Mạng xã hội và bệnh trầm cảm

Mạng xã hội có thể kích hoạt một loạt các cảm xúc tiêu cực ở người dùng góp phần gây ra trầm cảm hoặc làm các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng hơn.

Theo một số ước tính, có khoảng 4 tỷ người trên thế giới sử dụng các trang mạng như Facebook, Twitter và Instagram. Con số khổng lồ này đã thúc đẩy các chuyên gia sức khỏe tâm thần nghiên cứu liệu sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội có góp phần gây ra bệnh trầm cảm hay không.

 

Nghiên cứu cho thấy, những người kiểm soát được thời gian sử dụng mạng xã hội có xu hướng hạnh phúc hơn những người dùng khác. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mạng xã hội có thể kích hoạt một loạt các cảm xúc tiêu cực ở người dùng góp phần gây ra trầm cảm hoặc làm các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng hơn.

 

Định nghĩa trầm cảm

 


Nguồn ảnh: Pinterest


Trầm cảm lâm sàng hoặc rối loạn trầm cảm là một trạng thái rối loạn tâm trạng được đặc trưng bởi cảm giác buồn bã và giảm hứng thú với các hoạt động mà một cá nhân từng yêu thích. Trầm cảm có thể nhẹ hoặc nặng khiến cho người bệnh khó tập trung, ăn không ngon miệng hoặc ngủ không ngon giấc, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định hoặc hoàn thành công việc hằng ngày.

 

Những người bị trầm cảm có thể nghĩ đến cái chết, tự tử, cảm thấy vô giá trị, gia tăng lo lắng hoặc có các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu. Liệu pháp tâm lý và thuốc là một số phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay. Ngoài ra, hạn chế thời gian trên mạng xã hội và ưu tiên các kết nối trong thế giới thực cũng có thể mang lại tác động tích cực cho sức khỏe tâm thần.

 

Sự thật về mạng xã hội và bệnh trầm cảm

 

  • Mạng xã hội đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, với hơn một nửa dân số thế giới sử dụng để chia sẻ tin tức không ngừng nghỉ, phần lớn trong số đó là các tin tức tiêu cực.
  • Một nghiên cứu của Lancet được công bố vào năm 2018 cho thấy những người kiểm tra Facebook vào đêm muộn thường cảm thấy chán nản và không hạnh phúc.
  • Một nghiên cứu khác vào năm 2018 phát hiện ra rằng dành càng ít thời gian trên mạng xã hội thì càng ít mắc các triệu chứng trầm cảm và cô đơn. 
  • Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những người dùng Facebook cảm thấy ghen tị khi ở trên trang mạng này có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao.

 

Nguyên nhân hay Tương quan?

 

Một số nghiên cứu về mạng xã hội và sức khỏe tâm thần cho thấy có mối tương quan giữa các trang mạng và chứng trầm cảm. Những nghiên cứu khác tiến xa hơn một bước, phát hiện ra rằng mạng xã hội có thể gây ra chứng trầm cảm. Nghiên cứu mang tính bước ngoặt phải kể đến đó là “Không còn sợ hãi bị bỏ lỡ : Hạn chế mạng xã hội, giảm cô đơn và trầm cảm” —được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội và Lâm sàng vào năm 2018.

 

Nghiên cứu này cho thấy những người càng ít sử dụng mạng xã hội, thì càng ít cảm thấy chán nản và cô đơn.

 

Điều này cho thấy mối quan hệ giữa việc ít sử dụng mạng xã hội với sức khỏe tinh thần. Theo các nhà nghiên cứu, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa các biến số này.

 

Jordyn Young, đồng tác giả nghiên cứu cho biết : “Trước đó, tất cả những gì chúng tôi có thể nói là có mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và tình trạng sức khỏe kém ”.

 

Để thiết lập mối liên hệ giữa mạng xã hội và chứng trầm cảm, các nhà nghiên cứu đã chia 143 sinh viên Đại học Pennsylvania thành hai nhóm: một nhóm có thể sử dụng mạng xã hội mà không bị hạn chế, trong khi nhóm thứ hai bị giới hạn quyền truy cập mạng xã hội, họ chỉ được hoạt động 30 phút trên Facebook, Instagram, và Snapchat, và nghiên cứu này kéo dài trong khoảng thời gian ba tuần. 

 

Mỗi người tham gia đều sử dụng iPhone để truy cập mạng xã hội và các nhà nghiên cứu theo dõi dữ liệu điện thoại của họ để đảm bảo họ tuân thủ quy tắc. Nhóm bị hạn chế truy cập mạng xã hội báo cáo mức độ trầm cảm và cô đơn thấp hơn so với lúc bắt đầu nghiên cứu.

 

Cả hai nhóm đều báo cáo đã có sự giảm thiểu lo lắng và cảm giác sợ hãi bị bỏ lỡ (FOMO), rõ ràng là do việc tham gia nghiên cứu khiến ngay cả nhóm có quyền truy cập không hạn chế vào mạng xã hội cũng nhận thức rõ hơn về lượng thời gian họ dành cho nó.

 

Càng ít sử dụng mạng xã hội, càng không cần lo về cảm giác sợ bị bỏ lỡ (FOMO)

 

Tuy chưa rõ nguyên nhân vì sao những người tham gia chỉ dành 30 phút mỗi ngày trên mạng xã hội lại ít bị trầm cảm hơn, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể là vì những người trẻ tuổi này không cần xem những điều có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ về bản thân — chẳng hạn như kỳ nghỉ ở bãi biển của một người bạn, thư chấp nhận học cao học hoặc hình ảnh gia đình hạnh phúc.

 

Các bức ảnh hoặc bài đăng về cuộc sống gần như "hoàn hảo" có thể khiến người dùng mạng xã hội cảm thấy bản thân thật thấp kém. Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Missouri cho thấy người dùng Facebook thường xuyên có nguy cơ mắc trầm cảm cao nếu họ cảm thấy ghen tị khi sử dụng.

 

Mạng xã hội cũng có thể khiến cho người dùng gặp phải trạng thái sợ bỏ lỡ (FOMO), chẳng hạn, nếu họ được bạn bè mời đi biển mình nhưng không thể đi vì một lý do nào đó. Hoặc nếu người bạn đó không hề mời họ đi cùng, người dùng có thể cảm thấy bị tổn thương và bị bài trừ khỏi nhóm. Nó có thể khiến họ đặt câu hỏi về tình bạn hoặc giá trị bản thân của họ.

 

Một ví dụ khác về cảm giác FOMO đó là khi người dùng mạng xã hội truy cập vào trang cá nhân của người yêu cũ và xem hình ảnh người đó cùng người yêu mới đi ăn uống hẹn hò. Họ có thể thắc mắc tại sao người yêu cũ của họ không bao giờ đưa họ đến những nhà hàng sang trọng như vậy hoặc tạo bất ngờ cho họ bằng những món quà.

 

Cuối cùng, việc hạn chế thời gian trên mạng xã hội có thể đồng nghĩa với việc dành ít thời gian để so sánh bản thân với người khác hơn. Hơn thế nữa là ngăn chặn suy nghĩ xấu về bản thân và sự phát triển các triệu chứng gây ra trầm cảm.

 

Tại sao giới trẻ lại đang gặp nguy hiểm

 

Trước khi có mạng xã hội và internet, phần lớn trẻ em chỉ phải lo lắng về việc bị bắt nạt trên sân trường. Nhưng mạng xã hội đã cho những kẻ bắt nạt một cách mới để hành hạ nạn nhân của chúng.

 

Chỉ với một cú nhấp chuột, những kẻ bắt nạt có thể quay video về việc mục tiêu của chúng bị chế giễu, đánh đập hoặc làm nhục. Mọi người có thể truy cập trang cá nhân của một người trong vòng bạn bè, để lại những bình luận tiêu cực hoặc lan truyền thông tin sai lệch. Trong một số trường hợp, nạn nhân bị bắt nạt đã tự sát. 


Tệ hơn nữa là nạn nhân của những kẻ bắt nạt thường lo sợ rằng họ sẽ bị bắt nạt nhiều hơn nếu tiết lộ với cha mẹ, giáo viên hoặc quản trị viên về việc họ bị ngược đãi. Điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bị cô lập hơn nữa và không có sự hỗ trợ tinh thần mà chúng cần để đối phó với một tình huống độc hại và có khả năng biến động.

 

Tin xấu và 'Doomscrolling'

 


Nguồn ảnh: Pinterest


Hiện tại, cứ 5 người Mỹ thì sẽ có một người đọc tin tức từ mạng xã hội- một tỷ lệ lớn hơn so với những người tiếp nhận tin tức từ các phương tiện in truyền thống.


Đối với những người dùng mạng xã hội thường xuyên, những người hoạt động liên tục trong một khoảng thời gian dài hoặc sử dụng nhiều lần trong ngày, sẽ thường tiếp xúc với rất nhiều tin tức, bao gồm cả những tin tức xấu. Các tiêu đề liên quan đến thiên tai, tấn công khủng bố, xung đột chính trị và cái chết của người nổi tiếng thường nằm trong danh sách xu hướng trên mạng xã hội.


Khi chưa có mạng xã hội và internet nói chung, khả năng tiếp xúc với tin tức xấu của mọi người bị hạn chế. Công chúng sẽ nhận được tin tức từ các chương trình phát sóng vào những thời điểm nhất định trong ngày hoặc từ các tờ báo.


Thói quen tung tin xấu trên các trang mạng xã hội hoặc một trang trực tuyến nào đó được gọi là "doomscrolling", nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của một người, dẫn đến sự phát triển hoặc gia tăng các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm.


Một nghiên cứu của Lancet Psychiatry năm 2018 trên 91.005 người cho thấy những người đăng nhập Facebook trước khi đi ngủ có nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng hơn 6% và có chỉ số đánh giá mức độ hạnh phúc thấp hơn 9% so với những người có chế độ vệ sinh giấc ngủ tốt hơn.


Nhà tâm lý học Amelia Aldao nói với NPR rằng doomscrolling khóa người dùng vào một “vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực”. Cô cho biết thêm vòng luẩn quẩn này tiếp tục vì “tâm trí của chúng ta luôn sẵn sàng để tìm kiếm các mối đe dọa”. “Chúng ta dành càng nhiều thời gian để lướt bảng tin, thì càng dễ tìm thấy những mối nguy hiểm đó, và càng bị cuốn hút vào chúng, rồi lại càng lo lắng hơn.” Chẳng bao lâu sau, thế giới dường như trở thành một nơi hoàn toàn u ám, khiến doomscrollers ngày càng cảm thấy tuyệt vọng.


Sử dụng mạng xã hội một cách an toàn


Sử dụng mạng xã hội đi kèm với những rủi ro về sức khỏe tâm thần, nhưng điều đó không có nghĩa là không nên sử dụng chúng. Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng các trang web mạng này ở mức độ vừa phải.


Đặt thời gian khi bạn đang sử dụng mạng xã hội hoặc cài đặt một ứng dụng trên điện thoại, máy tính để theo dõi khoảng thời gian bạn đã dành cho nó.


Nếu không có những bộ hẹn giờ hoặc ứng dụng này, bạn sẽ dễ dàng dành hàng giờ liên tục trên mạng xã hội trước khi biết điều đó. Để hạn chế thời gian trên mạng xã hội, bạn cũng có thể lên kế hoạch cho các hoạt động trong thế giới thực giúp bạn tập trung vào hoàn cảnh và môi trường xung quanh trước mắt. Đọc sách, xem phim, đi dạo, chơi trò chơi, nướng bánh mì hoặc trò chuyện qua điện thoại với bạn bè. Hãy dành thời gian để tận hưởng cuộc sống ngoại tuyến.

____________

Người dịch: Lý Lan

Biên tập viên: Sweetlvy

Link bài gốc: The Link Between Social Media and Depression (verywellmind.com)

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan