"Mẹ, con chỉ muốn chết thôi." 

"Vớ vẩn, sống bao giờ chẳng hơn là chết. Nhìn mẹ khổ thế này bao nhiêu năm vẫn sống tốt đấy thôi."


Mỗi lần như vậy, mình lại thầm thở dài trong lòng, nghĩ thầm rằng mẹ không hiểu con chút nào cả. Cũng đúng thôi, thời của mẹ cơm áo gạo tiền mới là cái phải lo. Kể cả bây giờ cũng vậy, tiền đi chợ còn phải chắt chiu từng bữa. Trong mắt mẹ mà nói, trong khi có những người đang cố gắng biết bao để sống và tồn tại, thật ngu ngốc và yếu đuối mới lựa chọn tìm đến cái chết. Mẹ bảo, lũ trẻ thời này hay nhỉ, chịu áp lực kém quá. Mẹ bảo, thời của mẹ thế nọ, thời của mẹ thế kia. Con nhủ thầm rằng mẹ sẽ không bao giờ hiểu được đâu. 


Một cách khoa học mà nói, khi nhu cầu cơ bản để tồn tại như ăn, ngủ được đáp ứng, những nhu cầu còn lại về tinh thần như tình cảm, cảm giác được tôn trọng mới được cân nhắc đến. Vậy nên theo lý, điều mẹ nói cũng chẳng sai. Nhưng trong những cuộc cãi vã và những lần "lên cơn", con luôn nói rằng mẹ thật vô cảm. Và con tiếp tục nói rằng mẹ chẳng hiểu gì cả. 


Mẹ à, tại sao sau mười năm mẹ mới kể con nghe, rằng khi xưa mẹ cũng đã chịu đựng căn bệnh trầm cảm như thế nào? 


Hôm trước là một ngày mưa phùn rất lạnh, thời tiết đầu năm của Hà Nội khiến con đi làm về buổi tối mà cảm thấy vừa buốt giá, vừa cô đơn đến nát ruột nát gan. Bao nhiêu năm con chẳng còn người bạn bè thân thiết nào, lúc buồn bã nhất chẳng biết nên cầu xin lời an ủi của ai. Tự nhiên con bật khóc, con khóc suốt ba tiếng đồng hồ, về đến cửa nhà trọ cũng không dám đi vào vì sợ mẹ nhìn thấy mắt con đỏ lừ. Con sợ rằng mẹ sẽ lại hỏi tại sao lại thế. Mẹ ghét nước mắt nhất trên đời này. Và mẹ sẽ lại không hiểu được đâu. 


Hồi con còn nhỏ, mình không ở nhà trọ. Mình ở trong một căn nhà rộng lớn mấy tầng liền, cuộc sống cũng có thể coi là sung túc. Nhưng mà bố mẹ ly thân, mẹ không lấy gì cả, anh ở lại với bố, chỉ có con đi theo mẹ, rời bỏ cuộc sống thoải mái đến sống trong một căn nhà trọ cũ kĩ, xập xệ, trời lạnh thì buốt đến xương tuỷ, trời nóng thì cảm giác như linh hồn cũng bốc hơi luôn. Nhưng con đã nghĩ rằng, đi theo mẹ thì dù thế nào con cũng sẽ ổn thôi. 

 

Nhưng con đã nghĩ rằng, đi theo mẹ thì dù thế nào con cũng sẽ ổn thôi. 

 

Mẹ à, sao mẹ đáng sợ đến thế?


Tại sao mẹ lại nguyền rủa con chỉ vì con có khuôn mặt giống bố?


Tại sao con phải cười lên trong khi con đang buồn, chỉ vì mẹ ghét việc trong căn nhà này có nhiều hơn một người u ám? 


Tại sao con lại cảm thấy tuyệt vọng và sợ hãi đến thế, chỉ vì một điểm 5 môn Vật lý? Hôm ấy khóc suốt cả tiếng đồng hồ dưới sân trường. 


Từ khi nào con sợ mẹ đến thế, mẹ ơi? 


Từ khi mẹ nói rằng, giờ mẹ chỉ còn có con thôi, con là toàn bộ niềm vui, hy vọng và tự hào của mẹ. Nên con sẽ chết mất, nếu con cảm thấy mình đang làm mẹ thất vọng. Mẹ là người mạnh mẽ và tài giỏi hơn bất cứ ai. Mẹ có thể vác máy cắt cỏ và bình phun thuốc làm việc liên tục dưới trời nắng bốn mươi độ, con đi theo mẹ một ngày mà cảm thấy vừa nóng vừa vất vả. Mẹ có thể bê bình nước 5 lít từ tầng Một lên tầng Bốn. Mẹ có thể thay bóng đèn, sửa vòi nước, một mình, vì nhà này không có bóng dáng đàn ông. Mẹ có thể che giấu với bà ngoại sự thật, bà vẫn tin con rể của mình bấy lâu nay vẫn đang công tác ở nơi nào đó thôi. Con vừa yêu mẹ, vừa sợ mẹ, vừa ghét mẹ. Yêu vì mẹ vất vả biết bao để nuôi nấng con nên người. Ghét vì những lúc căng thẳng nhất, mẹ đều lôi bố ra để chì chiết con. Sợ, chỉ đơn thuần là sợ thôi. 


Mẹ có biết khóc không mẹ? "Không, mẹ chẳng còn nước mắt để khóc nữa rồi."


Còn mà. Hôm trước, khi con nói với mẹ, mẹ ơi, chắc con không sống được nữa đâu. Tự nhiên mẹ khóc. Rồi con thôi không chết nữa. 


Mẹ kể rằng, hồi xưa, khi mà bố con mới ngoại tình ấy, con mới sáu tuổi, con chưa biết gì cả. Cứ mỗi ngày bố con ra khỏi nhà là mẹ lại rụng rời chân tay, chỉ có thể ngồi hoặc nằm một chỗ, như bị nhốt trong chính cơ thể mình mà không thể cử động được. Mẹ khóc. Mẹ không dám gọi điện cho bà ngoại hay anh chị em. Mẹ chịu đựng một mình. "Nhiều lúc chỉ muốn chết quách đi cho xong."


Bố hỏi tháng đó tại sao tiền điện thoại bàn lại nhiều thế, mẹ nói rằng không biết. Mẹ bị bố đánh bằng dây điện rồi nhập viện. Con nhớ chuyện đó. Khi ấy con tám hay chín tuổi, bố gọi chú tới nhà đưa anh em con đi, mẹ ở nhà. Bác suýt nữa thì đánh nhau với bố trong viện, mẹ ngăn lại. Sau đó, tiền điện thoại tăng, vì mẹ gọi điện tới đường dây nào đó để cầu xin sự giúp đỡ và để tâm hồn được thanh thản. Người đó nói giọng rất dễ nghe. Mẹ cảm thấy bớt tuyệt vọng đi nhiều. Rồi mẹ nhìn thấy anh em con. Và mẹ buông bỏ bố, mẹ chọn con để làm điểm tựa tinh thần của mẹ. Và mẹ ra đi, dẫn con theo. 



Mẹ à, con cũng có những ngày chỉ có thể nằm nhìn trần nhà và khóc mà không hiểu vì sao. Con cũng có những khi phải gọi điện cầu cứu một người lạ, vì bạn bè thân thiết con chẳng còn ai nữa. Cả mẹ và con, chúng ta đều giống nhau, có phải không mẹ?


Bố đã làm mẹ đau, và mẹ đã làm con đau. Mẹ hiểu con rồi, và con cũng vậy. Chuyện gì đã qua hãy để nó qua đi. Con không trách mẹ nữa. 


Nếu sau này con có một đứa con, con sẽ cố gắng làm một người mẹ tốt, chấm dứt vòng lặp của sự đau đớn này.


Con chỉ ước rằng, mẹ có thể sống cho mình. Bởi vì từ khi sinh ra, con chưa bao giờ thấy mẹ sống cho riêng mẹ cả. 


Con mong mẹ hãy sống vì chính bản thân. Đừng vì bố. Đừng vì anh trai con. Đừng vì bà ngoại. Đừng vì con. 


Vì mẹ, mẹ ơi. 

 

Tác giả: Nguyễn Thu Hà

Nguồn ảnh: Unplash

BẢN THẢO
Bài viết liên quan