Một người nhạy cảm

Đến một lời than thở cũng chẳng biết nói cho ai nghe….

Đến một lời than thở cũng chẳng biết nói cho ai nghe….

 

“Người nhạy cảm” - có lẽ đây là danh từ đang phổ biến trong tầng lớp giới trẻ hiện nay. Đây là một kiểu người rất dễ bắt gặp ở các bạn trẻ, những người có tâm hồn nhạy cảm với thế giới. Kiểu người này luôn cảm thấy người khác không thích họ, lại vừa cảm thấy là họ nghĩ quá nhiều. Cứ luôn tự mâu thuẫn bản thân như vậy. Nhưng họ lại có năng lực gửi gắm tình cảm rất mạnh mẽ. Sợ giao tiếp nhưng lại muốn hoà nhập và giao tiếp cộng đồng. Điểm đặc biệt của chúng ta đó là luôn để ý cách nhìn của người khác về mình. Thế giới nội tâm của họ tràn đầy hy vọng và nhiệt huyết. Đối với một cô gái nhạy cảm mà nói, ai đối tốt với cô ấy một chút, cô ấy sẽ ghi lòng tạc dạ. Còn ai nghi ngờ cô ấy dù chỉ một chút, cô ấy cũng sẽ canh cánh trong lòng. Và dù xảy ra bất cứ chuyện gì thì sẽ luôn xem nhẹ bản thân trước tiên. Rất sợ bản thân không được mọi người yêu thích, sợ bị ghét bỏ. Hơn nữa thường có một nỗi khổ tâm mà chẳng bao giờ có thể chia sẻ với người khác. Khi mà thế giới ngày càng phát triển thì chúng ta lại càng dễ rơi vào tình trạng này hơn là so với trước đây. Liệu có phải sự thay đổi của thế giới ảnh hưởng đến những cảm xúc mà con người thì đang ngày càng lơ là nó đi không?

 

Vì sợ làm phiền đến người khác mà chẳng bao giờ bày tỏ tâm sự với bất kỳ ai. Lúc nào cũng lo lắng rằng những suy nghĩ tiêu cực của mình sẽ ảnh hưởng đến họ. Mặc dù có đôi lúc chúng ta nói ra không cần ai đó đưa ra lời khuyên mà chỉ cần có một người lắng nghe. Nhưng có vẻ điều đó ngày càng trở nên khó đạt được khi cuộc sống của mỗi người đều có những mối bận tâm riêng. Vì thế chỉ còn cách ôm lấy những nỗi buồn đi qua năm tháng mà chẳng có lấy một người để chút bớt gánh nặng trong lòng. Có những lúc chúng ta cảm thấy bế tắc đến mức không thở nổi nhưng cũng chẳng biết lấy tư cách gì để than thở với người khác. Nói với bố mẹ thì sợ họ lo lắng, nói với bạn bè thì chẳng ai thân đến mức độ như vậy. Và chúng ta tìm đến mạng xã hội như những người bạn thực sự. Ở đó chúng ta có thể tìm thấy những lời an ủi, lời động viên chân thành nhất và cả những tâm hồn đồng điệu. Chỉ cần tạo một cái tên ẩn danh là mọi chuyện buồn phiền đều có thể dễ dàng chia sẻ. Qua một cái màn hình đều có thể trở thành tri kỷ. Có phải vì ở đó chúng ta đều có thể phô diễn hết bản thân mà không sợ người khác biết đến mình là ai, ở đâu không? Người lạ luôn có thể trở thành người quan trọng hơn cả những ở xung quanh chúng ta. 

 

Hãy mạnh dạn bước qua cách cửa của bản thân để đón nhận thế giới này. | Ảnh: Pinterest

 

 Ở nơi mà ai ai cũng trở nên thật xa lạ và đầy toan tính thì ai sẽ là người có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho chúng ta mỗi khi vấp ngã đây? Đối với một người nhạy cảm thì đây có thể là một rào cản trong cuộc sống. Để mà nói ai mà chẳng có nỗi lòng của riêng mình, ai rảnh đâu mà quan tâm đến những người xung quanh mình nữa. Hay thế giới này đã quá vất vả rồi thời gian nghỉ ngơi còn không có thì lấy đâu ra thời gian nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình nữa. Chúng ta vẫn dùng những câu nói đó để tự động viên mình hay những người khác nhưng nó có thực sự dễ dàng đến thế không? Đúng là với guồng quay của cuộc sống mưu sinh chúng ta vật lộn với nó cũng đã đủ mệt mỏi rồi, nhưng cảm xúc của con người thì cũng chưa bao giờ dễ dàng kiểm soát như thế. Chúng ta vẫn có thừa năng lượng để tự dằn vặt chính mình, tự trách mình. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người nhạy cảm cũng có thể tự tạo cho mình những áp lực riêng mà không phải chính họ muốn mình như thế. Suy cho cùng, không phải do chúng ta quá thả trôi cảm xúc của mình mà là chúng ta vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào cách cư xử của người khác. Thật ra người khác có những quan điểm của riêng họ, bản thân mỗi người cũng có nhân sinh quan khác nhau. Vậy thì, tại sao vẫn cứ để nó ảnh hưởng đến cảm xúc của mình cơ chứ. Nếu cứ tiếp tục đắm chìm trong cảm giác dằn vặt, sợ hãi thì bạn vẫn sẽ mãi mãi đứng yên tại chỗ, chẳng dám làm gì để thể hiện bản thân mình cả. Hãy mạnh dạn thể hiện bản thân và cảm xúc của mình đối với thế giới này, đừng tự ép mình theo một khuôn khổ nào đó. Người khác không thực sự để ý đến bạn nhiều như những gì bạn vẫn nghĩ đâu.

 

Khi lớn lên rồi, bạn chợt nhận ra mình không cần phải cố gắng để hoà vào một nhóm gọi là bạn. Đến lúc nào đó bạn sẽ tìm được một nơi mà mình thuộc về, không cần phải cố gắng cười hùa, cố gắng suy nghĩ ra câu chuyện để không cảm thấy lạc lõng. Lớn lên bạn sẽ có đủ dũng khí để bước ra khỏi lồng giam mà bạn không cảm nhận được chính mình. Bạn đủ hấp dẫn để thu hút những người đồng quan điểm, đồng sở thích và đồng lòng trở thành người bạn đúng nghĩa của mình. Lớn rồi bạn sẽ dần cắt đi những mối quan hệ mà trước đây bạn nghĩ rằng không chơi với họ sẽ không có ai chơi với mình, không đi chơi với họ, họ sẽ nghỉ chơi với mình. Có thể bản thân chúng ta sẽ là vai ác trong câu chuyện của ai đó. Chúng ta không cần phải làm vừa lòng tất cả. Chẳng phải dành thời gian cho những người yêu thương mình và bản thân mình là quá đủ rồi hay sao? 

 

 

 

Tác giả: Sora

BẢN THẢO
Bài viết liên quan