Một người vừa hướng nội vừa nhạy cảm thu hút đối phương ngay từ lần gặp đầu tiên bằng cách nào?

Nếu “lắng nghe” là một nghệ thuật thì người biết “lắng nghe" có lẽ cũng được coi là một nghệ sĩ. Và sự thật là, một người vừa hướng nội vừa nhạy cảm làm khá tốt điều này.

1/ Lắng nghe “sâu”


Nếu “lắng nghe” là một nghệ thuật thì người biết “lắng nghe" có lẽ cũng được coi là một nghệ sĩ. Và sự thật là, một người vừa hướng nội vừa nhạy cảm làm khá tốt điều này. Vừa hướng nội vừa nhạy cảm là khi trái tim bạn vừa “mở” lại vừa “khép”. Nó “mở” để cảm nhận từng hơi thở và chuyển động (dù là nhỏ nhất) của đối phương và “khép”để đón nhận sự dịch chuyển ấy một cách từ tốn, không khoa trương, vừa đủ để cả hai có những tín hiệu loé lên ban đầu.


Một người vừa hướng nội vừa nhạy cảm sẽ biết khi nào nên lên tiếng trong một cuộc trò chuyện (nhất là với một người hoàn toàn xa lạ). Khi ấy, trái tim họ sẽ phát tín hiệu cho đôi tai tất cả những gì đối phương thể hiện, từ cử chỉ, hành vi cho đến lời nói.

Lắng nghe “sâu" là khi bạn không những thực sự mở lòng đón nhận câu chuyện của đối phương mà còn thực sự muốn hay khao khát được trở thành một phần trong câu chuyện ấy.


Lắng nghe “sâu" là khi đối phương thậm chí không cần nói tới mạch chuyện tiếp theo, bạn vẫn có thể đoán bắt được một cách gần như chính xác diễn biến tiếp theo của câu chuyện họ kể.


Lắng nghe “sâu" là khi bạn làm cho đối phương thấy được rằng họ và cả những câu chuyện của họ có giá trị tới nhường nào.

Tôi, một người vừa hướng nội vừa nhạy cảm đã từng trải qua những tình huống tương tự như vậy. Khi tôi còn làm nhân viên phục vụ cho một quán ăn dinh dưỡng nhỏ, tôi nhận ra mình có một khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác nhanh và mạnh tới mức nào, chỉ bằng việc lắng nghe và quan sát.


Khi đó, tôi và một bạn nhân viên cùng ca khác phụ trách đào tạo cho một bạn nữ mới chuyển tới thử việc. Bạn nhân viên kia phát cáu lên và liên tục tỏ thái độ vì không thể chịu được sự chậm chạp, đổ vỡ và lóng ngóng đến khó hiểu của bạn nhân viên mới. Trong khi đó, tôi vẫn liên tục làm công việc của mình trong khi vẫn chỉ dẫn từng chút một cho bạn mới đến. Tôi vừa làm vừa rỏng tai lắng nghe “thật kỹ" những gì bạn ý giao tiếp với khác, lắng nghe cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của bạn ý. Nhờ vậy, tôi phát hiện ra bạn ý không hề kém cỏi và không biết điều như bạn nhân viên cùng ca tôi nghĩ. Ngược lại, bạn lại khá tỷ mỷ và phát ra một nguồn năng lượng tích cực hơn hẳn. Chỉ cần chúng ta mở lòng mình và lắng nghe “sâu", thậm chí chưa cần trò chuyện với đối phương, chúng ta chắc chắn sẽ nhận ra ở họ có rất nhiều điểm thú vị. Và một khi bạn nhận ra điểm thú vị ấy, bạn và người ấy sẽ tự khắc “hút" nhau.


2/ Giao tiếp qua ánh mắt


Có thể bạn sẽ nghĩ, giao tiếp qua ánh mắt có thể nhận thấy ở nhiều người, không nhất thiết chỉ có người hướng nội và nhạy cảm. Không sai. Thế nhưng, điều đáng chú ý ở đây là giao tiếp bằng ánh mắt của một người vừa hướng nội vừa nhạy cảm không chỉ dừng lại ở việc họ “nhìn” thẳng hay “sâu" vào ánh mắt người khác. Giao tiếp bằng ánh mắt ở đây là khi họ vừa nhìn, vừa “nói chuyện", vừa cảm nhận đối phương một cách thực sự chân thành.


Nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy những người hướng nội không nói quá nhiều ngay khi họ vừa gặp đối phương, có chăng chỉ là vài ba câu chào hỏi lịch sự thông thường. Thay vào đó, họ sẽ duy trì cuộc trò chuyện bằng cách để ánh mắt của mình lên tiếng.

Đâu đó người ta vẫn hay nói rằng “Ánh mắt không bao giờ biết nói dối". Ánh mắt của người vừa hướng nôi vừa nhạy cảm lại càng không biết nói dối là mấy. Phải nói rằng, họ diễn đạt tương đối (rất) tốt cảm xúc, suy nghĩ, rung động hay thấu cảm của mình qua ánh mắt.


Nếu bạn đã từng trò chuyện với một người như vậy, bạn sẽ dễ cảm nhận ở họ có một nét gì đó khá bí ẩn mà chỉ khi nhìn sâu vào đôi mắt ấy bạn mới nhận ra.


Nhiều khi họ không nói ra suy nghĩ của chính mình, nhưng một khi bạn nhìn thẳng vào đôi mắt của họ, bạn sẽ thấy ở họ một sự đồng điều đến khó tin. Đó là khi đôi mắt của họ “gật đầu" ra tín hiệu với những gì bạn vừa chia sẻ.

Cuộc sống bận rộn và xô bồ đến nghẹt thở này, để nói ra thì vô cùng dễ, nhưng để hiểu nhau qua ánh mắt với những chuyện khó lòng mở lời lại là cả một câu chuyện dài.


3/ Đọc được suy nghĩ của đối phương


Vì giỏi lắng nghe “sâu" và để ánh mắt tự giao tiếp, những người hướng nội nhạy cảm đặc biệt nổi bật ở chỗ họ có thể nắm bắt được suy nghĩ của đối phương mà không cần nhiều đến nhưng cử chỉ, hành động dư thừa.


Bạn có để ý không? Khi bạn giao tiếp với một người hướng nội và nhạy cảm, họ sẽ có xu hướng nhìn khá sâu vào mắt bạn. Ánh mắt của họ như thể thay lời họ muốn bộc bạch với bạn. Rằng mọi sự bạn thổ lộ họ đều nghe, đều hiểu và đều thấm.

 

Chỉ có điều, đôi lúc, chính vì đọc được những suy nghĩ của đối phương nên những người hướng nội rất hay trầm lắng trong cuộc hội thoại. Không phải bởi họ sợ nói ra, cũng chẳng phải họ e ngại mở lòng. Chỉ đơn giản, đôi khi họ muốn giữ lại cho mình và người đối diện sợi dây gắn kết vô hình nào đó, để họ và bạn có thể thực sự lắng đọng được chút ít gì đó về nhau.

 

Suy cho cùng, không phải bạn cứ nói bạn hiểu họ, bạn đồng cảm cho họ là tốt. Đôi khi, im lặng (vào thời điểm thích hợp) cũng là một biểu hiện của sự đồng điệu trong cảm xúc và suy nghĩ.

 

4/ Biết đâu là điểm dừng hay khoảng nghỉ thích hợp trong cuộc trò chuyện

 

Tất cả các yếu tố từ lắng nghe sâu, nắm bắt cảm xúc hay dễ dàng đồng cảm khiến những người hướng nội hoàn toàn có thể tiết chế bản thân và cho câu chuyện có điểm dừng chân sau chuỗi đường dài rượt đuổi theo cảm xúc.

 

Điều này không chỉ giúp đối phương có khoảng nghỉ để nạp năng lượng cho bản thân, và lên dây cót cho mạch cảm xúc sắp diễn ra của mình. Ngay chính những người hướng nội cũng được thư thả, nới lỏng mạch cảm xúc và suy nghĩ trước khi tiếp tục "mở khoá tâm hồn" của đối phương.

 

5/ Rất “chăm chút” cho cảm xúc và suy nghĩ của đối phương

 

Người hướng nội đôi lúc có thể ngược đãi hoặc lơ là cảm xúc của chính mình. Thế nhưng, bất cứ ai ở bên cạnh những người hướng nội đều được chăm chút cảm xúc từng chút một.

 

Đối với người hướng nội hạn chế, tức là những người không thích thú lắm với việc bộc lộ qua lời nói, họ sẽ chăm chút cảm xúc của đối phương chính bằng “hơi ấm” và cảm giác an toàn mà họ mang lại.

 

Đối với những người hướng nội xã hội, tức là những người có phần thể hiện ra lời nói với những người họ thực sự có cảm tình, cảm xúc của đối phương sẽ được chăm chút bằng sự “ngọt ngào” và những cử chỉ “thấu hiểu”.

 

Ví dụ như khi bạn ra mắt một nhóm bạn, thay vì tay bắt mặt mừng rối rít ngay từ đầu, người hướng nội thường tạo lớp phủ khá dày. Lớp phủ đó không phải để nguỵ trang, cũng không phải để tự vệ. Lớp phủ đó là khoảng không gian vừa đủ để bạn và đối phương kết nối ban đầu với nhau. Họ sẽ không nói nhiều, nhưng mỗi câu họ thốt ra đều thực sự “chạm” đến một điểm cảm xúc nào đó của đối phương. Từ đó, khi hai bạn đã hiểu nhau hơn, người hướng nội mới thực sự bộc bạch hết những nỗi niềm từ tận sâu trái tim chân thành và tha thiết được yêu thương của họ.

 

**Kết**

 

Là một người hướng nội, đôi lúc vì lời nói ra nói vào từ bên ngoài, bạn cho rằng mình không đủ tốt, không đủ thu hút.

 

Thế nhưng, bạn có biết, là một người hướng nội, bạn đặc biệt đến cỡ nào hay không? Lớp vỏ bên ngoài của bạn có thể khô ráp, nhưng thế giới nội tâm bên trong của bạn là điều mà không phải ai muốn cũng có được. Vậy nên, thấu hiểu bản thân, là cách duy nhất bạn có thể làm để nâng cao giá trị của chính mình.


BẢN THẢO
Bài viết liên quan