Muốn làm một kẻ “vô công rồi nghề”

Trên đời, luôn chân luôn tay thì được gọi là chăm chỉ. Ngồi không thì bị coi là vô công rồi nghề.

Trên đời, luôn chân luôn tay thì được gọi là chăm chỉ. Ngồi không thì bị coi là vô công rồi nghề. Cái nào được coi là tốt, cái nào bị coi là xấu, nhìn vào mặt chữ là biết liền. Mà ai chẳng muốn chạy theo cái tốt, nên thế giới dường như đang lâm vào một guồng quay hiệu suất vô hạn, đến mức chỉ dừng tay hay đi chậm lại một chút cũng bắt đầu thấy tội lỗi và lo âu. Để rồi đến khi kiệt sức và lạc lối, con người ta lại bắt đầu tìm cách để chậm lại, để nghỉ ngơi nhiều hơn, để quay về bên trong, để chữa lành, và để tận hưởng sự sống.

 

Chúng ta vẫn luôn như vậy… luôn cần những sự kiện cực đoan thì mới đưa ra được những tự vấn mang sức mạnh thay đổi. Ví như phải đến lúc lâm bệnh nặng rồi thì mới tự hỏi tại sao tôi không nghỉ ngơi nhiều hơn, rồi mới bắt đầu quay sang chăm sóc sức khoẻ. Vốn ai cũng biết rõ nếu làm việc quá sức thì sẽ ngã bệnh. Vậy tại sao ngay từ đầu không chủ động nghỉ ngơi, mà phải đợi tờ giấy chẩn bệnh của bác sĩ ép buộc? 

 

Những quãng nghỉ, dù tính bằng phút, bằng giờ, hay bằng năm, đều là thiết yếu trên chặng đường đời hữu hạn này. Khi thấy mệt mỏi, ta cần nghỉ ngơi. Mà khi chưa thấy mệt, ta cũng nên biết đủ mà dừng lại, tránh những hậu hoạ không thể cứu chữa. Như một người coach cũ của tôi, chị từng làm việc không ngơi nghỉ trong suốt 5 năm. Trong 5 năm đó, trước khi vào ngành khai vấn với lịch trình hơn 20 học sinh trên một tuần, chị còn từng đứng ở nhiều vị trí quản lý khác. Kết quả là sau gần 2 năm coach cho tôi, chị phải dừng lại hoàn toàn mọi thứ vì sức khỏe suy yếu trầm trọng, phải điều trị tại nhà và tĩnh dưỡng dài hạn. 

 

Song, điều tôi ngưỡng mộ ở chị chính là cách chị đón nhận khoảng lặng này với tâm thế “tiến là tiến, còn lùi là lùi, không có chuyện bên ngoài thì lùi còn bên trong thì chỉ mong được tiến em nhé!” Nhiều người coi những khoảng lặng trong đời như tai hoạ ập đến, nên dù bên ngoài trông có vẻ là chẳng làm gì, nhưng bên trong lại đang vùi mình trong mớ suy nghĩ rằng làm thế nào để thoát khỏi tháng ngày này, rằng bản thân thật trì trệ biết bao. 

 

Thế mới nói, suốt một đời ta chỉ dám làm một người chăm chỉ, nhưng đâu nhận ra nhiều lúc bản thân cũng cần làm một kẻ vô công rồi nghề. Để đến khi cuộc đời ban cho một cơ hội được ngơi nghỉ, ta lại chẳng biết phải tận dụng thế nào, cũng chẳng rõ nó tuyệt vời ra sao. 

 

Đối với tôi, những khoảng lặng dài là dấu hiệu cho thấy tôi đã làm đủ chăm, tôi đã sống đủ nhiệt huyết. Vậy nên, tôi xứng đáng được chậm lại, và đã đến lúc tôi cần được nghỉ ngơi. Khi không bị bó buộc bởi những danh sách công việc hàng ngày, hàng tuần, rồi hàng tháng hay hàng năm, tôi cảm nhận được nhiều hơn vẻ đẹp của một cuộc sống bình dị, thấy ánh đèn đường như biển sao xa, thấy mùi gió đêm tựa hương thuỷ mộc. Tôi được quay lại bên trong, định hình lại tiêu điểm cuộc đời, chữa lành những vết thương đã cũ, cho bản thân một vài tự vấn quan trọng, và tích cóp sức bật cho chặng làm việc nhiệt huyết kế sau. 

 

Cuộc đời được ví như một dòng nước. Ta không thể bơi ngược dòng nước xiết, chỉ có thể thuận theo dòng chảy mà trôi. Nếu biết tận dụng sức mạnh của dòng chảy tự nhiên, để bật cao đúng lúc và lênh đênh đúng chỗ, thì cuộc đời sẽ trở nên thông suốt và thoải mái hơn nhiều. Dòng chảy cuộc đời không chỉ bắt ta làm một người chăm chỉ, mà còn cho phép ta làm một kẻ “vô công rồi nghề”, nên đừng ngần ngại vì ánh mắt người đời mà bỏ lỡ những khoảng lặng quý giá. 

 

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói là bài viết này không thể được dùng để bao biện cho sự trì trệ đâu. Chúng ta cần nghỉ lúc nào, và nghỉ bao lâu, bản thân chúng ta là người biết rõ nhất. Nếu đã dừng chân đủ, bạn tự khắc sẽ tràn trề năng lượng và mong muốn được làm việc trở lại. Còn nếu cố kéo dài thời gian ra, thì kết quả chính là sự trì trệ, và cũng có thể là sự buông xuôi. Nên hãy đưa ra nhận định đúng đắn về quãng thời bản thân đang trải qua bạn nhé! 

 

Tác giả: Diệu

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan