Tắt máy, rút chìa khóa ra khỏi ổ, An đưa mắt nhìn về phía thang máy thở hắt ra một hơi dài. Bước vào thang máy, bấm lên đến tầng 5 là cô lại sẽ bắt đầu một trận chiến. Cửa thang máy mở ra, cánh cửa kính với logo hình quả địa cầu màu xanh cách điệu đập vào mắt. Khoảng cách chỉ có tầm chưa đến năm bước chân vậy mà chân cô như đeo đá bước từng bước thật chậm. Cô ước gì đoạn hành lang này dài vô tận để cô có thể trì hoãn đối mặt với không khí u ám sau cánh cửa kia.
Thời gian kể từ lần đầu tiên An làm quen với logo quả địa cầu màu xanh thấm thoắt đã bốn năm trôi qua. Công việc và những mối quan hệ xung quanh cứ đều đều diễn ra như những ngày đầu cô đến làm. Mà hình như theo mấy câu chuyện tận thế hay kinh dị mà cô thường xem, thảm họa sẽ bắt đầu bằng bối cảnh ‘một ngày bình thường như mọi ngày’. Đúng vậy, và cơn ác mộng văn phòng của cô bắt đầu kể từ ngày cô bạn cùng mảng công việc đi làm trở lại sau kỳ nghỉ sinh em bé.
Hai người cùng tuổi với nhau, mỗi người phụ trách quản lý một nhóm khách hàng nhưng An là người chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu cuối cùng để lập báo cáo hàng tuần, hàng tháng gửi cho sếp. Đây là mảng tương tác chính giữa hai người. Dù làm việc chung nhưng mối quan hệ của hai người chỉ dừng lại ở công việc, thi thoảng quay qua trao đổi vài câu chuyện vu vơ, mỗi người một thế giới riêng.
Ngày đầu tiên chào đón cô bạn đi làm trở lại, mọi người vừa bước vào văn phòng ai cũng quay ra hỏi nhau, “Này hôm nay là ngày Ngọc đi làm trở lại đúng không?”. Trong cái văn phòng nhỏ bé ngày nào cũng giống như ngày nào này, chỉ một sự kiện bé xíu thôi cũng đủ khuấy động không khí rộn ràng. Đợi mãi đến 8 giờ 30, vẫn chưa thấy bóng Ngọc. Chị em lại quay sang nhau thì thào, “Sao chưa thấy đến nhỉ? Hay bị nhầm ngày không?”
Câu hỏi vừa dứt, một giọng nói vang lên yếu ớt như từ xa xăm vọng lại “Em chào mọi người.” Mọi người đồng loạt quay lại, sự tò mò, háo hức lúc nãy đột nhiên bay biến, thay vào bằng sự ngỡ ngàng. Trái ngược với hình ảnh hay thế của một người phụ nữ sau khi làm mẹ với dáng vẻ hồng hào, đẫy đà, Ngọc trông gầy gò, hốc hác. Khuôn mặn vốn xương xương giờ hai gò má nhô cao, mắt trũng sâu thiếu ngủ. Cô im lặng ngồi xuống chỗ ngồi. Không gian im ắng lạ thường. Phải một lúc sau, mới có một chị cất tiếng hỏi thăm phá vỡ bầu im lặng,
“Con trai ở nhà thế nào rồi? Trộm vía có ngoan không? Mọi người vẫn mong được qua thăm em bé đấy nhé.”
“Ôi nó quấy lắm. Nghe nó khóc mà em không thể nào chịu được.”
“Hai vợ chồng phải thay nhau chăm con à?” Chị đó hỏi tiếp.
“Không, có mẹ đẻ em lên chăm.”
“Tối thằng bé quấy quá à, sao không nhờ bà trông giúp?”
“Thằng bé ngủ cùng bà mà, nhưng nghe tiếng nó khóc em cũng không ngủ được. Em thính ngủ lắm.”
….
Câu chuyện cứ thế tiếp diễn nhưng cũng không mấy câu chữ lọt vào tai An, đó không phải là vấn đề cô quá để tâm đến. Nhưng có một điều lạ, Ngọc đang trong chế độ được đi muộn và về sớm một tiếng nhưng từ ngày đi làm, Ngọc luôn luôn ở lại làm việc muộn, luôn luôn cắm đầu vào chồng hồ sơ. Mới đầu An nghĩ cô bạn lo làm cho kịp tiến độ nên có quay qua Ngọc bảo rằng, “Hồ sơ của cậu tớ vẫn xử lý và sẽ bàn giao dần. Cứ về cho đúng giờ chăm con, tớ vẫn sẽ hỗ trợ cho tới lúc cậu hoàn tất nhận lại công việc. Hiện tại khối lượng hồ sơ cũng không nhiều. Không cần gấp đâu.” Ngọc quay qua cười cảm ơn nhưng những ngày hôm sau không có gì khác, vẫn toàn hơn 7 giờ tối Ngọc mới rời công ty.
Hai quầng thâm dưới mắt Ngọc ngày càng đậm rõ.
“Em không ngủ được, mẹ em tối bà ngáy to quá. Hết thằng bé khóc rồi đến bà ngáy.”
…
“Ôi bà nhà em chăm thằng bé ẩu quá. Nấu ăn thì không hợp khẩu vị, vương vãi đồ ăn khắp nơi mà không lau dọn luôn. Em bực mình ghê mà nói mãi bà không thay đổi.”
…
Những câu chuyện vụn vặt mà Ngọc kể với đồng nghiệp xung quanh cứ thi thoảng lại lọt vào tai An.
An nghỉ phép hai ngày vì lý do gia đình.
Vừa bước chân vào văn phòng, chị lao công đang dọn dẹp văn phòng buối sớm vội chạy lại kể, “An ơi, tối hôm qua cái Ngọc nó làm muộn ngất xỉu. Tầm hơn 7 giờ thì phải, lúc đó chị cũng chưa về. May là vẫn còn mấy người làm muộn vội cõng đi cấp cứu. Ôi mặt nó xanh xám đi, rồi nôn mất kiểm soát, ai cũng sợ. Chị phải lau dọn đến tận tối.”
“Ôi thế hả chị. Sao lại đến nông nỗi thế chứ. Để chút em nhắn tin hỏi thăm tình hình xem sao.”
An vừa dứt lời, đã thấy Ngọc lả lướt bước vào, cả hai chị em cô và chị lao công chợt giật thót nhìn nhau, “Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến rồi.”
“Sao cậu không nghỉ phép ở nhà nghỉ ngơi đi, còn đến văn phòng làm gì?” An lo lắng hỏi.
“Ở nhà cũng thế, tớ muốn đến văn phòng hơn,” Ngọc trả lời.
Lúc này đã thêm mấy đồng nghiệp nữa tới, tất cả xúm vào hỏi thăm mỗi người một câu.
“Hôm qua khám bác sĩ bảo sao?” Một chị hỏi.
“Dạ, bác sĩ bảo em bị trầm cảm sau sinh và suy nhược cơ thể," Ngọc trả lời.
“Thế bác sĩ nói điều trị như thế nào? Sao hôm nay không xin nghỉ phép nghỉ ngơi ở nhà hay đi khám lại?” Người khác hỏi.
“Em nghĩ không nghiệm trọng gì đâu. Hôm qua em về hiệu thuốc gần nhà. Họ kê cho em mấy loại thuốc ngủ với thuốc an thần rồi. Em uống thử xem có đỡ không đã.”
“Cậu ơi, sao lại không khám bác sĩ chuyên hoa mà lại đi uống thuốc tự kê thế, những loại thuốc liên quan đến thần kinh cần thận trọng một chút,” An lên tiếng.
“Ừ, đi khám bác sĩ nói thế rồi, phải theo bác sĩ chứ,” một người khuyên.
“Để em thử đã, em không nghĩ nghiêm trọng vậy,” Ngọc quả quyết.
Và những chuỗi ngày tiếp sau đó, An thật sự mong ước rằng cô bạn tiếp tục ở nhà như những tháng nghỉ sinh, cô tình nguyện đảm nhận khối lượng của cả hai người cũng được.
Ngày nào đến văn phòng, nếu Ngọc không ngồi gục xuống bàn mặt xanh mét thì cũng tự dưng bật khóc, nôn không kiểm soát hay ngồi co ro bịt tai và kêu mọi thứ thật ồn ào, cô không thể nào chịu được. Nhiều khi một lúc lâu không thấy Ngọc, An còn chột dạ chạy đi tìm cô bạn xem cô bạn có ổn hay không.
Cả văn phòng căng như dây đàn, tâm trạng mọi người bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Có ai vui vẻ cho nổi khi gần như mỗi ngày đều có một người thường trực nôn ọe ngay gần mình? Những người ngồi xung quanh thì không ai dám hé răng một lời sợ gây tiếng ồn ảnh hưởng đến Ngọc. An cũng luôn ở trong tình trạng phập phồng lo sợ, ngay cả những lúc trao đổi công việc cô còn phải rón rén xem tâm trạng của Ngọc ra sao. “Liệu mình giao cho Ngọc làm báo cáo này có khiến bạn ấy stress thêm không? Nhỡ lăn ra ngất xỉu thì phải làm thế nào?...” Muôn vàn câu hỏi nhảy nhót trong đầu An mỗi khi ra một quyết định dù là đơn giản nhất. Thần kinh của cô căng như dây đàn.
Kinh khủng hơn, mỗi lần hỏi Ngọc một việc gì đó, cô ấy đều trả lời cô rằng “Cậu đừng ép tớ. Tớ căng thẳng lắm rồi. Tớ không suy nghĩ được gì hết đâu. Đừng ép tớ.”
“Sao nghe như mình thành nguồn cơn gây ra áp lực cho cô ấy vậy? Sao cô ấy không nghỉ ở nhà một thời gian đi? Không thể suy nghĩ, không đủ khả năng làm việc sao cô ấy vẫn đến văn phòng? Sao cô ấy lại từ chối điều trị? Sao người nhà cô ấy lại không có biện pháp can thiệp gì, lại cứ để cô ấy trong tình trạng sống dở chết dở thế này?” An ấm ức và chỉ muốn thét lên. Sếp cũng chỉ biết dè dặt đề xuất Ngọc là cho phép nghỉ dài ngày, chỉ đề xuất chứ cũng ‘không dám’ cưỡng chế nghỉ sợ Ngọc áp lực.
Không ai có thể hiểu hay đoán được suy nghĩ của Ngọc. Mọi người đều chịu đựng trong sự bất lực lẫn bất an.
An tự mình tìm đọc những bài viết về trầm cảm, tất cả đều nói cần phải thấu hiểu và thông cảm cho người trầm cảm, nhưng sao không có bài viết nào đề cập đến những sức ép vô hình mà người thân, người xung quanh phải gánh chịu? Bản thân cô đã như vậy, còn chồng con, còn bố mẹ Ngọc thì sao? Họ nghĩ gì? Không phải tất cả cũng đều là nạn nhân của trầm cảm hay sao? Những nạn nhân gián tiếp! An chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong cuộc sống của Ngọc, vậy điều tốt nhất An có thể làm trong trường hợp này là gì? Sao không thấy ở đâu đề cập đến hết vậy.” Những câu hỏi chưa ai có thể cho cô câu trả lời thích đáng.
Trầm cảm thực sự là một bóng ma ám ảnh mà không chỉ người trong cuộc phải chịu những thương tổn, sang chấn, nó còn phủ bóng đen u ám lên tâm lý những người trực tiếp liên quan đến người đó dưới nhiều dạng thức và mức độ khác nhau. Có ai đồng cảm cho những khó khăn mà họ phải trải qua không?
Tác giả: Mộc Yên