Lượn một vòng trên mạng sẽ bắt gặp muôn vàn những lời khuyên về cách giao tiếp bằng mắt, nhưng phần lớn trong số đó không có lời khuyên nào thực sự hữu ích. Ví dụ, bạn có thể từng đọc được rằng giao tiếp bằng mắt “càng nhiều càng tốt”, điều đó là không đúng. Như Kim từng nhận định, chỉ nhìn chằm chằm vào người đối diện khi nói chuyện là không hề hiệu quả.
Mẹo giúp bạn tự tin giao tiếp bằng mắt
Luyện tập duy trì ánh nhìn khi giao tiếp ngay cả khi nó làm bạn cảm thấy khó chịu
Lời chia sẻ của Kim đánh trúng tâm lý lúng túng khi giao tiếp bằng mắt:
“Trong khoảng vài giây khi giao tiếp bằng mắt, tôi bắt đầu cảm thấy bối rối, điều này dường như cũng làm người đối diện khó chịu.”
Trong trường hợp này, người đối diện không nhất thiết khó chịu vì bạn giao tiếp bằng mắt với họ. Chỉ là họ thấy rõ sự bối rối của bạn khiến họ cảm thấy lo ngại.
Theo những bàn luận trong bài viết “tránh sự im lặng lúng túng trong giao tiếp”, quan hệ xã hội chỉ trở nên khó xử khi bạn biểu lộ sự căng thẳng rõ rệt, và người đối diện bắt đầu tự hỏi liệu họ cũng nên cảm thấy không thoải mái hay không.
Luyện tập duy trì ánh nhìn khi giao tiếp ngay cả khi nó làm bạn cảm thấy khó chịu. Lâu dần, bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn.
Cách luyện tập giao tiếp bằng mắt
Tương tự như những kỹ năng xã hội khác, giao tiếp bằng mắt sẽ dễ dàng hơn khi bạn luyện tập thường xuyên. Trước tiên bạn nên luyện tập với những người mà bạn cảm thấy gần gũi, ví dụ như bạn thân hoặc người thân trong gia đình. Sau đó, bạn nên mạnh dạn hơn thử luyện tập với những người hơi có cảm giác “doạ dẫm”, ví dụ như sếp hoặc tiền bối lớn tuổi ở công ty.
Người có lòng tự tôn càng cao càng thoải mái giao tiếp bằng mắt hơn
Có thể bạn nhận thấy, duy trì giao tiếp bằng mắt với những người hơi có cảm giác “doạ dẫm” thường sẽ khó khăn hơn. Mặt khác, theo một cách nào đó việc duy trì giao tiếp bằng mắt với những người có “địa vị” thấp hơn bạn lại trở nên dễ dàng hơn.
Khi chúng ta cải thiện lòng tự tôn và toàn tâm đặt vị trí của mọi người đều bình đẳng, việc duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ trở nên thoải mái hơn.
Tuy nhiên, việc cải thiện lòng tự tôn có thể phải bỏ ra rất nhiều thời gian. May mắn thay, có một bí kíp có thể nhanh chóng vận dụng ngay lúc này: nghiên cứu ánh nhìn của người đối diện.
Phân tích ánh nhìn của người đối diện
Nhìn ai đó bằng mắt khi nói chuyện sẽ trở nên ít cảm thấy sợ hãi hơn khi bạn ép bản thân tập trung vào màu sắc, hình dạng và kích thước đồng tử ở mắt người đối diện.
Nếu bạn đứng quá xa để có thể nhìn rõ từng chi tiết, thay vào đó, bạn có thể tập trung vào lông mày của người đó. Tập trung vào từng chi tiết một. Cố gắng nhìn bao quát cùng một lúc sẽ rất khó và khiến bạn cảm thấy lúng túng.
Tập trung toàn bộ sự chú ý vào cuộc trò chuyện
Như tôi từng giải thích, nhận thức về bản thân chúng ta càng kém đi (do đó sẽ giảm bớt lo lắng và trở nên thoải mái khi giao tiếp bằng mắt) khi tập trung sự chú ý vào cuộc trò chuyện.
Dẫn dắt sự tò mò thật tự nhiên bằng cách đặt một vài câu hỏi mở để tìm chủ đề thảo luận. Ví dụ như “Cô đã du lịch ở Bali sao, Bali có đẹp không? Ở đó chơi rất vui đúng không? Có vẻ cô hơi mệt mỏi sau một chuyến bay đường dài?”
Thủ thuật này giúp bạn chuyển hướng cuộc trò chuyện dễ dàng hơn vì nó giúp bạn đưa ra những câu hỏi mới mẻ để tiếp tục cuộc trò chuyện. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu không biết phải tiếp tục cuộc trò chuyện bằng chủ đề gì. Việc duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ diễn ra tự nhiên hơn vì bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn.
Giao tiếp bằng mắt vừa phải
Giao tiếp bằng mắt quá ít có thể khiến bạn trở nên dễ căng thẳng, dễ quy phục hoặc không đáng tin. Giao tiếp bằng mắt quá nhiều có thể trở nên hung hăng và trông dữ tợn.
Bất cứ khi nào cuộc trò chuyện trở nên im lặng, hãy dừng giao tiếp bằng mắt
Điều này bao gồm những lúc tạm ngừng giữa cuộc trò chuyện khi bạn hoặc người đối diện đang nghĩ về chủ đề sẽ nói tiếp theo. Việc duy trì giao tiếp bằng mắt trong lúc này càng trở nên căng thẳng và tạo ra bầu không khí khó xử.
Khi bạn ngừng giao tiếp bằng mắt, đừng tập trung vào bất kỳ đối tượng cụ thể nào hoặc những người khác. Nếu bạn làm vậy, người đối diện bạn ngầm hiểu rằng bạn chọn tập trung vào những đối tượng khác thay vì họ.
Nhìn lên bầu trời, giống như khi bạn đang ngẫm nghĩ hoặc suy đoán về điều gì, hoặc có thể nhìn vào miệng của người đó. Di chuyển mắt của bạn từ từ và nhịp nhàng. Đảo mắt nhanh hoặc “liếc mắt” có thể khiến bạn trông căng thẳng hoặc không đáng tin cậy.
Bất cứ khi nào người đối diện trò chuyện, hãy duy trì giao tiếp bằng mắt
Ngay sau khi bạn hoặc người đối diện tiếp tục cuộc nói chuyện, bạn có thể tiếp tục giao tiếp bằng mắt. Tôi thường mắc sai lầm vì không duy trì giao tiếp bằng mắt khi bắt đầu nói chuyện. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhiều lần mọi người ngắt lời tôi khi điều đó xảy ra (đặc biệt trong các cuộc trò chuyện nhóm). Tôi nghĩ là do khi bạn nhìn ra nơi khác, sợi dây kết nối giữa bạn và mọi người đã bị ngắt. Khi không có sự liên kết, mọi người sẽ không tiếp tục chủ đề trò chuyện với bạn.
Tóm lại, bạn nên cố gắng giao tiếp bằng mắt trực tiếp trong khoảng 4-5 giây mỗi lần. Nếu duy trì lâu hơn thế có thể khiến người đối diện khó chịu.
Duy trì giao tiếp bằng mắt khi bạn đang trò chuyện
Việc duy trì giao tiếp bằng mắt khi bạn đang nói chỉ quan trọng khi bạn cũng đang lắng nghe người đối diện nói. Trong trường hợp ngoại lệ nếu bạn đang đi bộ hoặc ngồi cạnh nhau, đương nhiên việc giao tiếp bằng mắt sẽ giảm đi.
Khi bạn có thể duy trì giao tiếp bằng mắt tốt trong lúc nói chuyện (trừ khi bạn đã nghĩ ra sẵn câu tiếp theo trong đầu), bạn sẽ kinh ngạc bởi việc đó thu hút sự chú ý của người đối diện dễ dàng hơn ra sao.
Trong nhóm, hãy hướng ánh nhìn đến những người đối diện một cách đồng đều
“Tôi không biết cách tự tin giao tiếp bằng mắt trong nhóm. Tôi nên nhìn ai đây? ”
Khi bạn đang nói chuyện trong nhóm, bạn muốn chắc rằng bạn có thể nhìn bao quát tất cả mọi người.
Tại sao như vậy? Bởi vì việc phớt lờ ai đó dù chỉ vài giây sẽ khiến họ cảm thấy họ bị tách ra khỏi cuộc trò chuyện. Khi hai người hoặc nhiều hơn trong nhóm cảm thấy bị bỏ rơi, nhóm sẽ bị chia thành nhiều cuộc trò chuyện song song. Cố gắng hướng ánh nhìn khi giao tiếp bằng mắt đồng đều với những người trong nhóm.
Phản ánh cách giao tiếp bằng mắt của người đối diện
Nhìn chung, mọi người đều thích những người có nét cá tính và phong cách giao tiếp giống nhau. Nếu bạn đang trò chuyện với một người rất ít giao tiếp bằng mắt và bạn muốn xây dựng mối quan hệ với người đó, hãy phản ánh một cách tinh tế.
Nếu bạn duy trì giao tiếp bằng mắt, nói chuyện to tiếng và thể hiện là một người tràn đầy nhiệt huyết với lòng tự tôn cao, bạn có thể sẽ “dọa” những người hay căng thẳng. Hãy tiết chế hành động của bạn nếu bạn muốn tạo sợi dây liên kết với những người kém tự tin.
Nhiều tình huống chỉ ra giao tiếp bằng mắt là cực kỳ quan trọng
Tận dụng việc giao tiếp bằng mắt để trở nên đáng tin cậy
Nhiều người nghĩ rằng những người nói dối thường tránh giao tiếp bằng mắt. Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nhiều người thật thà cũng gặp khó khăn khi giao tiếp bằng mắt.
Tuy nhiên, nếu bạn không thể nhìn thẳng vào mắt ai đó, họ có thể hiểu nhầm rằng bạn đang nói dối họ. Do đó, giao tiếp bằng mắt rất quan trọng nếu bạn muốn người khác tin tưởng mình. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người giao tiếp bằng mắt trực tiếp trông đáng tin cậy hơn.
Vận dụng khả năng giao tiếp bằng ánh mắt để tạo sự thu hút
Nếu bạn muốn phát tín hiệu rằng bạn nhìn thấy ai đó thu hút, hãy giao tiếp bằng mắt với người đó ngay khi cả hai không nói chuyện. Nghiên cứu chỉ ra rằng giao tiếp bằng mắt thu hút hơn so với nhìn chằm chằm vào ai đó. Theo một nghiên cứu, giao tiếp bằng mắt trực tiếp trong hai phút có thể tạo ra cảm giác thu hút lẫn nhau.
Tuy nhiên, nghiên cứu này diễn ra trong phòng thí nghiệm kín mà những người tham gia được yêu cầu giao tiếp bằng mắt liên tục trong hai phút. Thực tế, điều quan trọng cần nhớ là giao tiếp bằng mắt với ánh nhìn chằm chằm hoàn toàn khác nhau. Việc nhìn thẳng vào mắt ai đó trong hai phút có thể khiến họ khó chịu, vì vậy hãy thả lỏng dừng ánh nhìn vào người đối diện sau vài giây.
Giao tiếp bằng mắt kèm một nụ cười nhẹ. Giữ cho cơ mặt của bạn được thư giãn. Nếu bạn căng thẳng, ánh mắt của bạn dễ bị nhầm là hung hăng thay vì chú ý. Một cái nháy mắt có thể dừng nhìn chằm chằm và khiến bạn giảm bớt oai nghiêm hơn.
Giao tiếp bằng mắt khi có mâu thuẫn
Khi xảy ra mâu thuẫn với ai đó và muốn giải quyết vấn đề, chúng ta nên nhìn xuống sàn nhà. Tránh giao tiếp bằng mắt để thể hiện sự quy phục. Nó làm người đối diện ngầm hiểu rằng: “Tôi không muốn dọa dẫm hay đe dọa bạn. Tôi chỉ muốn giải quyết vấn đề này”.
Những câu hỏi thường gặp
Tại sao giao tiếp bằng mắt lại quan trọng?
Những người có mức độ lo lắng xã hội cao hơn bình thường thường có xu hướng tránh giao tiếp bằng mắt. Các nhà tâm lý học gọi đây là “sự né tránh ánh mắt”. Đó là một cách cư xử thận trọng mà những người mắc “hội chứng rối loạn lo âu xã hội” dùng để giảm bớt sự lo lắng của họ.
Vấn đề là việc né tránh ánh mắt rất rõ ràng. Nó cũng có thể truyền đi những tín hiệu giao tiếp sai.
Theo một nghiên cứu, “… việc né tránh ánh mắt, đặc biệt là trong những thời điểm mà việc giao tiếp bằng mắt trực tiếp là việc tất yếu của xã hội, có thể gây ra những hệ luỵ không mong muốn, chẳng hạn như giao tiếp một cách thờ ơ hoặc lạnh nhạt.” Việc né tránh ánh mắt có thể khiến họ “bị cho là hờ hững [hoặc] đáng ghét.”
Tìm hiểu thời điểm và học cách giao tiếp bằng mắt là chìa khóa thành công trong xã hội của bạn.
Tại sao tôi tránh giao tiếp bằng mắt?
Bạn có thể tránh giao tiếp bằng mắt vì ngại ngùng, thiếu tự tin hoặc không có nhiều cơ hội để thực hành giao tiếp xã hội. Không nhìn thẳng vào mắt mọi người trong khi trò chuyện cũng có thể là dấu hiệu của một vài hội chứng rối loạn tiềm ẩn như rối loạn lo âu xã hội, ADHD, hội chứng Asperger hoặc trầm cảm.
Rối loạn lo âu xã hội (SAD): Những người mắc hội chứng này luôn sợ bị đánh giá và dễ bị tổn thương trong các tình huống xã hội. Giao tiếp bằng mắt thường khiến họ lo lắng.
Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD): Nếu bạn mắc phải, bạn có thể khó tập trung vào việc gì đó trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này có thể khiến việc giao tiếp bằng mắt trở nên khó khăn.
Hội chứng Asperger (một dạng của bệnh tự kỷ): Những người mắc hội chứng Asperger (cộng với những người mắc các chứng rối loạn phổ tự kỷ khác) thường gặp vấn đề trong việc duy trì giao tiếp bằng mắt. Nghiên cứu cho thấy họ cảm thấy thoải mái hơn khi quan sát những người không nhìn chằm chằm vào họ.
Trầm cảm: Thu mình trong xã hội và mất đi sự hứng thú trong giao tiếp với người khác là những dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm. Những người trầm cảm giao tiếp bằng mắt ít hơn 75% so với những người bình thường.
Tại sao tôi cảm thấy lúng túng khi giao tiếp bằng mắt?
Bạn có thể cảm thấy lúng túng khi giao tiếp bằng mắt do chứng rối loạn lo âu xã hội, vì bạn cảm thấy bị ai đó đe dọa hoặc đơn giản là vì bạn không biết cách bắt chuyện. Để thoải mái hơn khi giao tiếp bằng mắt, hãy luyện tập duy trì nó nhiều hơn một chút ngay cả khi điều đó khiến bạn cảm thấy khó xử.
Bạn có thể giao tiếp bằng mắt quá nhiều không?
Nếu bạn giao tiếp bằng mắt quá nhiều và kết quả sẽ trông giống một người hung hăng. Theo nguyên tắc chung, hãy giao tiếp bằng mắt với người đối diện như cách người đó tiếp xúc với bạn. Đây được gọi là sự phản chiếu. Khi giao tiếp bằng mắt, hãy giữ nét mặt thân thiện để không làm người đối diện cảm thấy không thoải mái.
Giao tiếp bằng mắt bao lâu là ổn?
Mọi người bình thường giao tiếp bằng mắt dùng 50% thời gian khi nói chuyện và 70% thời gian để lắng nghe. Thông thường giao tiếp bằng mắt diễn ra sau 4-5 giây. Mỗi người bạn trò chuyện đều khác nhau và chắc chắn nhất là duy trì giao tiếp bằng mắt với ai đó càng nhiều càng tốt.
------------
Dịch bởi: Uyen Nguyen
Biên tập: Ori
Ảnh: burst.shopify
[Online] Available at:
<https://socialpronow.com/blog/confident-eye-contact/>
[Last updated July 24, 2021]