Một cơn đại dịch khác đang đến?

Có ai đang va phải một cơn đại dịch khác không? Một cơn đại dịch điên rồ khác?!


Có ai đang va phải cơn đại dịch khác không? Một cơn đại dịch điên rồ khác?!


Chỉ một nửa số người Mỹ được tiêm phòng đầy đủ. Việc yêu cầu đeo khẩu trang đang dần trở lại. Mùa hè sắp kết thúc, với thời tiết lạnh giá và tình trạng cách ly làm người ta phát điên. Các doanh nghiệp nhỏ và nhà hàng đang sợ hãi khi nghĩ về tương lai. Vào đầu tuần này, một chủ nhà hàng ở thành phố của tôi cho biết: “Tôi hoàn toàn sợ hãi về những điều sắp xảy ra.”


Chưa kể đến cháy rừng và những trận lũ lụt lịch sử hay sự bất bình đẳng về kinh tế.


Có vẻ như mọi thứ tôi đã làm - tiêm phòng (ngay cả khi tôi hơi sợ hãi) hay cố gắng hết sức để đeo khẩu trang trong nhà (ngay cả khi nó làm tôi khó chịu) - không có ý nghĩa gì cả. Hoàn toàn không.


Và đó là lý do tại sao một lần nữa tôi lại nghĩ về “burnout” (hội chứng cháy sạch).


Tôi nhớ những gì mình đã học được khi đọc cuốn sách của chị em Emily Nagoski và Amelia Nagoski về vấn đề này trước đó trong đại dịch.

Dường như nó không có liên quan đến địa ngục Covid của chúng tôi khi đó. Thuật ngữ “burnout” theo truyền thống được sử dụng để mô tả các vấn đề tâm lý liên quan đến công việc. Tôi đã không cảm thấy kiệt sức vào mùa hè năm ngoái. Công việc đã (và vẫn) ổn. Vắc xin đang đến. Và sự trở lại của thứ gọi là “bình thường” đã đến gần.


Nhưng trong vài tuần qua - khi các ca nhiễm gia tăng và có những người nhất quyết từ chối tiêm vắc-xin - tôi đang cảm thấy những điều nghe có vẻ giống như “burnout”.


Ảnh của Nataliya Vaitkevich từ Pexels


Theo Herbert Freudenberger - nhà tâm lý học đã đặt ra thuật ngữ này vào những năm 1970 – “Burnout” có ba triệu chứng chính: kiệt sức về cảm xúc, xa lánh và giảm cảm giác đạt được thành quả.


Nagoski mô tả nó là “cảm giác những điều bạn làm chẳng hề tạo ra sự thay đổi nào.”


Tiêm phòng có quan trọng không nếu chúng ta cần tiêm các mũi tăng cường trong suốt phần còn lại của cuộc đời mình? Việc hỗ trợ những người lao động thiết yếu có quan trọng không nếu họ vẫn bị buộc phải liều mạng với mức lương thấp? Việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương có quan trọng không nếu họ vẫn lo lắng về việc đóng cửa để kiểm soát được tình trạng?


Một triệu chứng khác ít phổ biến hơn là tức giận. Và ồ, tôi cảm thấy điều đó.


Tôi ước mình có thể hạ gục những người chống lại việc đeo khẩu trang. Tôi ước mình có thể đấm Thống đốc bang Florida Ron DeSantis vì những thông điệp phân biệt chủng tộc đổ lỗi cho “cuộc khủng hoảng biên giới” của ông ta. Tôi ước mình có thời gian để bình luận “STFU” (im miệng đi) mỗi khi một giáo viên yoga đăng những điều vô nghĩa về chống vắc-xin trên Instagram.


Đó là lý do tại sao việc tôi biết mình đang chịu đựng “burnout” là hữu ích. Nó cho tôi một lộ trình để cảm thấy tốt hơn, ngay cả khi nó biến tôi thành một phiên bản sống của chú chó trong meme “This is Fine”.


Nguồn: Pinterest.

Nagoski đưa ra một số điều cần làm để giảm bớt tình trạng “burnout”.


Một là hãy kết nối thực sự với những người khác. Điều đó có nghĩa là tôi có lẽ nên cố gắng dành thời gian cho những người bạn thân (những người đã được tiêm phòng). Và tôi nên tiếp tục đi trị liệu.


Một cách khác là nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi đã đấu tranh với điều đó từ lâu. Xã hội tư bản của chúng ta nói với chúng ta rằng nghỉ ngơi chỉ dành cho những người lười biếng (trừ khi bạn giàu có như Jeff Bezos trên du thuyền của ông ta). Tôi sẽ cố gắng tìm cách để nghỉ ngơi mà không chỉ chăm chăm xem TV, ví dụ như đi bộ chậm trong công viên gần nhà.


Họ cũng nói về việc “hoàn thành chu kỳ căng thẳng”. Họ viết rằng:


Trong khi bạn đang quản lý các tác nhân gây căng thẳng trong ngày, cơ thể bạn đang quản lý sự căng thẳng trong ngày và điều tối quan trọng đối với sức khỏe của bạn là, bạn cần cung cấp cho cơ thể các nguồn lực cần thiết để hoàn thành các chu kỳ phản ứng với căng thẳng đã được kích hoạt.


Điều này khiến tôi nghĩ đến: mình có thể chuyển các bài tập thể dục vào cuối ngày hoặc thêm một bài thiền ngắn vào thói quen buổi tối của tôi. Và mỗi khi tôi muốn thức khuya hay đắm chìm trong những tin tức tiêu cực từ Twitter, tôi cần ngủ 8-9 tiếng mỗi đêm.


Tôi sẽ bắt đầu với một vài giải pháp này và xem điều gì sẽ xảy ra. Ít nhất tôi biết rằng tôi không đơn độc. Trong một bài báo gần đây trên tờ Atlantic, bác sĩ Lucy McBride đã viết:


Các triệu chứng của “burnout” đã trở thành bệnh lý. Việc phải vượt qua một trận đại dịch đã và đang khiến chúng ta phát ốm. Là một bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tôi đang chứng kiến ​​những tổn thương về thể chất-sức khỏe của chấn thương cộng đồng.


Có ai khác cũng đang cảm thấy như vậy không?



-------------

Dịch bởi: Boba

Biên tập: SweetIvy

Ảnh: Pexels & Pinterest

Tham khảo:

Jeremy Mohler (2021), Another Pandemic Wall Is Coming [Online] Available at: <https://goodmenproject.com/featured-content/another-pandemic-wall-is-coming-kpkn/ > [Accessed 18 September 2021]

-------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan