Một gia đình, một tình yêu, một nỗi đau lớn

Gia đình, nơi tập hợp mang hình bóng tình yêu nhưng bề mặt là nỗi đau mang nhiều vết xước

Thật là may mắn khi ta có một gia đình đủ đầy, có cha, có mẹ, có anh/ chị hoặc có em.

Nhưng đâu ai biết rằng, trong số những gia đình đủ đầy có bao nhiêu gia đình hạnh phúc, và có bao người cảm thấy hạnh phúc trong gia đình của mình. Hay ngược lại gia định lại trở thành một rào cản lớn trong hành trình phía trước bởi sự phá hủy và ngăn cản sự tự do bởi lối sống cũ.

Nhưng một điều không thể phủ nhận là ở ngoài kia còn rất nhiều những mảnh đời không may mắn lại ao ước đơn giản có một gia đình đủ đầy như ta.


Khi suy nghĩ về hai điều này, mình thật sự thấy lạ bởi rất nhiều người đã nói rằng số sướng mà không biết hưởng khi ngoài kia còn có bao nhiêu mảnh đời khó khăn.

Với mình, sự so sánh này thật sự khập khiễng. Bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chúng ta sinh ra với sự khát khao lớn là sự tự do và hạnh phúc. Còn ta được sống trong hoàn cảnh như thế nào, không ai được quyền lựa chọn, ta chỉ có cách lựa chọn hướng đi tốt hơn như thế nào trong hoàn cảnh của mình.


Gia đình của bạn, trong hành trình từ nhỏ đến hiện tại như thế nào?

Ám ảnh hay hạnh phúc.

Nếu hạnh phúc hiện hữu thì tại sao có nhiều lớp học dạy làm cha mẹ đến vậy. Đến với lớp học này mọi người làm cha, làm mẹ cảm nhận được khoảng cách thế hệ đã hiện hữu trong gia đình, từ đó mong muốn được hiểu con hơn, mong một gia đình hạnh phúc.

Ám ảnh hay hạnh phúc trong một gia đình | Nguồn: Pinterest

Bạn biết không, trong một lần tình cờ đọc bài viết của một nhà tâm lý gia đình đã nói rằng: “ Có nhiều loại bệnh tâm thần phát sinh từ gia đình”. Những rối loạn tâm thần, loạn thần kinh đều có lý do từ gia đình. Đáng buồn chứ, bởi khi cấu trúc tâm lý của một gia đình có tác động sâu tới ý thức của những thế hệ sau bởi sự giận dữ, không công bằng, áp đặt, lợi dụng,vv.vv.

Khi bạn sống khốn khổ, dần dần, bạn sẽ trở nên quen thuộc với nỗi bất hạnh. Con người ai cũng vậy, chẳng ai muốn chịu đựng đau khổ dù chỉ một khoảng khắc.

Vậy mà, có những người phải nhận những đau khổ được hiện diện trong chính gia đình.


Tình yêu là một điều huyền bí, bạn không thể thao túng được nó. Trong gia đình, đôi khi tình yêu bị tan biến, bởi ngay từ đầu đã chẳng tồn tại. Khi một gia đình xuất hiện là kết quả của một cuộc hôn nhân sắp đặt thì những đứa trẻ sẽ thế nào. Khi không có tình yêu trong ngôi nhà của mình, ta sẽ học được điều gì về cuộc sống từ cha mẹ khi ngồi nhà chẳng có chút ấm áp mà chỉ có những cuộc cãi vã, giận dữ, chỉ toàn khía cạnh xấu xí trong hình ảnh của một gia đình.

Nỗi đau như cây kim trong suốt vậy, cứ nằm im rồi âm ỉ như thế bên trong tâm trí và linh hồn. Ta luôn cố gắng che đậy những nỗi đau đấy nhưng làm sao có thể che đậy hết khi bản thân mình thật sự đang rất đau.


Trong một lần đi chùa, anh người yêu của sếp có nói chuyện với mình vài câu. Anh chỉ nói, ngay từ đầu gặp em, anh đã thấy em có đôi mắt buồn mà đôi mắt này chất chứa nhiều tâm sự không thể nói thành lời. Đơn giản vậy đấy, nhưng câu nói đơn giản đó cũng khiến tôi khựng lại đứng giữa khoảng sân rộng lớn, tôi vẫn nhớ rõ nước mắt rơi một cách tự động và đôi vai đã rung lên từng nhịp như thế nào.

Một mình khóc giữa khoảng rộng lớn của không gian | Nguồn: Pinterest

Chúng ta khi còn là đứa trẻ nhỏ, có sự nhạy cảm, mong manh và luôn mang những nét vô tư nên nhiều người lớn đã nghĩ, trẻ con nó còn nhỏ không biết cái gì đâu.

Thật lạ, thế mà chúng ta biết chán nản hoặc đau đớn khi luôn phải nghe theo người lớn, nếu không sẽ nhận sự trừng phạt. Từ đó sự tự do đã được phá hủy bằng cách xây dựng nỗi sợ với những đứa trẻ.

Nơi sự quan tâm được thể hiện bằng những lần giận dữ, cáu gắt, so sánh, phải làm những thứ không thích cho bằng với con người ta.


Nơi tình yêu được thể hiện qua những giọt nước mắt của mẹ, sự tra tấn của người cha qua những lần đòn roi gia trưởng.

Nỗi đau cứ đến như thế mà không được chia sẻ, kìm nén lại cất giữ trong một phần ký ức, cứ thế ám ảnh ta trên con đường trưởng thành mà chưa thể giải phóng.


Làm sao có thể sẻ chia, khi ai ai cũng mang trong mình những nỗi đau, những vấn đề chưa được giải quyết của riêng mình. Cứ thế, nỗi đau đã cùng ta lớn lên với tuyệt vọng mang dấu ấn của tình yêu gia đình.

Vậy những gì đã trải qua, liệu còn tin vào tình yêu không?


Có chứ, nếu không có tình yêu sao chúng ta có thể biết cách sống được. Chỉ là bức tranh tình yêu được vẽ sai, chưa mang sự hiện diện của tình yêu chân thành và đúng đắn. Vậy, trách nhiệm của ta là hãy tìm kiếm, tìm kiếm tình yêu thật sự, một tình yêu mang lại niềm vui, sự tự do, không ràng buộc, không sở hữu.

Cứ gõ cửa sẽ mở.

Cứ gõ cửa sẽ mở | Nguồn: Pinterest

Thật ra, khi ta đau khổ ta sẽ thườnng có tâm lý đi trách móc hơn là cảm thông. Cảm thông chỉ có thể đến khi ta đủ hiểu và tình thương được bao trùm trong suy nghĩ và trái tim. Lúc này, ta có nhận ra không? Cha mẹ ta cũng là nạn nhân được kế thừa sự giáo dục của thế hệ trước đó, thế hệ đó đã có những môi trường sống khác, suy nghĩ khác, quan điểm khác và cả sự quan tâm cũng khác. Chỉ khi có những sai lầm đấy xuất hiện, thì điều đúng đắn mới được để ý và lên ngôi.


Sự tự do và hạnh phúc là khát khao lớn của mỗi người, để đạt được cũng cần quá trình và từng bước.

Biết rằng hành trình đấy có đau, có buồn nhưng lựa chọn nằm ở người khôn ngoan.

Có người khi nỗi đau quá lớn sẽ nối tiếp những hành động tổn thương đó cho người đến sau. Có người hiểu rõ nỗi đau đó nên học được cách làm sao để người đến sau được yêu thương trọn vẹn.


Mong cho chúng ta, những con người cùng nỗi đau, sẽ sống tỉnh táo hơn trong việc định hướng cuộc sống phía trước.

Bạn có điều gì muốn được giải phóng trong phần ký ức này không? Hãy chia sẻ với Hame.


Tác giả: Bất Hối

BẢN THẢO
Bài viết liên quan