Mối quan hệ giữa tâm lý học tích cực và sức khỏe tâm thần

Tâm lý học tích cực mở đường cho chúng ta dừng chân và thưởng thức những điều kỳ diệu từng xuất hiện trong cuộc sống.


Các nhà trị liệu sức khỏe tâm thần trước đây chủ yếu trị liệu những bệnh tâm thần và vấn đề sức khỏe phát sinh từ nó. Họ ít tập trung vào các yếu tố cá nhân như động lực, tư duy tích cực, niềm hạnh phúc và khả năng phục hồi tâm lý, chủ yếu tập trung vào các dấu hiệu rõ ràng của sức khỏe tâm thần.


George Vaillant, nhà tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tích cực, từng nói rằng các tác phẩm văn học cũ về tâm thần học và sức khỏe tâm thần có vô số cuộc tranh luận về chứng lo âu, trầm cảm, căng thẳng, tức giận và sợ hãi, nhưng hầu như không có gì về lòng yêu thương, lòng trắc ẩn và sự vị tha ( Vaillant, 2009). Tuy nhiên bây giờ mọi thứ đã là chuyện của quá khứ.


Với sự ra đời của hạnh phúc dưới góc nhìn khoa học, hay tâm lý học tích cực, một sự thay đổi đáng kể ở trọng tâm của việc nghiên cứu và trị liệu sức khỏe tâm thần đã được chú ý. Tâm lý học tích cực đã mở ra một con đường mới về cách nhìn nhận vấn đề. Nó thừa nhận hạnh phúc và khỏe mạnh là một "kỹ năng thiết yếu của con người" (Davidson, Sells, Songster, & O’Connell, 2005).


Như là một thể kết hợp của tâm lý học lâm sàng, khoa học tích cực giúp chúng ta biết được cách vận hành để nâng cao năng lực nội tại và tận dụng tối đa tiềm lực hiện có. Thay vì tập trung vào liệu pháp và trị liệu, tâm lý học tích cực xoay quanh sự ổn định cảm xúc, quản lý kỳ vọng và tư duy hiệu quả, đó là lý do tại sao nó được gọi là ‘nghiên cứu khoa học về thế mạnh và đức hạnh của con người’ (Sheldon & King, 2001).


Tâm lý học tích cực song hành với những can thiệp sức khỏe tâm thần truyền thống. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự tương đồng và mối liên hệ giữa tâm lý học tích cực và sức khỏe tâm thần, thảo luận về cách kết hợp cả hai yếu tố thiết yếu này để tạo kết quả thành công đối với bất kỳ chứng rối loạn tâm thần nào.


Cái nhìn của khoa học thần kinh về sức khỏe tâm thần


Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến phần lớn dân số thế giới ngày nay. Và nguồn gốc của tất cả những tình trạng này nằm trong bộ não của chúng ta - mấu chốt nhận biết nằm trong nghiên cứu về khoa học thần kinh (Kessler và cộng sự, 2009). Khi kết hợp với sức khỏe tâm thần, những phát hiện về khoa học thần kinh cho thấy bộ phận nào của bộ não là nguyên nhân gây ra tình trạng đó và chúng ta có thể giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nó giúp chúng ta hiểu được những thay đổi phân tử mà bộ não phải chịu ở những tình trạng loạn thần kinh và rối loạn tâm thần khác nhau (Kessler và cộng sự, 2009).


Một bài báo nghiên cứu về Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Thần kinh Toàn cầu được công bố bởi giáo sư Dan J Stein và các cộng sự (2015) đã nói về cách khoa học thần kinh được kết hợp hiệu quả trong việc trị liệu các vấn đề sức khỏe tâm thần ở mọi lứa tuổi và mọi văn hóa.


Rối loạn tâm thần kích hoạt các liên kết thần kinh, gây ra những suy nghĩ, hành động và cảm xúc tiêu cực. Khi hiểu rõ được khoa học thần kinh đằng sau những vấn đề tâm lý - ví dụ, điều gì xảy ra khi bộ não bị ảnh hưởng do cơn khủng hoảng tinh thần, hoặc phần nào của vỏ não bị kích hoạt do rối loạn khí sắc - các nhà tâm lý học có thể tìm được vấn đề dễ dàng hơn, từ đó nghiên cứu sâu hơn về mức độ trị liệu.


Khoa học thần kinh khiến cho những can thiệp sức khỏe tâm thần trở nên nổi bật và chúng đều dựa trên bằng chứng khoa học. Ví dụ, bệnh nhân tâm thần phân liệt phải chịu đựng rất nhiều về chức năng nhận thức của họ. Những suy nghĩ loạn chức năng khiến họ không thể trở lại cuộc sống hàng ngày hoặc thực hiện các hoạt động thường ngày.


Tiếp cận khoa học thần kinh đã giúp các chuyên gia nhận thức rõ việc hồi phục nhận thức như một yếu tố quan trọng trong việc trị liệu những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Vì thế, tiến triển của bệnh khả quan hơn nhiều so với trước đây (Barch, 2005).


Việc kết hợp khoa học thần kinh với sức khỏe tâm thần mang lại nhiều lợi ích.


  • Khoa học thần kinh giúp các nhà trị liệu và chuyên gia dễ dàng tìm hiểu triệt để nguyên nhân của chứng rối loạn. 
  • Nó giúp khuyến khích tinh thần khỏe mạnh, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống.
  • Khoa học thần kinh mở đường cho việc chẩn đoán sớm và tiến triển của bệnh khả quan hơn bất kỳ kế hoạch trị liệu tâm lý nào. 
  • Nó giúp nhận biết mối quan hệ giữa tâm trí và cơ thể một cách chính xác hơn. 
  • Nghiên cứu khoa học thần kinh đã tạo điều kiện cho việc phát triển các lĩnh vực nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc.


Một nghiên cứu về khoa học thần kinh về việc tập thể dục và tác động của nó đối với sức khỏe tâm thần cho thấy rằng, một lối sống tích cực chi phối đáng kể lên năng lực tinh thần của chúng ta. Các nhà nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa hoạt động thể chất, rối loạn tâm thần như trầm cảm nặng và chứng mắc trí nhớ, và dao động về tâm trạng (Bồ Đào Nha và cộng sự, 2013).


