Trong tình yêu, điều gì làm nên sức hấp dẫn của bạn?

Bạn đang  tìm kiếm người “phù hợp”? Bạn đang phát ốm với hàng đống app, websites hẹn hò và việc cố gắng tìm người yêu tiềm năng trong giải đấu kickball? Và luôn tự hỏi bản thân có thể chịu …

Bạn đang  tìm kiếm người “phù hợp”? Bạn đang phát ốm với hàng đống app, websites hẹn hò và việc cố gắng tìm người yêu tiềm năng trong giải đấu kickball? Và luôn tự hỏi bản thân có thể chịu đựng thêm bao nhiêu buổi hẹn hò ngớ ngẩn nữa để tìm được một người “phù hợp”? Và sao lại có những người có nhân cách giả tạo hay những người dở dở ương ương – những người dường như hứng thú với bản thân họ hơn với người khác và chẳng buồn điều chỉnh lịch trình của họ một chút để mà, chẳng hạn như, đi chơi với bạn?

Nếu trên đây là những điều mô tả bức tranh của đời sống tình cảm của bạn thì bây giờ tôi muốn bạn cởi mở và bắt đầu nhìn nhận các vấn đề khác đi một chút.

Trước tiên, hãy chú ý đến điều này: tất cả mọi người đều muốn có một người bạn đời hoàn hảo, nhưng rất ít người muốn trở thành một người bạn đời hoàn hảo.

Tôi nghĩ hầu hết những vấn đề xung quanh việc “tìm kiếm ai đó” xuất phát từ những kỳ vọng không cân xứng này.

Nhưng khi bạn lật ngược tình huống lại, và bắt đầu nhận lấy nhiều trách nhiệm hơn trong lĩnh vực này của cuộc sống  – khi bạn bắt đầu tập trung vào kiểu cuộc sống mà bạn muốn sống và kiểu bạn đời mà bạn muốn trở thành – bạn sẽ bắt đầu thấy tất cả những kẻ không đáng tin cậy, ái kỷ, dối trá biến mất dần trong đời sống tình cảm của mình. Bạn bắt đầu tạo nên sự kết nối thật sự với mọi người và khiến cuộc sống của hai bên trở lên thú vị hơn.

Nhiều năm qua, tôi có thể đã hơi ám ảnh quá mức về khía cạnh này trong cuộc đời của mình. Nhưng sau khi vấp ngã qua những mối quan hệ không lành mạnh, tôi học được một bài học rất quan trọng: cách tốt nhất để tìm thấy một người tuyệt vời là tự bản thân trở thành một con người tuyệt vời.

Cho nên, nếu bạn sẵn lòng cởi mở, chuẩn bị nhìn lại bản thân theo một cách không dễ chịu cho lắm – thì….. đọc tiếp nào.

NGƯỜI KHÔNG THIẾU THỐN

Chúng ta hãy cùng bắt đầu với một mệnh đề táo bạo: Gốc rễ của mọi sự kém hấp dẫn là cảm giác thiếu thốn; gốc rễ của mọi sự hấp dẫn là cảm giác không thiếu thốn [ND: thiếu thốn ở đây không phải là vấn đề tiền bạc mà là cảm giác thiếu sót của bản thân].

Vậy thiếu thốn thực sự là gì?

Cảm giác thiếu thốn xảy ra khi bạn đặt ưu tiên cao hơn cho những suy nghĩ của người khác về bạn so với những gì bạn thực sự nghĩ về bản thân.

Bất cứ khi nào bạn cố gượng ép lời nói hay hành động của bản thân để phù hợp với điều người khác cần hơn là chính bản thân bạn cần, đấy là sự thiếu thốn. Bất cứ khi nào bạn nói dối về sở thích, đam mê hay là hoàn cảnh của bản thân, đấy là sự thiếu thốn. Bất cứ khi nào bạn theo đuổi một mục tiêu để gây ấn tượng với người khác hơn là để hoàn thiện bản thân, đấy chính là sự thiếu thốn.

Trong khi hầu hết mọi người tập trung vào những hành động nào là thu hút/ kém thu hút, thì cái thực sự quyết định sự thiếu thốn (và kéo theo đó là sự thu hút) là lý do đằng sau hành động của bạn. Bạn có thể nói và làm y chang những điều “cool ngầu” của người khác, nhưng nếu bạn làm điều đó vì lý do sai lầm, những điều bạn làm sẽ phản ánh sự thiếu thốn và tuyệt vọng và sẽ khiến người khác nhàm chán.

Sự thu hút hay không thu hút không nằm ở việc bạn làm, mà nằm ở lý do bạn làm việc đó.”

Con người có thể nhận ra những hành vi “thiếu thốn” ngay lập tức – bạn cũng có thể nhận thấy điều này khi ai đó đang cần sự chú ý và tình cảm của bạn – và nó tạo ra một sự mất hứng rất lớn. Điều này là bởi vì “sự thiếu thốn” thực chất là một hình thức thao túng, và con người thì đánh hơi rất nhanh sự thao túng chết tiệt này.

Hãy thử nghĩ về điều này. Nếu bạn hành động dựa trên sự mong cầu, bạn đang cố gắng để mọi người nghĩ về bạn theo một kiểu nào đó hoặc đối xử với bạn theo một cách nào đó vì chính lợi ích của bạn. Hãy nghĩ về cảm nhận của bạn khi ai đó ngang nhiên cố gắng bán cho bạn một thứ gì đó với áp lực mạnh, cùng với thủ thuật bán hàng. Điều này chỉ gây nên cảm giác sai sai mà thôi. Cảm giác tương tự cũng sẽ xảy ra khi một người làm một việc gì đó chỉ để bạn thích họ.

Có thể nói, tất cả chúng ta đều hành động một cách thiếu thốn khá thường xuyên – dĩ nhiên là thế, vì chúng ta vẫn quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình. Đây là bản năng của con người. Nhưng giải pháp ở đây là, đến cuối ngày, bạn nên quan tâm đến việc mình nghĩ về bản thân thế nào hơn là những gì người khác nghĩ về bạn.

NHỮNG VÍ DỤ VỀ SỰ THIẾU THỐN TRONG CUỘC SỐNG CỦA BẠN

Mức độ của sự thiếu thốn/ không thiếu thốn ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống sống của bạn và được phản ánh qua mọi hành động của bạn. Tôi nhấn mạnh lần nữa là mọi hành động của bạn.

Một vài ví dụ:

• Một người thiếu thốn muốn bạn bè của họ nghĩ rằng họ ngầu lòi, hài hước hoặc thông minh và sẽ liên tục cố gắng gây ấn tượng với bạn bè bằng sự ngầu, tính hài hước hoặc những ý kiến thông minh về mọi thứ. Một người đầy đủ chỉ đơn giản tận hưởng khoảng thời gian bên cạnh bạn bè và không cảm thấy cần thể hiện điều gì với bạn bè của họ.

• Một người thiếu thốn mua quần áo dựa trên việc người khác sẽ nhìn họ “ổn” như thế nào khi mặc chúng (hoặc ít nhất là họ cảm thấy “an toàn” khi mặc). Một người đầy đủ mua quần áo dựa trên gu thời trang cá nhân mà họ xây dựng dần dần.

• Một người thiếu thốn trụ lại với công việc tồi tệ mà họ ghét vì sự ngưỡng mộ trong mắt của bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Một người đầy đủ cho rằng thời gian và kỹ năng của họ đáng giá hơn những gì người khác nghĩ và sẽ tìm kiếm công việc ý nghĩa và thử thách họ dựa trên những giá trị của họ.

• Một người thiếu thốn sẽ cố gắng gây ấn tượng với bạn hẹn bằng việc đưa ra ẩn ý về số tiền to lớn mà họ kiếm được hoặc các mối quan hệ hoành tráng của họ hay họ đã tốt nghiệp trường đại học nào. Một người đầy đủ chỉ cố gắng hiểu rõ đối phương để tìm ra xem liệu họ có hợp với nửa kia hay không thôi.

Ta cư xử theo kiểu mong cầu khi ta cảm thấy bản thân mình tồi tệ. Ta cố gắng sử dụng tình cảm và sự ủng hộ của người khác để bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm và sự ủng hộ từ chính bản thân dành cho mình. Và đó chính là một trong những nguyên nhân khác nữa của các vấn đề trong đời sống tình cảm: Sự thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân.

Một vài bài viết khác về việc loại bỏ sự thiếu thốn:

  1. Models: Attract Women through Honesty
  2. The Subtle Art of Not Giving A Fuck
  3. Change Your Mind About Dating 
  4. The Dismal State of Flirting in English-Speaking Cultures 

TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN MÌNH

Không ai có thể nhìn nhận bạn như một cá nhân có giá trị khi bạn không làm điều đó trước. Tự chăm sóc bản thân của mình – làm điều đó cho chính bản thân chứ không phải do mong cầu – chính là cách phản ánh giá trị của bản thân bạn.

Thực ra, có một ranh giới rất rõ ràng giữa việc chăm sóc bản thân vì lý do đúng đắn và lý do sai lầm. Nếu bạn tập thể dục, ăn kiêng, học hành…. để người khác yêu quý, bạn đã thua cuộc rồi ( đây là hành vi mong cầu, bạn nhớ chứ?) Bạn nên chăm sóc bản thân mình vì bạn thực sự muốn trở lên khỏe mạnh, thông minh, trở thành một cá nhân toàn diện vì chính lợi ích mà những đức tính đó mang lại, những đức tính thuộc về con người đánh giá cao ý thức về giá trị của bản thân hơn so với những gì người khác nghĩ về mình.

Nghĩ về điều này theo cách đơn giản sau: Mọi người sẽ không yêu quý bạn cho đến khi bạn tự làm điều đó.

Dưới đây là danh sách những lĩnh vực chính trong cuộc đời mà bạn nên tập trung vào trước tiên (nếu bạn chưa làm điều đó):

Sức khỏe. Chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần là bước tiến lớn nhất mà bạn có thể thực hiện để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Sức khỏe tốt có một sự ảnh hưởng lớn nhất, lâu dài nhất đến hầu hết các mặt của cuộc sống, bao gồm cả tình cảm và các mối quan hệ.

Bên cạnh cải thiện ngoại hình; ăn uống khoa học và tập luyện thường xuyên sẽ tạo ra nền tảng để bạn cảm thấy tốt hơn từng ngày. Khi bạn cảm thấy ổn hơn – nghĩa là cảm nhận nhiều năng lượng hơn và tâm trạng tốt lên một chút – thì việc nhấc mông ra khỏi nhà và tiến vào thế giới rộng lớn ngoài kia để gặp gỡ người khác sẽ dễ dàng hơn. Bạn cũng sẽ trở nên dễ mến hơn trong mắt mọi người xung quanh.

Và nếu như bạn có bất kì tổn thương sâu sắc nào từ quá khứ hoặc vấn đề tâm lý nào cần giải quyết, hãy đối mặt. Nói chuyện với bạn bè hoặc người thân hoặc tìm đến tâm lý trị liệu nếu cần thiết. Dù cuối cùng bạn vẫn sẽ là người tự vực mình dậy, nhưng không có vấn đề gì nếu bạn muốn tìm kiếm một chút sự giúp đỡ trong vấn đề này. Hãy chăm sóc sức khỏe tình thần của mình nhé.

Tài chính. Tiền là áp lực chính đè nặng lên hầu hết mọi người. Tuy rằng áp lực là thế nhưng trên thực tế, hầu hết mọi người cuối cùng lại làm ngơ các vấn đề tài chính của họ. Điều này, hóa ra, dẫn đến một vòng lặp, khi mà việc lờ đi các vấn đề tiền bạc chỉ khiến họ thêm khổ sở và thậm chí họ sẽ còn áp lực hơn trong tương lai.

Kiểu áp lực dài hạn này khiến bạn kém hấp dẫn đi nhiều. Nó gặm nhấm năng lượng của bạn, gây nên các vấn đề về sức khỏe, và thường khiến bạn trở nên cộc cằn với mọi người xung quanh. Nên nếu điều này miêu tả chính bạn, thì đây là lúc nhận thức đúng đắn về thực trạng tài chính của bản thân.

Hãy học cách quản lý đời sống tài chính cá nhân. Ngưng lãng phí và tìm cách kiếm nhiều tiền hơn trước mắt dài hạn. Mở một tài khoản tiết kiệm phòng cho trường hợp khẩn cấp. Trả nợ nhanh nhất có thể. Bắt đầu học những điều cơ bản về đầu tư.

Tóm lại, hãy xử lý vấn đề này để nó không kéo bạn đi xuống trong những lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Sự nghiệp. Phải nói thật rằng, không ai muốn ở gần – chứ đừng nói là hẹn hò – với một người mà suốt ngày kêu than về công việc của họ. Nghe này, tôi hiểu mà, không phải ai cũng có một công việc đáng mơ ước của họ hoặc bắt đầu một thương nghiệp tỉ đô ngay ngày mai. Chúng ta đều được sinh ra với những mặt mạnh tiềm ẩn, đôi lúc những tài năng và đam mê này sẽ trở thành sự nghiệp của ta. Những lúc khác, ta lại phải làm những công việc “bình thường” để kiếm sống và theo đuổi tài năng và đam mê như những công việc làm thêm.

Nhưng dù cho tình trạng hiện tại của bạn có ra sao, nhất định luôn có việc gì đó bạn có thể làm, ngay bây giờ, để tìm kiếm một công việc mang lại ý nghĩa và niềm vui cho bạn, hoặc ít nhất công việc không phải là ác mộng đối với bạn. Ứng tuyển cho một công việc mới. Tìm kiếm những hội chợ việc làm và xây dựng mạng lưới nghề nghiệp. Tham gia một lớp học và nâng cao những kỹ năng mà bạn yêu thích. Học cách phỏng vấn tốt hơn và đàm phán được các điều khoản tốt hơn cho các công việc dài hạn.

Đời sống xã hội. Nếu tuần nào bạn cũng đến 3,4 quán bar quen thuộc với 3,4 người nhàm chán như thế và luôn tự hỏi rằng tại sao bạn lại không thể gặp người nào thú vị, hấp dẫn để kết nối cả – ừm thì hãy dừng lại một chút để suy nghĩ.

Cải thiện một đời sống xã hội năng động không chỉ khiến cuộc sống trở nên trọn vẹn, thú vị hơn, chúng còn giúp bạn tiếp cận với nhiều (và đa dạng) những người mới, nâng cao khả năng gặp được bạn bè thực sự.

Tôi sẽ nói rõ điều này hơn trong những bài viết khác, còn bây giờ, một vài gợi ý mà bạn có thế bắt đầu làm bao gồm một số việc như khám phá một sở thích mới, tham gia một lớp học vẽ, đăng ký tham gia câu lạc bộ võ thuật, yoga hoặc các giải đấu thể thao ở cộng đồng…vv. Những việc như trên sẽ giúp bạn nhấc mông ra khỏi nhà và tương tác nhiều hơn với mọi người. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các mặt khác trong cuộc sống của bạn.

Cũng có thế trong quá trình cải thiện, bạn sẽ nhận ra làm những việc trên cần đầu tư phần nào thời gian và sức lực. Trên thực tế, bạn chỉ có thể cố gắng cho những việc trên ở một mức độ nào đó, không sao cả. Cách tốt nhất để cải thiện những lĩnh vực trên là phát triển những thói quen nhất quán, lành mạnh xung quanh chúng.

Hãy nhớ mục đích chính của việc làm những điều trên không phải là để đi đến thiên đường nơi mà bạn có cơ bụng sáu múi, hàng tỉ đô la, và một lịch trình giao tiếp xã hội dày đặc với hàng nghìn người bạn và rồi thì, gặp một “tình yêu đích thực”. Mục đích chính là đây là tiếp tục phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình mà thôi.

TÌM TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC Ở ĐÂU?

Bạn có quan tâm sâu sắc đến công bằng xã hội? Bạn quan tâm đến các vấn đề sức khỏe? Bạn là một “khá bảnh” trong bữa tiệc hay là người hay tâm sự thủ thỉ với mọi người? Bạn có thực sự thích thú trong hội họa và âm nhạc? Hay bạn là người yêu thiên nhiên.

Phát triển đam mê của bạn trước, đơn giản vì chính niềm vui và sự thoải mái bạn sẽ trải nghiệm từ chúng. Sau đó, như một món quà tặng kèm, bạn sẽ gặp những người sẽ chia sẻ với bạn những giá trị và yêu mến bạn vì chính những gì bạn là, hơn là những gì bạn nói hoặc làm.

