Mục Đích Của Cảm Xúc

Cảm xúc giúp chúng ta sống sót và phát triển như thế nào Cảm xúc có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy …

Cảm xúc giúp chúng ta sống sót và phát triển như thế nào

Cảm xúc có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy mỗi ngày có thể buộc chúng ta phải hành động và ảnh hưởng đến những quyết định chúng ta đưa ra về cuộc sống của mình, dù cho đó là quyết định nhỏ hay lớn. Để thực sự hiểu cảm xúc, điều quan trọng là phải hiểu ba thành phần quan trọng của cảm xúc.

Cảm xúc gồm có 3 phần: 

  1. Thành phần chủ quan (cách bạn trải nghiệm cảm xúc)
  2. Thành phần sinh lý (cách cơ thể bạn phản ứng với cảm xúc)
  3. Thành phần biểu cảm (cách bạn cư xử để đáp lại cảm xúc).

Những yếu tố khác nhau này có thể đóng một vai trò trong chức năng và mục đích của các phản ứng cảm xúc của bạn.

Cảm xúc có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chẳng hạn như một tia khó chịu ở đồng nghiệp, hoặc kéo dài, chẳng hạn như nỗi buồn kéo dài vì mất đi một mối quan hệ. Nhưng chính xác thì tại sao chúng ta trải nghiệm cảm xúc? Chúng phục vụ vai trò gì?

Cảm xúc có thể thúc đẩy chúng ta hành động

Khi phải đối mặt với một bài kiểm tra đầy căng thẳng, bạn có thể cảm thấy rất lo lắng về việc liệu bạn sẽ làm tốt hay không và bài kiểm tra sẽ tác động đến điểm số cuối cùng của bạn như thế nào. Vì những phản ứng cảm xúc này , bạn có thể có nhiều khả năng học hành hơn. Vì bạn đã trải qua một cảm xúc đặc biệt, bạn có động lực để hành động và làm điều gì đó tích cực để cải thiện cơ hội đạt điểm cao.

Chúng ta cũng có xu hướng làm một số hành động nhất định để trải nghiệm cảm xúc tích cực và giảm thiểu khả năng cảm thấy cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, bạn có thể tìm kiếm các hoạt động xã hội hoặc sở thích mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc, mãn nguyện và phấn khích. Mặt khác, bạn có thể sẽ tránh các tình huống có thể dẫn đến buồn chán, buồn bã hoặc lo lắng .

Cảm xúc giúp chúng ta sống sót, phát triển và tránh nguy hiểm

Nhà tự nhiên học Charles Darwin tin rằng cảm xúc là sự thích nghi cho phép cả con người và động vật sống sót và sinh sản. Khi chúng ta tức giận , chúng ta có khả năng phải đối mặt với nguồn gốc của sự cáu kỉnh. Khi chúng ta trải qua nỗi sợ hãi, chúng ta có nhiều khả năng chạy trốn khỏi mối đe dọa. Khi chúng ta cảm thấy tình yêu, chúng ta có thể tìm kiếm một người bạn đời và sinh con.

Cảm xúc phục vụ một vai trò thích nghi trong cuộc sống của chúng ta bằng cách thúc đẩy chúng ta hành động nhanh chóng và thực hiện các hành động sẽ tối đa hóa cơ hội sống sót và thành công của chúng ta.

Cảm xúc có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định

Cảm xúc của chúng ta có ảnh hưởng lớn đến các quyết định chúng ta đưa ra, từ việc chúng ta ăn gì vào bữa sáng đến các ứng cử viên chúng ta chọn để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chính trị. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người bị tổn thương não nhất định mà ảnh hưởng đến khả năng trải nghiệm cảm xúc cũng bị giảm khả năng đưa ra quyết định tốt.

Ngay cả trong những tình huống mà chúng ta tin rằng quyết định của mình được dẫn lối hoàn toàn bằng logic và sự hợp lý, cảm xúc đóng vai trò then chốt. Trí thông minh cảm xúc, hay khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của chúng ta, đã được minh chứng là đóng một vai trò quan trọng trong việc ra quyết định.

Cảm xúc cho phép người khác hiểu chúng ta

Khi chúng ta tương tác với người khác, điều quan trọng là đưa ra những gợi ý để giúp họ hiểu cảm giác của chúng ta. Những tín hiệu này có thể liên quan đến biểu hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như các biểu cảm khuôn mặt khác nhau được kết nối với những cảm xúc cụ thể mà chúng ta đang trải qua.

Trong các trường hợp khác, nó có thể liên quan trực tiếp đến việc chúng ta cảm thấy như thế nào. Khi chúng ta nói với bạn bè hoặc thành viên gia đình rằng chúng ta đang cảm thấy vui, buồn, phấn khích hay sợ hãi, chúng ta đang cung cấp cho họ thông tin quan trọng mà sau đó họ có thể sử dụng để hành động.

Cảm xúc cho phép chúng ta hiểu người khác

Giống như cảm xúc của chính chúng ta cung cấp thông tin có giá trị cho người khác, những biểu hiện cảm xúc của những người xung quanh cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin xã hội. Giao tiếp xã hội là một phần quan trọng trong cuộc sống và các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, và có thể diễn giải và phản ứng với cảm xúc của người khác là điều cần thiết.

Nó cho phép chúng ta có phản ứng thích hợp và xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn với bạn bè, gia đình và những người thân yêu của chúng ta. Nó cũng cho phép chúng ta giao tiếp hiệu quả trong nhiều tình huống xã hội, từ giao dịch với một khách hàng giận dữ đến quản lý một nhân viên nóng tính.

Charles Darwin là một trong những nhà nghiên cứu sớm nhất nghiên cứu khoa học về cảm xúc. Ông cho rằng sự thể hiện cảm xúc cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự an toàn và sự sống còn. Nếu bạn gặp phải một con vật đang rít lên hoặc nhổ nước bọt, nó sẽ chỉ ra rõ ràng rằng sinh vật này đang tức giận và phòng thủ, dẫn đến việc bạn lùi lại và tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Hiểu được sự thể hiện cảm xúc của người khác cho chúng ta thông tin rõ ràng về cách chúng ta có thể cần phải phản hồi trong một tình huống cụ thể.

Vài lời từ Verywell

Như bạn đã biết, cảm xúc của chúng ta phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Cảm xúc có thể là thoáng qua, bền bỉ, mạnh mẽ, phức tạp và thậm chí thay đổi cuộc sống. Chúng có thể thúc đẩy chúng ta hành động theo những cách cụ thể và cung cấp cho ta những công cụ và tài nguyên mà chúng ta cần để tương tác một cách có ý nghĩa trong thế giới xã hội của mình.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: https://www.verywellmind.com/the-purpose-of-emotions-2795181

Dịch: Hannah

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan