Loài chó quan sát chúng ta rất cẩn thận và dễ dàng đọc vị được khuôn mặt của con người

Nghiên cứu cho thấy loài chó rất chú ý đến các biểu cảm khác nhau trên khuôn mặt của con người.


Trong cuốn sách Unleashing Your Dog: A field guide to giving your canine companion the best life possible (Tạm dịch: Thả lỏng chú chó của bạn: Hướng dẫn cách tạo nên tột cuộc sống tốt nhất cho người bạn bốn chân), tôi và Jessica Pierce nhấn mạnh về sự quan trọng của những người chọn sống cuộc đời của mình bên cạnh những chú chó nay đã trở nên “thành thạo về chuyên môn này” hay trở thành “nhà khuyển học”. Ngoài việc tìm hiểu những kiến thức cơ bản về hành vi của chó, một khía cạnh đáng nói khác là chúng ta cần phải hiểu được các giác quan của chúng hoạt động như thế nào và cách mà chúng sử dụng mắt để quan sát khuôn mặt chúng ta cũng như lý do giải thích cho sự nhạy bén của chúng đối với những biểu hiện xã hội đa dạng mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu cho thấy chó đặc biệt chú ý đến biểu cảm trên nét mặt của loài người – có lẽ vì chúng ta không có đuôi và tai cũng không di chuyển. Sau đây là một bài tổng kết những điều chúng ta biết về những gì loài chó học được khi chúng đọc vị khuôn mặt con người theo cách của riêng mình.


Trong một nghiên cứu về loài chó và biểu cảm khuôn mặt của con người, một nhóm các nhà khoa học được chỉ đạo bởi Corsin Muller đã cho thấy chó nhận thấy sự khác biệt giữa những khuôn mặt vui vẻ và tức giận của con người, và chúng cảm thấy sự thù địch mỗi khi quan sát những khuôn mặt giận dữ. Một nghiên cứu liên quan khác tiến hành bởi Natalia Albuquerque và đồng nghiệp đã kiểm tra hành vi của chó khi phản ứng với các dấu hiệu trực quan liên quan đến cảm xúc của con con người. Nhóm của Natalia so sánh phản ứng của chúng khi tiếp xúc với khuôn mặt vui vẻ và giận dữ của con người, thấy rằng chúng hay liếm mặt để đáp lại các biểu hiện giận dữ. Hành động này xuất hiện khi những chú chó thí nghiệm nhìn thấy những hình ảnh của khuôn mặt con người đang cáu giận, nhưng đối với giọng thể hiện sự cáu giận thì lại không – điều này nhấn mạnh sự quan trọng của các dấu hiệu trực quan. Liếm mặt có thể là một tín hiệu dùng để làm khuây khỏa trong việc giao tiếp giữa loài chó với nhau, và cũng có thể nó có mục đích tương tự để một chú chó phản ứng lại khi thấy những cảm xúc tiêu cực trên con người đồng hành với nó. (“hành động làm khuây khỏa” ngăn chặn hoặc làm giảm những hành vi hung hăng của một người bạn xã hội). Trong nghiên cứu này, các chú chó liếm mặt với tần suất cao hơn khi nhìn vào hình ảnh của con người hơn là những chú chó khác, gợi ý rằng có thể sự nhạy cảm đối với biểu cảm trên mặt con người của chúng đã tiến hóa để tạo thuận lợi trong quá trình tương tác với chúng ta.


Các nhà nghiên cứu trong một thí nghiệm khác lại phát hiện ra hormone oxytocin (đi kèm với cảm giác tin cậy hay yêu mến) khiến loài chó thích thú hơn đối với các khuôn mặt đang cười của loài người và thấy ít bị đe dọa hơn bởi một khuôn mặt giận dữ. Họ cho một nửa nhóm thí nghiệm một thứ thuốc xịt mũi chứa oxytocin và nhóm còn lại là thuốc xịt mũi giả dược. Nhóm thứ nhất dành nhiều thời gian để nhìn vào những khuôn mặt vui vẻ hơn là nhóm giả dược thứ hai. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng đồng tử của loài chó giãn rộng hơn khi nhìn vào những khuôn mặt tức giận, một dấu hiệu gợi ý rằng chúng cảm thấy thái độ thù địch khi tiếp xúc với những khuôn mặt này, nhưng với nhóm dùng thuốc chứa oxytocin thì phản ứng này lại biểu hiện kém rõ rệt hơn. Sau đó, họ đi tới kết luận, “Oxytocin có khả năng làm giảm sự thận trọng đối với các kích thích xã hội gây ra cảm giác bị đe dọa và làm nổi bật các kích thích xã hội tích cực, do đó khiến việc nhìn vào các khuôn mặt vui vẻ trở nên đáng chú ý hơn với loài chó.” Nói cách khác, có khả năng cao là oxytocin đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển liên kết giữa người và chó.



Một trong những thí nghiệm thú vị nhất về nhận thức của loài chó có sử dụng chụp cộng hưởng từ chức năng (functional Magnetic Resonance Imaging - MRI) để tìm hiểu cách mà não bộ của loài chó xử lý thông tin xã hội. Nhà thần kinh sinh học Gregory Berns, công tác tại Đại học Emory, từ lâu đã có hứng thú trong nhận diện khuôn mặt và liệu, như con người và linh trưởng không giống người, loài chó có một bộ phận riêng nào đó trong não dành riêng cho việc xử lý các khuôn mặt hay không. Sẽ hoàn toàn hợp lý nếu loài chó đã tiến hóa cấu tạo thần kinh để xử lý các thông tin khuôn mặt của những chú chó khác vì loài chó (và sói) đều là những loài thú có vú sống bầy đàn và có tính chất xã hội cao. Nhưng có khi nào cấu tạo thần kinh của chúng cũng đã tiến hóa để xử lý khuôn mặt con người, dựa trên lịch sử thuần hóa và cùng tiến hóa với con người? Berns và các đồng nghiệp đã phát hiện ra, trên thực tế, loài chó có một vùng dành riêng cho xử lý khuôn mặt con người, giải thích cho sự nhạy bén tinh tế đối với các dấu hiệu xã hội của con người.


Dường như chó không chỉ đọc vị được biểu cảm mà còn giao tiếp với chúng ta bằng cách sử dụng biểu cảm khuôn mặt của riêng chúng. Các nhà khoa học ở Trung tâm Nhận thức của Chó tại Đại học Portsmouth Vương quốc Anh chỉ ra rằng chó tạo ra nhiều biểu cảm hơn khi có người nhìn nó nếu so với lúc không có ai nhìn. Biểu cảm phổ biến nhất mà chúng sự dụng là nhướn lông mày trong lên, khiến đôi mắt trở nên rộng và có vẻ buồn hơn, một ánh nhìn quen thuộc mà bất cứ ai nuôi chó cũng nhận ra là “đôi mắt cún con”. Chó biết khi nào chúng ta đang nhìn, khi nào không dù chỉ trong vài giây và chúng thường hay trộm đồ ăn hơn khi mắt của ai đó khép hay quay lưng lại. 



Mặc dù chúng ta đã tìm hiểu được khá nhiều về sự giao tiếp giữa người với chó và chó với người, vẫn còn nhiều điều cần học hỏi. Đó cũng là lý do tại sao đây là một lĩnh vực nghiên cứu hết sức quan trọng và thú vị. Càng nhiều điều chúng ta biết về bản chất và chi tiết của tương tác xã hội qua lại giữa người và chó thì càng có nhiều cơ hội hơn cho việc phát triển những gắn kết sâu sắc, có ý nghĩa dài lâu cho chúng ta với loài chó.


Dịch bởi: #DeathBlossom

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/animal-emotions/201904/dogs-watch-us-carefully-and-read-our-faces-very-well


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL




BẢN THẢO
Bài viết liên quan