếp tục mà rẽ cho nhỏ một lối thoát hiểm. Hầu hết các chuyến bay liên tục bị trì hoãn, thời gian như kéo dãn. Tận tháng 11 mới tới phiên số thứ tự của nhỏ. Mẹ ở nhà xót con, song đó, nhỏ hiểu nỗi thất vọng tràn trề của gia đình hay tin mình dừng việc học ngang xương. Trách thì cũng trách rồi. Nhỏ chỉ băn khoăn không biết chừng nào tâm lý mới đủ ổn định để quay lại.


Bàn về thuở bé, nhỏ từng thích mấy căn nhà búp bê lắm, lắp ráp, bày biện, trang trí cả ngày chẳng chán. Cứ vậy mà nuôi lớn niềm đam mê đặc biệt ấy, nhỏ luôn đinh ninh nghề thiết kế ắt hẳn phải dành cho mình. Bây giờ, tuy không thể kiểm sống, đường hoàng với danh xưng nhà thiết kế, nhỏ nhất định vẫn sẽ theo đuổi công việc ấy bằng một cách nào đó. Cho dù chưa rõ lối đi, cho dù từng bước chân chẳng còn suôn sẻ nữa, ý chí vẫn tuyệt đối không lung lay. Tương tự câu bình tâm đắc của Shinkai Makoto: “Ở tuổi thiếu niên hay tráng niên, thậm chí trung niên đi chăng nữa cuộc sống cũng chẳng bao giờ đứt đoạn, nó luôn diễn biến, giấc mơ và mục tiêu có thể thay hình đổi dạng rồi tiếp tục tồn tại bên chúng ta.” Giống như nhỏ vậy, có lẽ sẽ tạo ra nhiều ngôi nhà nhỏ bằng đôi tay tỉ mẩn, phục hồi lại nhiệt thành nay đã mất.


Quá nhiều dấu thăng, và thăng, rồi một lúc nào đó sẽ giáng một đòn đau (theo nguyên tắc “Biểu đồ hình Sin”). Đại dịch ghé như khoảng lặng đời người, chợt một khắc nhận ra mình mất tất cả, không tiền đồ, không tiếng vang. Thế nhưng, nhỏ chưa bao giờ cho đó là thừa cả. Ở điểm lưng chừng ấy, nhỏ mới có cái nhìn toàn diện về thế giới, bởi người ta còn cần biết mình đã đi đúng hướng chưa. Trải đủ nhiều mới đủ ý thức được tầm quan trọng của những đánh đổi, liệu có xứng đáng. Lặng một lát không nghĩa là bỏ cuộc, không có nghĩa là hết yêu sự lựa chọn của bản thân. Mà nhỏ tin, đây là mốc ngoặt, lùi một bước để tiến thật nhiều.


Có chăng cuộc đời thuộc về những chuyến đi ‘rày đây mai đó’; kẻ đi người ở, đôi lúc phải xuống ga, chờ đợi ở trạm truân chuyển vì một đoàn tàu phù hợp hơn. Dẫu thế, hành trình đến bến đỗ hạnh phúc vẫn luôn miệt mài trên đường ray, khớp đến kì lạ. Thay đổi quả nhiên là tất yếu. Ai dám nói quyết định ấy ngu ngốc chứ. Xách va-li lên, nhỏ sẵn sàng đón nhận, đột phá với tuyến đường mới.

-----

Tác giả: Cát Phương

Ảnh: Unplash

BẢN THẢO
Bài viết liên quan