Đây là một ví dụ thú vị để minh họa quan điểm của tôi: một người phụ nữ thông minh cống hiến cả đời vì sự nghiệp khoa học sẽ không có nhiều may mắn để tìm được người phù hợp với mình trong những cuộc thi wet T-shirt [khoe vòng một dưới lớp áo thun mỏng ướt đẫm]. Nói vậy không phải có ý ám chỉ rằng những người tham gia các cuộc thi kiểu đó đều là người kém thông minh, chỉ là cô gái này sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nếu phát triển những thú vui mang tính trí thức mà cô ấy thích để có thể gặp những người có sở thích và hệ giá trị tương đồng với mình. Những thú vui này có thể bao gồm đăng ký một lớp ngoại ngữ, làm tình nguyện viên cho bảo tàng địa phương, tham gia triển lãm hoặc lớp học nghệ thuật,…

Nên nếu bạn thực sự hứng thú với khoa học viễn tưởng, game Dungeons and Dragons hay nghệ thuật Trung cổ thế kỷ thứ 8, đừng đi đến club hoặc bar để tìm tình yêu. Tương tự, nếu bạn thích những buổi tối bình yên ở nhà và đan len, thì việc tham gia một câu lạc bộ nhảy dù sẽ không phải là nơi lý tưởng để bạn có thể mở rộng quan hệ và tìm kiếm bạn đời tiềm năng.

Dù nói vậy, nhưng cũng không sao nếu bạn mở rộng trải nghiệm của bản thân, nhưng hãy nhớ, làm việc đó vì chính bạn, chứ không phải để gặp quý ông/cô nàng tuyệt vời nào cả nhé.

ĐÔI LỜI VỀ CÁC ỨNG DỤNG VÀ TRANG WEB HẸN HÒ

Tôi không nghĩ là có gì sai trái với việc hẹn hò online cả, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng càng ngày càng có nhiều người hẹn hò trực tuyến và có một mối quan hệ lâu dài. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và nó có thể là một cách hay để gặp mọi người, đặc biệt trong các trường hợp như bạn chuyển đến một thành phố mới, quá bận rộn với công việc, hoặc “vừa mới chia tay, và muốn thoát khỏi tình yêu cũ”.

Tuy là nói vậy, hầu hết mọi người đều không sử dụng một cách hiệu quả các công cụ hẹn hò trực tuyến. Nếu bạn toàn gặp những kẻ dở dở ương ương và hờ hững, ừm thì tôi ghét phải nói với bạn điều này, nhưng vấn đề không nằm ở họ, mà nó nằm ở bạn.

Bạn thấy đấy, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến đáp ứng rất tốt nhu cầu làm quen một người một cách nhanh chóng và hiệu quả, và chỉ dừng lại ở đó thôi. Còn sau đó, mọi chuyện hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn rõ ràng và mạnh dạn như thế nào trong việc truyền đạt những gì bạn tìm kiếm.

Điều này sẽ khiến một số người sợ bạn. Điều này cũng sẽ khiến vài người biến mất biệt tăm. Và tôi phải nói với bạn rằng, đó là một điều tốt.

Hãy nghĩ thử xem: với những người mà bạn làm cho sợ hoặc lảng tránh bạn, mối quan hệ giữa bạn và họ chỉ là những mối quan hệ mập mờ, mỏng manh, bạn sẽ rất mệt mỏi nếu hẹn hò với những người như thế này. Tốt nhất là rời bỏ họ càng nhanh càng tốt, từ chối chơi trò trốn tìm với họ. Điều này càng đặc biệt đúng nếu bạn không còn trẻ trung nữa.

Nếu bạn nói với một người trong buổi hẹn hò đầu tiên rằng bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài và điều này khiến họ sợ, thì bạn đã ban cho bản thân trong tương lai một ân huệ rồi đấy. Nếu việc nói ra ý định của bạn khiến ai đó khó chịu, thì tức là họ không cùng mong muốn với bạn hoặc họ có những vấn đề cá nhân cần phải ưu tiên. Hãy học cách lấy làm biết ơn khi ai đó rời bỏ khỏi bạn trong trường hợp này.

Nhiệm vụ của bạn chỉ là bày tỏ bản thân một cách chân thật và đừng ngại ngùng làm việc đó.

GIAO TIẾP CHÂN THẬT VÀ TÍNH DỄ TỔN THƯƠNG/ SỰ MỞ LÒNG (VULNERABILITY)

Có hàng đống lời khuyên hẹn hò tràn lan ngoài kia và tôi phải nói là phần lớn chúng đều nhảm nhí. Quá nhiều những lời khuyên trong số đó tập trung vào các “thủ thuật” và “chiến lược” thu hút người khác mà hoàn toàn quên đi điều quan trọng nhất là niềm vui trong việc gặp gỡ một người mà bạn cảm thấy kết nối.

“Nên nói thế này, không nên nói thế kia. Chờ 3.46 ngày trước khi gọi điện/nhắn tin liên lạc lại. Chạm vào cánh tay trái của họ mỗi 7 phút trong khi giao tiếp ngầm (sub-communicating) về trạng thái quan hệ tình dục không ràng buộc của mình (sociosexual status). Hãy cười, nhưng không QUÁ nhiều. Tỏ ra hứng thú một cách tế nhị, nhưng đừng QUÁ hào hứng. Luôn khiến họ phải đoán mò để duy trì sự ‘bí ẩn’.”

Ờm, dẹp quách chúng đi.

Nghe này, một phần của việc trở thành một người trưởng thành chín chắn và vận hành lành mạnh trong thế giới này chính là có khả năng giao tiếp và bộc lộ bản thân một cách chân thật ở tầng bậc cảm xúc. Với nhiều người, đặc biệt là những người đã từng trải qua rắc rối trong đời sống tình cảm của họ, thì việc này khá khó khăn. Hoặc là họ chưa từng được dạy về cách mở lòng một cách lành mạnh, hoặc là họ đã quá chán ngán việc hẹn hò đến mức nghĩ rằng làm vậy để được gì cơ chứ. Thế là họ dựng lên hàng rào phòng thủ trước khi bất kỳ ai có cơ hội để thực sự hiểu con người thật của họ.

Tính dễ tổn thương, nếu được sử dụng đúng cách, thực sự là biểu hiện của sự mạnh mẽ và uy lực. Nói với ai đó rằng bạn thích họ và muốn hiểu hơn về họ sẽ không khiến bạn “trao hết mọi uy quyền cho họ” trừ khi bạn dồn hết tâm tư vào cách mà họ phản hồi sự mở lòng, bày tỏ của bạn.

Ngược lại, nếu bạn bộc lộ bản thân chỉ để làm rõ những khao khát, mong đợi của bạn và sẵn sàng chấp nhận mọi hệ quả sau đó, dù tốt hay xấu, thì đối phương sẽ nhận ra. Và điều này cực kỳ thu hút.

Tôi đã có một bài viết về tính dễ tổn thương. Nên bạn có thể đọc thêm về nó nếu bạn muốn làm việc về chủ đề này để có thể mở lòng tốt hơn.

Nhưng trước khi đi tiếp phần tiếp theo, tôi muốn làm rõ một điều về việc mở lòng: đây không phải là một “thủ thuật” hay “chiến lược” để khiến người khác thích bạn. Theo định nghĩa thì đó là một hành động mong cầu rồi (chúng ta cứ quay đi quay lại về việc thiếu thốn nhỉ?).

Một người thực sự cảm thấy an toàn và thoải mái khi thể hiện sự dễ tổn thương chỉ đơn giản bộc lộ bản thân và nói rằng, “Đây là tôi, cả mặt tốt lẫn xấu. Tôi không cần bạn phải yêu thích tôi để tôi có thể cảm thấy ổn với bản thân mình.”

Và nếu họ không thích con người thật của bạn thì sao? Ừ thì, kệ họ chứ.

Một vài bài viết về Giao tiếp và Tính dễ tổn thương:

  1. Vulnerability: The Key to Better Relationships
  2. 6 Toxic Relationship Habits Most People Think Are Normal
  3. 6 Healthy Relationship Habits Most People Think Are Toxic
  4. Maybe You Don’t Know What Love Is
  5. Compatibility and Chemistry in Relationships
  6. How to Survive a Long Distance Relationship
  7. 5 Relationship Books Everyone Should Read

LUẬT: THÍCH HAY KHÔNG? (“FUCK YES OR NO”)

Nhiều năm trước, tôi đã đăng một bài có tên là “Fuck Yes or No” (tạm dịch: Luật “Thích hay không?”) Mọi người tỏ ra rất thích nó. Họ chia sẻ nó trên Facebook và gửi cho bạn bè. Họ công khai tiêu chí đó trong hồ sơ hẹn hò của mình. Họ gọi về cho ba má và hỏi rằng sao họ không được dạy điều này trong trường học. Họ còn đề cử cho tôi giải nobel tình yêu nữa(!!).

OK, đùa đấy, điều cuối không xảy ra đâu, nhưng ý tôi là điều này đã lan tỏa với một cộng đồng rất nhiều người.

Luật “Thích hay không” rất đơn giản:

Luật “Thích hay không” nói lên rằng, trong quá trình hẹn hò và trong các mối quan hệ, cả 2 phía đều phải “fuck yes” [đồng ý cả hai tay] với đối phương. Vì sao? Bởi vì những người hấp dẫn, không thiếu thốn, có ý thức cao về giá trị bản thân sẽ không có thời gian cho những người mà họ không hứng thú cũng như những người không có cảm tình với họ.

Luật “Thích hay không” áp dụng trong việc gặp gỡ và hẹn hò ai đó, quan hệ tình dục, những mối quan hệ lâu dài, thậm chí cả tình bạn nữa.

Nếu bạn gặp ai đó và một trong hai hay cả hai đều không “fuck yes” [đồng ý cả hai tay] cho việc gặp lại đối phương một lần nữa, thì kết quả là “fuck no” [xuôi cả hai tay]. Nếu bạn đang trong buổi hẹn hò đầu tiên và không “fuck yes” cho buổi hẹn hò thứ hai, thì đó cũng là “fuck no.”

Tôi không chỉ nói về những mối tình lãng mạn, lý tưởng, đong đầy đam mê. Bạn có thể có những mối quan hệ sơ khai với một người nào đó, và gặp một số trở ngại trong quá trình này, nhưng cả hai bạn đều “fuck yes” khi bên cạnh nhau. Thật tuyệt vời. tiến tới thôi.

Nếu bạn có mối quan hệ với ai đó mấy năm rồi và một trong hai người hoặc cả hai đều không “fuck yes” cho việc gắn bó với nhau trong tương lai, thì đó là “fuck no.”

Trong bất kì mối quan hệ lâu dài nào, các vấn đề sẽ nảy sinh và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một dấu hiệu tốt của “fuck yes” là việc các bạn vẫn muốn bên nhau ngay cả khi cả hai đều khiến nhau tức điên lên.

Điều tôi muốn nói ở đây không phải là các bạn sẽ không có chút hoài nghi gì trong mối quan hệ khi hai bạn là “nửa kia hoàn hảo” của nhau. Điều tôi muốn nói là bạn sẽ luôn thấy bản thân nói “fuck yes” trong từng bước trong một mối quan hệ bất kể những khi nảy sinh những mối lo ngại . Từ buổi hẹn hò đầu tiên đến buổi hẹn hò thứ 2…. đến buổi hẹn hò 100, “fuck yes” trong việc “adam và eva” với nhau, để khiến mối quan hệ trở nên gắn bó một cách “chính thức”, tranh cãi với nhau, dọn vào ở cùng nhau, để cưới nhau, mua bảo hiểm cho nhau, vv.

Thực sự thì, nếu bạn xâu chuỗi bài viết từ đầu đến giờ, luật “Thích hay không” là hệ quả tất yếu của những gì chúng ta bàn luận ở các chủ điểm bên trên. Một người không thiếu thốn là người biết chăm sóc bản thân họ và giao tiếp một cách thành thật; không có thời gian cho những người chơi đùa với tình cảm của họ. Họ tự đánh giá được bản thân, có đủ sự tôn trọng cho bản thân và không bận tâm về việc những kẻ mơ hồ bên ngoài nghĩ gì về họ.

Nếu như bạn vẫn thấy điều này khó hiểu thì chỉ đơn giản biết một điều rằng: cách tốt nhất để tìm kiếm tình yêu đích thực là trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, hãy làm điều đó vì chính bạn, không ngại ngùng, không hổ thẹn. Rồi bạn sẽ thu hút những người cùng giá trị với bạn và, cũng quan trọng không kém, bạn sẽ quét sạch những kẻ không phù hợp với bản thân.

Ý chính là như vậy, phải không nào?

Dịch: Dat tran

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: markmanson.net/articles-on-relationships/dating-advice

Nguồn bài viết:  markmanson.net/articles-on-relationships/dating-advice

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan