“Tôi thực sự gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi chẳng bao giờ biết phải nói gì với những việc đang xảy ra xung quanh tôi, thế nên tôi luôn tỏ ra mình là người lạnh lùng và kiêu căng. Tôi muốn kết bạn, nhưng quá trình đó thực sự là một bài toán khó với tôi. Làm cách nào để tôi trở nên dễ gần hơn? ”


Bạn có cảm thấy rằng mình giao tiếp rất kém với người khác không? Có thể bạn sẽ dễ chịu hơn khi biết một sự thật rằng bạn không đơn độc khi cảm thấy như vậy. Nếu bạn là một người hướng nội và bạn nghi ngờ khả năng của mình, vậy thì việc xây dựng mối quan hệ lâu dài có lẽ là một thách thức. Các hướng dẫn sau đây sẽ dạy bạn cách làm cho mọi người hứng thú hơn khi nói chuyện và cách cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn.


1. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể dễ hiểu và thân thiện


Học cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể thật tự tin khi bạn đang ở gần người khác là một bước quan trọng để trở thành một người trông thân thiện và dễ bắt chuyện hơn rất nhiều. Mọi người sẽ tránh xa bạn nếu bạn tỏ ra khó gần, hoặc họ sẽ cảm thấy không thoải mái trong cuộc trò chuyện khi còn không biết lý do tại sao.


Khoanh tay, trò chuyện với tông giọng trầm và đều, tránh giao tiếp bằng ánh mắt và giữ thái độ im lặng (không biểu cảm trên khuôn mặt) đều có thể gây hiểu lầm rằng bạn không muốn nói chuyện với họ.


Hãy tập thói quen với việc giao tiếp bằng mắt. Trong một cuộc trò chuyện, giao tiếp bằng mắt không nên nhìn chằm chằm, phải tạo cảm giác tự nhiên và dễ chịu. Hãy cố gắng mỉm cười và tránh nghe điện thoại khi bạn muốn trò chuyện với người khác.



2. Học cách lắng nghe 


Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu điều đầu tiên mà mọi người nhắc tới khi mô tả về một người mà họ cho rằng dễ bắt chuyện chính là khả năng không nói gì cả. Nhưng thay vào đó là cách họ lắng nghe.


Mọi người thường thích kể về bản thân nhiều hơn. Và cũng không có nhiều người giỏi lắng nghe. Nếu bạn là người hướng nội, bạn sẽ có lợi thế hơn khi học cách lắng nghe người khác. Điều đó có nghĩa rằng bạn sắp trở thành người mang lại thiện cảm khi nói chuyện với ai đó rồi đấy!


Lắng nghe và thể hiện sự quan tâm của bạn đến đối phương giúp cuộc trò chuyện của bạn diễn ra dễ dàng hơn. Đừng ngắt lời nếu bạn muốn trở thành một người biết lắng nghe. Gật nhẹ đầu và tạo ra tiếng động nhỏ như “hmm”, “ohhh”, như vậy có thể giúp đối phương hiểu rằng bạn đang lắng nghe họ và bạn muốn nghe những gì họ nói. 


Để trở thành người giỏi lắng nghe, bạn hãy cố gắng thấu hiểu được ý nghĩa trong từng lời nói của đối phương. Bạn phải chú ý đến cách mà họ truyền đạt điều đó như thế nào qua giọng điệu, cử chỉ, nét mặt của họ ngay lúc đó. Rồi tự hỏi xem rốt cuộc họ đang muốn nói ra điều gì.


3. Chấp nhận cảm xúc thật


Khi chúng ta cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu khi giao tiếp với ai đó, chúng ta có niềm tin rằng đây là người cởi mở. Để tạo cảm giác thân thiện cho người khác khi nói chuyện, hãy thử học kỹ năng truyền đạt những cảm xúc chân thực của bạn.


Khi một cô gái chia tay bạn trai của mình và lí do chia tay đến từ anh ấy. Bạn có thể an ủi cô ấy bằng những lời nói như “Mình thấy anh ấy không xứng với cậu đâu, cậu là người bạn gái tốt”, bạn mong cô ấy sẽ mạnh mẽ vượt qua. Điều bạn nói rốt cuộc cũng chỉ mong cô ấy hiểu rằng cô ấy xứng đáng gặp được người tốt hơn.


Tuy nhiên, rất có thể những lời bạn nói sẽ phản tác dụng. Cô ấy sẽ cảm thấy mình đã nhầm lẫn khi yêu anh ta và cô ấy không nên khó chịu sau đổ vỡ này. Sau đó, cô ấy có thể chỉ trích bản thân vì tình cảm đã không dành cho đúng người.


Thay vì vậy, bạn nên an ủi cô ấy bằng những lời nói thực tế hơn như “Mình rất xin lỗi, mình biết bạn yêu anh ấy. Có thể ngay lúc này bạn đang rất khó chịu. Chia tay người yêu thật sự khó khăn biết mấy”. Hãy cho người bạn của bạn biết rằng bạn vẫn ở cạnh họ và họ có thể tâm sự với bạn về những gì họ đang trải qua. Nói cho họ nghe rằng tình cảm của họ rất ý nghĩa, ngay cả khi chúng không thực sự như vậy.


4. Làm một cổ động viên


Trở thành người ủng hộ và người cổ vũ chân thành nhất với bạn bè. Hãy nói rõ cho bạn bè biết rằng bạn luôn tin tưởng những gì họ làm và bạn nghĩ họ là người tuyệt vời như thế nào.Những lời khen ngợi luôn được hoan nghênh, miễn là chúng đến từ đáy lòng (đừng khen ngợi nếu bạn mong đợi điều gì đó đáp lại bạn). Hãy cẩn thận quan sát và kể điều gì đó tốt đẹp về những người đang nói chuyện cùng bạn.


Đừng đưa ra lời khen cho những điều đại loại như vấn đề về cân nặng hoặc các vấn đề nhạy cảm khác cho đến khi bạn hiểu rõ về những thứ người ta phải trải qua. Thay vào đó, hãy khen ngợi những thành tựu họ đạt được ở trường học và nơi làm việc, hay tính cách của họ như lòng tốt và lòng kính trọng.



5. Cố gắng giữ suy nghĩ cho riêng mình


Bạn có cảm thấy thích nói chuyện với người mà bạn thấy họ như đang đánh giá bạn không? Hay nó sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái? Cách tốt nhất để trở nên dễ dàng hơn trong giao tiếp là dựa vào năng lực đánh giá người khác của chúng ta.


Ngay cả khi bạn không nói gì, mọi người có thể biết bạn đang ngầm đánh giá họ. Việc quay mặt đi hoặc đảo mắt sang chỗ khác sau khi đối phương chia sẻ câu chuyện của họ cho bạn nghe, khi làm như vậy bạn có thể khiến họ cảm thấy dễ bị phật ý và tổn thương.


Đừng có thái độ như vậy nữa, hãy cố gắng tiếp thu quan điểm của người khác khi họ đang cố góp ý cho bạn, ngay cả khi quan điểm của bạn không giống với họ. Những người từng trải, được nhiều người ngưỡng mộ, từng hoạt động và có những kinh nghiệm qua từng nhiều thời điểm khác nhau, họ có thể dạy chúng ta rất nhiều điều.


Hãy nhớ rằng tình cảm bạn thể hiện và những gì bạn làm không giống nhau. Bạn không cần phải ép bản thân chấp nhận những gì bất lợi cho bạn hoặc cho người khác. Trong một số tình huống, tùy thuộc vào thời gian, địa điểm và hoàn cảnh, bạn có thể chủ động đưa ra ý kiến cá nhân khi bạn cảm thấy không hài lòng.


6. Khám phá những điểm chung


Cách dễ dàng nhất để bắt sóng với đối phương là nói chuyện về những chủ đề cả hai bên đều quan tâm. Trên thực tế, những điểm tương đồng và cảm giác thân mật là hai trong số những yếu tố then chốt khởi đầu cho việc tạo dựng một tình bạn bền chặt. Người ta nói "mưa dầm thấm lâu", chỉ cần bạn đối xử chân thành, chắc chắn một ngày không xa các bạn sẽ trở thành bạn, thậm chí là tri kỉ. 


Việc nghĩ xem điều gì đã mang chúng ta đến gần nhau là một cách dễ dàng và nhanh nhất để tìm ra điểm chung. Nếu bạn và họ đang xếp hàng tại một cửa hàng thú cưng, rất có thể cả hai đều có thú cưng và có thể nói về niềm vui và khó khăn khi nuôi chúng. Nếu bạn thường xuyên tham dự trò chơi đố vui tại quán Pub, các bạn có thể chia sẻ những sở thích và giới thiệu podcast hoặc sách cho nhau.


Bạn cũng có thể hỏi những câu hỏi tương tự như "Bạn đã từng đến đây chưa?" để tìm hiểu xem bạn và họ có điểm chung gì. Nếu họ trả lời có, nhân cơ hội bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin mà bạn muốn được nghe từ họ. Còn nếu họ nói họ chưa, bạn có thể kể cho họ rằng đây cũng là lần đầu tiên bạn tới chỗ này. 


7. Tập phản ứng nhanh với những chuyện xung quanh 


Học cách trở thành người dễ bắt chuyện đồng nghĩa với việc biết cách làm người khác cảm thấy dễ chịu khi ở cạnh mình. Bạn có thể học cách làm sao để nói chuyện thoải mái và hợp ý với người khác từ việc để tâm đến họ đang làm gì, họ như thế nào và họ cần gì. 


Ví dụ, nếu ai đó từ bên ngoài bước vào nhà bạn trong một ngày nắng nóng, bạn có thể mời họ một cốc nước mát. Nếu bạn đang nói chuyện với ai đó vào ban đêm, hãy đề nghị đưa họ về nhà hoặc đến bến xe buýt về cho an toàn.


Hành động không cần phải quá lớn, chỉ đơn giản là một lời hỏi thăm nhưng đủ để cho thấy họ nhận được sự quan tâm khi nói chuyện với bạn. 


8. Đừng nên đưa ra lời khuyên khi bạn không được yêu cầu


Nhiều người trong chúng ta có xu hướng muốn hỗ trợ hoặc "sửa chữa" các vấn đề mà người khác không tự giải quyết được. Chúng ta muốn chứng minh rằng chúng ta quan tâm họ và có lẽ sẽ giúp ích được gì đó cho họ. Nhưng những lời khuyên hay cách chúng ta đang cố nỗ lực giải quyết khó khăn thay cho bạn bè lại vô tình khiến họ cảm thấy bối rối, thậm chí họ có thể sẽ thất vọng và khó chịu.


Nếu bạn muốn giúp đỡ họ bằng việc đưa ra lời khuyên, tốt nhất bạn nên hỏi xem ý kiến của họ như thế nào trước khi nói. Chẳng hạn bạn có thể nói như sau: "Bạn có cần một lời khuyên không, hay bạn chỉ muốn tâm sự cùng mình?" và "Bạn có muốn nghe ý kiến của mình không?" .Mọi người thường chỉ muốn được lắng nghe.


9. Đặt câu hỏi để sau đó dẫn đến các chủ đề khác


Biết cách chủ động đưa những câu hỏi thích hợp là một “nghệ thuật”. Một số câu hỏi nhất định chỉ có thể được đáp lại bằng một từ duy nhất, khiến đối phương không còn biết phải tiếp tục câu chuyện như thế nào. Các câu hỏi mở có nhiều khả năng tạo cho bạn cuộc trò chuyện sôi nổi hơn rất nhiều.



10. Tự tin là chính mình


Khi ai đó có năng lượng tích cực và thoải mái, tự tin khoe cá tính thì chắc chắn họ là người mà chúng ta có thể dễ dàng bắt chuyện. Ở bên cạnh những người như vậy chúng ta sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái. Chúng ta có thể phân tích điều này theo quy tắc “Coregulation”. Có nghĩa là chúng ta nên ngồi lại với nhau để cùng nhìn nhận vấn đề, tự điều chỉnh cảm xúc cá nhân để giúp mối quan hệ trở nên hòa hợp hơn.


Mọi người đang sống cùng một thế giới cho nên chúng ta rất dễ bị chi phối bởi cảm xúc của những người xung quanh. Khi những người khác cảm thấy thoải mái và an toàn, chúng ta cũng sẽ tự cảm nhận được năng lượng tích cực đó từ họ Còn khi ở gần ai đó đang rơi vào trạng thái căng thẳng, chúng ta cũng phải cẩn thận để không trở nên căng thẳng theo họ.


Bạn càng nỗ lực để trở nên tự tin và đáng tin cậy, mọi người xung quanh càng thoải mái hơn khi ở gần bạn và xem bạn như một người bằng hữu để tâm sự. Do đó, hãy học cách tôn trọng bản thân, trở thành một người tự tin sẽ khiến bạn dễ gần với mọi người hơn.


11. Bộc lộ cảm xúc của bạn


Những người che giấu cảm xúc được đánh giá là rất khó tính và tránh kết nối với mọi người xung quanh, trái ngược những người biết bộc lộ cảm xúc của mình. Do đó, mọi người nghĩ rằng khó để giao tiếp với họ hơn.


Khi bạn nói chuyện với người khác, hãy mạnh dạn bày tỏ tình cảm, điều này có thể khiến bạn trông như người thân thiện và dễ gần hơn. Hãy biết cách khéo léo cân bằng giữa những câu chuyện riêng tư và những điều tẻ tẻ nhạt và phiến diện.


Chia sẻ chi tiết về những vấn đề trong việc ăn uống của bạn hoặc chuyện bạn đã chia tay người yêu như thế nào, những câu chuyện như vậy có vẻ quá riêng tư, đặc biệt nếu bạn đang nói chuyện với một người bạn bình thường, không quá thân thiết hoặc người bạn chỉ mới gặp lần đầu. Bạn biết không, họ sẽ không bao giờ quan tâm khi nghe đến chuyện bạn đã đi ăn sáng ở đâu hoặc những gì bạn chuẩn bị cho bữa sáng, trừ khi họ là một tín đồ ăn uống thực thụ.


Khi bạn chia sẻ tâm trạng của mình, hãy cân nhắc tới việc dùng cụm từ “Tôi cảm thấy” trong câu nói của bạn. Điều này sẽ giúp bạn tập trung bày tỏ cảm xúc của mình hơn là làm lớn chuyện lên hoặc nổi giận với đối phương. Có một sự khác biệt giữa việc nói, “Tôi thấy bực bội vì xe buýt rời đi sớm và tôi đã bỏ lỡ chuyến xe đó,” và “Tài xế xe buýt đã rời đi trước giờ khởi hành năm phút, ông ta thật quá đáng.” Việc giận dữ với điều ta không hài lòng và thể hiện những cảm xúc tiêu cực với mọi người có thể khiến bạn trở thành con người khó tính trong mắt họ.


12. Tận dụng tính hài hước bên trong bạn


Kể một câu chuyện hài hước hoặc pha trò có thể khiến những người mà bạn trò chuyện cảm thấy thoải mái hơn chứ đừng tỏ ra mình quá nghiêm túc và lạnh lùng.


Khi người khác đang cố gây cười, bạn có thể áp dụng một kỹ thuật đơn giản để mang sự hài hước của mình vào cuộc trò chuyện là mỉm cười và cười nhiều để hùa theo câu chuyện của họ. Tập trung và ghi nhớ mọi người có hứng thú với những điều gì.


Một cái “trick” điển hình là đưa ra một câu trả lời bất ngờ cho một câu hỏi thẳng thắn hoặc câu hỏi ẩn dụ.  Ví dụ: Nếu bạn đang trong tình trạng không đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên, và khi ngồi “tám chuyện” với bạn bè, tình cờ có ai đó hỏi về công việc mới của bạn, thì việc trả lời bông đùa những câu đại loại như "Tôi gần như sẵn sàng nghỉ hưu", lời đáp lại này sẽ rất buồn cười, bởi vì mọi người đều biết sự thật không như vậy.


Câu hỏi thường gặp:


Làm sao để dễ dàng hơn trong giao tiếp?


Để nhận thấy một người dễ nói chuyện, chúng ta có thể chú ý cách họ nói chuyện: họ tỏ ra tốt bụng, đồng cảm, không chỉ trích người khác và sẵn sàng có mặt nếu chúng ta cần họ. Điều đó có nghĩa là họ lắng nghe những gì đối phương nói mà không phán xét, cố gắng sửa chữa hoặc kiên nhẫn đợi đến lượt họ nói.


Tôi có thể làm gì để khiến bản thân thoải mái hơn khi trò chuyện?


Chấp nhận thái độ của người khác là một thành ý họ đối với mình. Cố gắng lắng nghe mà không phán xét, đặt câu hỏi và chia sẻ cảm xúc hiện tại của bạn. Cho họ thấy rằng bạn cũng thích và mong muốn trò chuyện với họ.


==========

Dịch bởi: Moa

Biên tập: Ori 

Nguồn ảnh: Unsplash

Tham khảo: David A. Morin. How To Be Easy To Talk To (If You’re An Introvert). Available at: <https://socialpronow.com/blog/easy-to-talk-to/>

==========

BẢN THẢO
Bài viết liên quan