Mối quan hệ bí ẩn giữa màu xám và trầm cảm

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, người ta biết rằng: giữa màu xám và căn bệnh trầm cảm luôn tồn tại một sợi dây liên kết chặt chẽ.

Theo kết quả nghiên cứu từ đại học Freiburg tại Đức, các chuyên gia nhận thấy một hiện tượng bất thường trong nghệ thuật và hội họa: khi mô tả về nỗi buồn, các nghệ sĩ có xu hướng sử dụng các gam màu xám và u tối. Và trên thực tế, người ta biết rằng: giữa màu xám và căn bệnh trầm cảm luôn tồn tại một sợi dây liên kết chặt chẽ.


Mối liên hệ này ngay lập tức trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi. Trên thực tế, khi một người buồn, người ta nói rằng mọi thứ trông xám xịt hoặc thế giới không có màu sắc. Khoa học đã chứng minh rằng đây không phải là một phép ẩn dụ, mà là hiệu ứng hình ảnh này đã thực sự diễn ra.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng gần 300 triệu người đang phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm. Đây chỉ là một con số ước tính vì có rất nhiều trường hợp không được thống kê. Thậm chí một số người ngoài kia vẫn không coi trầm cảm là một chứng bệnh thực thụ, một vấn đề tâm lý cần phải xử lý và điều trị.


Bên cạnh đó, việc chẩn đoán cũng gặp khá nhiều khó khăn vì không phải trạng thái tiêu cực, chán nản và buồn bã nào cũng được coi là trầm cảm. Do đó, mối quan hệ giữa trầm cảm và màu xám được hi vọng là một cách mới để chẩn đoán chính xác hơn vấn đề này.


Hiểu về trầm cảm


Điều quan trọng cần lưu ý là tâm thần học và phân tâm học xác định và tiếp cận bệnh trầm cảm theo cách khác nhau. Trong tâm thần học và trong hầu hết các dòng tâm lý học, trầm cảm tự nó đã là một chứng rối loạn. Mặt khác, trong phân tâm học, họ coi đó chỉ là một triệu chứng.


Trong lĩnh vực tâm thần học, họ coi trầm cảm như một căn bệnh nghiêm trọng, gây ra các triệu chứng khác nhau về thể chất và tinh thần. Các ngành sinh vật học của khoa học này càng nhấn mạnh mối quan hệ giữa chất hóa học của não và các trạng thái trầm cảm. Do đó, họ điều trị bệnh chủ yếu thông qua thuốc.


Trong phân tâm học, không có cấu trúc nào được gọi là trầm cảm. Đó là một triệu chứng của cấu trúc rối loạn thần kinh hoặc tâm thần. Đó là cảm giác tự căm ghét bản thân, đúng hơn là sự căm ghét mà người khác không thể nhận ra. Triệu chứng này xuất hiện khi ai đó trải qua thất bại, nó dẫn đến mất hy vọng và điều này chỉ được giải quyết bằng lời nói.


Trong thực tế, hai cách tiếp cận trên bổ sung cho nhau dù cho cách điều trị đã làm chúng đã trở nên khác nhau. Mỗi trải nghiệm cuộc sống đều tạo ra các phản ứng hóa học trong não và ngược lại. Điều này là do não là một cơ quan linh hoạt, thay đổi theo chất, cũng như theo trải nghiệm. Ví dụ, chỉ một từ cũng có thể gây ra những phản ứng này.


Trầm cảm và màu xám


Rất nhiều nghiên cứu hiện đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về bộ não từ góc nhìn hữu cơ và sinh lý học. Các chuyên gia đã tiến hành một trong những nghiên cứu này tại Đại học Freiburg ở Đức. Họ đã tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa chứng trầm cảm và màu xám.


Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mắc trầm cảm gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện sự tương phản giữa đen và trắng. Ngoài ra, họ kết luận điều này sau khi điện tâm đồ được áp dụng cho võng mạc của mắt - thực hiện trên một nhóm tình nguyện viên.


Nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Ludger Tebartz van Elst. Theo các phép đo của ông, những người trầm cảm nhìn thế giới theo cách tương tự như cách nó xuất hiện trên TV với độ tương phản màu sắc thấp. Độ trầm cảm càng lớn, khả năng hình dung độ tương phản màu càng giảm.



Chẩn đoán


Thực tế là các nhà khoa học đã cho rằng mối quan hệ giữa trầm cảm và màu xám có thể trở thành một chỉ số đáng tin cậy để chẩn đoán cả sự tồn tại và mức độ trầm cảm ở người. Tạp chí Biological Psychiatry đã xác nhận rằng đây sẽ là một phương pháp chẩn đoán khách quan hơn phương pháp mà các chuyên gia hiện đang sử dụng.


Chúng ta nên nhớ rằng hiện nay các chuyên gia chẩn đoán bệnh trầm cảm chủ yếu dựa trên tiêu chí của các chuyên gia y tế, đặc biệt là bác sĩ tâm lý và bác sĩ tâm thần. Họ phỏng vấn bệnh nhân và hỏi về lối sống, cách tiếp cận và các triệu chứng khác nhau của họ. Từ đó kết luận người đó có bị trầm cảm hay không. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một phương thức chẩn đoán chính xác và toàn diện.


Việc khám phá ra mối quan hệ giữa căn bệnh trầm cảm và màu xám, điều hoàn toàn có thể đo lường được về mặt vật lý, có khả năng tạo ra những tiến bộ đáng kể trong chẩn đoán. Phương pháp này không chỉ có thể xác nhận liệu một người có đang mắc chứng trầm cầm hay không, mà còn có thể tính toán mức độ nghiêm trọng của bệnh lí. 


Trong mọi trường hợp, loại chẩn đoán này sẽ cần được đánh giá toàn diện. Điều đáng nói là không phải mọi trạng thái buồn bã đều là trầm cảm như vậy. Các chuyên gia phải đánh giá dựa trên bối cảnh, thời gian, tình trạng sức khỏe và các biến số khác.



------------


Dịch bởi: Trần Khánh Huyền

Biên tập: Rabbie

Ảnh: burst.shopify.com

Tham khảo: Exploring your mind (2021). The Curious Relationship Between the Color Gray and Depression [Online] Available at: https://exploringyourmind.com/the-curious-relationship-between-the-color-gray-and-depression/ [Accessed 08 September 2021]


----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan