Mối Liên Hệ Giữa Chỉ Số EQ Cao Và Lo Âu

Thông minh cảm xúc (EQ) không có nghĩa là không có sự tồn tại của các mối lo âu; mà là cách ta đối mặt với chúng Sở hữu một chỉ số EQ (trí thông minh cảm xúc) cao không …

Thông minh cảm xúc (EQ) không có nghĩa là không có sự tồn tại của các mối lo âu; mà là cách ta đối mặt với chúng

Sở hữu một chỉ số EQ (trí thông minh cảm xúc) cao không có nghĩa là họ không cảm thấy lo lắng và trầm cảm. Thực ra, những người này có thể dễ bị tấn công hơn bởi sự lo lắng vì họ có liên kết mạnh hơn với những cảm xúc không thoải mái.

Để hòa hợp với cảm xúc của chính bản thân và những người xung quanh, một người với chỉ số EQ cao rất chú ý đến chính mình và giàu lòng cảm thông. Thường thì đây không phải là điều dễ dàng vì những khả năng này có thể gây ra những lo lắng tạm thời. Ngoài ra, sự liên kết cảm xúc và tự thấu hiểu bản thân cho phép một người gắn bó chân thành hơn trong các mối quan hệ nhưng cũng có thể dẫn đến trầm cảm khi một sự gắn bó ý nghĩa trở nên quá mức.

Người với chỉ số EQ cao thường đủ vững vàng để vượt qua các cảm xúc không thoải mái gây ảnh hưởng đến cái tôi của họ và gây ra những cơn lo lắng tuy ngắn dữ dội. Ví dụ, Sally bị đe dọa bởi một đồng nghiệp có kỹ năng tốt trong lĩnh vực mà Sally cảm thấy khiếm khuyết. Trong một cuộc họp, người đồng nghiệp này thông báo rằng cô ta sẽ tận dụng nhóm kỹ năng này để thành công với một khách hàng tiếng tăm. Sally cảm thấy có chút ghen tị và bất an. Tuy nhiên, vì Sally nhận thức được cảm xúc của mình, bao gồm cả những cảm xúc khó chịu như ghen tuông và bất an, cô ấy có thể đối phó với cảm xúc một cách hiệu quả. Sally quyết định tiếp cận người đồng nghiệp và yêu cầu cô ta cung cấp các nguồn, bài hướng dẫn và những hiểu biết cá nhân về cách phát triển chuyên môn mong muốn. Người đồng nghiệp vừa được tâng bốc vừa trở nên hữu ích. Sally quay trở lại công việc và được tiếp thêm sức mạnh và động lực. Nhận thức của cô ấy về một cảm xúc không thoải mái cho phép cô ấy làm điều gì đó hiệu quả với nó.

Ngược lại, giả sử Sally có EQ thấp. Cô ấy mất liên kết khỏi những cảm xúc khó chịu đe dọa đến lòng tự trọng của mình. Bằng việc đổi hướng và phóng chiếu, cô ấy vô thức loại bỏ bất kỳ cảm xúc nào đe dọa bản ngã của mình. Thay vì nhận thức được cảm giác bất an và ghen tuông của mình, Sally lại hành động theo luồng cảm xúc đó. Trong cuộc họp, cô ấy nói xấu và bóp méo thông tin, cáo buộc đồng nghiệp thiếu lòng trung thành với nhóm. Bên ngoài cuộc họp, Sally bí mật sắp xếp một nhóm riêng với cô ấy để cùng chống lại người đồng nghiệp vô tội. Điều này không chỉ không công bằng mà còn hủy hoại đội ngũ và tổ chức. Về cơ bản, tất cả mọi người đều thua, kể cả Sally, người không phát triển một cách chuyên nghiệp.

Hòa hợp với cảm xúc của người khác là điều cần thiết nhưng cũng có thể gây ra sự lo lắng thoáng qua. Lấy ví dụ, Ron, một người có EQ cao. Ron cảm thấy một đồng nghiệp đang tức giận. Khi cảm nhận được sự tiêu cực, Ron ngay lập tức cảm thấy lo lắng. Ron tự hỏi liệu mình có làm điều gì đó khiến người bạn làm việc của mình khó chịu không.

Một người có chỉ số EQ cao thường có trách nhiệm vì mức độ tự nhận thức cao, vì vậy họ dễ dàng tự kiểm điểm bản thân. Suy nghĩ về những sơ suất, lỗi lầm hoặc thông tin sai lệch có thể xảy ra, Ron xem xét lại tất cả những tương tác trong quá khứ. Việc tự phân tích bản thân này không thoải mái nhưng quan trọng. Ron ngay lập tức nhận ra người đồng nghiệp đã làm việc ngoài giờ rất nhiều mà không được công nhận.

Ron vừa mới trở về sau một kỳ nghỉ dài ngày. Mặc dù Ron nhận ra mình không làm gì sai, nhưng anh ấy muốn đồng nghiệp của mình cảm thấy tốt hơn, vì vậy anh ấy đến gần đồng nghiệp và nói, “Tôi nhận thấy bạn đang thực sự làm việc chăm chỉ và luôn cố gắng hơn nhiều để đóng góp cho nhóm. Tôi chỉ muốn bạn biết rằng tôi đánh giá cao và ngưỡng mộ tinh thần làm việc của bạn ”. Người đồng nghiệp ngạc nhiên nhưng sẵn sàng chấp nhận sự công nhận mà Ron đưa ra. Anh ấy tâm sự với Ron và nói rằng anh ấy sẽ trải qua một cuộc ly hôn. Bởi vì Ron hòa hợp với cảm xúc của người này, anh ấy hiểu được nỗi đau tình cảm của đồng nghiệp và đồng cảm. “Tôi rất tiếc. Điều đó thực sự khó khăn. Bạn phải rất đau đớn. Tôi có thể giúp gì không? ” Người đồng nghiệp cho biết chỉ cần có thể tâm sự với ai đó khiến anh cảm thấy đỡ hơn nhiều rồi. Anh ấy liền cảm ơn sự giúp đỡ của Ron.

Khả năng hòa hợp với trạng thái cảm xúc của người khác cùng với khả năng nhìn lại bản thân của Ron đã giúp anh tìm ra cách khắc phục tình huống căng thẳng và giúp đỡ một người bạn trong công việc. Cả hai bên đều cảm thấy sự tin tưởng và hỗ trợ ở nhau nhiều hơn, điều này có thể dẫn đến một môi trường làm việc thành công và hiệu quả hơn.

Tự nhận thức cũng là một khả năng cần thiết của một người có EQ cao. Mặc dù xu hướng tự kiểm điểm bản thân đôi khi không thoải mái và có thể gây lo lắng, nhưng kết quả là rất xứng đáng. Ví dụ: Lisa đã liên hệ với một cá nhân bên ngoài tổ chức của cô ấy và mời người đó làm việc cho mình. Cuối ngày hôm đó, Lisa được liên lạc bởi sếp của người đó, người này cực kỳ khó chịu với Lisa vì đã cố gắng săn trộm nhân viên của họ. Cô ấy cảm thấy không được tôn trọng và tin rằng Lisa đã hành động thiếu chuyên nghiệp.

Thay vì trở nên phòng thủ và đổ lỗi hoặc đóng vai nạn nhân để thu hút sự cảm thông và trốn tránh trách nhiệm, Lisa cảm thấy khủng khiếp. Cô ấy hiểu cảm giác của người này. Cô ấy có thể cảm thấy tương tự nếu vai trò bị đảo ngược lại, vì vậy Lisa thực sự sở hữu khả năng phán đoán của mình và xin lỗi. Cô ấy thể hiện sự hiểu biết chân thành về việc hành động của mình đã ảnh hưởng đến người đó như thế nào và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Lisa lo lắng trong vài ngày sau cuộc đối đầu vì cảm giác về bản thân của cô đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lương tâm mạnh mẽ, sự hối hận sâu sắc và khả năng tự nhận lỗi của mình cho phép Lisa có cơ hội trưởng thành, phát triển và tránh mắc phải sai lầm tương tự trong tương lai. Sự phát triển cá nhân được sinh ra từ cả nhận thức về bản thân và sự sáng suốt.

Nhiều đặc tính của một người có EQ cao cũng là những phẩm chất nuôi dưỡng các mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa. Sự gần gũi thường đạt được bằng cách thấu hiểu cảm xúc của người khác. Tự nhận thức cho phép một người có cơ hội chịu trách nhiệm và trung thực trong việc nhận ra sai lầm trong mối quan hệ. Điều này có nghĩa là anh ấy hoặc cô ấy thường không mắc phải cùng một sai lầm đáng tiếc hai lần.

Khả năng hòa hợp với trạng thái cảm xúc của người khác cho phép một cá nhân trở nên tận tâm, ân cần, chu đáo và tốt bụng hơn. Một mối liên kết gắn bó và sâu sắc sẽ được tạo ra với những người thân yêu của họ. Người có chỉ số EQ cao gắn bó chân thành với những người quan trọng. Tuy nhiên, nếu sự gắn bó bị cắt đứt một cách đau đớn, người đó sẽ bị cảm giác mất mát sâu sắc và tiều tụy. Giống như một cây sồi bị chặt gốc, sự mất mát sẽ đau đớn đến thắt ruột.

Mặt khác, một người có EQ thấp có thể dễ dàng kết thúc mối quan hệ một cách đột ngột. Bởi vì họ có thể ít đồng cảm hơn, ít nhận thức về bản thân và tách biệt khỏi những cảm xúc đe dọa lòng tự trọng của mình, họ có thể gắn bó ít sâu sắc hơn. Phong cách gắn bó nông cạn khiến người đó dễ dàng hạ màn một mối quan hệ hoặc từ bỏ một đối tác để tìm đối tác khác một cách nhanh chóng và không cảm thấy bất an. Do đó, việc chọn lọc và đầu tư vào một đối tác có chỉ số EQ cao có thể rất quan trọng.

Người có chỉ số EQ cao là người có thể chịu đựng được những cảm xúc không thoải mái làm ảnh hưởng đến ý thức của họ. Đây là một năng lực thiết yếu cho phép tạo ra các mối quan hệ tích cực, sự phát triển cá nhân và những sự gắn bó nồng nhiệt và ý nghĩa. Mặc dù lo lắng thường đi kèm với khả năng như vậy, nhưng kết quả luôn tốt đẹp hơn công sức mà họ bỏ ra.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn:  https://www.psychologytoday.com/us/blog/peaceful-parenting/202002/the-interplay-between-high-eq-and-anxiety

Dịch:   Emma

Biên tập: Tuấn Ngọc

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan