Năng Lượng Của Bạn Đang Chơi Vơi Ở Mức Nào?

Truyền thông như một tấm gương phản chiếu những điều tồi tệ nhất về con người

Ngày trước, tôi vốn rất thích đọc những bài học truyền cảm hứng từ rất nhiều người nổi tiếng, thành công khác nhau. Tôi đọc chúng mỗi khi buồn, mỗi lúc thất bại, cô đơn, tuyệt vọng về cuộc sống này. Tuổi trẻ của tôi đã từng gắn liền với những câu chuyện như thế. Nhưng mãi sau này, tôi mới phát hiện ra, chẳng có ai trong số họ dạy chúng ta học làm quen với thất bại và mất mát cả. Khi ở trong ngưỡng cảm giác ấy, tôi chỉ biết tìm cách trốn tránh và ngày càng phủ nhận chúng mà thôi. Tôi đã từng cho rằng những cảm giác đó thật ngại ngùng và đáng xấu hổ khi không đạt được nhiều thành tích như nhiều người có được, hay ngay cả chính mục tiêu ban đầu cũng bị vùi dập mất bởi chính bản thân mình.


Sau này tôi mới hiểu rõ, những việc đó – truyền cảm hứng, tạo động lực ngay tức thì như vậy thực ra bản thân tôi không phù hợp. Thậm chí còn làm mức năng lượng của mình tụt giảm đáng kể. Truyền thông như một tấm gương phản chiếu những điều tồi tệ nhất về con người. Rằng nếu hôm nay bạn không cố gắng làm việc nọ, nỗ lực việc kia ngay tức thì, bạn sẽ là kẻ bị đẩy lùi ở phía sau, bạn sẽ trở thành một kẻ thất bại. Điều duy nhất khiến tôi tin và hành động theo những lời khuyên đó là vì nỗi sợ, nỗi sợ thất bại, nỗi sợ tương lai của mình sẽ lụi tắt khi không hành động ngay bây giờ.



Chính những nỗi sợ đó khiến năng lượng của chúng ta giảm đi đáng kể và không còn năng lượng để làm những điều phù hợp với bản thân mình hơn. Tôi từng chia sẻ với một người anh rằng việc gặp nhiều người cùng một lúc khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, tôi không còn năng lượng để dành cho công việc chính của mình. Tôi đã nghĩ có khi nào tôi lãnh cảm với mọi người xung quanh, rằng tôi không có đủ thời gian để quan tâm tới bố mẹ mình (tôi không gọi điện cho họ thường xuyên- 2 lần/tháng), rằng có phải tôi đã mắc phải hội chứng nào đó với việc gặp gỡ hay trong giao tiếp không. Thì người anh đó chỉ nói với tôi một câu, đơn giản là vì năng lượng của em không tương thích hay tận dụng được hết khi tiếp xúc nhiều với họ thôi. Như câu chuyện bên trên của tôi, đơn giản vì công việc đó không tận dụng hoặc tận dụng sai năng lượng của tôi khiến tôi từng lầm tưởng rằng mình là một kẻ thất bại, nhưng rồi cuối cùng, hóa ra điều đó chỉ giải thích duy nhất một điều rằng, tôi sinh ra không phải chỉ để làm những việc đó. Điều này cũng có ý nghĩa tương tự với bạn, đã bao giờ bạn sẵn sàn từ bỏ những điều không phù hợp với bản thân để tìm một việc khác tương hợp với năng lượng của mình?


Năng lượng được cảm quan như thế nào?


Ở đây tôi không nhắc đến năng lượng vật lý để cung cấp các chức năng cơ bản như ăn, ngủ, chạy bộ… mà tôi muốn viết đến năng lượng phi vật lý, nghĩa là những năng lượng vô hình đang tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Ai cũng từng biết đến năng lượng của vũ trụ, nhưng không biết nó tồn tại như thế nào. Trong cuốn “Trí tưởng tượng mở con đường” của tác giả Shakti Gawain cho rằng: Những dạng năng lượng khác nhau tạo nên các trạng thái định hình khác nhau, trong đó thể hiện rõ nhất ở các thể vật lý (rắn, lỏng, khí...). Năng lượng càng nhẹ và tinh tế thì càng dễ thay đổi và ngược lại.


Trong khuôn khổ bài viết này, cũng như việc tôi không phải một nhà nghiên cứu về khoa học siêu hình, tôi chỉ muốn chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này bằng chính những trải nghiệm của bản thân mà thôi.



 

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày nọ (cách đây vài hôm), trong khi đã quá vật vờ vì chưa giây phút nào não được nghỉ ngơi nhưng bản thân vẫn muốn viết. Gọi là xả năng lượng xấu còn dư đọng cũng được. Vì tôi không thể nào chịu đựng thêm một phút giây nào nữa. Câu chuyện năng lượng một lần nữa lại được khơi ra, với một nhân vật bí ẩn chiều nọ tôi từng gặp, sau một lần từng kể chuyện này với một cô bạn khoảng hơn một tháng trước. Anh ý nói giờ năng lượng của tôi quá mạnh, và tôi cần người nào đó kéo mức năng lượng xuống, trước khi quá muộn.


Không phải là tôi không nhận ra, mà là đến thời điểm này có lẽ mới là lúc tôi cần nhận ra. Nghĩa là khi, bạn đủ nhạy để tập trung vào cơ thể mình và gạt bỏ được những lắng cặn suy nghĩ, bạn sẽ nhận ra đó là cái gì. Khi đủ hiểu biết về bản thân mình (cả thể chất lẫn tâm lý), bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được cả tư duy, tâm tính người đối diện, ít nhất là ở khía cạnh ứng xử của họ đối với mình.


Không chỉ dừng lại ở mức tư duy, bằng chứng máy móc suy luận. Mà tôi còn cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của cơ thể, có thể là cả tích cực lẫn tiêu cực. Đó là khi cảm nhận được dấu hiệu nỗi đau của chiếc dạ dày biểu tình vì ăn uống không đều đặn, cũng có thể cảm nhận từng nhịp tim đập nhanh hơn bình thường vì thức khuya quá muộn. Đó cũng có thể là khi duy trì được thói quen ngủ sớm và những cơn đau đầu đã bị đẩy lùi hoàn toàn, không như trước đây tôi từng bị dày vò sống dở chết dở vì nó.



Năng lượng đối với cá nhân tôi – là một người viết


Người viết không phải lúc nào cũng luôn ở trạng thái sẵn sàng để viết, mà hẳn là để viết ra được thứ gì đó làm thỏa mãn bản thân, nghĩa là họ đã trải qua nhiều hơn sự cho phép trong giới hạn an toàn. Hay nói cách khác là năng lượng của họ ở mặt nào đó, cần phải được chuyển hóa sang một dạng khác, ở đây là bắt-buộc-phải-viết-ra.


Ấy là khi tôi cảm nhận rõ sự mệt mỏi và bất lực của một số sinh viên tham gia thi vấn đáp môn Tâm lý học nhóm hôm nọ. Tôi cảm thấy rõ từng nét co duỗi bởi tụt huyết áp trên khuôn mặt giảng viên sau khi kiểm tra lần lượt từng người từng người trong buổi kiểm tra đó. Tôi thấy rõ sự mệt mỏi của đứa em cộng tác dự án tâm lý với mình khi vừa đi dạy thêm về, ăn qua loa bữa trưa rồi sang off để kịp giờ. Tôi hỏi em nó là ăn trưa chưa, mà không hiểu sao cứ lâu lâu lại nhắc lại câu hỏi đó một lần. Tôi cảm nhận được nguồn năng lượng bí ẩn nào đó từ một người anh từng bảo mình nên đi trải nghiệm nhiều môi trường đủ để kìm hãm và nuôi dưỡng nguồn năng lượng của bản thân một cách hợp lý nhất.


Đó là tất cả những gì tôi link được chuỗi sự kiện xảy ra trong ngày hôm đó. Tôi là người hướng nội, việc gặp quá nhiều người lạ trong khoảng thời gian ngắn khiến mình mệt mỏi là điều đương nhiên. Điều đó buộc tôi phải viết ra những dòng này. Không phải không có người để tâm sự, chia sẻ, mà là tôi không muốn xả những năng lượng tồn đọng lại một cách gay gắt cho ai đó. Bởi hậu quả những điều tồi tệ của mình và gạt đi tất cả cho ai đó là một tội lỗi cực kỳ to lớn. Tôi chọn cách viết lại cảm xúc này, cũng là một cách hay để giải tỏa stress mà không ảnh hưởng tới ai khác, như đã từng.



Làm thế nào để duy trì mức năng lượng ở trạng thái cân bằng?


Cuộc sống tồn tại những người có cơ thể khỏe mạnh nhưng cũng có nhiều người thì không. Tương tự, có người có năng lượng mạnh thì cũng có người có năng lương yếu. Người ốm yếu có thể nhìn thấy bằng mắt thường bởi các biểu hiện như xanh xao, gầy gò, ốm yếu… và người khỏe mạnh thì có một cơ thể tràn đầy sức sống, các cử chỉ linh hoạt, cơ mặt thì luôn giãn ra và thư thái… Những người có năng lượng yếu thường thể hiện ở chỗ tư duy bị chậm, luôn không có cơ hội để giải phóng tư duy, ý nghĩ. Còn người có năng lượng mạnh thì người lại.


Cách duy nhất để cân bằng mức năng lượng của mình là hãy để bản thân trải nghiệm ở nhiều môi trường nhất có thể. Việc tìm được môi trường phù hợp là điều không dễ, nhưng cũng không khó với những người hiểu rõ mức năng lượng nội tại của mình. Chỉ có cách đó mới khiến bạn tìm được điều phù hợp với chính mình – những người hiểu bạn, những người tạo ra môi trường có thể tận dụng năng lượng của bạn một cách tối ưu, cũng như bạn có thể khai thác được tất cả những gì mình có thể cống hiến cho cuộc sống này.


Tác Giả: Yến Nhi


BẢN THẢO
Bài viết liên quan