Mô hình OCEAN: Thang tính cách năm yếu tố và kiểm tra tính cách tâm lý

Đã bao giờ bạn tự hỏi, bạn có tính cách như thế nào? Liệu có thể tìm thấy một người có tính cách hoàn toàn giống bạn không?

Mô hình năm yếu tố tính cách lớn đều xoay quanh câu hỏi sau:

 

“Bạn là ai?”

 

Đó có vẻ là một câu hỏi đơn giản, nhưng lại là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất.

 

Có rất nhiều cách để đưa ra lời giải thích cho câu hỏi đó. Câu trả lời có thể bao gồm tên của bạn, chức danh công việc, vai trò của bạn trong gia đình, sở thích hoặc đam mê của bạn và nơi bạn đang cư trú hoặc nơi bạn sinh ra. Một câu trả lời bao quát hơn có thể bao gồm sự mô tả về niềm tin và giá trị của bạn.

 

Đối với câu hỏi này mỗi người trong chúng ta đều có những câu trả lời khác nhau, mỗi câu trả lời sẽ nói lên mỗi câu chuyện chỉ riêng của chúng ta. Mặc dù loài người chúng ta có thể có nhiều điểm tương đồng với nhau, ví dụ như chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, kỹ năng và màu mắt, nhưng sẽ có một điều khiến mỗi chúng ta trở nên độc nhất vô nhị: đó là tính cách.

 

Bạn có thể gặp hàng trăm, hàng nghìn, hay thậm chí là hàng chục nghìn người, nhưng sẽ không có hai người nào hoàn toàn giống nhau. Điều này đặt ra câu hỏi: làm thế nào để chúng ta phân loại và sắp xếp điều gì đó đa dạng như tính cách con người?

 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ định nghĩa tính cách là gì, khám phá những phương diện tính cách khác nhau có thể được phân loại (và hệ thống phân loại đó đã phát triển thế nào) và giải thích mô hình OCEAN, một trong những mô hình tính cách phổ biến nhất trong tâm lý học hiện đại.

 

Trước khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi nghĩ bạn có thể tải về 3 Bài tập Tâm lý Tích cực, tham khảo miễn phí. Các bài tập dựa trên cơ sở khoa học này sẽ khảo sát tỉ mỉ các khía cạnh cơ bản của tâm lý tích cực bao gồm điểm mạnh, giá trị và lòng từ bi đồng thời cung cấp những trang bị giúp nâng cao phúc lợi của khách hàng, sinh viên hoặc nhân viên của bạn.

 

Vậy tính cách là gì?

 

Tính cách là một khái niệm dễ hiểu đối với hầu hết chúng ta. Đó là điều tạo nên chính con người bạn. Nó chứa đựng tất cả những đặc điểm, nét đặc trưng riêng và những thói quen khiến bạn khác biệt với mọi người.

 

Trong thế giới của nghiên cứu tâm lý học, tính cách sẽ khó hiểu hơn một chút. Định nghĩa về tính cách có thể phức tạp và việc định nghĩa có thể ảnh hưởng đến cách hiểu và đo lường nó.

 

Theo các nhà nghiên cứu về Dự án Nghiên cứu Tính cách, tính cách là “hình mẫu nhất quán của cảm xúc, nhận thức và mong muốn (mục tiêu) dẫn đến hành vi” (Revelle, 2013).

 

Trong khi đó, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) định nghĩa tính cách là “sự khác biệt ở mỗi cá nhân được tạo nên từ các hình mẫu suy nghĩ, cảm nhận và hành vi đặc trưng” (2017).

 

Tuy nhiên việc định nghĩa tính cách, là một phần quan trọng trong con người của bạn. Trên thực tế, tính cách cho thấy mối tương quan tích cực với sự hài lòng về cuộc sống (Boyce, Wood, & Powdthavee, 2013). Tính cách có tác động lớn đến cuộc sống của chúng ta, điều quan trọng là phải có một cách đáng tin cậy để khái niệm hoá và đo lường nó.

 

Khung tính cách phổ biến nhất là Big Five, còn được gọi là mô hình năm yếu tố tính cách. Lý thuyết về tính cách này không chỉ áp dụng cho mọi người ở nhiều quốc gia và nền văn hóa trên thế giới (Schmitt và cộng sự, 2007), mà còn cung cấp một thang đánh giá đáng tin cậy để đo lường tính cách.

 

Để biết được chúng ta tìm ra Big Five như thế nào, chúng ta phải quay lại bước đầu của việc nghiên cứu tính cách.

 

Nghiên cứu tính cách: Tóm tắt sơ lược

 

Lịch sử nghiên cứu tính cách có thể được chia thành bảy thời kỳ, mỗi thời kỳ có các lý thuyết và triết lý cơ bản riêng biệt đang phổ biến.

 

 

Hy Lạp cổ đại

 

Dường như từ rất lâu khi con người đã xuất hiện tính cách, những lý thuyết tính cách và hệ thống phân loại cũng đã xuất hiện.

 

Hippocrates, người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại đã đưa ra giả thuyết rằng có hai cặp đôi định nghĩa tính khí: nóng so với lạnh và ẩm so với khô. Lý thuyết này có thể dẫn đến bốn tính khí (nóng / ẩm, nóng / khô, lạnh / ẩm, lạnh / khô) được gọi là tâm trạng, được cho là yếu tố then chốt trong cả vấn đề sức khỏe thể chất và đặc điểm tính cách.

 

Sau đó, Plato (nhà triết học người Athen trong thời kỳ Cổ điển ở Hy Lạp cổ đại) đề xuất phân loại bốn loại tính cách hoặc yếu tố: nghệ thuật (iconic), nhạy cảm (pistic), trực giác (noetic) và lý trí (dianoetic).

 

Aristotle, học sinh nổi tiếng của Plato, đã nghĩ về mối liên hệ có thể tồn tại giữa vật thể và tính cách, thế nhưng mối liên hệ này không phải là tín ngưỡng phổ biến cho đến khi sự phát triển của phrenology (một khoa học giả liên quan đến việc đo các vết sưng trên hộp sọ để dự đoán các đặc điểm tâm thần) và trường hợp hy hữu của Phineas Gage.

 

Phrenology và Phineas Gage

 

Phrenology, được gọi là giả khoa học hay ngụy khoa học (chỉ là sự giả vờ hoặc giả dạng của khoa học thực sự) không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào có thể kiểm chứng, được sáng lập bởi nhà tâm lý học thần kinh tên là Franz Gall vào cuối thế kỷ 18. Phrenology đưa ra giả thuyết về mối quan hệ trực tiếp giữa các đặc tính vật lý của các vùng khác nhau của não (chẳng hạn như kích thước, hình dạng và mật độ) và quan điểm, thái độ và hành vi.

 

Mặc dù phrenology đã bị bóc trần tương đối nhanh chóng, nhưng nó đã đánh dấu một trong những nỗ lực đầu tiên ràng buộc các đặc điểm cá nhân và nét đặc trưng riêng với thể chất bộ não. Và không lâu trước khi bằng chứng thực tế về mối liên hệ này xuất hiện.

 

Vào năm 1848, tai nạn đáng tiếc của một người đàn ông đã thay đổi vĩnh viễn quan điểm chính thống về mối quan hệ giữa não bộ và tính cách.

 

Một công nhân xây dựng đường sắt tên là Phineas Gage khi nhồi thuốc nổ xuống đất, nó đã phát nổ sớm phóng một thanh sắt dài khoảng 1.1 m, nặng 6 kg vào má trái của Gage, xuyên qua đầu rồi văng ra xa.

 

Thật đáng kinh ngạc, Gage đã sống sót sau vụ tai nạn, và di chứng thể chất duy nhất của anh ta (so với lúc ban đầu) là mất thị lực ở mắt trái và một vết thương nơi thanh sắt xuyên qua đầu.

 

Tuy nhiên, bạn bè đã kể lại rằng tính cách của anh ta đã hoàn toàn thay đổi sau vụ tai nạn - đột nhiên anh ta không kiên định về những kế hoạch của mình, thiếu sự tôn trọng hay lòng trắc ẩn đối với người khác và thốt ra “những câu chửi thề thô lỗ.” Anh ta qua đời vào năm 1860 sau khi chịu đựng các cơn co giật lặp đi lặp lại thường xuyên (Twomey, 2010).

 

Đây là trường hợp đầu tiên được chấp nhận rộng rãi như là bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa thể chất bộ não và tính cách, và nó đã được cả nước chú ý. Sự quan tâm đến khái niệm tâm lý về nhân cách tăng vọt, dẫn đến giai đoạn tiếp theo trong nghiên cứu nhân cách.

 

Sigmund Freud

 

Nhà thần kinh học người Áo, người được công nhận là cha đẻ của học thuyết phân tâm học, một hình thức trị liệu chuyên sâu tập trung đào sâu vào đời sống cá nhân - đặc biệt là thời thơ ấu - để hiểu và điều trị các chứng bệnh tâm lý.

 

Tuy nhiên, Freud cũng tập trung vào tính cách, và một vài ý tưởng của ông đã quen thuộc với nhiều người. Một trong những lý thuyết sâu sắc nhất của ông cho rằng bộ máy tinh thần của con người bao gồm ba phần: cái ấy (id), cái tôi (ego) và siêu tôi (superego).

 

Cái ấy (id) là phần nguyên sơ của bộ máy tinh thần của con người, hành động theo bản năng và nhằm mục đích sinh tồn bằng mọi giá. 

 

Cái tôi (ego) khỏa lấp khoảng trống giữa cái ấy (id) và sự thỏa mãn trong thực tế, giúp đạt được mong muốn và nhu cầu của cái ấy (id) theo những cách thực tế nhất và tìm cách hợp lý hoá cho những mong muốn này.

Siêu tôi (superego) là một phần của vô thức thể hiện những phẩm chất cao hơn của con người, đưa ra khuôn khổ đạo đức mà con người sử dụng để điều chỉnh hành vi cơ bản của họ.

 

Mặc dù các nghiên cứu khoa học phần lớn không ủng hộ ý tưởng của Freud về ba yếu tố về bộ máy tinh thần của con người, nhưng lý thuyết này đã mang lại nhận thức về thực tế rằng ít nhất một vài suy nghĩ, hành vi và động lực là vô thức. Sau Freud, mọi người bắt đầu tin rằng hành vi thực sự là phần nổi của tảng băng khi đánh giá thái độ, quan điểm, niềm tin và tính cách độc nhất vô nhị của một người.

 

Carl jung

 

Bác sĩ tâm thần học người Thụy Sĩ, người bị ảnh hưởng bởi Freud (cố vấn của ông) nhưng cuối cùng sáng lập ra hệ thống tính cách của riêng mình. Jung tin rằng có một số kiểu tính cách bao quát mà mỗi người có thể được phân loại dựa trên các biến lưỡng phân (chỉ có hai biểu hiện cho một giá trị, vấn đề).

 

Ví dụ, Jung tin rằng các cá nhân chắc chắn nằm ở một trong hai nhóm sau:

 

1. Người hướng nội, những người có được năng lượng từ “thế giới nội tâm” hoặc từ trạng thái cô độc của bản thân;

2. Người hướng ngoại, những người có được năng lượng từ “thế giới bên ngoài” hoặc từ những tương tác với mọi người.

 

Ý tưởng này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một dấu hiệu phân biệt đặc trưng hữu ích giữa hai kiểu người tương đối khác biệt. Ngày nay, hầu hết các nhà tâm lý học cho là hướng nội và hướng ngoại tồn tại trên một quang phổ hơn là một nhị phân. Nó cũng có thể thuộc về bối cảnh, vì một vài tình huống làm cạn kiệt năng lượng của chúng ta trong một ngày và kéo dài trong nhiều ngày khác, thúc đẩy chúng ta kết bạn và giải trí.

 

Jung cũng xác định ông đã tìm ra bốn chức năng tâm lý chủ yếu:

 

1. Suy nghĩ;

2. Cảm xúc;

3. Cảm biến;

4. Trực giác.

 

Ông tin rằng mỗi chức năng này có thể nhận thấy qua hướng nội hoặc hướng ngoại và một trong những chức năng này chiếm ưu thế hơn những chức năng khác ở mỗi người.

 

Công trình nghiên cứu về tính cách của Jung đã có ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực nghiên cứu về tính cách mà ngày nay vẫn còn tồn tại. Trên thực tế, bài kiểm tra Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) phổ biến một phần cũng dựa trên lý thuyết của Jung về tính cách.

 

Abraham Maslow và Carl Rogers

 

Abraham Maslow, nhà tâm lý học người Mỹ (được thế giới biết đến qua mô hình nổi tiếng Tháp nhu cầu và được coi là cha đẻ của tâm lý học nhân văn) đã thúc đẩy một ý tưởng mà Freud từng đưa vào xu hướng chủ đạo: Ít nhất một vài khía cạnh hoặc yếu tố tác động đến tính cách được chôn sâu trong tâm trí vô thức.

 

Maslow đưa ra giả thuyết rằng tính cách được thúc đẩy bởi một tập hợp các nhu cầu mà mỗi con người hiện có. Ông đã sắp xếp những nhu cầu này thành một hệ thống cấp bậc, bằng cách đáp ứng yêu cầu của từng cấp độ trước khi đáp ứng một cấp độ cao hơn.

Kim tự tháp được sắp xếp từ dưới lên trên, bắt đầu với nhu cầu cơ bản nhất (McLeod, 2007):

 

  • Nhu cầu sinh lý (thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, nghỉ ngơi);
  • Nhu cầu an toàn (đảm bảo an ninh, an toàn thân thể);
  • Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc(gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy);
  • Nhu cầu được quý trọng, kính mến (cảm giác được tôn trọng, được tin tưởng);
  • Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (muốn được thể hiện khả năng,được công nhận là thành đạt).

 

Maslow tin rằng con người chúng ta đều hướng tới việc đáp ứng những nhu cầu này, thường là theo thứ tự từ cơ bản nhất đến siêu việt nhất, và những động lực này sẽ dẫn đến những hành vi tạo nên tính cách.

 

Carl Rogers, một nhà tâm lý học người Mỹ khác, dựa trên nghiên cứu của Maslow, đồng ý rằng con người chúng ta đều cố gắng đáp ứng nhu cầu, nhưng Rogers lại không đồng ý rằng, nỗ lực để đáp ứng nhu cầu và tính cách là mối quan hệ một chiều. Rogers tin rằng con người sử dụng nhiều phương thức khác nhau để đáp ứng những nhu cầu này xuất phát từ tính cách chứ không phải ngược lại.

 

Những đóng góp của Rogers trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách đã báo hiệu về sự thay đổi trong suy nghĩ về tính cách. Tính cách bắt đầu được coi là tập hợp các đặc điểm và nét đặc trưng riêng không nhất thiết phải tồn tại vĩnh viễn hơn là một cấu trúc đơn lẻ, cô đọng có thể dễ dàng mô tả.

 

Nhiều đặc điểm tính cách

 

Vào những năm 1940, Hans Eysenck, nhà tâm lý học người Đức đã dựa vào sự đối lập của Jung về hướng nội và hướng ngoại, đưa ra giả thuyết rằng chỉ định rõ hai đặc điểm tính cách: hướng ngoại và tâm lý bất ổn (loạn thần kinh). Mỗi đặc điểm này có thể cao hoặc thấp tuỳ từng cá nhân, dẫn đến bốn loại tính cách chính.

 

Eysenck cũng liên kết tính cách với vật thể theo một cách có ý nghĩa hơn hầu hết các nhà nghiên cứu tâm lý học và triết học trước đó. Ông cho rằng sự khác biệt trong hệ thống limbic (một tập hợp các cấu trúc não nằm trên đỉnh thân não và nằm dưới vỏ não) dẫn đến thay đổi và kích hoạt nội tiết tố. Những người hướng nội, người vốn đã bị kích thích nhiều sẽ tự nhiên tìm kiếm sự kích thích ít hơn trong khi người hướng ngoại thì ngược lại.

 

Sự tỉ mỉ của Eysenck trong việc liên kết cơ thể với tâm trí và tính cách đã thúc đẩy lĩnh vực này hướng tới việc khám phá tính cách một cách khoa học hơn dựa trên bằng chứng khách quan thay vì chỉ dựa vào suy nghĩ triết học.

 

Lewis Goldberg, nhà tâm lý học người Mỹ có thể là nhà nghiên cứu lỗi lạc nhất trong lĩnh vực tâm lý học tính cách. Công trình đột phá của ông đã rút gọn 16 “yếu tố cơ bản” tính cách của Raymond Cattell thành 5 yếu tố chính, tương tự như 5 yếu tố được các cộng sự nghiên cứu tâm lý tìm thấy vào những năm 1960.

 

Năm yếu tố được Goldberg xác định là yếu tố chính của tính cách là:

 

 

 


  1. Hướng ngoại
  2. Dễ chịu
  3. Tận tâm
  4. Tâm lý bất ổn
  5. Sẵn sàng trải nghiệm

 

Mô hình năm yếu tố này đã thu hút sự chú ý của hai nhà nghiên cứu tính cách nổi tiếng khác là Paul Costa và Robert McCrae, những người đã thừa nhận giá trị của mô hình này. Mô hình này được đặt tên là “Big Five” và đưa ra hàng nghìn khám phá về tính cách trong khuôn khổ của nó, trên nhiều lục địa và nền văn hóa và rất nhiều dân tộc khác nhau.

 

Big Five đưa chúng ta đến kỷ nguyên hiện đại trong nghiên cứu tính cách. Lý thuyết Big Five vẫn được coi là lý thuyết phổ biến về tính cách, nhưng một vài khía cạnh nổi bật của nghiên cứu tính cách hiện nay bao gồm:

 

  • Khái niệm hóa các đặc điểm trên một phổ thay vì dưới dạng các biến phân đôi;
  • Bối cảnh hóa các đặc điểm tính cách (khảo sát tính cách thay đổi dựa trên môi trường và thời gian như thế nào);
  • Nhấn mạnh cơ sở sinh học của tính cách và hành vi.

 

Bởi vì Big Five vẫn là xu hướng chủ đạo và được thừa nhận rộng rãi nhất khuôn khổ của tính cách, phần còn lại sẽ tập trung hoàn toàn vào khuôn khổ này.

 

OCEAN: Thang tính cách năm yếu tố

 

Như đã lưu ý ở trên, 5 yếu tố bắt nguồn từ nhiều thập kỷ nghiên cứu về tính cách, phát triển từ nền tảng của 16 yếu tố của Cattell và cuối cùng trở thành mô hình tính cách được thừa nhận nhiều nhất cho đến nay. Mô hình này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được ứng dụng ở hàng chục nền văn hóa, kết quả là nghiên cứu không chỉ chứng thực được giá trị như một lý thuyết về tính cách mà còn thiết lập giá trị trên bình diện quốc tế.

 

Năm yếu tố này không đưa ra những lời giải thích hoàn toàn đầy đủ về tính cách, nhưng được gọi là Big Five vì chúng bao gồm phần lớn các thuật ngữ liên quan đến tính cách. Năm yếu tố không nhất thiết phải là những đặc điểm tự thân mà là những yếu tố trong đó có liên quan nhiều đặc điểm và nét đặc trưng riêng phù hợp với nhau.

 

Ví dụ, yếu tố “dễ chịu” bao gồm các thuật ngữ như rộng lượng, hòa nhã và ấm áp ở mặt tích cực và tính hiếu chiến và nóng nảy ở mặt tiêu cực. Tất cả những đặc điểm và nét đặc trưng riêng này (và nhiều đặc điểm khác) tạo nên yếu tố mở rộng hơn về sự dễ chịu.

 

Dưới đây, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết hơn về từng yếu tố và cung cấp các ví dụ cũng như những thuật ngữ liên quan giúp bạn hiểu được những khía cạnh và đặc điểm của tính cách mà những yếu tố này bao hàm.

 

Một từ viết tắt phổ biến của Big Five là OCEAN. Năm yếu tố được trình bày theo thứ tự ở đây.

 

1. Sẵn sàng trải nghiệm

 

Sẵn sàng trải nghiệm được mô tả là chiều sâu và sự phức tạp của đời sống tinh thần và những trải nghiệm của một cá nhân (John & Srivastava, 1999). Đôi khi nó cũng được gọi là trí tuệ hoặc trí tưởng tượng.

 

Mặt tính cách này đề cập đến những người thường muốn tìm hiểu những điều mới mẻ, khả năng suy nghĩ thấu đáo và tài năng dễ bị công kích.

 

Những đặc điểm phổ biến liên quan đến tính sẵn sàng trải nghiệm bao gồm:

 

  • Trí tưởng tượng;
  • Sâu sắc;
  • Sở thích đa dạng;
  • Độc đáo;
  • Mạo hiểm;
  • Ưa thích sự đa dạng;
  • Sự thông minh;
  • Sáng tạo;
  • Hiếu kỳ;
  • Khả năng nhận thức;
  • Trí tuệ;
  • Phức tạp/Có chiều sâu.

 

Những người có điểm cao ở mặt này có thể là người yêu thích học hỏi, thích nghệ thuật, tham gia vào một công việc hay sở thích sáng tạo và thích gặp gỡ những người bạn mới (Lebowitz, 2016a).

 

Người có điểm thấp ở mặt này có thể thích làm điều gì đó theo thói quen hơn là thay đổi, thích làm việc theo guồng quay nhất định và thích nghệ thuật và giải trí ít tính trừu tượng hơn.

 

2. Tận tâm

 

Tận tâm là một đặc điểm có thể được mô tả là khuynh hướng kiểm soát sự bốc đồng và hành động theo những mặt được xã hội chấp nhận, những hành vi tạo điều kiện hướng đến mục tiêu (John & Srivastava, 1999). Những người tận tâm vượt trội về khả năng kiểm soát ham muốn, làm việc theo quy tắc, lập kế hoạch và tổ chức hiệu quả.

Những đặc điểm trong yếu tố tận tâm bao gồm:

 

  • Kiên trì;
  • Tham vọng;
  • Tỉ mỉ;
  • Kỷ luật tự giác;
  • Tính nhất quán;
  • Khả năng tiên đoán;
  • Kiểm soát;
  • Đáng tin cậy;
  • Tháo vát;
  • Siêng năng;
  • Nghị lực;
  • Bền chí;
  • Lập kế hoạch.

 

Người có điểm cao ở mặt này có khả năng thành công trên con đường học vấn và sự nghiệp, xuất sắc ở các vị trí lãnh đạo và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình với sự quyết tâm và lên kế hoạch mọi thứ trước (Lebowitz, 2016a).

 

Người có điểm thấp ở mặt này thường trì hoãn và hay lơ đãng, nóng nảy và bốc đồng.

 

3. Hướng ngoại

 

Yếu tố này có hai đầu quen thuộc trong phạm vi của nó: hướng ngoại và hướng nội.

 

Mặt tính cách này liên quan đến nguồn năng lượng của mỗi cá nhân và cách họ tương tác với những người khác. Nhìn chung, người hướng ngoại lấy năng lượng hoặc nạp lại năng lượng bằng cách tương tác với mọi người, trong khi người hướng nội cảm thấy mệt mỏi khi tương tác với người khác và làm đầy năng lượng bằng cách ở một mình.

 

  • Hòa đồng;
  • Quyết đoán;
  • Tính tình vui vẻ;
  • Bản chất hướng ngoại;
  • Đầy năng lượng;
  • Hoạt ngôn;
  • Diễn đạt rõ ràng;
  • Lạc quan, yêu đời;
  • Xu hướng tình cảm;
  • Thân thiện;
  • Niềm tin xã hội.

 

Những đặc điểm liên quan đến tính hướng ngoại là:

 

Những người hướng ngoại có xu hướng tìm kiếm cơ hội giao tiếp xã hội, nơi họ thường gọi là “cuộc sống của tiệc tùng”. Họ thoải mái với mọi người, hòa đồng, theo trường phái hành động và làm trước nghĩ sau (Lebowitz, 2016a).

 

Những người hướng nội thường là những người ít nói, trầm lặng, nội tâm, dè dặt và chu đáo.

 

4. Dễ chịu

 

Yếu tố này liên quan đến việc mọi người đối xử với nhau như thế nào. Trong khi hướng ngoại liên quan đến các nguồn năng lượng và việc tìm kiếm tương tác với mọi người, thì tính dễ chịu liên quan đến định hướng của một người đối với người khác. Nó là một cấu trúc dựa trên cách một cá nhân thường tương tác với những người khác.

 

Những đặc điểm sau đây thuộc về sự dễ chịu:

 

  • Lòng vị tha;
  • Sự tin tưởng;
  • Nhã nhặn;
  • Khiêm tốn;
  • Kiên nhẫn;
  • Sự tiết chế;
  • Chính xác;
  • Lịch sự;
  • Tốt bụng;
  • Lòng trung thành
  • Không ích kỷ;
  • Sự giúp đỡ;
  • Nhạy cảm;
  • Hoà nhã;
  • Tươi cười phấn khởi;
  • Sự ân cần.

 

Những người có điểm cao ở mặt này có khuynh hướng được yêu thích, tôn trọng và nhạy cảm với nhu cầu của người khác. Họ có thể có ít kẻ thù và yêu thương bạn bè và những người thân yêu của họ, cũng như đồng cảm với hoàn cảnh của những người lạ (Lebowitz, 2016a).

 

Những người có điểm thấp ở mặt này thường ít được người khác tin tưởng và yêu thích. Họ thường nhẫn tâm, không giữ ý tứ, thô lỗ, xấu tính, chống đối và hay châm chọc. Mặc dù không phải tất cả những người có độ dễ chịu thấp cũng đều là những người tàn nhẫn hoặc cục cằn, nhưng có thể họ để lại cho người khác một cảm giác lạnh nhạt.

 

5. Tâm lý bất ổn

 

Mặt tính cách này không phải là một yếu tố của sự xấu tính hay kém cỏi, mà là một trong những yếu tố của sự tự tin và cảm thấy thoải mái lộ rõ trên mặt. Nó bao gồm sự ổn định về cảm xúc và tính khí chung của một người.

 

Những đặc điểm này thường liên quan đến tâm lý bất ổn:

 

  • Lúng túng;
  • Sự bi quan;
  • Ủ rũ;
  • Ghen tị;
  • Cáu kỉnh;
  • Sợ hãi;
  • Trạng thái bối rối;
  • Lo lắng;
  • Giận dỗi;
  • Thận trọng;
  • Tự phê bình;
  • Thiếu tự tin;
  • Thiếu cảm giác an toàn;
  • Tính không ổn định;
  • Quá nhạy cảm.

 

Những người có điểm cao ở mặt này thường dễ lo lắng, buồn bã, nóng lòng và tự ti. Tính khí thất thường hoặc dễ tức giận, và họ có khuynh hướng chú ý quá mức và không tự tin về bản thân (Lebowitz, 2016a).

 

Ngược lại, những người có chỉ số thấp nhiều khả năng cảm thấy tự tin, vững chãi hơn và thích mạo hiểm. Họ cũng có thể dũng cảm và không bị cản trở bởi lo lắng hoặc nghi ngờ bản thân.

 

 

Mạng lưới đặc điểm

 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những yếu tố này có mối liên hệ với nhau và cũng liên kết với nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của mỗi người.

Bởi vì Big Five rất rộng lớn, chúng bao gồm nhiều đặc điểm khác nhau và gộp các nét đặc trưng riêng có liên quan thành một yếu tố gắn kết.

 

Sẵn sàng trải nghiệm

 

Mặt tính cách này đã được tìm thấy góp phần vào khả năng giành được vị trí lãnh đạo, có thể là do khả năng ấp ủ những ý tưởng mới và tư duy đột phá (Lebowitz, 2016a). Sự cởi mở cũng được liên kết với các giá trị của chủ nghĩa phổ quát (khái niệm triết học và thần học mà một số ý tưởng có tính ứng dụng hoặc khả năng áp dụng phổ biến), bao gồm việc thúc đẩy sự hòa bình, khoan dung và tất cả mọi người đều xứng đáng với công lý và bình đẳng như nhau (Douglas, Bore, & Munro, 2016).

 

Hơn nữa, nghiên cứu đã liên kết tính sẵn sàng trải nghiệm với các kỹ năng và kiến thức trí tuệ rộng rãi, có chiều hướng tăng lên theo tuổi tác (Schretlen, van der Hulst, Pearlson, & Gordon, 2010). Điều này cho thấy rằng tính sẵn sàng trải nghiệm dẫn đến có thêm kiến thức và kỹ năng, và nó sẽ tăng lên tự nhiên khi một người già đi và có thêm nhiều kinh nghiệm hơn để học hỏi.

 

Sự cởi mở không chỉ có mối liên hệ với kiến thức và kỹ năng, mà còn có mối tương quan tích cực với sự sáng tạo, độc đáo và khuynh hướng khám phá nội tâm với một nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần, và mối tương quan tiêu cực với các thái độ chính trị bảo thủ (Soldz & Vaillant , 1999).

 

Sự cởi mở không chỉ được phát hiện có tương quan với nhiều đặc điểm mà còn được chứng minh là cực kỳ ổn định theo thời gian — một nghiên cứu đã khám phá sự ổn định của đặc điểm trong suốt 45 năm và đã nhận thấy tính sẵn sàng trải nghiệm của những người tham gia (cùng với tính hướng ngoại và tâm lý bất ổn) vẫn tương đối ổn định trong khoảng thời gian đó (Soldz & Vaillant, 1999).

 

Liên quan đến những yếu tố Big Five khác, tính sẵn sàng trải nghiệm ít liên quan đến tâm lý bất ổn và hướng ngoại và hầu như không liên quan đến tính dễ chịu và tận tâm (Ones, Viswesvaran, & Reiss, 1996).

 

Sẵn sàng trải nghiệm có lẽ là đặc điểm ít có khả năng thay đổi nhất theo thời gian và có lẽ sẽ giúp một cá nhân phát triển. Những người có điểm cao ở mặt này nên tận dụng lợi thế và khám phá thế giới, bản thân và niềm đam mê của họ. Những cá nhân này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và sáng tạo và nhiều khả năng sẽ đưa ra sự đổi mới bùng nổ tiếp theo.

 

Tận tâm

 

Yếu tố này có liên quan đến thành tích, sự tuân theo và tìm kiếm sự an toàn, cũng như có mối tương quan nghịch với việc đặt sự quan tâm đặc biệt cho sự hứng thú và phấn khích (Roccas, Sagiv, Schwartz, & Knafo, 2002). Những người có điểm cao ở mặt này cũng có khả năng coi trọng trật tự, nghĩa vụ, thành tích và kỷ luật bản thân, và họ có ý thức thói quen cân nhắc và làm việc để nâng cao năng lực (Roccas, Sagiv, Schwartz, & Knafo, 2002).

 

Xét về những mối tương quan này, không có gì ngạc nhiên khi sự tận tâm cũng liên quan chặt chẽ đến quá trình học tập sau đào tạo (Woods, Patterson, Koczwara, & Sofat, 2016), hiệu suất công việc hiệu quả (Barrick & Mount, 1991), và sự nghiệp thành công bên trong lẫn bên ngoài (Judge, Higgins, Thoresen, & Barrick, 1999).

 

Nghiên cứu lâu dài của Soldz và Vaillant (1999) đã phát hiện ra rằng sự tận tâm có tương quan thuận với việc điều chỉnh những thách thức trong cuộc sống và phản ứng phòng vệ trưởng thành, cho thấy rằng những người có điểm cao ở mặt này thường chuẩn bị tốt để đối phó với bất kỳ trở ngại nào xảy đến với họ.

 

Sự tận tâm có tương quan nghịch với trầm cảm, thói quen hút thuốc, lạm dụng chất kích thích và tham gia trị liệu tâm thần. Đặc điểm này cũng được phát hiện có tương quan tiêu cực với tâm lý bất ổn và tương quan tích cực với tính dễ chịu, nhưng nó không có mối liên hệ rõ ràng với các yếu tố khác (Ones, Viswesvaran, & Reiss, 1996).

 

Từ những kết quả này, rõ ràng là những người có năng khiếu với sự tận tâm cao có lợi thế khác biệt so với những người không có năng khiếu. Những người có sự tận tâm cao nên cố gắng vận dụng thế mạnh của bản thân để phát huy khả năng, bao gồm tổ chức, lập kế hoạch, kiên trì và có khuynh hướng đạt được thành tích cao.

 

Miễn là những người tận tâm cao không trở thành “con mồi” của chủ nghĩa hoàn hảo quá mức, họ có khả năng đạt được nhiều dấu ấn thành công theo truyền thống.

 

Hướng ngoại

 

Những người hướng ngoại có khả năng coi trọng thành tích và sự kích thích, không coi trọng truyền thống hoặc sự tuân theo (Roccas, Sagiv, Schwartz, & Knafo, 2002).

 

Người hướng ngoại thường quyết đoán, năng động và hòa đồng, tránh phủ nhận bản thân để ủng hộ sự phấn khích và vui vẻ.

 

Xem xét những phát hiện này, có thể thấy rằng tính hướng ngoại là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về khả năng lãnh đạo, và góp phần vào sự thành công của các nhà quản lý và nhân viên bán hàng cũng như sự thành công của tất cả các cấp độ công việc trong việc đào tạo thành thạo (Barrick & Mount, 1991).

 

Trong suốt cuộc đời, tính hướng ngoại tương quan thuận với thu nhập cao, quan niệm chính trị bảo thủ, khả năng điều chỉnh cuộc sống trước những thách thức và các mối quan hệ xã hội (Soldz & Vaillant, 1999).

 

Nghiên cứu lâu hạn tương tự cũng cho thấy rằng tính hướng ngoại khá ổn định trong suốt nhiều năm, cho thấy rằng người hướng ngoại và hướng nội không thường chuyển sang trạng thái ngược lại (Soldz & Vaillant, 1999).

 

Do dễ đo lường và tính ổn định chung theo thời gian, tính hướng ngoại là một yếu tố dự báo tuyệt vời về hoạt động hiệu quả và hạnh phúc phổ biến (Ozer & Benet-Martinez, 2006), cảm xúc tích cực (Verduyn & Brans, 2012) và hiệu ứng quá tự tin vào hiệu suất công việc (Schaefer, Williams, Goodie, & Campbell, 2004).

 

Khi được phân tích liên quan đến các yếu tố Big Five khác, hướng ngoại có tương quan thấp và tiêu cực với tâm lý bất ổn và phần nào có liên quan tích cực đến tính sẵn sàng trải nghiệm (Ones, Viswesvaran, & Reiss, 1996).

 

Người có điểm cao ở mặt này có khả năng kết bạn dễ dàng và thích tương tác với người khác, nhưng có thể họ muốn chú ý hơn đến việc đưa ra các quyết định thấu đáo và cân nhắc về nhu cầu và sự nhạy cảm của người khác.

 

Dễ chịu

 

Những người dễ chịu có xu hướng coi trọng lòng nhân từ, sự truyền thống và sự tuân theo trong khi tránh đặt quá nhiều tầm quan trọng vào quyền lực, thành tích hoặc theo đuổi những thú vui ích kỷ (Roccas, Sagiv, Schwartz, & Knafo, 2002).

 

Sự dễ chịu có thể được thúc đẩy bởi mong muốn hoàn thành các nghĩa vụ xã hội hoặc tuân theo các chuẩn mực đã được thiết lập, hoặc nó có thể bắt nguồn từ sự quan tâm thật lòng đến phúc lợi của người khác. Dù động cơ là gì, nó hiếm khi kèm theo sự tàn nhẫn, độc ác hoặc ích kỷ (Roccas, Sagiv, Schwartz, & Knafo, 2002).

 

Người có điểm cao ở mặt này nhiều khả năng cũng có các mối quan hệ bạn bè và gia đình tích cực, tấm gương về sự biết ơn và lòng vị tha, đạt được công việc mong muốn, sống lâu, trải nghiệm sự hài lòng trong mối quan hệ và làm tình nguyện vì cộng đồng (Ozer & Benet-Martinez, 2006).

 

Sự dễ chịu ảnh hưởng đến nhiều kết quả cuộc sống bởi vì nó ảnh hưởng đến bất kỳ lĩnh vực nào mà tương tác với những người khác là điều quan trọng - và bao gồm hầu hết mọi thứ. Về lâu dài, sự dễ chịu càng cao có liên quan đến sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội và sự điều chỉnh lành mạnh giữa cuộc sống nhưng lại có tương quan tiêu cực thấp với sự sáng tạo (Soldz & Vaillant, 1999).

 

Những người thân thiện và quý mến người khác có thể không tìm thấy động lực nào để hoàn thành thước đo thành công truyền thống và thay vào đó, họ có thể chọn tập trung vào gia đình và bạn bè.

 

Tính dễ chịu tương quan thấp với tính hướng ngoại và phần nào có liên quan tiêu cực đến tâm lý bất ổn và tương quan thuận với sự tận tâm (Ones, Viswesvaran, & Reiss, 1996).

 

Những người có tính dễ chịu cao có thể có nhiều người bạn thân thiết và có mối quan hệ tốt với các thành viên trong gia đình, nhưng phải chịu rủi ro do luôn đặt người khác lên trước mình và bỏ lỡ cơ hội thành công, học tập và phát triển.

 

Những người thân thiện và dễ chịu với người khác có thể tận dụng thế mạnh bằng cách chuyển sang các mạng lưới hỗ trợ xã hội để được giúp đỡ khi cần thiết và tìm thấy sự thỏa mãn trong sự tham gia tích cực vì cộng đồng của họ.

 

Tâm lý bất ổn

 

Mặt tính cách này được phát hiện có mối tương quan tiêu cực với lòng tự trọng và tự tin vào năng lực bản thân nói chung, cũng như với vị trí kiểm soát bên trong (cảm giác như một người có quyền kiểm soát cuộc sống của mình) (Judge, Erez, Bono, & Thoresen, 2002 ). Trên thực tế, bốn đặc điểm này có liên quan chặt chẽ đến mức chúng có thể nằm trong một cấu trúc ô.

 

Ngoài ra, tâm lý bất ổn có liên quan đến hiệu suất công việc kém hơn và động lực làm việc thấp, bao gồm động lực liên quan đến việc thiết lập mục tiêu và hiệu quả bản thân (Judge & Ilies, 2002). Không có gì ngạc nhiên khi sự bất ổn và dễ bị căng thẳng và lo lắng không ủng hộ cách làm việc hiệu quả.

Các yếu tố lo lắng và nhận thức về bản thân của tâm lý bất ổn cũng có liên quan tích cực đến các giá trị truyền thống hơn và có tương quan nghịch với các giá trị thành tích.

 

Các yếu tố chống đối và bốc đồng của tâm lý bất ổn liên quan tích cực đến chủ nghĩa khoái lạc (hoặc tìm kiếm niềm vui không liên quan đến lâu dài và không quan tâm đến đúng sai) và liên quan tiêu cực đến lòng nhân từ, truyền thống và sự tuân theo (Roccas, Sagiv, Schwartz, & Knafo, Năm 2002).

 

Nghiên cứu kéo dài 45 năm từ các nhà nghiên cứu Soldz và Vaillant đã chỉ ra rằng trong quá trình nghiên cứu, tâm lý bất ổn có mối tương quan tiêu cực với việc ngừng hút thuốc và điều chỉnh những việc có lợi cho sức khỏe với cuộc sống và tương quan thuận với việc sử dụng ma túy, lạm dụng rượu và các vấn đề sức khỏe tâm thần (1999 ).

Tâm lý bất ổn được phát hiện phần nào có tương quan tiêu cực với sự dễ chịu và tận tâm, bên cạnh mối quan hệ tiêu cực, kém so với sự hướng ngoại và sẵn sàng trải nghiệm (Ones, Viswevaran, & Reiss, 1996).

 

Nhìn chung, người có điểm cao ở mặt này liên quan đến việc tăng thêm những khó khăn trong cuộc sống, bao gồm nghiện ngập, hiệu suất công việc kém và điều chỉnh những việc có hại cho sức khỏe đối với những thay đổi của cuộc sống. Điểm cao về mặt này không phải là lập tức kết án về một cuộc sống khốn khổ, nhưng những người thuộc nhóm này sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư vào việc cải thiện sự tự tin của họ, xây dựng nguồn lực để sử dụng trong thời gian khó khăn và tránh bất kỳ chất gây nghiện nào.

 

Đánh giá Big Five

 

Đã có một vài nỗ lực để đo lường năm yếu tố của khuôn khổ Big Five, nhưng các phép đo hợp lệ và đáng tin cậy nhất đến từ Bản kiểm kê Big Five và Bản kiểm kê tính cách NEO sửa đổi (ngoài ra, NEO PI-R cũng báo cáo về sáu loại phụ của mỗi đặc điểm tính cách của Big Five).

 

Bản kiểm kê Big Five

 

Bản kiểm kê này được Goldberg phát triển vào năm 1993 để đo lường năm khía cạnh của khung tính cách Big Five. Nó chứa 44 mục và đo lường từng yếu tố thông qua các khía cạnh tương ứng của nó:

 

  • Hướng ngoại;
  • Tính hoà đồng;
  • Tính quyết đoán;
  • Hoạt động;
  • Tìm kiếm hứng thú;
  • Cảm xúc tích cực;
  • Nồng nhiệt;
  • Tính dễ chịu;
  • Lòng tin;
  • Sự thẳng thắn;
  • Lòng vị tha;
  • Sự tuân thủ;
  • Khiêm tốn;
  • Độc đoán;
  • Sự tận tâm;
  • Năng lực;
  • Trật tự;
  • Ý thức chấp hành;
  • Phấn đấu vì thành tựu;
  • Kỷ luật tự giác;
  • Sự thận trọng;
  • Tâm lý bất ổn;
  • Sự lo lắng;
  • Sự chống đối tức giận;
  • Phiền muộn;
  • Sự tự giác;
  • Tính bốc đồng;
  • Dễ bị công kích;
  • Sẵn sàng trải nghiệm;
  • Ý tưởng;
  • Điều hoang tưởng;
  • Tính thẩm mỹ;
  • Hành động;
  • Cảm xúc;
  • Các giá trị.

 

Các câu trả lời cho các mục liên quan đến các khía cạnh này được kết hợp và tổng kết để tính điểm cho mỗi yếu tố. Bản kiểm kê này đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tâm lý học và vẫn còn ít phổ biến, mặc dù Bản kiểm kê tính cách NEO sửa đổi cũng đã dành được nhiều sự chú ý trong những năm gần đây.

 

Để tìm hiểu thêm về BFI hoặc kiểm tra các mục, hãy nhấp vào đây tìm tệp PDF để có thêm thông tin.

 

Bản kiểm kê tính cách NEO sửa đổi

 

Bản kiểm kê tính cách NEO ban đầu được tạo ra bởi hai nhà nghiên cứu tính cách Paul Costa Jr. và Robert McCrae vào năm 1978. Sau đó nó đã được sửa đổi nhiều lần để theo kịp với những tiến bộ (vào năm 1990, 2005 và 2010). Ban đầu, Bản kiểm kê tính cách NEO được đặt tên cho ba yếu tố chính mà các nhà nghiên cứu đã hiểu ra vào thời điểm đó: tâm lý bất ổn, hướng ngoại và sẵn sàng trải nghiệm.

 

Thang điểm này cũng dựa trên sáu khía cạnh của mỗi yếu tố và bao gồm 240 mục được đánh giá trên thang điểm 5. Đối với quy mô thấp hơn, Costa và McCrae cũng cung cấp Bản kiểm kê năm yếu tố NEO, chỉ chứa 60 mục và chỉ đo lường các yếu tố tổng thể thay vì tất cả các khía cạnh.

 

NEO PI-R chỉ yêu cầu trình độ đọc lớp 6 và có thể tự quản lý mà không cần chuyên gia chấm điểm.

 

Quyền truy cập vào NEO PI-R không được cung cấp rộng rãi như BFI, nhưng bạn có thể tìm hiểu thêm về quy mô hoặc mua nó để sử dụng riêng tại đây.

 

Thông điệp chính



Tính cách là một chủ đề nghiên cứu phức tạp trong tâm lý học, và nó có một lịch sử lâu đời về các triết lý và lý thuyết chuyển dịch. Mặc dù có thể dễ dàng khái niệm hoá tính cách từng ngày một, nhưng việc thực hiện các nghiên cứu khoa học có giá trị về tính cách có thể phức tạp hơn nhiều.

 

Big Five có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về tính cách của chính mình và nơi tập trung năng lượng và sự chú ý của bạn. Bước đầu tiên để tận dụng hiệu quả đòn bẩy điểm mạnh là tìm hiểu điểm mạnh của bạn là gì.

 

Cho dù bạn sử dụng Bản kiểm kê Big Five, NEO PI-R hay một cách hoàn toàn khác, chúng tôi hy vọng bạn có thể biết được vị trí của mình trên thang tính cách OCEAN.

 

Bạn nghĩ gì về mô hình OCEAN? Bạn có nghĩ rằng những đặc điểm mà nó mô tả có thể vận dụng cho tính cách của bạn không? Cho chúng tôi biết trong các ý kiến dưới đây.

 

Chúng tôi hy vọng bạn thích thú với bài viết này. Đừng quên tải về 3 Bài tập Tâm lý Tích cực tham khảo miễn phí.

 

Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn, Bộ công cụ Tâm lý Tích cực của chúng tôi bao gồm hơn 300 bài luyện tập, can thiệp, bảng câu hỏi và đánh giá về tâm lý tích cực dựa trên cơ sở khoa học để người tham gia áp dụng ở nơi điều trị tâm lý, nơi tập luyện hoặc nơi làm việc của họ.

 

------------

 

Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: SweetIvy

Ảnh: pexels

[Online] Available at: 

<https://positivepsychology.com/big-five-personality-theory/> [Assessed April 15,2021] 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan