lời yêu thương, thật chẳng dễ để nói ra...

Bạn đã bao giờ nói lời yêu thương với bố mẹ chưa? Và cảm giác lúc đó của bạn là như thế nào ? Hay có thể bạn vẫn còn ngại ngùng khi nói ra những lời ấy. Bài viết này, chính là tất cả những gì tôi muốn nói với bạn.Lời yêu thương thật khó để nói ra, nhưng cũng đừng vì thế mà phớt lờ, bỏ qua, hay cho rằng chúng không quan trọng nhé.

 

Lời yêu thương, thật chẳng dễ để nói ra.


Có ai trong chúng ta chưa một lần nói lời yêu thương với bố mẹ, hay bất kỳ một ai đó mà rất quan trọng đối với chúng ta không? Tôi nghĩ không nhiều thì ít, sẽ có những người chưa dám hoặc không dám nói lời yêu thương với những người thân của họ.


Có một điều mà tôi thấy khá đúng, có thể nó không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, nhưng qua góc nhìn của mình, tôi thấy điều ấy đúng với rất nhiều người, trong đó có cả tôi. Đó là khi còn ở độ tuổi 14,15, chúng ta hoàn toàn có thể nói những gì chúng ta nghĩ, đăng những cảm xúc, những cảm nhận của mình, bất kể là vui, buồn, hay tức giận lên Facebook, mà không hề lo lắng hay sợ rằng ai đó sẽ cười chê, hay có nhận xét không hay gì về mình.Nhưng khi lớn lên thêm một chút rồi, chúng ta lại không muốn chia sẻ quá nhiều về suy nghĩ, hay quan điểm của mình lên mạng xã hội nữa. 


Và việc nói lời yêu thương với một ai đó, cũng trở nên khó khăn với chúng ta hơn. Tôi biết, có những người đã dành cả ngày, để suy nghĩ về một câu chúc thật hay, thật ý nghĩa, cho người thân trong một ngày đặc biệt nào đó của họ, nhưng rồi lại ngại ngùng không dám nói ra. Có những người đã chuẩn bị tâm lý thật vững, để có thể nói lời yêu thương với bố mẹ, thế rồi lại bối rối, lúng túng, và cuối cùng thì lời yêu thương ấy, người muốn nghe vẫn chưa được nghe.


Có rất nhiều người đã từng nói thế này:

 

" Không cần phải nói ra mình thương bố mẹ thì họ mới biết là mình thương, nói ít thôi, quan trọng là hành động. "


Tôi cũng đồng ý với câu nói này, nhưng chỉ đồng ý khi nó ở một khía cạnh nhất định mà thôi. 


Với quan điểm của tôi, câu nói trên nó chỉ được thông cảm cho những người con, thực sự chưa dám thể hiện tình cảm của mình với bố mẹ qua lời nói, nhưng họ lại làm rất tốt trong việc thể hiện tình cảm ấy qua hành động.Họ vẫn gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ thường xuyên, mặc dù chỉ đôi ba câu hỏi han bình thường rồi cúp máy. Họ sẽ cố gắng sống tốt, làm người tử tế để bố mẹ không phải chịu bất cứ điều tiếng gì cả, và họ cố gắng kiếm tiền để không còn là gánh nặng của bố mẹ nữa. Khi được ở gần gia đình, họ luôn cố gắng dành thật nhiều thời gian cho bố mẹ, rồi giành luôn những công việc của bố mẹ về phần mình. Đó là những người con thực sự thương yêu bố mẹ, nhưng chưa đủ can đảm để nói, họ dùng hành động, sự quan tâm để thể hiện cho tình yêu thiêng liêng ấy. Cho nên, đối với tôi câu nói trên chỉ đúng để dùng cho những người như thế. Nhưng tôi vẫn mong, sau này họ sẽ dũng cảm để nói lời yêu thương với gia đình, nếu được vậy thì tuyệt biết bao.


Còn về phần, tôi không đồng ý với câu nói trên, là bởi nó được thốt ra từ những kẻ ngụy biện. Họ chẳng làm được gì cho bố mẹ, họ chỉ toàn đi gây chuyện, đi một bước, có người lo một bước. Và bố mẹ luôn là người phải đi dọn dẹp những hậu quả của họ. Những đứa con ấy lúc nào cũng gắt gỏng, luôn tỏ ra khó chịu với bố mẹ nhưng lại tình nghĩa, nhẹ nhàng với bạn bè và những người xa lạ. Khi được ai đó khuyên, hoặc trách rằng họ không quan tâm đến bố mẹ, không biết thương bố mẹ gì cả, và người đó có nói rằng: 


" Tao chưa bao giờ thấy mày nói thương bố mẹ mày một lần nào cả."


Thì ngay lập tức họ phản kháng lại bằng câu nói :


"Không cần phải nói ra mình thương bố mẹ thì mới là thương, nói ít thôi, quan trọng là hành động. "


Thế rồi, cả cuộc đời này họ luôn để những đôi bàn chân chậm chạp ấy, phải chạy theo mình, mà chưa một lần ngoái đầu nhìn lại. Vậy thì câu đó của họ có đáng tin tưởng không? Tôi cho đó là những kẻ ngụy biện. Vì bản chất họ chẳng làm được gì hết, kể cả hành động hay lời nói, vậy thì họ lấy tư cách gì để nói ra câu nói vốn dĩ mang một ý nghĩa bao dung cho những đứa con chưa đủ can đảm để nói lời yêu thương ấy. 


Giới trẻ chúng ta thường có câu :


" Yêu thì phải nói, cũng như đói là phải ăn."


Vâng, tôi biết câu này được sử dụng là dành cho tình yêu, nhưng có lẽ tôi xin phép dùng nó để nói về tình cảm gia đình. 

Bởi, gia đình cũng như thế, bố mẹ chúng ta cũng như thế, họ cũng rất muốn được nghe lời yêu thương của chúng ta dành cho họ chứ. Chỉ là nhiều khi, họ không nói ra mà thôi. Đối với tình yêu, nếu ta không nói cho đối phương biết rằng mình có tình cảm với họ, thì có thể chúng ta sẽ để vụt mất người đó, và người đó có thể sẽ rời đi, thế là chúng ta chọn cách nói ra, dù cho xấu hổ, dù cho ngượng ngùng đến đâu.


Còn gia đình thì ngược lại, phải chăng kể cả khi ta không nói những lời yêu thương ấy với họ, thì họ cũng sẽ không vì thế mà trách mắng ta, không vì thế mà rời đi, và đó chính là lý do chúng ta luôn chần chừ nói lời yêu thương với gia đình, với những người đã luôn che chở ta suốt một cuộc đời. Bởi, nếu ta không nói họ cũng sẽ không bỏ rơi ta, họ vẫn luôn ở bên ta. Nhưng tất cả chúng ta đều quên một điều rằng, đối với những người luôn chọn ở bên cạnh ta, bất kể có những người đã rời đi, thì họ vẫn kiên quyết ở lại, thì đó chính là những người ta cần trân trọng, cần yêu thương và bảo vệ nhiều nhất. 


Chẳng phải những đứa trẻ con rất thích được nghe những lời nói vỗ về, yêu thương của bố mẹ hay sao? Kể cả chúng ta cũng thế, cũng rất muốn nũng nịu, cũng muốn bố mẹ nói yêu mình cơ mà, vậy thì tại sao bố mẹ chúng ta lại không muốn nghe chứ? Nhiều người có lập luận rằng, vì bố mẹ già rồi. Không, nếu là già thì lại càng muốn được nghe những lời yêu thương từ con cháu mới phải. Tôi biết, có nhiều người phản đối và cho rằng, lời yêu thương của những đứa con với bố mẹ là không cần thiết phải nói ra, bởi nó rất sáo rỗng và khiên cưỡng, và nhiều khi còn không thật lòng. Tôi thiết nghĩ, sáo rỗng, khiên cưỡng, hay có thật lòng hay không, nó nằm ở cái tâm của chúng ta, chính những người nói ra sẽ biết được đó là lời nói thật lòng hay không? Và cũng chính những người đó sẽ biết được, ý nghĩa của câu mình vừa nói ra, nó có sáo rỗng hay không? 



Nếu chúng ta nói với một đứa trẻ, rằng chúng ta yêu nó rất nhiều. Thì đứa trẻ đó sẽ nói lại rằng, chúng cũng yêu chúng ta rất nhiều. Nhưng nếu, chúng ta nói điều này với bố mẹ thì sao, sẽ có phần trăm họ cũng nói giống như đứa trẻ kia, nhưng phần nhiều hơn họ sẽ luôn nói với chúng ta rằng:


 " Họ không cần chúng ta thương họ nhiều, họ chỉ cần chúng ta sống tốt, luôn khỏe mạnh và bình an là họ vui rồi. "


Cũng có nhiều bố mẹ còn không quen và trêu chọc chúng ta là sến sẩm quá, họ không muốn nghe đâu. Nhưng sự thật là họ đang xấu hổ đấy, trong lòng thì rất vui, họ hạnh phúc với những lời nói ngọt ngào sến sẩm ấy từ những đứa con của mình.Họ cũng chẳng khác những đứa trẻ là bao, nếu có khác thì thay vì hớn hở, sung sướng thể hiện ra bên ngoài như những đứa trẻ kia, họ lại giấu nụ cười và hạnh phúc trong âm thầm.Thay vì giống như những đứa trẻ đòi được nghe bố mẹ nói thương chúng, yêu chúng.Thì những người làm cha, làm mẹ ấy, lại sẵn sàng chờ đợi ngày đứa con của mình có thể nói với họ rằng " Con yêu bố mẹ nhiều lắm. "


Tôi đã từng nói lời yêu thương với mẹ của mình, nhưng chỉ dám nói theo kiểu trêu đùa, vui vẻ thôi. Nói nhiều đến mức, mẹ tôi phát chán và nhiều khi còn bị chửi nữa cơ.Nhưng tôi lại thấy vui. Thực ra, lúc nói thì ngượng lắm, nên mới phải nói kiểu vui vui một tí để che đi sự bối rối ấy của mình. Vì thế, đôi khi mẹ tôi cũng không biết tôi đang nói thật hay đùa, nhưng đối với tôi điều đó không quan trọng bằng việc tôi đã nói được rồi, và nói bằng tất cả sự chân thành, bằng chính trái tim mà bố mẹ đã dành tặng cho tôi.


Giờ đây, có lẽ tôi đã thoải mái hơn, tôi có thể chúc mẹ ngủ ngon, nói yêu mẹ mà không còn cảm thấy ngại nữa. Có lẽ bởi vì tôi đã nói quá nhiều, đâm ra bị quen miệng và không ngại nữa. Tôi nghĩ đó cũng là một cách xuất phát khá ổn cho những người hay ngại ngùng, khó thể hiện tình cảm bằng lời nói như tôi.


Tôi biết, có nhiều người sẽ nói rằng, nói nhiều như thế thì những lời yêu thương ấy không còn ý nghĩa hay cần được trân trọng nữa. Nhưng với tôi lại khác, như tôi đã nói, có quan trọng, có ý nghĩa hay không, nằm ở trái tim chúng ta.Và mục tiêu của tôi là có thể nói lời yêu thương nhiều hơn, nói hằng ngày như cơm bữa cũng được. Bố mẹ chúng ta đã không tiếc bất cứ thứ gì cho chúng ta cả, thế thì tại sao chúng ta lại tiếc những lời yêu thương với bố mẹ? Và tại sao lại phải hạn chế những lời yêu thương đó cơ chứ? 




Lời yêu thương thật sự chẳng dễ để nói ra, nhưng khi nói được rồi, ta bỗng chợt thấy nó đáng yêu vô cùng. Phải không? 


Này bạn của tôi ơi, đừng để bố mẹ của chúng ta phải chờ lâu nhé. Bởi cuộc đời này vô thường lắm. Cái gì cũng cần phải học và học nói lời yêu thương với bố mẹ cũng không là ngoại lệ. Thậm chí, đối với nhiều người là rất khó, cả tôi cũng thế, mặc dù đã nói được rồi, nhưng vẫn cảm thấy mình cần phải nói được nhiều hơn và nghiêm túc hơn. 


Tôi biết bạn đang ngại, đang bối rối, nhưng nào, lúc còn nhỏ, bố mẹ chúng ta đã nói thương chúng ta rất nhiều lần đấy. Thế nên,chúng ta cũng phải biết, bây giờ là đến lượt mình rồi chứ. 


"Để nói được lời yêu thương, thực sự chẳng dễ dàng, nhưng một khi đã nói được rồi, ta lại tự trách rằng, tại sao mình không nói sớm hơn?"


"Tác giả : Mai Trang "

Nguồn ảnh : pinterest. 


BẢN THẢO
Bài viết liên quan