Mẹ có bản tính không?

Trong bài thơ “an afternoon nap” của nhà thơ người Singapore Arthur Yap, hình ảnh một hệ thống giáo dục đầy lỗi đã được lên án: những buổi học thêm đắt đỏ, đòn roi vì điểm thấp, sự yếu kém của đứa trẻ, và cuối cùng là tiếng hét thất thanh của người con nhằm lên án những gì mẹ đã làm với mình, khi mà các hành vi mang tính chất bạo lực được lý tưởng hoá thành một điều tốt đẹp như tình thương...

Em gái hôm qua bị bố đánh. Nguyên do trực tiếp là vì em đánh em trai nhỏ. Nguyên do gián tiếp là vì em đánh em trai nhỏ nhiều lần… 


Lúc đối mặt với bố, em nức nở khóc mà chẳng dám hé miệng nửa lời. Đáng lẽ như thường lệ, tôi sẽ ra can ngăn vì bản thân rất bài xích chuyện dạy dỗ bằng vũ lực. Song, bởi chẳng tìm ra lý do gì chính đáng để nhấc chân dậy, nên tôi đành ngồi im chịu đựng cơn bão lòng. Một mặt, tôi thấy áy náy vì không đứng ra bảo vệ em. Mặt khác, tôi lại thấy đồng tình vì biết em có lỗi sai, dù đối với tôi, lỗi đó lại chẳng phải là đánh em trai nhỏ.  


Bị phạt xong, nơi em tìm đến đầu tiên là phòng tôi. Tôi đã đoán được điều này từ trước và thấy thật ấm lòng. Em lấy cuốn sách yêu thích được tôi tặng - “Nghệ thuật đối nhân xử thế”, rồi nín bặt mà đọc. 


“Nhanh thật đấy!” - tôi thầm cảm thán về khả năng hồi phục của em. 


 Cả hai chẳng nói với nhau lời nào. Phần vì nỗi hoang mang vẫn đang nhấn chìm não bộ của tôi. Phần vì em gái có lẽ cần thêm thời gian để xử lý sự kiện vừa rồi. Bầu không khí tĩnh lặng đặc quánh lại trong căn phòng chật hẹp. Tiếng gõ phím máy tính và thanh âm lật giở sách như khứa vào tảng khí từng vệt sắc ngọt. 


Không lâu sau đó, sự bình lặng bị phá vỡ bởi em trai nhỏ. Em gọi tôi qua phòng mẹ để bóp đầu cho người, nhưng tôi biết rõ là vì vụ việc ầm nhà vừa rồi. Hương bạc hà trôi nổi khắp phòng, đượm vào cả từng sợi tóc của mẹ. 


“Đầu đuôi sự việc là thế nào?”, người mở lời. 


Tôi bình thản đáp: “Hai chị em đùa nhau ở phòng khách. Gấu trêu Giang thế nào con không rõ, nhưng cuối cùng Giang không chịu được nên mới đánh vào lưng Gấu. Sau đó thì ầm ĩ như vừa rồi ạ.”


“Cái con đấy, cứ khẽ tí là đánh em…”, mẹ tôi phàn nàn. Giọng người có phần đè nén, chua xót nhiều hơn là tức giận.


Mùi bạc hà làm đầu óc ta đê mê đến độ không còn tỉnh táo. 


“Mẹ có bản tính không?”, tôi đột ngột hỏi - đột ngột tới mức làm chính bản thân giật mình. 


“Hả?”


Tôi khẽ cười rồi đáp, tay vẫn miệt mài xoa đầu cho người: “Mẹ cũng có bản tính mà. Mẹ có thay đổi được bản tính không?” 


Tôi chờ đợi sự hồi đáp trong khi để hương bạc hà vương trên mái tóc xoa dịu đầu mũi.


“...” 


Mẹ nhắm mắt rồi. Khi không muốn, hoặc không thể trả lời, người đều làm vậy. 


“Ai mà chẳng có bản tính phải không? Chúng ta làm sao mà thay đổi được bản tính. Chúng ta chỉ có thể cố gắng giữ nó ở mức tích cực thôi. Vậy nên, con vẫn luôn thấy Giang là một đứa trẻ đáng thương…” 


“Có gì mà đáng thương?”, cuối cùng thì người cũng không vờ ngủ nổi nữa.


“Bản tính của em ấy không được đông đảo xã hội này công nhận, càng không được nền giáo dục này coi là hữu ích. Đấm đá không phải là bản tính, mà là do một phần bản tính đã bị tiêu cực hoá mà thành.” 


Ngừng một lát để lấy dầu dưỡng tóc. Có chút choáng váng vì hương nước hoa nồng nặc. Tôi nói tiếp:


“Bản tính giống như quả bóng bay. Chúng ta có bóp méo quả bóng bay thế nào thì cuối cùng nó vẫn trở lại hình dạng ban đầu. Quá tay thì quả bóng còn có thể nổ. Đánh mắng một đứa trẻ với mong muốn thay đổi bản tính của nó cũng vậy. Sự thay đổi chỉ là nhất thời, và dồn ép quá thì phần tiêu cực của bản tính sẽ nổi lên và đứa trẻ sẽ bị huỷ hoại. Ví dụ, bản tính của Giang là vô tư, không suy nghĩ nhiều. Nếu sự vô tư thuần tuý ấy bị ảnh hưởng bởi những lời mắng mỏ, những đòn roi, những cái đánh vào mặt hay vào người, thì sẽ dẫn đến hệ quả như hôm nay: Khi bị công kích, em ấy liền không suy nghĩ nhiều mà thực hiện điều bản thân muốn là trả đũa bằng cú đánh, tiếng gào la.” 


Dừng lại thêm chút nữa, cổ họng tôi có chút tắc nghẹn. Không phải vì xúc động. Là vì cảm giác tội lỗi. 


“Vả lại, bố mẹ có bao giờ nhận ra tại sao mình lại muốn thay đổi bản tính của Giang đến vậy không?... Chẳng phải vì em ấy là một hình ảnh đối lập hoàn toàn với con hay sao? Vì bố mẹ đã thấy được vài kết quả khả quan từ mô hình thiết kế là con, nên mới muốn tiếp tục tạo ra một sản phẩm tương tự?...” 


Cuộc trò chuyện kết thúc. Tôi hoàn thành nhiệm vụ bóp đầu cho mẹ. Mùi bạc hà trộn lẫn hương nước hoa đậm đặc làm đầu óc tôi choáng váng. Lại thêm cuộc trò chuyện gần giống vở kịch độc thoại vừa rồi, tôi gấp gáp quay trở về phòng cùng khao khát được thanh tẩy bởi khoảng không vô vị nơi căn phòng chật hẹp.    


… 


Trong bài thơ “an afternoon nap” của nhà thơ người Singapore Arthur Yap, hình ảnh một hệ thống giáo dục đầy lỗi đã được lên án: những buổi học thêm đắt đỏ, những cái đòn roi vì điểm thấp, sự yếu kém của đứa trẻ, và cuối cùng là tiếng hét thất thanh của người con nhằm lên án những gì mẹ đã làm với mình, khi mà các hành vi mang tính chất bạo lực được lý tưởng hoá thành một điều tốt đẹp như tình thương. Đó là hình ảnh tượng trưng cho phụ huynh ở Singapore nói riêng và ở châu Á nói chung. Tôi nhận ra điều này sau khi đã trải nghiệm cả 2 hệ thống giáo dục với lối tư duy đối lập nhau: trường công lập của Việt Nam và trường quốc tế theo tư tưởng giáo dục khai phóng. 


Trong khi ở các trường công lập, người ta thiết lập một hệ thống các tiêu chí cố định và chặt chẽ để đánh giá mọi học sinh: điểm cao, hạnh kiểm tốt, giỏi Toán,... thì ở hệ thống giáo dục khai phóng, họ khuyến khích học sinh phát triển mọi thế mạnh mà mình có, và tuyên dương học sinh giỏi Toán ngang bằng học sinh giỏi Thể dục. 


Bản tính của mỗi người là khác nhau và được tạo hoá nhào nặn ra cho những lĩnh vực khác nhau. Một xã hội phát triển đa dạng lĩnh vực vì thế mới được hình thành. Vậy có lý do gì chúng ta lại coi một đứa bé là yếu kém hay không có tiềm năng chỉ vì nó không có thế mạnh học thuật? Thúc ép một đứa trẻ có tiềm năng hội hoạ đi theo Toán học thật chẳng khác gì mua hạt giống hoa hồng nhưng lại muốn nó mọc thành hoa hướng dương. Bông hoa hướng dương đó nhất định rất xấu và nhanh chóng tàn lụi vì cách chăm sóc không phù hợp. 


Vậy nên, hãy hiểu rõ bản tính là thứ không thể nào thay đổi và ai cũng có bản tính của riêng mình. Điều đó khiến họ đặc biệt và bạn là duy nhất. Ở vai trò của những người dẫn lối, hãy chấp nhận những mặt khác biệt ở bản tính của đứa trẻ, kể cả khi chúng chưa được đông đảo xã hội coi trọng. Việc của chúng ta là hỗ trợ những đứa trẻ nuôi dưỡng phần tích cực của bản tính, còn lại chỉ cần ngắm nhìn chúng lớn lên cùng trái tim đong đầy nắng mai yêu thương mà thôi. 


Ảnh: The Independent

Tác giả: Diệu

BẢN THẢO
Bài viết liên quan