Mỗi chúng ta đều mang vác quả bóng xả giận bên mình

Mỗi người đều có lý lẽ và những chịu đựng nhất định về nhau. Nhưng chẳng ai chịu thẳng thắn đối mặt và trao đổi với nhau rõ ràng trước đó. Hầu hết sự tan vỡ đều như vậy, dù là tình bạn hay tình yêu, dấu chấm hết đều xoay quanh cái túi xả giận.


Tôi nhớ một tập phim Doraemon về ngày sinh nhật của Chaien. Vì luôn nổi nóng với bạn bè nên chẳng ai muốn tới dự sinh nhật cậu ấy. Doraemon yêu cầu Chaien thay đổi bản thân, trở thành người bạn thân thiện, không bắt nạt người khác. Nếu Chaien làm được, Doraemon sẽ giúp cậu có buổi sinh nhật vui vẻ, đáng nhớ. Một người dễ bốc hỏa như Chaien chắc chắn không tự kiểm soát được cơn giận, nên Doraemon đã cho cậu mượn bảo bối là quả bóng bay, khi nào tức giận sẽ thổi một hơi vào đó.


Quả bóng bay bé xíu bỗng chốc trở nên to đùng tới nỗi Chaien chật vật vác đi trên phố. Cuối cùng thì sức chứa cơn giận của quả bóng không còn đủ chỗ, nó vỡ tung kèm theo sự dữ dội đỉnh điểm của Chaien. Đoạn phim làm tôi nghĩ tới những cơn giận xung quanh mình. Khi bản thân kìm nén quá lâu, tới một lúc không thể chịu đựng được nữa sẽ chỉ còn lại toàn nước mắt và đau khổ.


Túi xả giận đáng sợ của Chaien | Nguồn ảnh: Pops Kids


Có chị khá thân với tôi sau vài năm lăn lộn ở trường đời đã tự tạo một khiên chắn khá vững chắc để đối diện với mọi việc không như ý muốn. Nếu như ngày trước, chị ấy rất dễ nổi cáu và biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài thì bây giờ nhìn mặt như chẳng điều gì có thể khiến chị lung lay. Nhưng trong một cuộc tranh luận, ngưỡng chịu đựng vượt quá giới hạn đã làm bùng cơn giận dữ của chị lên cực điểm. Lúc đó, không còn lá khiên tốt nào che chắn nữa, chỉ còn chị chống lại cả thế giới.


Bạn tôi than với tôi dạo này bạn khó tính quá, dễ cáu khi gặp chuyện bất bình. Bạn bảo bạn cần thay đổi và nên lơ những người cư xử không đẹp đi. Tôi lại nghĩ khác, vì cách này chẳng khác gì việc bạn mang theo một túi xả giận bên mình. Lợi ích ngắn hạn của nó như câu dĩ hòa vi quý, bạn tạo hình ảnh tốt trong mắt mọi người xung quanh. Còn mối nguy hiểm ẩn sâu kéo dài chính là sự cùng cực của cảm xúc - mất kiểm soát bản thân chỉ với tác động nhỏ.


Người nói ra được suy nghĩ, tâm sự hay chia sẻ những trúc trắc trong lòng có lẽ là người dễ đạt được sự bình an nhất. Thật khó để bật ra thành tiếng điều mình kìm nén, nhất là khi chúng ta đang sống trong thế giới thật, ảo đan xen lẫn lộn. Ta chọn cách chịu đựng thêm chút để mọi chuyện lắng xuống, nhưng thực sự có ổn như chúng ta mong muốn?


Sự đáng sợ của cảm xúc


Mối quan hệ có thể bị xóa sổ chỉ sau một lần cãi vã. Mỗi người đều có lý lẽ và những chịu đựng nhất định về nhau. Nhưng chẳng ai chịu thẳng thắn đối mặt và trao đổi với nhau rõ ràng trước đó. Hầu hết sự tan vỡ đều như vậy, dù là tình bạn hay tình yêu, dấu chấm hết đều xoay quanh cái túi xả giận.


Sau chuỗi ngày kìm nén, những chuyện bản thân thấy “đáng ghét” tự khắc sâu trong trí nhớ mà chính bạn không nhận ra. Đến lúc cơn giận bùng phát, mọi chuyện xưa cũ bỗng chốc hiện lên rõ ràng và phát ra thành tiếng nói. Có lẽ lúc đó, người đối diện cũng phải tròn mắt vì không thể tin người trước mặt mình quen biết đã lâu. 


Không những thế, nỗi đau âm ỉ về cảm xúc gây ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt và sức khỏe. Người suy nghĩ trằn trọc suốt đêm vì một câu nói có tính “sát thương”. Người lại trở nên lo lắng, bi quan hơn. Các vấn đề như đau dạ dày, huyết áp cao hay nổi mụn cũng vì thế mà dễ mắc phải.


Làm thế nào để từ chối mang túi xả giận bên mình?


Chân thật với cảm xúc là cách dễ dàng nhất giúp bạn cân bằng cảm xúc và được làm chính mình. Mặc dù chúng ta ghét những cơn giận, nhưng lợi ích mà nó mang lại là điều không thể chối bỏ. Bạn hãy để nó được bộc lộ ra bên ngoài khi nó còn nhỏ xíu. Nếu đợi đến khi cơn giận lớn lên có thể gây hại cho chính bạn đầu tiên.


Một cách khác, bạn có thể viết ra những suy nghĩ hỗn độn trong đầu. Tôi đặt tên cho cuốn sổ là sổ xả giận. Mỗi khi bức bách tôi đều viết vào đó. Tôi cảm giác như điều rối rắm tuôn ra theo ngòi bút, biến thành các con chữ trên mặt giấy và chẳng còn nằm trong đầu tôi nữa. Điều này thật tuyệt vì tôi không nhất thiết phải trở nên tức giận một cách gượng ép.


Ngoài ra, bạn có thể tâm sự với những người bạn tin tưởng. Họ sẽ cho bạn lời khuyên, hoặc đơn giản là lắng nghe bạn một cách chân thành nhất. Tuy vậy, việc chia sẻ những điều không vui đôi khi lại gián tiếp kéo theo người vô can vào câu chuyện của mình, nên tôi xem đây là cách cuối cùng khi bản thân cảm thấy bế tắc. 


Học cách chấp nhận những cơn giận đến và giải tỏa nó thay vì kìm nén trong lòng sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, an trú hơn. Mong rằng bạn và tôi đều có thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình và không để những điều tiêu cực có cơ hội chiếm lĩnh chúng ta.


Tác giả: APhàn



BẢN THẢO
Bài viết liên quan