Ý tưởng: một con đường dài để đến được lúc lóe sáng

Ý tưởng không phải lúc nào cũng chạy đến với chúng ta, đôi lúc chúng trốn kĩ thật kĩ. Trong lúc đợi ý tưởng trở về, hãy cùng đọc qua bài viết này, để xem liệu có cách nào giúp ý tưởng nhớ ta nhiều như ta nhớ chúng không nhé.

Giả sử bạn gặp phải chướng ngại trong công việc và trở về nhà với một nỗi thất vọng tràn trề. Sau đó, bạn lại đột nhiên nghĩ ra giải pháp cho vấn đề ở công ty trong lúc đang bận rộn chuẩn bị bữa tối. Trong nghiên cứu gần đây của Đại học California, Santa Barbara chỉ ra rằng vài ý tưởng sáng tạo đã được nảy sinh từ những tình huống như vậy - đặc biệt là khi chúng ta làm những công việc đòi hỏi sự sáng tạo. 


Trong một vài nghiên cứu khác, các nhà tâm lý học như Shelly L. Gable, Elizabeth A. Hopper và Jonathan Schooler đã tuyển hai kiểu người kiếm kế sinh nhai dựa vào sự sáng tạo - những nhà nghiên cứu học thuyết vật lý và các tác giả chuyên nghiệp. Nghiên cứu đầu tiên gồm 45 nhà vật lý ở trụ sở nghiên cứu và 53 tác giả - bao gồm biên kịch, tiểu thuyết gia và các tác giả của những đầu sách phi hư cấu khác (nonfiction). Vào mỗi buổi tối xuyên suốt hai tuần liên tiếp, tất cả những người tham gia đều được nhận email khảo sát, nội dung trong đó chủ yếu hỏi về các ý tưởng sáng tạo liên quan đến chuyên ngành và những gì họ thực hiện khi có ý tưởng. Cụ thể hơn là họ sẽ tường thuật lại việc bản thân có đang bắt tay thực hiện ý tưởng hay không, những vấn đề liên quan đến công việc hoặc thậm chí là những chuyện không liên quan khác (ví dụ như thanh toán hóa đơn).


Ngoài ra, người tham gia còn phải báo cáo lại tiến độ thực hiện ý tưởng, ví dụ như vẫn đang được tiến hành hay đang gặp phải trục trặc nào khác, thậm chí là khoảnh khắc xuất thần đến mức họ phải thốt lên “aha”. Cuối cùng, họ sẽ phải đánh giá mức độ sáng tạo và tầm quan trọng của ý tưởng.

Khoảng 6 tháng sau, những người tham gia sẽ nhận được thêm bản khảo sát về các ý tưởng họ đã liệt kê ra trong phần khảo sát trước. Tất nhiên, họ cũng sẽ phải đánh giá mức độ sáng tạo và tầm quan trọng của ý tưởng đó một lần nữa.


Nghiên cứu thứ hai cũng được thực hiện với quy trình tương tự, nhưng với số lượng người tham gia ít hơn và thời gian điền tiếp khảo sát đợt hai là 3 thay vì 6 tháng.


Thông qua 2 nghiên cứu trên, người tham gia báo cáo lại rằng có khoảng 20% những ý tưởng quan trọng nhất nảy sinh khi họ đang mải mê nghĩ về chuyện khác, và họ cũng đánh giá những ý tưởng này quan trọng và sáng tạo tương đương với những gì họ nghĩ ra trong quá trình làm việc. 


Trong phần khảo sát đợt hai, những người tham gia đã xếp hạng các ý tưởng đợt đầu của họ sáng tạo hơn, đồng thời lại ít quan trọng hơn so với đánh giá trước đó. Nhìn chung, họ cho rằng các ý tưởng đến khi tâm trí họ đang lang thang dễ dẫn đến khoảnh khắc xuất thần đến mức họ phải thốt lên “aha” hơn là các ý tưởng nảy ra trong quá trình làm việc. 


Các nhà tâm lý học cũng đã thừa nhận một vài điểm thiếu sót của họ và giới hạn trong nghiên cứu, bao gồm cả độ tin cậy về việc tự đánh giá chủ quan của người tham gia. Tuy nhiên, phát hiện này là dấu hiệu cho thấy những người làm sáng tạo thường dễ nảy sinh những ý tưởng độc đáo trong lúc họ không làm việc.


Biên dịch: Oliver

Nguồn ảnh: Google Hình ảnh

Biên tập: Khuynh Thần

Link: https://www.psychologicalscience.org/blog/the-meandering-path-to-that-aha-moment.html

BẢN THẢO
Bài viết liên quan