Đối tượng cho nghiên cứu này chủ yếu là các vận động viên; tuy nhiên, các kết quả đã mở rộng để xác nhận những dữ kiện cũng phù hợp với những đối tượng khác. Nghiên cứu đã làm sáng tỏ thực tế rằng, tập thể dục thường xuyên làm tăng sức mạnh thể chất và tinh thần. Nó giúp tăng cường tâm trạng, điều chỉnh cảm xúc và duy trì tối ưu các chức năng của cơ thể (Bồ Đào Nha và cộng sự, 2013).


Các tác giả của nghiên cứu này lập luận rằng có lẽ tập thể dục là một trong những lý do khiến các vận động viên có khả năng hồi phục nhanh hơn trong cuộc sống cá nhân của họ - cả về mặt cảm xúc và thể chất.


Tại sao Khoa học thần kinh là điều thiết yếu đối với Sức khỏe Tâm thần


Cuốn sách ‘Khoa học thần kinh cho bác sĩ sức khỏe tâm thần lâm sàng’ (2016) của Steven R. Pliszka đã lý giải một cách rõ ràng lý do tại sao việc hiểu rõ cơ sở thần kinh học của rối loạn tâm lý là điều bắt buộc đối với các nhà tâm lý học.


Giống như việc nhận biết cơ chế hoạt động của tim là điều thiết yếu để điều trị các bệnh về tim mạch, việc xác định các rối loạn chức năng của não giúp giải mã sinh lý của các rối loạn tâm thần và dẫn dắt phương pháp trị liệu tương tự.


Trong khi tác giả thừa nhận rằng liệu pháp tâm lý vẫn có thể thực hiện mà không cần đi sâu vào các tác nhân sinh học, ông cũng giải thích lý do tại sao việc các nhà trị liệu dùng để hỗ trợ cho hệ thần kinh là điều cốt yếu.


  • Pliszka (2016) tin rằng bất kỳ chuyên gia y tế nào cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin về tất cả các khía cạnh của vấn đề mà họ đang xử lý, ngay cả khi nó không hoàn toàn liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của họ.
  • Trong thế giới truyền thông xã hội và internet ngày nay, điều quan trọng là nhà trị liệu khiến bệnh nhân nhận thức được tình trạng của họ, để họ không bị ảnh hưởng bởi một số thông tin truyền thông xã hội vô căn cứ.
  • Làm quen với nghiên cứu khoa học thần kinh và cơ sở sinh học của các chứng rối loạn sẽ giúp bác sĩ tâm thần học và nhà tâm lý học nâng cấp các kênh trị liệu của họ và đáp ứng những tiến bộ nhanh chóng đang xảy ra trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.


Vận dụng Tâm lý Tích cực trong Tư vấn Sức khỏe Tâm thần


Gần 20% dân số Hoa Kỳ ngày nay bị mắc kẹt trong việc lạm dụng chất kích thích, lo âu và trầm cảm (Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, 2021). Và trong số những người tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia cho việc hồi phục, có những người chọn kế hoạch trị liệu kết hợp với thuốc và liệu pháp tâm lý sẽ hồi phục sớm hơn (Seligman, Rashid, & Parks, 2006).


Lý do tại sao phương pháp kết hợp này hiệu quả đối với nhiều người bao gồm tất cả các mặt mà bệnh ảnh hưởng và do đó giúp phục hồi thực sự, chứ không phải là ‘ngụy trang y tế.’


Đóng góp đáng kể nhất của tâm lý học tích cực trong tư vấn và trị liệu sức khỏe tâm thần là lần đầu tiên đưa hạnh phúc vào làm mục tiêu trị liệu (Gruman, Schneider, & Coutts, 2017).


Tâm lý học tích cực đưa ra các hệ đo lường như Thang đo Tâm lý Hạnh phúc hoặc Thang đo Hạnh phúc có thể đo lường một cách khách quan mức độ hài lòng từ tận đáy lòng của một người. Với sự ra đời của các hệ đo lường chăm sóc sức khỏe tâm lý này, các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã tìm thấy một lý do vững chắc để chuyển trọng tâm của họ từ các vấn đề sang các giải pháp.


Giờ đây, họ chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng những gì đã có thay vì chỉ lấp đầy khoảng trống mà tình trạng tinh thần tạo ra. Sự khác biệt giữa việc can thiệp tâm lý tích cực và liệu pháp sức khỏe tâm thần tiêu chuẩn là PPIs (là một nhóm thuốc ức chế bơm proton, có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị), thay vì đặt mục tiêu trực tiếp vào việc giảm thiểu triệu chứng, họ khích lệ cảm xúc tích cực và mang lại ý nghĩa trong cuộc sống.


Các nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của việc can thiệp tâm lý tích cực là kéo dài và tạo ra nhiều hạnh phúc hơn các liệu pháp tâm lý truyền thống. Một cuộc khảo sát dựa trên web về liệu pháp tâm lý tích cực trong trị liệu chứng trầm cảm nặng cho thấy rằng, các cá nhân phản ứng nhanh nhạy hơn và có dấu hiệu phục hồi với các liệu pháp can thiệp tích cực (Seligman, Rashid, & Parks, 2006).


Bên cạnh đó, các nhà điều tra đồng ý rằng, việc sử dụng các kỹ thuật nâng cao cảm xúc tích cực và xây dựng động lực cơ bản sẽ đảm bảo tiến triển của bệnh khả quan hơn so với chỉ dùng thuốc điều trị hoặc liệu pháp tâm lý truyền thống. Mục tiêu của việc kết hợp bất kỳ sự can thiệp nào vào tư vấn sức khỏe tâm thần phải thay đổi trọng tâm của cá nhân từ các triệu chứng tiêu cực sang các khía cạnh lạc quan hơn trong cuộc sống của họ, và tâm lý tích cực cung cấp động lực để mang lại sự thay đổi này.



4 Can thiệp tâm lý tích cực được vận dụng trong tư vấn sức khỏe tâm thần


Đây là bằng chứng vững chắc chứng minh sự liên quan của các can thiệp tâm lý tích cực trong trị liệu và tâm lý học tham vấn. Bên cạnh việc thúc đẩy hạnh phúc và sự tự tin, nó còn khôi phục sự cân bằng tâm thần mà chúng ta cần để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh (Hefferon & Boniwell, 2011).


Sự ra đời và nhận thức về các can thiệp tích cực trong tâm lý học khi tham vấn đã đưa việc trị liệu sức khỏe tâm thần đến mức độ đa văn hóa và nhân văn đa dạng (Magyar-Moe, Owens, & Conoley, 2015). Dù là tư vấn tâm lý học đường, trị liệu cá nhân hoặc các buổi huấn luyện cách sống, các liệu pháp can thiệp tích cực hiện là một phần không thể thiếu của các kênh trị liệu sức khỏe tâm thần và dưới đây là một số PPI phổ biến mà nhiều nhà tâm lý học vận dụng ngày nay:


1. Liệu pháp Dựa trên Điểm mạnh


Các chiến lược dựa trên điểm mạnh phối hợp sự tích cực, tâm lý xã hội, các liệu pháp phòng ngừa, các phương pháp đặt trọng tâm vào giải pháp và phát triển cá nhân, coi chúng như những phỏng đoán cho cơ chế tư vấn vấn tâm lý (Rashid, 2015; Smith, 2006). Các liệu pháp can thiệp dựa trên điểm mạnh tập trung vào ‘salutogenesis’, một thuật ngữ được tạo ra bởi Giáo sư Aaron Antonovsky (1979), đề cập đến việc nhận thức được sức khỏe và hạnh phúc của con người quan trọng hơn các yếu tố gây ra bệnh tâm lý.


Theo tên thuật ngữ cho thấy, các phương pháp dựa trên điểm mạnh giúp tìm ra điểm mạnh của bạn và đặt trọng tâm vào việc vận dụng nó(Jones-Smith, 2011). Một cá nhân tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý cho tình trạng của mình hầu hết đều bận tâm với những rắc rối đang xảy ra trong cuộc sống của họ. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng những bệnh nhân rối loạn tâm thần có điểm số đánh giá thấp đáng kể về lòng tự trọng trên thang điểm tiêu chuẩn hóa (Xie, 2013).


Do đó, họ có một lối sống kém và hoạt động tâm lý xã hội không lành mạnh. Việc thực hiện các liệu pháp can thiệp dựa trên điểm mạnh cho những cá nhân như vậy là một ý tưởng tuyệt vời, vì nó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và giúp họ tập trung vào điểm mạnh của mình (Saleebey, 2006).


Các kỹ thuật định hướng điểm mạnh bao gồm:


  • Liệu pháp đặt trọng tâm vào giải pháp, bao gồm các cuộc trò chuyện, bài kiểm tra khách quan và các phiên họp nhóm. Nhà trị liệu và bệnh nhân tập trung vào cách thừa nhận những sai lầm và vượt qua tính tiêu cực của người đó để tạo ra kết quả tốt hơn (De Jong & Berg, 2002).
  • Quản lý theo trường hợp để tập trung vào việc nhận biết khả năng của người đó.
  • Giúp đỡ từ gia đình và tư vấn tâm lý cá nhân.
  • Kể lại những câu chuyện khích lệ sự kiên cường và tích cực có thể truyền cảm hứng cho cá nhân và giúp hồi phục sức khỏe.


2. Liệu pháp Chất lượng Cuộc sống


Thước đo chất lượng cuộc sống hoạt động dựa trên các nguyên tắc của tâm lý học tích cực và liệu pháp nhận thức (Frisch, 2006). Nó giúp bệnh nhân tìm ra mục tiêu trong cuộc sống, khích lệ họ theo đuổi ước mơ và nhìn vào nội tâm để tìm ra ý nghĩa sâu xa về sự tự mãn. Nó sử dụng các thước đo như Bản Kiểm kê Chất lượng Cuộc sống (QOLI) và mô hình CASIO về mức độ tự mãn và theo dõi liệu trình trị liệu từng bước một.


Liệu pháp QOL (Chất lượng cuộc sống) dựa trên bằng chứng, định hướng nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu của dân số trưởng thành ngày nay.


3. Liệu pháp Hy vọng


Niềm hy vọng sẽ giúp "tin vào năng lực bản thân" (Emily Dickinson). Là một can thiệp tâm lý tích cực, liệu pháp hy vọng hoạt động dựa trên lý thuyết hy vọng, cho rằng cảm xúc có thể được nhận định hoặc thay đổi tùy theo việc theo đuổi mục tiêu có hiệu quả (Lopez, Floyd, Ulven, & Snyder, 2000; Snyder, 2002).


Theo tên gọi cho thấy, liệu pháp hy vọng chỉ nhằm mục đích khuyến khích quan điểm đầy hy vọng ở những bệnh nhân đang trải qua giai đoạn rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Nó đặc biệt hiệu quả đối với chứng trầm cảm nặng, PTSD (chứng rối loạn stress sau sang chấn) và các rối loạn căng thẳng khác.


Mục tiêu của liệu pháp hy vọng là tăng cường sự thấu hiểu và giúp tự kết nối bản thân. Nó sử dụng định dạng bán cấu trúc, kết hợp những bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa với các bài kiểm tra chủ quan và bao gồm bốn bước:


  • Tìm kiếm hy vọng
  • Thiết lập kết nối 
  • Tăng cường
  • Theo dõi


Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cho rằng những người tràn đầy hy vọng có óc thực tế hơn người lạc quan. Họ đặt mục tiêu một cách hợp lý và hướng đến việc đạt được từng mục tiêu tại một thời điểm. Các nghiên cứu đo lường hiệu quả của liệu pháp hy vọng cho thấy rằng những người từng tiếp nhận hy vọng bổ trợ trong các buổi trị liệu có điểm số cao hơn về lòng tự trọng và mức độ tự tin. Họ có mục tiêu rõ ràng và tràn đầy năng lượng hơn để thực hiện chúng (Feldman & Kubota, 2015).


4. Liệu pháp Chăm sóc Sức khỏe


Mô hình liệu pháp chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ mô hình tâm lý sức khoẻ của Carol D. Ryff (1998). Mô hình đa chiều của Ryff , bao gồm các yếu tố như làm chủ môi trường, sự thỏa mãn cá nhân, ý nghĩa sâu xa về cuộc sống, sự chấp thuận, khả năng phục hồi và kết nối xã hội tích cực (Eren & Kılıç, 2017).


Sau đó, Giovanni Fava, một nhà tâm lý học nổi tiếng và bác sĩ lâm sàng (người Ý) đã phát triển liệu pháp chăm sóc sức khỏe như một liệu pháp can thiệp tâm lý tích cực hiệu quả để tư vấn và hướng dẫn sức khỏe tâm thần (Ruini & Fava, 2004).


Tuân theo các nguyên tắc trong mô hình của Ryff, liệu pháp chăm sóc sức khỏe thúc đẩy hạnh phúc bằng cách cho phép bệnh nhân xác định những hạn chế trong suy nghĩ của họ. Liệu pháp chăm sóc sức khỏe hữu ích như một biện pháp can thiệp quản lý việc phòng bệnh hoặc tái phát và vận dụng các kỹ thuật như (Fava, 1999):


  • Ghi lại những trải nghiệm quan trọng trong cuộc sống và những cảm xúc liên quan đến nó.
  • Xác định những suy nghĩ tiêu cực gây rắc rối bằng cách giao tiếp tích cực với nhà trị liệu hoặc người cố vấn.
  • Thách thức những suy nghĩ tiêu cực với sự giúp đỡ của nhà trị liệu và lập kế hoạch về phương pháp thực tế để vượt qua chúng.
  • Tăng cường thái độ tích cực đối với bản thân bằng việc chấp thuận, vị tha và hòa nhập.
  • Khuyến khích các hành vi tích cực như thể hiện bản thân, viết nhật ký, giao tiếp tích cực và lối sống lành mạnh nói chung.


So sánh Tâm lý học tích cực với Tâm lý học lâm sàng


Tâm lý học tích cực xuất hiện sau rất nhiều cuộc tranh luận và hiểu lầm về mức độ cùng tồn tại với tâm lý học lâm sàng hoặc sức khỏe. Chúng tôi biết rằng tâm lý học lâm sàng nhằm mục đích giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần và áp dụng các lý thuyết và bằng chứng hiện có vào thực tế.


Mặt khác, tâm lý học tích cực có vai trò thúc đẩy sức khỏe và hạnh phúc, bất kể tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan (Steffen, Vossler, & Stephen, 2015). Tâm lý học tích cực xuất hiện khi các nhà tâm lý học lỗi lạc nhận ra rằng đã đến lúc sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng ngang bằng với các khía cạnh tích cực của cuộc sống con người. Cuối cùng, tâm lý học tích cực trỗi dậy như một nhánh của tâm lý học lâm sàng chính thống và trở thành một lĩnh vực chuyên môn quan trọng của nhiều nhà khoa học xã hội.


Cha đẻ của tâm lý học tích cực, Mihaly Csikszentmihalyi và Martin Seligman (2000) cho rằng việc tập trung vào việc giảm triệu chứng hoặc khôi phục trạng thái bình thường chỉ là một phần giải pháp cho vấn đề sức khỏe tâm thần. Với tâm lý học tích cực, chúng ta có thể gắn hạnh phúc tinh thần và trạng thái thoả mãn vào cá nhân - chúng ta có thể ngăn ngừa và bảo vệ người đó ngoài việc trị liệu.


Trong khi tâm lý học lâm sàng đào sâu vào căn nguyên của bệnh tật giúp người bệnh phục hồi, thì tâm lý học tích cực đi sâu vào nguồn gốc của hạnh phúc có thể khiến một người miễn nhiễm với bất kỳ tình trạng tinh thần bất lợi nào. Tâm lý học tích cực, phần lớn là hướng đến hiện tại và tương lai. Nó tập trung vào điểm mạnh, năng lực, tài năng, mối quan hệ, cảm xúc tích cực, trải nghiệm tích cực và động lực nội tại của một người.


Mặc dù có nhiều sự tương phản nổi bật, tâm lý học lâm sàng và tâm lý học tích cực lại không đối lập nhau. Cả hai lĩnh vực đều nhắm đến mục tiêu sức khỏe và hạnh phúc con người. Seligman (1988) cho rằng tâm lý học tích cực không phải là một sự bổ sung đương thời; nó đã ở đó và luôn là một thành phần thiết yếu của các liệu pháp tiếp cận nhân văn.


Điều chúng ta cần bây giờ là chú ý chuyển đổi trọng tâm vào nhận thức để thừa nhận sự tồn tại của nó và truyền thụ quy tắc sống hạnh phúc thông qua nó (Waterman, 2014). Tâm lý học lâm sàng là một trong những phần mở rộng sớm nhất của tâm lý học chính thống đã giúp con người có được cuộc sống tốt đẹp hơn (Magyar-Moe, Owens, & Conoley, 2015; Friedman, 2008).


Trước sự ra đời của các can thiệp tâm lý học lâm sàng như liệu pháp về hành vi nhận thức, tư vấn đau buồn, kiểm soát cơn giận hoặc các phương pháp trị liệu tâm lý khác, chưa có cách nào được biết đến để chống lại sự suy sụp tinh thần. Các can thiệp tâm lý tích cực là một phần bổ sung cho thực hành lâm sàng vì chúng thúc đẩy sự hạnh phúc.


Trong khi thực hành tâm lý học lâm sàng chỉ giới hạn cho những người tìm kiếm sự giúp đỡ và những người đã mắc một số bệnh tâm lý, thì tâm lý học tích cực đã tiếp cận với những người bình thường cũng như những bệnh nhân lâm sàng.


Nó mang lại lợi ích cho những người đang trên bờ vực trở thành “con mồi” của các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc những người có khả năng mắc tình trạng tương tự (ví dụ - nạn nhân sau chấn thương, người vừa mất đi người thân, v.v.). Vì vậy, mặc dù suy nghĩ tâm lý học tích cực và tâm lý học lâm sàng là hai nhánh đối lập hoặc mâu thuẫn với tâm lý học, các chuyên gia trong lĩnh vực này coi chúng như hai yếu tố bổ sung của việc trị liệu và tư vấn tâm lý.


Vấn đề không phải là so sánh tâm lý học lâm sàng so với tâm lý học tích cực, mà là tâm lý cởi mở để kết hợp các can thiệp tích cực vào các liệu pháp điều trị lâm sàng, và ngược lại (Churchill, 2014).


Nghiên cứu về tâm lý tích cực và sức khỏe



1. Nghiên cứu về Bệnh Tâm thần và Sức khỏe


Tâm lý học tích cực đã mang lại nhận thức về sức khỏe tinh thần theo một hướng hoàn toàn mới. Mike Slade, tác giả của ấn phẩm này, đã làm sáng tỏ cách các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện đóng vai trò quan trọng hơn đối với hạnh phúc cá nhân và tìm cách để phát triển nó.


Trọng tâm chính của nghiên cứu này là đề xuất cách để các bác sĩ sức khỏe tâm thần có thể kết hợp các can thiệp tâm lý tích cực, để chuyển mục tiêu từ trị liệu sang thúc đẩy eudaemonia (chỉ trạng thái hoặc tình trạng của “tinh thần tốt”) (Coleman, 1999; Slade, 2010). Bệnh tâm thần và sức khỏe tâm thần là hai khái niệm khác biệt (Slade, 2009), và trọng tâm của tâm thần học hoặc các can thiệp tâm lý nên mở rộng phát triển.


Đối với nghiên cứu của Seligman, Slade (2010) cho rằng tâm lý học tích cực vận hành ở mức độ chủ quan và coi trọng trải nghiệm, cảm xúc và hành động của cá nhân. Nó hoạt động ở hai cấp độ - cấp độ cá nhân (liên quan đến nhận thức về những đặc điểm tích cực như tình yêu, sự đồng cảm, vị tha và hy vọng), cấp độ xã hội hoặc cấp độ nhóm (bao gồm các biện pháp can thiệp để thúc đẩy các mối quan hệ xã hội, trách nhiệm xã hội, lòng khoan dung, sự vị tha và ý thức về giá trị).


Bằng cách tuân theo các phương pháp tiếp cận tích cực, tác giả hướng các nhà nghiên cứu và trị liệu sức khỏe tâm thần tập trung nhiều hơn vào phát triển tổng thể ở mỗi cá nhân, thay vì chỉ tập trung vào vấn đề ở những lĩnh vực liên quan.


2. Mô hình Trạng thái Hoàn chỉnh của Sức khỏe Tâm thần


Mô hình sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của Slade (2010) đã phát triển thành mô hình trạng thái hoàn chỉnh của sức khỏe tâm thần theo quan điểm salutogenic (là khoa học của việc tạo ra và duy trì sức khỏe). Mô hình CSM (mô hình trạng thái hoàn chỉnh) còn được gọi là mô hình hai yếu tố của sức khỏe tâm thần (Suldo & Shaffer, 2008) hoặc mô hình hai trạng thái liên tục của sức khỏe tâm thần (Westerhof & Keyes, 2010).


CSM xác định sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần nằm trên một chuỗi hoặc phổ liên tục - từ khi xuất hiện đến vắng mặt, và từ cao xuống thấp (Keyes, 2005).


Sự tác động lẫn nhau của hai yếu tố này quyết định sức khỏe tâm thần tổng thể của một người. Slade (2010) cho rằng hồi phục của cá nhân là mục tiêu của tâm lý học tích cực, và khẳng định rằng nó xuất phát từ niềm hy vọng, hạnh phúc và trách nhiệm.


CSM xác định sức khỏe tâm thần có mức độ hạnh phúc cao và mức độ bệnh tâm thần thấp (ví dụ: trầm cảm, lo âu, căng thẳng). Điểm nổi bật ở đây không phải là bác bỏ bệnh tâm thần hoặc các triệu chứng rối loạn tâm thần, mà gợi ý rằng hạnh phúc và bệnh tâm thần là những vấn đề riêng biệt cùng cấu trúc với sức khỏe tâm thần của chúng ta.


Không xuất hiện bệnh lý tâm thần không có nghĩa là sức khỏe tâm thần tốt, trừ khi chúng ta có một trạng thái tâm lý tốt. Lời giải thích CSM tán thành tâm lý tích cực vì có liên quan đáng kể đến sức khỏe và sự hồi phục của cá nhân.


Tâm lý học tích cực hoạt động xoay quanh các khái niệm về hạnh phúc, hy vọng, động lực, sự đồng cảm và lòng tự trọng, tất cả đều trực tiếp góp phần nâng cao hạnh phúc của chúng ta (Schrank & Slade, 2007).


Nó thúc đẩy hạnh phúc đích thực và mô tả rằng một cuộc sống "tốt" tồn tại theo bốn trạng thái:


  • Cuộc sống Dễ chịu - bao gồm những cảm xúc tích cực và động lực để thực hiện những điều nâng cao niềm vui và sự tự mãn của bản thân.
  • Cuộc sống Gắn kết - nơi một người bận tâm đến bản thân mình với cái nhìn sâu xa về cảm xúc, điểm mạnh của tính cách và bắt đầu điều chỉnh cuộc sống phù hợp.
  • Cuộc sống Ý nghĩa - trong đó cá nhân đạt được trạng thái nâng cao bản thân và tìm kiếm ý nghĩa thực sự của hạnh phúc.
  • Cuộc sống Thành tựu - nơi một người được khuyến khích làm việc chăm chỉ hơn và cống hiến hết mình để đạt được tham vọng. Trong một cuộc sống này, một người có được hạnh phúc và ý thức đúng đắn về bản thân khi thực hiện hoá những ước mơ của mình và trở nên thành công.


Slade gợi ý rằng việc tuân theo các nguyên lý của tâm lý học tích cực có thể là cách tốt nhất để thúc đẩy sự phục hồi của cá nhân và đảm bảo mức độ khỏe mạnh về tinh thần (Keyes, 2014).


3. Tâm lý học Tích cực và Sức khỏe


Tâm lý học sức khỏe mang lại sức khỏe tinh thần rất quan trọng một khi muốn sống một cuộc sống 'không bệnh tật'. WHO đã mô tả sức khỏe là “trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội hạnh phúc không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hoặc ốm đau” (trích dẫn trong Park et al., 2016). Kể từ đó, các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế trên toàn thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của trạng thái “tinh thần tốt”, một trạng thái vận hành tối ưu và trạng thái tinh thần tích cực cần thiết cho sức khỏe thể chất khỏe mạnh (Ryff & Singer, 1998).


Các nhà tâm lý học sức khỏe định nghĩa sức khỏe tích cực là sự kết hợp của:


  • Các đợt ốm không thường xuyên và ngắn ngủi
  • Tỷ lệ phục hồi cao
  • Nhanh chóng chữa lành vết thương
  • Khả năng phục hồi thể chất và khả năng miễn dịch tốt hơn
  • Không có bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nan y


Nghiên cứu cho rằng, tình trạng sức khỏe thuận lợi mà hầu hết các nhà tâm lý học sức khỏe mong muốn đạt được, đến từ sự liên kết của các biện pháp can thiệp tích cực và khoa học sức khỏe. Các chiến lược sức khỏe tích cực dự đoán sức khỏe tốt bao gồm - cảm xúc tích cực, sự tự mãn, suy nghĩ tích cực, quản lý cảm xúc và sự tự điều chỉnh, tự nâng cao và tìm kiếm ý nghĩa thực sự của hạnh phúc, lòng mộ đạo, sự đồng cảm và vị tha, và xây dựng các mối quan hệ xã hội bền chặt.


Trong một thực nghiệm về nghiên cứu ảnh hưởng của cảm xúc tích cực đối với việc bị cảm lạnh, Cohen, Doyle, Turner, Alper và Skoner (2003) nhận thấy rằng những người tham gia kể lại rằng đã trải qua những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, hài lòng và nhiệt tình, nguy cơ mắc virus thấp hơn những người tham gia báo cáo về cảm giác trầm cảm, cô đơn hoặc tức giận. Nghiên cứu này như một lời tuyên bố trực tiếp với thực tế rằng những cảm xúc tích cực đảm bảo sức khỏe tốt hơn, khả năng miễn dịch tốt hơn và khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn.


Một nghiên cứu khác được thực hiện trên dân số trưởng thành của Mỹ cho thấy rằng việc có mục tiêu sống vững chắc sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạch vành ở bệnh nhân. Bệnh nhân có tiền sử rối loạn chức năng tim cho thấy các triệu chứng hồi phục nhanh chóng và khả năng tái phát thấp hơn khi được điều trị bằng các biện pháp can thiệp tích cực (Kim, Sun, Park, Kubzansky, & Peterson, 2013).


Nhìn chung, những phát hiện về ảnh hưởng của tâm lý tích cực đối với căng thẳng và trị liệu cho thấy các chuyên gia làm việc theo cách tiếp cận tích cực trong cuộc sống hàng ngày của họ hoặc những người được hướng dẫn vận dụng các biện pháp can thiệp tích cực, cho thấy mức độ căng thẳng giảm đáng kể. Họ cũng cho biết họ cảm thấy tự tạo động lực cho bản thân, có mối quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp, làm việc năng suất hơn và hài lòng với bản thân hơn.


Các can thiệp về sức khỏe tâm thần giúp tăng cường sức khỏe


1. Liệu pháp hành vi nhận thức


Liệu pháp hành vi nhận thức ngày nay được hầu hết mọi người biết đến. Nó được cho là liệu pháp tâm lý được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Lý do đằng sau sự thừa nhận và áp dụng rộng rãi của CBT là nó có các yếu tố cấu thành phù hợp với sức khỏe cá nhân và khả năng tự phục hồi.


CBT nói chung là một liệu pháp tâm lý - xã hội. Bệnh nhân chịu trách nhiệm về sự hồi phục của mình tương đương như nhà trị liệu. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng CBT giúp xây dựng điểm mạnh và khả năng phục hồi cá nhân bằng cách củng cố tư duy tích cực, hành vi tự định hướng và đủ không gian để thể hiện bản thân (Kuyken, Padesky, & Dudley, 2011).


Nguyên tắc cơ bản của CBT đó là quá trình suy nghĩ là căn nguyên của những rắc rối của chúng ta và nó cố gắng biến đổi cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động, với mục đích cuối cùng là điều khiển sự tự nhận thức về bản thân.


Có rất nhiều bằng chứng mô tả lợi ích của việc sử dụng CBT trong trị liệu trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm trạng (Chambless & Ollendick, 2001; DeRubeis & Crits-Christoph, 1998).


Nguyên tắc cốt lõi của CBT là phát triển một thái độ tự định hướng giữa các cá nhân, nơi họ có thể nỗ lực để mang lại sự thay đổi mà họ muốn trong cuộc sống.


Các phương pháp này gắn liền với việc tự tạo động lực cho bản thân, định hướng liệu pháp, cơ sở thực tế và nhận thức tổng hợp, dẫn đến những cải thiện bền vững về sức khỏe tâm thần và lối sống.


2. Chánh niệm


Chánh niệm, hay nghệ thuật hiện hữu trong khoảnh khắc, là một cụm các kỹ thuật trị liệu tích cực giúp thúc đẩy hạnh phúc và thanh tĩnh nội tâm. Bắt nguồn từ Phật giáo cổ đại và luyện tập môn yoga, chánh niệm truyền bá thông điệp về việc sống trong “hiện tại” và thoát khỏi quá khứ.


Chánh niệm tuân theo sự pha trộn giữa khoa học và tâm linh truyền thống - ngồi thiền, cầu nguyện, kiểm soát hơi thở và nhận thức giác quan là một số biện pháp can thiệp quan trọng. Nó được sử dụng rộng rãi để trị liệu hàng loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần và giúp kiểm soát tâm trạng, thay đổi lối sống, chăm sóc sau rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và tư vấn hỗ trợ cảm xúc.


Các nghiên cứu chỉ ra rằng các can thiệp tích cực dựa trên chánh niệm làm gia tăng cảm giác khỏe mạnh chủ quan và có lợi cho cả nhóm bệnh nhân lâm sàng và không lâm sàng (Grossman, Niemann, Schmidt, & Walach, 2004).


Ở cấp độ sinh lý, thực hành chánh niệm cải thiện chức năng tim, xây dựng khả năng miễn dịch và duy trì sự cân bằng nội tiết tố tối ưu trong cơ thể. Ở cấp độ tâm lý, nó giúp giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta, tối đa hóa trải nghiệm tích cực và tối ưu hóa điểm mạnh và năng lực nội tại của chúng ta.


Nghiên cứu về hiệu quả của chánh niệm của Ryan M. Niemiec đã giải thích rõ ràng mối liên hệ giữa chánh niệm với điểm mạnh cá nhân, xây dựng tính cách và kết quả tích cực (2013). Ông chỉ ra rằng các biện pháp can thiệp tâm lý tích cực để xây dựng động lực nội tại và hỗ trợ sự phát triển chung của chúng ta bao gồm - Thực hành điểm mạnh dựa trên chánh niệm (MBSP), Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT), Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) và Thực hành thiền dựa trên chánh niệm .


Nghiên cứu cho thấy rõ các phương pháp thực hành chánh niệm được xem xét trên nhiều tầng lớp dân cư và có thể được vận dụng hiệu quả để thúc đẩy quá trình phục hồi và cải thiện bản thân.


3. Liệu pháp tường thuật


Một can thiệp tích cực khác đáng chú ý phải kể đến là tâm lý học kể chuyện hay còn gọi là liệu pháp tường thuật. Liệu pháp tường thuật mang lại năng lực tự thể hiện bằng cách cho phép các cá nhân truyền tải cảm xúc và thái độ của họ thành lời.


Liệu pháp tường thuật tham gia vào ba khía cạnh của sức khỏe:



  1. Không bị kiềm chế thể hiện hoặc nói rõ những cảm nhận chúng ta.
  2. Nhận thức về những gì chúng ta nghĩ đến và cảm nhận.
  3. Nhận thức xã hội về cách nói rõ những cảm nhận của chúng ta (Smyth, 1998).


Phương pháp tiếp cận liệu pháp tường thuật liên quan đến việc yêu cầu cá nhân viết về trải nghiệm cảm xúc của họ và tự đọc nó để xác định những suy nghĩ tiêu cực và thử thách thay thế chúng. Một số liệu pháp tường thuật khuyến khích những người tham gia tạo ra mỗi câu chuyện dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ và suy nghĩ về cách có thể chuyển những hậu quả tiêu cực thành tích cực.


Liệu pháp tâm lý tường thuật sẽ giúp ích cho những người thiếu sự thể hiện bản thân hoặc bản chất là người hướng nội, những người có mức độ gây hấn cao và những người đang vật lộn với việc kiểm soát cơn giận (Christensen & Smith, 1993).



4. Liệu pháp hồi tưởng


Liệu pháp Hồi tưởng (R.T.) nổi bật trong số các biện pháp can thiệp tích cực truyền thống nhằm thúc đẩy hạnh phúc thông qua các bài tập định hướng hiện tại hoặc tương lai. Tiến sĩ Robert Butler, một bác sĩ lão khoa tâm thần, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng việc nhớ lại ký ức có thể coi là phương pháp trị liệu (Butler, 1960).


Butler cho rằng việc hồi tưởng lại những ký ức cũ, đặc biệt là đối với những người sắp lìa trần hoặc đang trải qua giai đoạn trầm cảm nặng, giúp họ nhìn nhận cuộc sống của mình. Ở đây không phải là hồi tưởng lại quá khứ; mà là việc tìm kiếm ý nghĩa của từ "hiện tại" thông qua những gì đã xảy ra.


Liệu pháp Hồi tưởng nâng cao lòng tự trọng và mang lại cảm giác thỏa mãn ở mỗi cá nhân. Đối với những người lớn tuổi, hồi tưởng lại quá khứ sẽ thúc đẩy họ có thể nói và chia sẻ trải nghiệm với nhà trị liệu, từ đó thúc đẩy năng lực tự thể hiện và xúc tác cảm xúc.


Bên cạnh việc giúp ích cho những người lớn tuổi, R.T. cũng là một phương pháp trị liệu được lựa chọn cho bệnh mất trí nhớ và bệnh Alzheimer (một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi), nơi bệnh nhân được cung cấp các dấu hiệu thông tin và được thăm dò để gợi lại những điều họ nhớ về nó. Liệu pháp hồi tưởng nuôi dưỡng hạnh phúc và tính tích cực.


  • Nó thu hút người tham gia kể về quá khứ và chia sẻ cảm xúc của họ.
  • Kỹ năng lắng nghe tích cực của nhà trị liệu giúp bệnh nhân cảm thấy được lắng nghe và tầm quan trọng của họ.
  • Bối cảnh trị liệu thân mật khuyến khích bệnh nhân cởi mở và tham gia vào giao tiếp tích cực.
  • R.T., khi được tiến hành dưới dạng trị liệu nhóm, cho phép các cá nhân lắng nghe câu chuyện của nhau và mở rộng nhận thức của họ.
  • Nó thúc đẩy giao tiếp xã hội và tăng các tương tác tích cực.
  • Nó cải thiện khả năng nhận biết và hồi tưởng.


5 Hành động tích cực cải thiện sức khỏe tâm thần


Tal Ben-Shahar, trong cuốn sách ‘Hạnh phúc hơn’ (2007), giải thích rằng rèn luyện tính tích cực là mục tiêu thực sự để theo đuổi hạnh phúc và nó đảm bảo sự hài lòng suốt đời. Các nghiên cứu của ông về hạnh phúc dưới góc nhìn khoa học chỉ ra rằng, chúng ta có thể xây dựng lại cuộc sống của chính mình bằng một vài can thiệp tích cực đơn giản, chẳng hạn như:


1. Biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống


Lập danh sách những điều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc và những người quan trọng nhất mang lại ý nghĩa đích thực và sự viên mãn trong cuộc sống của chúng ta (Diener & Diener, 1996). Chúng ta nên trực tiếp biết ơn và cảm thấy may mắn đã đem lại.

Tạo thói quen rất đơn giản (Martínez-Martí, Avia, & Hernández-Lloreda, 2010):


  • Liệt kê những điều bạn thích làm. Những việc này được gọi là 'khích lệ niềm hạnh phúc' và có thể là bất cứ điều gì từ việc dành thời gian cho gia đình, làm thủ công hoặc làm việc.
  • Hãy nghĩ về lý do tại sao bạn cảm thấy may mắn khi thực hiện những việc đó.
  • Thử tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ ra sao khi thiếu đi những điều đó và bạn sẽ cảm thấy thế nào khi không thể dành thời gian cho chúng nữa. Hãy viết hết cảm xúc của bạn ra giấy.
  • Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân, bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho những yếu tố khích lệ sự hạnh phúc và lập danh sách những điều mà bạn cho rằng ngăn cản bạn thực hiện những điều bạn yêu thích.
  • Học hỏi từ những phản hồi và hướng tới mục tiêu nâng cao các yếu tố khích lệ sự hạnh phúc bằng cách tham gia vào các hoạt động mà bạn yêu thích.


2. Học hỏi từ những trải nghiệm tiêu cực


Như câu nói nổi tiếng từng viết, “Nếu bạn muốn thay đổi hiện tại, hãy học hỏi từ quá khứ của bạn” (Baruch Spinoza).


Những cuộc gặp gỡ tiêu cực có thể dạy cho chúng ta rất nhiều bài học về cuộc sống tích cực. Giáo sư Ben-Shahar, trong các tác phẩm về tâm lý học tích cực, đã nhiều lần đề cập rằng những kinh nghiệm trong quá khứ giúp một người kiên cường hơn trước những căng thẳng, và một khi chúng ta vượt qua nghịch cảnh, chúng ta sẽ trở nên biết ơn hơn cuộc sống hiện tại.


3. Thực hành lòng biết ơn


Lòng biết ơn là một công cụ mạnh mẽ để nâng cao năng lực bản thân. Chỉ cần liệt kê những người và những điều chúng ta biết ơn hoặc dành một chút thời gian để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với ai đó bằng lời nói, chúng ta có thể cảm thấy tốt hơn về bản thân. Thực hành lòng biết ơn hàng ngày có thể bao gồm việc viết nhật ký, ghé thăm hoặc ghi chú, v.v.


4. Duy trì lối sống lành mạnh


Mặc dù sự thật là hạnh phúc giúp cải thiện lối sống, nhưng nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng một lối sống lành mạnh có thể đạt đến đỉnh cao sự hạnh phúc như thế nào. Ben Shahar từng nói rằng lối sống tích cực vận hành như một cơ chế chữa lành tự nhiên.


Những sự vận hành tích cực này giúp cơ thể giải phóng các độc tố có hại và hoạt động như thuốc chống trầm cảm. Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa hạnh phúc sức khỏe tâm lý và hạnh phúc cho thấy rằng những cá nhân có lối sống lành mạnh hơn (bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ ngon và tập thể dục thường xuyên), sẽ hạn chế sự nhạy cảm với bệnh tật và đau khổ tâm lý (Trudel-Fitzgerald, Boehm, Tworoger & Kubzansky, 2018).


5. Theo dõi tâm trạng


Tâm trạng là sợi dây liên kết những suy nghĩ và hành động của chúng ta. Chúng ta biết mình đang cảm thấy như thế nào từ nội tâm bằng cách đánh giá trạng thái tâm trạng của chính mình. Tâm lý học tích cực tin rằng việc lập một biểu đồ tâm trạng cá nhân có thể là một cách tuyệt vời để theo dõi những thăng trầm của tâm trạng và thấu hiểu cảm giác mà chúng ta trải qua.


Lập biểu đồ tâm trạng rất thú vị và đơn giản. Bạn chỉ cần sống thật với bản thân và ghi chú lại cảm xúc của mình trong ngày. Hãy dành ra vài phút mỗi ngày để viết vào nhật ký tâm trạng của bạn và để ý xem nó sẽ chỉ dẫn bạn tự nhận thức về bản thân như thế nào.


Thông điệp truyền tải



Hạnh phúc mà chúng ta thường tìm kiếm nơi xa xôi lại hiện diện ngay tại đây bên trong chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần làm là sống chậm lại và dành một chút thời gian để tìm ra nó.


Tâm lý học tích cực mở đường cho chúng ta dừng chân và thưởng thức những điều kỳ diệu từng xuất hiện trong cuộc sống. Nó không đi ngược lại hay đối lập với các thực hành sức khỏe tâm thần truyền thống mà bổ sung đầy đủ bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành động của chúng ta theo hướng tốt hơn (Ben-Shahar, 2007).


Mục tiêu của bất kỳ sự can thiệp tích cực nào là khám phá ba yếu tố của hạnh phúc - niềm vui ngắn hạn, niềm vui từ việc kết nối với những người khác, và hạnh phúc khi đạt được ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Bất kể chúng ta thực hành những biện pháp can thiệp nào và chúng ta chọn loại liệu pháp nào cho bản thân, tâm lý học tích cực luôn cho chúng ta thấy cách “Chìm đắm trong điều kỳ diệu và cảm động bởi sự yên bình”.


------------


Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: SweetIvy

Ảnh: pexels

[Online] Available at: 

<https://positivepsychology.com/positive-psychology-and-mental-health/> [August 2, 2021]

BẢN THẢO
Bài viết liên quan