Nắng đầu hạ

... và vì em là Người Lớn, em sẽ “xấu xa thật” nếu em lỡ xấu xa, em sẽ “ác độc thật” nếu em lỡ ác độc.

“Ta trao cho Người một trái tim đỏ hỏn, sống động từng lần đập của những thớ thịt, những mô cơ tim, những huyết mạch tươi nguyên; một trái tim vẫn còn chằng chịt những vết sẹo, mảng thịt gồ ghề vẫn đương rỉ máu, ấm nóng một sự sống căng đầy hay niềm hi vọng nào đó; một trái tim e ấp, nằm trọn mình trong đôi bàn tay ta.”


***


Tôi gặp em trong một lần đi ngang qua gò đất đằng sau lớp tường của bãi tha ma. Gò đất bị che khuất bởi những bụi rậm và phủ lên trên đó là những lớp cỏ dại xanh mươn mướt. Chỉ có cách đi dọc con ngõ nhỏ, độ chừng vừa bằng chiều ngang của một người, đứng dọc bên cạnh cổng nghĩa địa mới có thể đi tới gò đất phía sau. Em mặc váy trắng, loại váy xuông hai dây thích hợp cho cái nóng giữa tháng 5 này, và ngồi bệt trên đỉnh của gò đất. Chân váy dài quá bàn chân đã dính bụi bẩn và nhăn nhúm cả. Nhưng em chắc cũng chả quan tâm: em vẫn ngậm kẹo mút và hướng mắt trông về phía xa. Còn tôi thì ngó em qua tấm lưng gầy guộc, đôi vai mỏng với hai cái dây áo con con.


Chẳng hiểu sao hôm đó tôi lại leo lên trên để mà ngồi cùng với em.


Yên lặng.


Và tiếng sột soạt canh chừng em lùi xa chỗ tôi ngồi.



Phía trên của gò đất có thể trông ra phía dưới. Một làng mạc nhỏ nhắn, quây quần thành cụm chỉ độ năm, sáu ngôi nhà. Một làng mạc mà tôi chưa từng biết đến, cũng chưa ai kể nghe qua, rằng, đằng sau bãi tha ma, còn có một khu làng nữa.


Đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng có người gọi tên mình. Tiếng gọi êm, và khẽ. Tôi quay sang trái nhìn em. Vành tai nho nhỏ, hơi mỏng và xương xẩu?


Lại là một sự yên lặng.


Tôi ngó nghiêng và nhìn lên trên bầu trời cao thật cao. Trời hãy còn sớm, không nắng, không mây, không mưa. Tôi có thể ngửi thấy cả mùi của đất ẩm dậy lên trong sương sớm, cả cái man mát của lớp cỏ, của không khí quang đãng ấp lên trên da thịt lành lạnh mà trên thành phố chả khi nào có được.


Em để mái thưa, tóc buộc thấp cột lại bởi dây chun đen. Làn da trông hơi tái, nhưng không tới mức là xanh xao. Cánh tay gầy ôm lấy gối, còn cằm thì đặt nghiêng trên khuỷu tay khấp khuỷu.


- Em 30 rồi! Dẫu thế thì Chị vẫn là Chị, còn Em vẫn là Em!


Em khẽ động người. Có thể là do mỏi. Hoặc không. Chỉ đơn thuần là duỗi thẳng chân ra phía trước, còn người ngả đằng sau, hai tay thuận thế chống đỡ lấy phần thân trên. Chân váy vì di chuyển mà bị kéo lên trên cao, để lộ đôi mắt cá chân gầy xanh xao, tím tái, như đã chết một nửa. Cả bàn chân của em nhuốm một màu đỏ tươi như máu. Màu đỏ bắn ngược lung tung lên cả phần chân trên, nhưng em lại trông chẳng có gì là đau đớn. Làn da tái xanh lành lạnh một nét bình thản lạ lùng.


Chắc không phải là máu đâu nhỉ?


- Ừ! – Tôi đáp, khẽ mỉm cười nhìn em sau một thoáng ngạc nhiên, một thoáng sửng sốt, một thoáng ngờ ngợ. Có lẽ, em gợi chút gì đó, như là “hứng thú nhất thời” đối với tôi. Mà tôi thì có gì để mà sợ em?


- Kể cả chị kém em cả ti tỉ tuổi thì em vẫn làm em… - Em hơi ngập ngừng và sốt sắng, quay sang nhìn tôi. Đôi mắt to, có chút gì mong đợi.


- Nhé? – Em nói tiếp, giọng thấp và nhẹ hơn. Gương mặt cũng xị xuống, trông như là đã biết trước câu trả lời.


- Ừ! – Tôi cười trừ, cảm thấy khó hiểu. Làm “em” thì vui lắm sao?



Rồi cả buổi sáng em tíu tít kể chuyện với tôi. Những câu chuyện miên man không đầu không cuối. Tôi chỉ bó gối, kê đầu trên đầu gối, nghiêng mặt nhìn em. Mặt em tròn, đường nét cũng tròn tròn, có gì trông yêu lắm.


Em kể em 30 rồi. Người ta gọi em là Người lớn.


- Ở ngôi làng của em, Người Lớn phải khác lắm!


- Ừm! Lạ nhỉ? – Tôi nói vu vơ dù biết thừa chuyện em nói.


- Thật đó! Người Lớn nhé, phải sống như Người Lớn nhé! Ví như nếu em đủ từng này năm sống trên đời thì người ta nghiễm nhiên cho em là Người Lớn. Người ta sẽ ép em vào những cái khuôn chuẩn Người Lớn, và vì em là Người Lớn, em sẽ “xấu xa thật” nếu em lỡ xấu xa, em sẽ “ác độc thật” nếu em lỡ ác độc. Đôi khi lí do sẽ trở thành ngụy biện. Và em biết, em ở nơi này, chẳng còn cảm thông, nếu như em lỡ trở thành Người Lớn.


Em nói một lèo, môi bĩu ra chê bai rồi lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý không bằng lòng.


Tôi cười xòa, xoa mái tóc nâu nâu của em. Ngộ thật! Những điều bình thường hóa ra lại bất thường thế!


- Rồi người ta lại bảo “Phải làm người lớn”. Hầy! Chán không cơ chứ? Đó! Chị xem xem em mà sống tiếp như thế thì liệu em có chết luôn không cơ chứ? Thế nên, em đi trốn tiệt, em bỏ hết. Em chỉ muốn làm “người lớn thật” thôi! Chị là “người lớn thật” nhỉ? Em nhìn là em biết ngay – Mắt em đột nhiên sáng rỡ nhìn thẳng vào mắt tôi.


Tôi lắc lắc cái đầu, bỗng thấy ngớ cả người. Đột nhiên từ ngữ lại là một thứ gì đó khó để diễn tả. Một chút bất lực với em.


- Chị không biết nữa. Vì chị cũng kém tuổi em nhiều lắm. Có thể những thứ em thấy, chị chưa thấy. Thế nên chị cho rằng, ừm, chị cũng khá lớn rồi, một kiểu lớn kì cục hơn – Tôi khẽ bật cười với thứ triết lí củ chuối của mình trước một bé gái chừng mười tuổi.


- Ở làng em nhé, Anh Thương người lớn lắm luôn! Anh ấy to hơn em hơn cả một cái đầu. Dẫu có mặc quần áo nào, anh ấy cũng vừa như in. Đã thế, nhìn anh Thương bao giờ cũng thấy vui vẻ, cười tươi suốt cả ngày. Người Lớn thật!


Em gật gù cái đầu, mắt ngước lên trên cao như đang trông thấy cái bóng thật của Anh Thương. Chắc phải thán phục ghê gớm lắm nhỉ?


- Chị không nghĩ từ lúc sinh ra Anh Thương đã như thế đâu! – Tôi nhíu mày nghiêm túc nói.


- Chuẩn rồi chị! Chị sao mà biết hay vậy! – Con bé nhìn thẳng vào mắt tôi, la lớn như bất ngờ lắm – Nhưng chuyện anh Thương để sau đi! Hôm nay kể về em thôi – Em nói nhỏ lại, cười khì.


- Làm em thì có gì vui sao? Bị bao bọc này, bị ép buộc này, chán chết! Chị vẫn luôn muốn làm người lớn để bảo vệ cho người khác.


- Em thì chỉ muốn có người bên cạnh thôi! Em nghĩ cái em đang thiếu là ở đây này – Em đưa mắt theo ngón tay trỏ chỉ lên gò ngực trái gầy gò phẳng phiu của mình – Em nghĩ thế lúc em nhìn thấy chị – Em quay sang tôi nở nụ cười mỉm lộ ra lúm đồng xu nho nhỏ nơi khóe cằm và bỗng, mặt em lại ỉu xìu xuống – Mà đâu có dễ gì cứ lớn là bảo vệ được cho người khác đâu chị. Đau khổ lắm đó!


Em nói với giọng xa xăm, đôi mắt chăm chú nhìn vào bàn châm thấm đầy máu. Tôi có hơi lo lắng. Em bị sao vậy nhỉ? Nhưng có gặng hỏi, em cũng không trả lời. Em nói, mai em sẽ gặp tôi. Chỉ cần tôi tới, thì kiểu gì em cũng đã ở đó đợi. Em nói vậy.


*


Tôi muốn tặng em một con ruồi.


Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chắc gì em đã thích. Dẫu rằng, tôi rất thích ruồi.


Sáng hôm sau, tôi vẫn tới. Như một cuốn hút lạ kì với em.


Cũng như hôm trước, em đã ngồi đó chờ sẵn. Lần này, tôi vừa tới, em đã quay người lại, vẫy cái tay nho nhỏ chào tôi, la lớn gọi tôi mau tới chỗ em ngồi.


- Chị đến trễ đó!


- Ừ! – Tôi chậm chạp leo lên trên triền dốc thấp.


Em mở đầu bằng câu chuyện ngày hôm qua của em. Rằng em về nhà. Em chỉ cho tôi ngôi nhà mái đỏ. Ngôi nhà lớn, nhiều cửa sổ, và chắc là chẳng có tí ruồi muỗi nào. Em kể về con của em. Tôi hơi lạ lùng, mắt mở tròn nhìn em. Dẫu em kể em 30 tuổi, nhưng chẳng bao giờ tôi tin. Tôi nghĩ em tự dựng lên câu chuyện. Một đứa trẻ tự kỉ? Hoặc đại loại thế!


Nhưng con không ở với em. Mắt em rơm rớm.


Em im lặng rất lâu. Và tôi cũng không rõ tôi nên nói gì. Tôi ngồi cạnh em, im lặng vỗ lấy vai em. Có lẽ, chân em đang rất đau.


Tôi thương em. Nhưng chẳng thể làm gì. Thương em. Thương thật nhiều. Tôi biết, trong lớp vỏ xù xì, lớp vỏ em cố nói với “người ta” rằng em là “người lớn”, rằng em “thế này”, em “thế kia”, em cũng vất vả nhiều rồi. Tôi không phải em, tôi không thế khuyên em, không thể đưa ra một cái nhìn “sáng suốt” hơn. Tôi chỉ biết, em đã vất vả nhiều rồi. Tôi chỉ biết, dẫu em nói em “trốn tiệt” thì trong thâm tâm, một tâm hồn vẫn cựa quậy để được “sống”, để được “tự do trong khuôn khổ”.


Em có sai, thì em sửa.


Chỉ cần em muốn sửa, có vất vả, em sửa cũng xong.


Chỉ cần em đủ bao dung với chính em.


Chỉ cần em kéo mong muốn em về phía mình, kiểu gì ước mơ cũng nằm trong tay em.


Chỉ cần em nằm nghe tiếng thở mà em ngỡ là đã chết từ lâu của mình, em sẽ cảm nhận rõ sự sống vẫn đang nằm kề và yêu thương em đó thôi.



Em rất tuyệt vời, em có biết không?



Rồi em lại tíu tít. Em gạt hết những giọt nước mắt, lại tươi cười với tôi. Một nụ cười rất thật. Những đường nét tròn tròn đáng yêu khiến tôi thấy lòng nhẹ nhõm hẳn. Chắc em không nhận ra, em Người lớn thật nhiều! Nhiều lắm! Còn tôi, tôi chỉ muốn ôm em một lúc, gửi cho em một tình thương nhỏ nhoi mà ít khi em cảm nhận thấy trong cuộc đời quá nhiều những đau thương cho em…



- Chị ở gần đây sao? Em chưa thấy chị bao giờ? – Đột nhiên em hỏi tôi trong những mẩu chuyện đứt gãy về mình.


- Chị ở Hà Nội cơ!


- Hà Nội đẹp không chị? Bọn bạn em, ai cũng mong được lên Hà Nội. Như thế mới “đẳng cấp”


Tôi lại chẳng biết nói gì. Lại cười. Nhe răng ra mà cười với em.


- Hà Nội bụi lắm em! Được cái dạo này nhiều ruồi! – Tôi cười vui vẻ


- Ừ nhỉ? Chị thích ruồi mà! Ủa? Thế Hà Nội có gì hay không chị? Em chưa bao giờ lên Hà Nội luôn!


Tôi lại ngồi hàng giờ trên gò đất, kể cho em nghe về Hà Nội của tôi. Tôi kể cho em về VimCom Bà Triệu. Những hàng dài lộc vừng quanh co, vươn người sừng sững quanh hồ Gươm sương tỏa. Tôi kể em nghe con ngõ Lĩnh Nam bé nhỏ nhà tôi, cũng có cây lộc vừng hoa nở quanh năm, lá xanh bốn mùa. Tôi kể về con ngõ Ấu Triệu với món nem lụi, những con phố với ẩm thực nhắc đến lại thèm. Tôi kể về những con người thành thị, những người quen, những người lạ, những người thân, những người yêu. Đột nhiên, giữa tháng năm nóng nảy, tôi lại thấy dịu lại khi nhớ về Hà Nội. Có một góc nào đó, Hà Nội đối với tôi yên bình lạ. Hoặc, đối với Hà Nội, tôi cũng yên bình như thế.


Tháng giêng trời nồm, tháng bảy trời thay gió. Hà Nội có gì se sắt lắm làm tôi nhớ thương.


Cũng có thể, lần đầu gặp em, em đã cho tôi cảm giác như Hà Nội đã cho tôi.


- Uầy! Em cũng muốn được tới Hà Nội chơi! Chị kể nữa đi! Em chẳng mấy khi được đi đâu! Cũng bởi nhiều thứ quá! Toàn trách nhiệm cả!


- Em vất vả nhỉ? Thương em thật đấy! – Tôi buột mồm nói thế.


Em mở to mắt ra nhìn tôi rồi cười sằng sặc. Cả người em rung lên. Tay em ôm lấy bụng, cái đầu lắc lư ngặt ngoẽo theo tiếng cười. Tiếng cười em trong trẻo và xán lạn lạ thường. Em cười rất lâu, càng cười lại càng hăng. Cứ như thể lâu lắm mới được cười nhiều như thế. Sau cùng, em lấy cánh tay gạt những giọt nước mắt rỉ ở đuôi mắt nhăn nhăn.


- Chị bị sao à? Chết cười! Ha ha ha! Ở đây, chả ai nói thế đâu chị! Ngượng chết! Thôi chào chị, em về đây! Ngày mai chị kể tiếp cho em về chị nhá! Thích thật đó! Em về đây!


Vừa nói xong, em đã phủi váy đứng dậy và chạy ra khỏi gò đất. Thì ra, sau bụi rậm có một lỗ đá lớn để thông từ gò đất ra làng mạc sau đó.




*


Những ngày nắng tháng 5 trên gò đất, tôi bầu bạn cùng em. Vẫn bộ váy ấy. Em ngày nào cũng như ngày nào, ngập tràn mùi của đất, mùi của hương gió Lào nóng nảy. Kể cho tôi nghe những câu chuyện của em. Một cách vội vàng và gấp gáp. Như thể sợ tôi đi mất. Mà quả thật, tôi cũng sắp phải đi. Đi về Hà Nội vì rằng, trời đã sắp thay gió, và tôi còn có những trách nhiệm, những trách nhiệm của tôi với các con ruồi.


Tôi đã kể cho em về Miu. Một người bạn của tôi. Với em, Miu là một người bạn của một người bạn của em. Sự kết nối xa vời, nhưng em vẫn lắng nghe với đôi mắt háo hức tò mò. Đôi mắt của đứa trẻ. Đôi khi tôi tự hỏi là tôi lớn hơn em hay em lớn hơn tôi. Tôi cũng chẳng rõ ràng nữa. Có thể em chính là Hoàng tử bé ngoài đời thực mà tôi phải gặp. Đơn thuần là duyên kiếp, chỉ thế thôi.


Tôi kể cho em về những người tôi yêu. Và giờ đây, tôi nghĩ, tôi sẽ cho em thêm vào danh sách dài dằng dặc ấy.


Tôi kể cho em về hai chị sinh đôi trong những giấc mơ trở về của tôi. Hai chị sinh đôi, những con người cứ đi qua cuộc đời tôi, không đầu không cuối như câu chuyện của em kể. Khiến tôi cuốn hút, mơ màng, sung sướng, nhưng lại nuối tiếc vì chẳng thể đi được đường xa. Ừ thì, cho tới giờ, tôi chẳng rõ, hai chị ấy đang ở đâu nữa.


Tôi kể cho em về “cuộc sống thành thị”. Những điều người ta hướng tới, những điều người ta khát khao, những điều người ta tin tưởng, đẹp đẽ và bóng loáng, đã vẽ nên “cuộc sống thành thị” ấy.


*


- Có một dạo em không thiết sống chị ạ! Em nghĩ em thật khổ sở! Em nghĩ em thật xui xẻo! Những trách nhiệm, những tương lai người ta vẽ ra cho em, những không gian chật hẹp trong suy nghĩ chật hẹp. Em đột nhiên chán cơm. Chán cả món sườn mà em thích ăn nhất. Người em như nhão ra, em chán ghét chính mình khi nhìn vào gương. Em cảm thấy em thật tệ! Vì em chẳng là ai, em chẳng là gì, em không có gì. Và em có cố, thì em sẽ được hạnh phúc không cơ chứ? Cái niềm đau quật chết niềm tin của em. Lúc đó, có lẽ, em đã không còn thực sự là mình nữa… Hoặc có thể em đã chết một phần, cho đến tận bây giờ…


*


Đôi khi tôi tự hỏi mình, liệu mình đã từng có ý nghĩ muốn chết chưa.


Thì câu trả lời của tôi là chưa. Nhưng không thiết sống, thì có lẽ là có.


Chỉ là ý nghĩ thôi. Sau đó thì niềm đau vật lý đã khiến tôi sợ đến hết cả hồn.


À hóa ra, tôi vẫn muốn sống.



Có một lần tôi nhìn thấy những vết sẹo dài trong má trong của cánh tay em. Tôi tò mò hỏi:


- Em bị sao vậy?


Em cười khẩy một tiếng, tuy nhiên sau đó lại giấu tiệt những vết thương trên người mình. Rồi tự dưng khóc. Em gục mặt trên đầu gối. Ấp cả những dòng nước mắt phiền não giấu kín vào khoảng tối của chính mình.


Tôi lại ngồi đó, lặng nhìn những nỗi buồn của em êm đềm như một buổi tối không sao, rủ màu tím hoa xuống thành thị Hà Nội.


*


Tháng Sáu ngắn như một cơn mưa rào. Đối với tôi thì thời gian chẳng quan trọng là bao. Vì nó nằm ngoài trong cuộc sống của tôi. Dòng thời gian chỉ chảy lên thân xác, những suy tư phụ thuộc vào chính nó. Còn tôi? Còn bản thân tôi thì không.


Có một sáng nọ, tôi lóc cóc nhảy lên trên gò đất, mắt dáo dác tìm em. Thật lạ! Em đến muộn. Trời đã lên nắng và chúng tôi đã thỏa thuận sẽ về trước 9h.


Tôi ghét nắng.


Vừa mới nhắc tới thì em xuất hiện. Em mang theo một xấp tài liệu, vui vẻ nhìn tôi. Em bảo em đang làm bài tập. Em kể cho tôi nghe về những dự định của em. Tôi không hiểu lắm, đôi khi tôi thấy mình thật ngốc.


Những ngày nữa tôi thấy có cả bút màu, xấp giấy, có cả lap, hay những trang nháp đầy khuông và nốt nhạc.


Có những ngày, em hỏi tôi có thể nghe em nói không. Tất nhiên tôi trả lời là có. Em đứng trước tôi giọng run run nói gì đó. Một lần nữa, tôi lại chẳng hiểu gì.


Nhưng nói xong, em vui lắm, em ôm lấy tôi, cười thật tươi, vừa cười vừa vui vẻ lắc lắc hai cánh tay tôi, chọc tôi mấy câu. Nhìn em vui, tôi lại vui lạ. Tôi cũng cười. Tiếng cười của tháng sáu, tiếng cười của hạnh phúc, của sự khám phá kì lạ mà đôi khi tôi không hiểu gì mới là tốt nhất.


Có lẽ, em đã tìm thấy điều gì đó trong ngực trái của chính mình.


Và tôi vui vì điều đó.



*


- Trường chị có thư viện đó! Chị đã gặp một người bạn ở đó! Mới quen luôn! Cơ mà trong hình dạng khác!


- Anh chàng với đôi mắt đục ạ?


- Em cũng biết hả?


- Vâng! Chị có kể một lần. Rồi khi em “lớn thật”, em sẽ tìm chị! Chị phải nhận ra em đó!


- Tất nhiên! Chị sẽ không nhầm em với Khủng Long đâu!


- Chị này! Đừng có trêu em! Thôi, chị đi mau đi kẻo muộn! Trời sắp thay gió rồi!


- Ừ, chào em nhé! Mạnh khỏe nghen! Tặng em này!


Tôi xòe bàn tay ra. Con ruồi bay lên trong tích tắc.


Và em cười thật tươi. Y như nắng đầu hạ. Y như những gì đang lấp loáng trong trái tim em.



Ngày cuối cùng tháng Sáu, em nhạt dần và biến mất, tôi đã không thấy em kể từ đó tới nay…


Tác giả: Chanh30

BẢN THẢO
Bài viết liên quan