Một người nhạy cảm cao (Highly Sensitive Person) rốt cuộc là người như thế nào?

Đã bao giờ bạn nghe đến thuật ngữ HSP (Highly Sensitive Person) chưa? Nếu bạn còn băn khoăn chưa thực sự hiểu thế nào là một người nhạy cảm cao thì bài viết này là dành cho bạn.


Thế nào là một người cực kì nhạy cảm?


HSP là một thuật ngữ chỉ những người có hệ thần kinh trung ương phát triển và nhạy cảm đối với sự kích thích về thể chất, cảm xúc hoặc xã hội. Những người thế này đôi khi bị đánh giá là “quá nhạy cảm”, nhưng đó thực chất là một đặc điểm tính cách mang lại cả ưu điểm và thách thức.


Làm thế nào để nhận biết một người nhạy cảm cao?


Đã bao giờ bạn nghe ai đó nhận xét là “quá nhạy cảm” hay “đừng suy nghĩ quá nhiều như vậy”, đặc biệt là những người liên tục tấn công bạn bằng cách nói quá lên hay những người mà bạn biết rằng đáng lẽ họ nên suy xét kỹ hơn trước khi nói.


Các nhà nghiên cứu đã đưa ra các đặc điểm tính cách chung của những người có độ nhạy cảm cao:


  • Tránh các bộ phim hoặc chương trình truyền hình có yếu tố bạo lực bởi vì đôi khi chúng khiến bạn cảm thấy bất an khi đối diện với các trạng thái cảm xúc mãnh liệt.
  • Rung động sâu sắc với cái đẹp: cái đẹp ở đây được thể hiện trong nghệ thuật, thiên nhiên hoặc vẻ đẹp tâm hồn con người, đôi khi chỉ đơn giản là một quảng cáo thú vị.
  • Bị choáng ngợp bởi các kích thích về giác quan như đám đông ồn ào, ánh đèn rực rỡ hoặc trang phục không thoải mái.
  • Cảm thấy cần ở một mình (đây không hẳn là sở thích), đặc biệt là vào những ngày bạn bận rộn, bạn rất cần lui vào một căn phòng tối và yên tĩnh để có thể tập trung và không bị rối loạn tinh thần.
  • Đời sống nội tâm phong phú và phức tạp, đi cùng với suy nghĩ sâu sắc và cảm xúc mãnh liệt.


Mức độ phổ biến của HSPs


20% dân số là những người cực kì nhạy cảm. Tính nhạy cảm cao và sự hướng nội có nhiều nét giống nhau nhưng bản chất vẫn là những tính cách riêng biệt, đôi khi có những đặc điểm khó phân biệt giữa hai nét tính cách này. Độ nhạy bén trong xử lý các cảm giác cũng thường bị nhầm lẫn với rối loạn xử lý cảm giác, dù cả hai khác nhau. Những người cực kì nhạy cảm có thể tận dụng lợi ích từ việc đối mặt với những căng thẳng thường gặp. Điều này đúng với những người tự nhận mình là HSP hay có người thân nhạy cảm hơn người bình thường.


Trở thành một người nhạy cảm cao có ảnh hưởng thế nào?


Trở thành một người nhạy cảm cao có cả lợi thế lẫn thách thức. Bạn dễ bị xúc phạm bởi những người cố tỏ ra tốt đẹp hoặc những người cố gắng trở nên tử tế. Bạn cũng có thể sẽ phản ứng thái quá với các tác nhân gây căng thẳng hằng ngày hoặc các vấn đề trong mối quan hệ, đặc biệt là bạn dễ trở nên dữ tợn về mặt cảm xúc để đáp trả mọi người.


Tuy nhiên, trở thành một HSP không đồng nghĩa với việc tưởng tượng ra những điều tiêu cực trong khi nó không hề tồn tại. Sẽ ổn hơn nếu bạn cảm nhận chúng một cách nhẹ nhàng. Trở thành một người cực kì nhạy cảm ảnh hưởng đến một vài hoạt động của cuộc sống như:


  • Bạn có xu hướng tránh né những tình huống khiến bạn cảm thấy choáng ngợp.
  • Bạn rung động sâu sắc trước cái đẹp hoặc tình cảm.
  • Bạn có mối quan hệ thân thiết với người khác. Bạn quan tâm bạn bè một cách chân thành và có xu hướng xây dựng mối quan hệ sâu sắc với những người bạn cho là phù hợp với mình.
  • Bạn biết ơn cuộc sống hiện tại: Bạn cảm thấy biết ơn những điều mình đang có dù hiểu rằng có thể nó chỉ là sự thoáng qua hay không chắc chắn.


Ảnh: Stocksnap from Pixabay


Những thách thức tiềm ẩn


Không có gì ngạc nhiên khi nói những người nhạy cảm cao có xu hướng cảm thấy căng thẳng khi đối mặt với những tình huống khó khăn. Căng thẳng xã hội khác rất nhiều so với các dạng căng thẳng thông thường. Loại căng thẳng này đặc biệt gây khó khăn với một người thường nhận thức sự việc theo nhiều cách khác nhau, hay cảm nhận được sự thù hằn hoặc áp lực mà người khác không nhận thấy. Những điều gây căng thẳng cho HSP cụ thể bao gồm:


Sự kỳ vọng của người khác


HSP có xu hướng tiếp nhận nhu cầu và cảm xúc của người khác. Họ không muốn làm mọi người thất vọng. Học cách “say No” với các tình huống là một thách thức nhưng cũng là điều vô cùng cần thiết với các HSPs vì đôi khi họ sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi những yêu cầu của người khác.


Sự xung đột


HSP có thể bị căng thẳng do xung đột. Họ nhận thức rõ hơn về những rắc rối trong mối quan hệ của mình. Điều này cũng có thể dẫn đến việc hiểu lầm sự việc không liên quan thành dấu hiệu của sự xung đột hoặc thái độ tức giận.


Áp lực mang tên so sánh xã hội


HSP có thể bị căng thẳng bởi sự so sánh xã hội. Họ có thể cảm nhận được sự tiêu cực của người khác cũng như chính mình, cũng có thể trải nghiệm chúng một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn người khác.


Sự thất bại của bản thân


HSP cũng có thể chỉ trích chính bản thân mình một cách tồi tệ nhất nên họ dễ bị suy nghĩ thái quá và cảm thấy tự ti. Họ không dễ quên những lỗi lầm đáng xấu hổ và cảm thấy xấu hổ về điều đó nhiều hơn người bình thường.


Lời nhắn nhủ từ chúng tôi


Là một người cực kì nhạy cảm có nghĩa là bạn có khả năng cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc, dù đó là những điều tích cực hay tiêu cực. Hãy lên kế hoạch quản lý cảm xúc trong những tình huống khó khăn để đảm bảo bản thân bạn sẽ không bị choáng ngợp trước mọi thứ.


-------------------

Dịch bởi: bluewhale52

Biên tập: Rabbie

Tham khảo: 

Elizabeth Scott (2020), What is a Highly sensitive person (HSP)?

Available at:

< https://www.verywellmind.com/highly-sensitive-persons-traits-that-create-more-stress-4126393 > [Accessed at September 24th 2021]

-------------------


BẢN THẢO
Bài viết liên quan