Mê hồn trận

Tôi đã sống tiếp những tháng ngày sau đó như con thiêu thân lao ngược về phía ánh mặt trời. Mặt trời treo tít trên cao, còn tôi cứ mải miết chạy. Chạy, chạy đến cùng kiệt từng hơi thở. Vậy mà đến cuối cùng, thời khắc rơi xuống miệng vực, điều tôi có cũng chỉ là đau thương.

I.

Tôi đã sống sót thế nào qua từng ấy năm cuộc đời với sự uỷ mị và tự lừa dối bản thân khi cố bấu víu vào những hư ảo không có thực. Ôm khư khư trong lòng giấc mộng dang dở của những ngày thơ, nước mắt còn vương dài chẳng ai lau trên má. Vào những đoạn giữa cuộc đời, cái chết đã chi phối toàn bộ mọi thứ xung quanh. Tôi mất đà rơi xuống miệng vực thẳm, lạc lối đến cùng cực điên dại. 

 

Trơ trọi và trống hoác. Tôi đang hồi tưởng về những bi hài của cuộc đời mình, từ thời thơ ấu chằng chịt những vết roi da đến sự buông thả quá đà của bản thân trên cuộc hành trình vươn mình ra khỏi chiếc kén khốc liệt quá đỗi.

 

Ắt hẳn là ai cũng có một quãng tuổi trẻ đầy những cam go và mất mát, những niềm tin không thể tồn tại song song với trưởng thành. Vốn dĩ một khi chúng ta bắt đầu thỏa hiệp với cuộc sống thế gian thì sự tuyệt vọng và nỗi cô đơn đã bao trùm lấy tâm trí mỗi người, chúng tự tìm cách len lỏi vào sâu trong từng tế bào và phát tán. Không có bất kỳ chân lý nào để làm dịu đi cú sốc và những nỗi đau, cho đến khi tôi nhận ra bản thân mình đang bị đẩy vào sâu trong tận cùng của niềm bi kịch, túng quẫn. Và rồi, đứt dây cót.

 

II.

Năm ấy, đem cả kỳ vọng của gia đình bước chân lên một thành phố không thân thích, giữa dòng đời trôi nổi vô định, tôi hòa mình vào nhịp sống hối hả của màn đêm, của những ánh đèn không bao giờ tắt. Suốt lưng chừng cả quãng đời tuổi trẻ, tôi da diết yêu thầm bóng hình của người con gái lớn hơn mình cả thảy bảy, tám cái tuổi đời. Chị hành nghề trong bóng tối, với chiếc danh xưng “cao quý” mà xã hội này đã ưu ái ban tặng - làm đĩ. Đôi mắt đẹp đẽ nhất thế gian, tưởng chừng có thể xoáy sâu vào tâm can mỗi người, buồn đến nao lòng, trong veo như nước mặt hồ phẳng lặng, bình thản đến nổi hiển nhiên. Thấp thoáng lại nhìn thấy được sự sợ hãi che giấu đằng sau con ngươi hốc hác, thật khiến người khác nhìn vào chỉ muốn chà đạp chị.

 

Tôi tình cờ gặp được chị trong một lần đứng “đợi khách” trên góc phố nổi tiếng về sự hiện diện của gái làng chơi. Dáng dấp mảnh khảnh, bóng lưng cô độc đến lạ, khoác trên người chiếc váy mỏng tang giữa ngày đông rét buốt.

 

“Năm trăm ngàn chị đi không?”

 

Đinh ninh trong đầu rằng ai làm cái nghề này cũng phải trải qua biết bao sự nhục mạ, gièm pha và những lời lẽ đàm tiếu đê tiện của đám thiên hạ ngoài kia. Cái trong trắng ngàn vàng của người con gái cũng chẳng thể giữ được, ấy thế mà tôi lại trông mong bản thân mình là người đầu tiên khám phá ra nó. Điên rồ thật, tôi đang chờ đợi điều gì sao? 

 

Đêm đó, đương lúc cái hưng phấn đã tràn lên đến đại não, làm tê liệt cả luồng cảm xúc trong cơ thể, tôi thực chẳng hiểu được rằng vì sao chị lại rơi nước mắt. Là vì khổ hạnh hay gièm pha, tủi nhục hay đau đớn? Cả người bứt rứt, môi bị cắn rách đến nỗi túa ra máu tươi, nắm tay quắp chặt lấy ga giường. Tiếng thổn thức càng lúc càng đánh thức các giác quan, như nhát dao cứa thẳng vào tim gan tôi khiến nó âm thầm khoét sâu một lỗ hổng. Thú thật, đó cũng là lần đầu tôi thử cảm giác lạ sau khi đám nhãi ranh cùng phòng trọ thúc giục tôi chứng minh cho cả thế giới biết mình là đàn ông.

 

“Chị làm tôi mất hứng quá.” - tôi nổi cáu, quát lớn lên.

“Xin lỗi cậu, t..tôi là lần đầu làm việc này.” - chị lắp bắp, giọng khẩn cầu.

Tôi nhếch mép cười khinh: “Ha.. lần đầu à? Lần đầu mà đếch thấy máu trinh? Vậy đây là thứ bao nhiêu của lần đầu rồi?”

 

Nước mắt vẫn rơi ra không ngừng, tôi thấy tim mình nhói lại, lần đầu tiên tôi yếu lòng trước những thứ mà mình vốn luôn xem thường. Vì những kẻ làm nghề này bên ngoài xã hội, đối với tôi mà nói, cũng chẳng khác gì lũ vô công rồi nghề hay ăn bám người khác. Nhưng người con gái trước mặt lại cho tôi thấy sự chân thật trong từng kẽ tóc, từng lời nói chị thốt ra. Tiếng khóc buồn thảm như muốn xé nát cả cõi lòng chằng chịt những vết thương. Chẳng hiểu thế lực gì đã kìm kẹp tâm trí tôi tại ngay lúc đó, nhìn chị mà lòng tôi không khỏi xót xa, chỉ muốn dang tay ra ôm lấy chở che, vỗ về.

 

“Tôi… tôi xin lỗi. Liệu lần sau có thể lại gặp nhau không? Tôi sẽ trả thêm tiền.” Nói rồi tôi dúi vào tay chị tờ năm trăm ngàn cũ nát như lời đã hứa. Chị gật đầu e dè, ánh mắt vẫn tĩnh lặng. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một con đĩ không biết nói lời tục tĩu, không năn nỉ ỉ ôi hay bám víu vào đồng tiền của lũ đàn ông. Phút nào đó trong cuộc đời, tôi đã ước giá như chị không đi theo con đường này thì hay biết mấy. 

 

Dần dần mấy tháng qua, mấy tháng sau, chúng tôi cứ gặp nhau vào buổi đêm như thế. Tôi đến đón chị, đều đặn trả tiền cho thứ gọi là nhu cầu và ham muốn của đàn ông. Có lần tôi không kiềm được lòng mà bật hỏi: “Tại sao chị lại chọn đi theo con đường này?” Chẳng hiểu bản thân lúc đó đang nghĩ gì, tôi chỉ thấy người phụ nữ này chẳng có mấy phần là tâm cơ, đằng sau có lẽ còn nhiều phần ẩn khuất bị che giấu. Nhưng đáp lại chỉ có sự lặng im, bốn bề ngưng đọng trong chốc lát, đôi mắt vô hồn vẫn trơ trọi với khoảng không trước mặt, dường như chỉ có trống rỗng nén chặt trong nghìn lớp đau thương mà tôi biết mình chẳng thể nào bóc tách ra hết được.

 

“Chị không muốn nói cũng không sao, tôi không ép.”

“Cậu thật sự muốn biết?” - chị đáp lại.

Tôi lẳng lặng gật đầu, vì bản thân thật lòng muốn biết. Chị vẫn từ tốn, vẫn ánh mắt biết nói ấy đưa tôi đi đến tận cùng của niềm cảm xúc khó tả:

“Tôi bị cưỡng hiếp.” Nói rồi, chị bật cười lớn: “Haha…Tôi biết cậu sẽ không tin, vì làm gì có ai làm nghề điếm mà bị cưỡng hiếp chứ, chúng nó chỉ toàn tự nguyện dâng hiến mình thôi.”

“Nhưng tôi tin chị.” - tôi chắc nịch đáp. Không gian trở im ắng như tờ, một lát sau chị mới dùng hết can đảm của mình để thốt lời: “T…tôi bị chú ruột mình cưỡng hiếp trong thời gian dài, sau đó có thai. Bố tôi biết được, ông ấy nghĩ tôi đi lăn loàn bên ngoài nên trực tiếp phá bỏ và giết chết đứa nhỏ. Tôi cũng chẳng muốn sinh cốt nhục dơ bẩn ấy ra. Cậu biết không, tôi sợ lắm! Sợ người khác chạm vào cơ thể mình, sợ ai đó lại xâm phạm và vấy bẩn tôi thêm một lần nào nữa. Ký ức về những đêm dữ tợn ấy còn ám ảnh và đọng lại trong tiềm thức của tôi, chúng khiến tôi sống mà chỉ muốn chết đi từng giờ. Tôi đã tìm rất nhiều cơ hội để mở lòng, nhưng không một ai lắng nghe tôi nói. Họ nghĩ tôi chỉ là đứa trẻ mới lớn vắt mũi chưa khô.”

 

Lồng ngực thắt chặt rồi nghẹn lại, tôi thấy vô cùng khó thở, đem hết dũng khí ra để ôm chị vào lòng. Chị thều thào, giọng yếu ớt đi, ngấn mắt đã đỏ ngòm:

“Lẽ ra…lẽ ra tôi đã chết từ rất lâu rồi. Tại sao, tại sao lại ép buộc tôi sống để chì chiết những nỗi đau đó lên người tôi? Tại sao chứ? Họ đã ép tôi vào con đường này, chính họ. Họ chẳng tin tôi, có gia đình nào mà lại không tin nhau…”

 

“Giờ đây, tôi đã trở thành con điếm giống như lời họ nói, mong ước nhấn chìm cuộc đời tôi đã thành sự thật. Ha…Tôi là một con điếm, tôi không xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp.”

 

Giây phút đó tôi chẳng hề biết được rằng thực sự bản thân mình có đang thương hại chị? Tôi chỉ thấy niềm tội lỗi ấy đã dâng lên đến tận bầu trời. Những ngày sau chúng tôi vẫn cứ gặp nhau như thế, dù không quan hệ nhưng tôi vẫn trả cho chị đầy đủ số tiền gần bằng cả năm tôi học Đại học. 

 

Rồi đến ngày nọ, giữa lúc cái nắng tháng năm vừa buông thỏm xuống, phảng phất những vệt màu gay gắt của thời khắc chuyển giao mùa, tôi nhận được tin chị tự sát trong căn nhà thuê xập xệ. Xác chị được tìm thấy trong cái bồn tắm thấm đẫm máu tươi, đôi mắt mở đau đáu. Cả cuộc đời chị sống trong nỗi tủi nhục, sự ruồng bỏ đến cái chết nó cũng đau đớn làm sao! Tôi biết chị đã nghĩ thông, tôi biết cơn ác mộng ấy giằng xé da thịt chị từng ngày, chỉ là tôi đã mong mình có thể xoa dịu vết thương trong lòng chị. Nhưng có lẽ nỗi đau ấy đã đi xa đến mức không thể chịu đựng được nữa rồi, bất khả kháng cự.

 

Ngày chị chết, một nửa hồn tôi đã hoá tro tàn. 

 

Nguồn ảnh: Julien Missaire (Pinterest)

 

III.

Tôi đã sống tiếp những tháng ngày sau đó như con thiêu thân lao ngược về phía ánh mặt trời. Mặt trời treo tít trên cao, còn tôi cứ mải miết chạy. Chạy, chạy đến cùng kiệt từng hơi thở. Vậy mà đến cuối cùng, thời khắc rơi xuống miệng vực, điều tôi có cũng chỉ là đau thương.

 

Tôi và chị, vốn dĩ ngay từ đầu cuộc đời đã chối từ chúng ta. Tôi nghe đâu như tiếng trái tim vụn vỡ, hồn mình chảy máu giữa màn đêm. Có lẽ, tôi đã khóc trong giấc mơ. Giá như, giá như ngày ấy có ai đó nghe thấy lời cầu cứu của chị, của cả chúng tôi. Giá như tôi đến sớm hơn một bước. Đến cuối cùng vẫn thua cái chớp mắt của thời gian. 

 

Và khi bị cái đau khổ ngáng đường, người ta thường chọn cách bỏ chạy. Nỗi đau ấy thực quá dữ dội đến nổi chỉ có thể trút bỏ bằng cách thét gào lên, điên cuồng nổi loạn và đập phá. Dẫu biết chẳng còn đường lui, thế nhưng bản thân tôi không thể dừng lại được. Bán linh hồn mình cho tình dục, thuốc phiện và rượu bia, tôi bỏ học ở trường. Những năm tháng tiếp theo của cuộc đời lại đi lạc vào mê hồn trận, mãi mãi chẳng tìm thấy được đường ra. Trống rỗng đến vô vọng, tôi càng cố gắng chạy thoát ra thì mặt trời càng khuất xa mất hút.

 

Nếu tuổi trẻ và sự trưởng thành của mỗi người được ví như cuộc hành trình dài để vượt qua cổng mặt trời thì giờ phút này đây tôi đã bị chính cái cổng mặt trời ấy thiêu đốt đến tàn rụi. Tôi nhiễm HIV trong lúc quan hệ tình dục bừa bãi. Ngủ với bao cô gái để kiếm tìm bóng hình chị, xong khi nhắm mắt lại điều cuối cùng tôi cảm nhận được chỉ là sự mờ mịt và cô đơn. Hóa ra, mọi thứ đã đi quá xa kể từ khi bắt đầu. Khoảng cách giữa mù quáng và kiên định lắm lúc cũng thật mong manh.

 

Tôi đã chuẩn bị cho cái chết của mình ở tuổi hai mốt. Biết mai này đây tôi sẽ được hất tung lên thiên đường hay bị vùi sâu dưới đáy địa ngục?

 

IV.

Tôi đã cắt đứt liên lạc với gia đình được một năm đổ lại.

 

Đêm trước hôm bố tôi qua đời, tôi khướt mèm trong men say của rượu. Cái ánh đèn nơi phố thị lộng lẫy xa hoa này thật dễ dàng đưa con người ta đi đến bờ vực của sự tha hóa. Có vẻ như tối hôm đó trời đã đổ cơn mưa, cơn mưa đầu mùa hạ không có sấm rền inh ỏi bên tai. Đánh chén một giấc no say mãi cho đến lúc nhận được tin dữ. Tôi loay hoay kiếm tìm, phải chăng bản thân mình là người con bất hiếu? Khi trong lòng chỉ toàn những nỗi trống rỗng, chẳng còn sót lại mấy phần đau thương hay tuyệt vọng. Với tôi, kể từ cái ngày mẹ mất, ông đã chẳng còn là bố tôi nữa rồi. 

 

Thằng nhóc trơ trọi lớn lên cùng những trận đòn roi đau thấu đến từng lớp da lớp thịt. Nó dần trở thành kẻ dị biệt với trái tim khoét sâu một lỗ hổng, một lỗ hổng rất to tồn tại trong ký ức và tình yêu thương đến khi sau này nó lớn. Nó sợ lạnh, sợ bóng tối, sợ côn trùng,... Nhưng dần dà những nỗi sợ ấy đã chuyển hóa thành niềm tin và động lực sống để nó biết mình không cô đơn trên cõi đời này. 

 

Đã bao lần nó tự hỏi, sự sống của nó phải chăng là khởi xướng cho mọi loại niềm đau? Nó sinh ra đã là một tội lỗi? Sức khỏe mẹ yếu dần từ khi nó ra đời. Bố luôn đánh đập, mắng nhiếc nó sau mỗi trận la cà rượu bia, ông chì chiết nỗi đau ấy lên người thằng nhỏ, rằng chính nó cướp đi mạng sống của mẹ. Nó tự ngẫm nó sai sao? Mà chẳng phải trên đời này có thứ gì mà nó đúng? Có lẽ, điều duy nhất nó làm đúng chính là trở thành cái bao cát cho người khác hả giận mỗi khi cơn buồn đau ập tới.

 

Có giai đoạn tàn khốc nhất trên đời, sự chết đã thay nó sống mỗi ngày. Giữa những tiếng đưa tang vội vã ở trong đầu, nó thấy cơ thể mình đang xuyên qua hơi lạnh, phút chốc mỏng dần rồi nhẹ hẫng. Từng tế bào cứ thế được bóc tách ra một cách trần trụi như bản chất vốn có, chứ chẳng còn vẹn nguyên trong hình hài của một con người. Mất đi khả năng kháng cự, trơ trọi với mớ thuốc an thần, cả người như bị hút hết đi sinh khí. Tự chất vấn bản thân mình rằng sống để làm gì khi biết rõ ngày mai sẽ phải chết đi? Linh hồn hóa thành vệt tro bụi, sớm mai tỉnh dậy chẳng còn những niềm đau.

 

Ấy thế mà, thằng nhỏ cùng nỗi đau âm ỉ ngày thơ bé, cứ kiên trì tê dại lớn dần lên bên trong tôi mỗi ngày. 

 

Nguồn ảnh: Benzank (Pinterest)

 

V.

Tôi mở nắp bao thuốc, rút ra điếu cuối cùng rồi chăm bật lửa. Phía Đông, mặt trời đã lên cao, chói mắt.

 

Băng qua ngã tư đường, thấy lưng chừng giấc mơ bị bỏ dở. Chiếc áo xanh ngày ấy mãi mãi tôi cũng chẳng thể khoác lên mình thêm được phút giây nào nữa. Giấc mộng thời thơ ấu như một loại cảnh đẹp tận phương xa tôi nhìn theo sau mà mắt ướt nhòa. 

 

Tôi vẫn luôn nhớ câu cuối cùng chị nói, được ghi lại trong tiềm thức của tôi: “Khi tưởng chừng như đã quyết định rõ ràng con đường đi của mình thì lại là lúc con người ta dễ dàng lạc lối nhất.”

 

Có thật là vậy không? Làm ơn, ai đó hãy giúp tôi trả lời...

 

Ở cổng trung tâm cai nghiện…

 

Tác giả: Trà

Ảnh bìa: Fotos Para Portadas (Pinterest)

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan