Lý Do Bạn Cần Ngừng Thờ Ơ Với Những Tổn Thương Thời Thơ Ấu

Đôi lúc những chấn thương tâm lý tuổi thơ khá lớn và rõ ràng, nhưng có những lúc nó lại âm ỉ và khó nhận biết. Trong trường hợp của tôi, phải đến nhiều năm sau 20 tuổi, tôi mới …

Đôi lúc những chấn thương tâm lý tuổi thơ khá lớn và rõ ràng, nhưng có những lúc nó lại âm ỉ và khó nhận biết. Trong trường hợp của tôi, phải đến nhiều năm sau 20 tuổi, tôi mới thừa nhận rằng tuổi thơ của mình thật bi thảm. Trong suốt một khoảng thời gian dài, một phần trong tôi hiểu rằng tuổi thơ mình cũng là một trường hợp mang những chấn thương khó chữa lành, nhưng tôi đã không cho phép bản thân mình tin vào điều đó, bởi tôi sợ nó sẽ khiến mọi thứ trong cuộc sống hiện tại của tôi thay đổi. 

Tôi sẽ phải từ bỏ lời nói dối rất ngọt ngào rằng mình đã có một tuổi thơ lý tưởng. Tôi sẽ phải thừa nhận những cảm xúc rất tệ về bố mẹ mà tôi đã giữ riêng cho bản thân mình trong nhiều năm qua. Tôi sẽ phải chấp nhận hai thực tế trong đầu tôi cùng một lúc: sự thật rằng bố mẹ tôi là những ông bố bà mẹ tốt và đồng thời cũng không tốt. 

Trong một thời gian dài, những khó khăn này đã ngăn cản việc thực sự chữa lành những tổn thương thời thơ ấu trong tôi, thậm chí ngay cả khi tôi đã thừa nhận nó. Nhưng bây giờ, tôi đang làm mọi thứ mình có thể để vượt qua những sang chấn thời thơ ấu và bắt đầu chữa lành vết thương của mình. Điều này thực sự rất khó khăn và đáng sợ, nhưng tôi có những lý do chính đáng để tiếp tục duy trì tiến trình này. Vào những ngày tồi tệ, tôi sẽ cố gắng tập trung vào những lý do này thay vì suy nghĩ về việc mọi thứ gây đau đớn nhiều như thế nào. Tôi sẽ chia sẻ những lý do cá nhân đã giúp mình đi qua được giai đoạn này, mặc dù việc này rất khó khăn cho tôi, với hy vọng rằng những điều này có thể giúp ai đó vượt qua con đường chông gai của họ.

5 lý do tôi muốn chữa lành những sang chấn thuở ấu thơ:

1. Tôi không muốn truyền lại cho con tôi những gì tôi đã chịu đựng. Tôi đã học được một điều trong suốt quá trình chữa lành sang chấn, đó chính là: rất nhiều những tổn thương mà bố mẹ đã gây ra cho tôi có nguyên do từ những tổn thương ngày bé chưa được giải quyết của họ. Những tổn thương này đã xâm lấn sang nhiều khía cạnh cuộc sống của họ và ảnh hưởng đến các họ dạy dỗ tôi và các anh chị em khác của mình, thường là theo hướng tiêu cực. Bằng việc vượt qua những vết thương ngày xưa, tôi đang cố gắng để sau này không làm tổn thương những đứa con của mình. 

2. Tôi muốn được là chính mình. Chấn thương thời thơ ấu của tôi xoay quanh các chủ đề như không được ghi nhận, bị gạt bỏ và bị xem thường. Kết quả là tôi có một ý thức về giá trị bản thân rất thấp. Tôi dành phần lớn thời gian và sức lực của mình để trở thành điều mà mọi người mong muốn, để họ yêu quý tôi. Đây không phải luôn là một quyết định có ý thức (gần như trong hầu hết thời gian thì là vậy), nhưng tôi đã nhận thức rõ hơn về vấn đề này trong quá trình trị liệu của mình. Bước tiếp theo, tôi sẽ tập xóa bỏ nỗi hổ thẹn bám theo mình và học cách trân quý bản thân, cho dù tôi đã không được trân trọng lúc còn bé.

3. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt ở thế giới. Tôi không nói rằng bạn không thể tạo ra sự khác biệt với những chấn thương chưa lành. Trên thực tế, rất nhiều người làm được điều đó, nhưng cuối cùng họ thường bỏ rơi cuộc sống cá nhân trong tình trạng hỗn độn, vì họ không thể chăm sóc cho người khác và chính mình cùng một lúc. Hiện tại, tôi cũng đang phải chật vật với tình trạng này. Lúc thì tôi buộc bản thân mình tạo ra sự khác biệt đến khi kiệt sức và đổ vỡ, lúc thì tôi lại ngắt kết nối với thế giới để bảo vệ sức khỏe tinh thần mình của mình. Tôi hy vọng qua quá trình chữa lành tổn thương này, tôi có thể vừa tạo ra sự khác biệt, vừa duy trì sự lành mạnh của mình.

4. Vượt qua những sang chấn tuổi thơ rất khó, nhưng thực sự rất xứng đáng. Mặc dù tôi thường cảm thấy kiệt sức và mong manh sau những phiên điều trị, nhưng tôi cũng cảm thấy được ghi nhận. Phần lớn những tổn thương thời thơ ấu của tôi là sự thao túng tinh thần (gaslighting) [một hình thức lạm dụng tâm lý, cảm xúc bằng cách khiến nạn nhân nghĩ rằng họ có vấn đề về mặt cảm xúc, tâm lý] khi bố mẹ tôi cứ khăng khăng rằng bất cứ lúc nào tôi buồn đều là do tôi quá nhạy cảm chứ không có gì thực sự bất ổn cả. Do đó, tôi luôn nghi ngờ bản thân mình, và tôi thường phải chấp nhận một cách lặp đi lặp lại rằng khoảng thời gian thơ ấu đó của tôi mang tính bi kịch, bởi vì sự hoài nghi và nỗi sợ hãi bố mẹ đã thuyết phục tôi hết lần này đến lần khác rằng mọi vấn đề đều là do suy nghĩ của tôi thôi. Vì vậy, khi tôi nói về tất cả những điều này với nhà trị liệu của mình, và cô ấy trấn an tôi rằng những gì tôi đã trải qua thực sự không nên xảy ra và cũng không sao cả nếu tôi thấy buồn vì nó, những lời này thực sự giúp ích cho tôi.

5. Tôi xứng đáng được chữa lành. Thỉnh thoảng, chấn thương của tôi trở nên rất lớn và tất cả những lý do để chữa lành đều trở nên ngu ngốc và vô nghĩa, và tôi cũng cảm thấy mình thật ngu ngốc và vô dụng. Vào những ngày này, tôi cố hết sức để nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân rằng những cảm xúc hận thù bản thân đầy tính hung hăng này là sản phẩm phụ của sang chấn, và tôi không đáng phải cảm thấy kinh khủng về bản thân mình như vậy. Đôi khi, tôi tiếp tục cố gắng chữa lành đơn giản vì tôi cảm thấy thương tiếc cho tôi của ngày xưa, cô gái nhỏ, người đã cảm thấy quá cô đơn, quá sai lầm và quá tan vỡ. Cô bé ấy xứng đáng được biết rằng cô bé luôn ổn và đáng lẽ cô phải được yêu thương vì chính con người mình. Khi tôi không thể làm điều này cho chính mình, tôi sẽ cố gắng làm vì cô bé ấy.

Có thể chữa lành chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu không?

Vấn đề của sang chấn thời thơ ấu nằm ở chỗ nó ảnh hưởng đến niềm tin cốt lõi của bạn về bản thân. Nó thay đổi bạn từ trong cốt lõi, điều này có nghĩa là đôi khi nó làm tôi cảm thấy mình không thể nào chữa lành được. Cảm giác như sự tan vỡ này là một phần của con người tôi và tôi sẽ không thể tồn tại mà không có nó. Nhưng đó là một lời nói dối bởi chấn thương của tôi. Sự thật là, tôi có thể chữa lành những tổn thương của mình. Tôi có thể thừa nhận nỗi đau của mình, đi đến thỏa thuận với nó, và sau đó để nó ra đi. Tôi chưa thể làm điều này, nhưng tôi tin rằng tôi sẽ có thể, một ngày nào đó.

Nếu bạn đã trải qua chấn thương tâm lý thời thơ ấu, lý do chữa lành các tổn thương của bạn là gì, điều gì giúp bạn vững bước trên quá trình đầy chông gai ấy? Hãy truyền tải một vài động lực cho cộng đồng của chúng ta và chia sẻ những lý do chữa lành của bạn trong phần bình luận ​​dưới đây.

Dịch: Noh

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài viết:  https://www.healthyplace.com/blogs/recoveringfrommentalillness/2020/6/my-childhood-trauma-is-worth-the-healing-effort

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan