Nghịch lý của sự lười biếng

Chúng ta trở nên lười biếng khi có một việc gì đó chúng ta nên làm, nhưng bởi vì việc này cần nhiều nỗ lực nên chúng ta trở nên miễn cưỡng để hoàn thành.

Theo đạo Kito giáo, sự lười biếng, hay trì trệ, là một trong bảy tội lỗi chí mạng bởi nó huỷ hoại xã hội và phá vỡ kế hoạch của Đức Chúa Trời, đồng thời nó còn góp phần mở đường cho những tội lỗi khác. Ví dụ, trong Cựu ước, Kinh thánh đả kích lại sự lười biếng:


‘Bởi sự lười nhác mà tòa nhà cũng hư hại; và qua sự nhàn rỗi của đôi tay, mái nhà cũng sụp đổ. Yến tiệc được dựng lên vì tiếng cười, và men say tạo nên niềm hân hoan: nhưng tiền bạc sẽ trả lời hết thảy.’


Ngày nay, mối liên hệ giữa sự lười biếng với nghèo đói và thất bại chặt chẽ đến mức một người nghèo thường bị quy chụp là lười biếng, bất kể họ thực sự làm việc chăm chỉ đến mức nào.


Xã hội hiện đại đánh đồng sự lười biếng với thất bại | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Nhưng sự lười biếng cũng có thể được quy định sẵn trong các tế bào sinh học của chúng ta. Những người du mục từ thời xa xưa đã phải dự trữ năng lượng để cạnh tranh với nguồn tài nguyên khan hiếm, chạy trốn những kẻ săn mồi và chiến đấu chống lại kẻ thù. Phí hoài nỗ lực vào bất cứ điều gì khác ngoài mối lợi ngắn hạn có thể gây nguy hại cho sự sống còn của họ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi thiếu thốn nhu cầu cơ bản như thuốc kháng sinh, ngân hàng, đường sá hay tủ lạnh, thì việc suy nghĩ về kế hoạch dài hạn sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ngày nay, sự tồn tại đơn thuần đã không còn nằm trong kế hoạch chính, và chính tầm nhìn dài hạn cũng như sự cam kết sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, bản năng của chúng ta duy trì việc tiết kiệm năng lượng, khiến chúng ta không thích những thứ trừu tượng với những phần thưởng xa xôi, không chắc chắn.


Mặc dù vậy, rất ít người chọn trở nên lười biếng. Nhiều người được gọi là ‘lười biếng’ vẫn chưa tìm ra những điều họ muốn làm, hoặc vì lý do này hay lý do khác, họ không có khả năng làm được. Tệ hơn nữa, những công việc giúp họ sinh tồn và lấp đầy thời gian có thể đã trở nên trừu tượng và chuyên môn hóa đến mức họ không còn nắm bắt được đầy đủ mục tiêu hay kết quả của nó, và nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì đây là sự góp mặt của họ trong việc cải thiện cuộc sống của những người khác. Không giống như bác sĩ hoặc nhà xây dựng, một trợ lý của phó kiểm soát viên tài chính trong một tập đoàn đa quốc gia lớn cũng chẳng thể chắc chắn về hiệu quả cũng như sản phẩm lao động của mình - vậy tại sao phải bận tâm?


Các yếu tố tâm lý khác có thể dẫn đến ‘sự lười biếng’ là nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng. Một số người sợ thành công hoặc không có đủ tự trọng để thoải mái tiếp nhận sự thành công, và lười biếng trở thành cách những người đó tự hủy hoại bản thân. William Shakespeare đã truyền đạt ý tưởng này một cách thuyết phục và xúc tích hơn trong Antony and Cleopatra: ‘Thần tài biết rằng chúng ta khinh ghét ông ta, nhất là khi hầu hết những điều ông ta đưa ra đều là những đòn giáng.’ Những người khác không sợ thành công mà là sợ thất bại, và sự lười biếng ưa thất bại hơn bởi vì ‘Không phải là tôi đã thất bại’ họ có thể tự nhủ với mình, ‘bởi vì tôi chưa từng cố gắng.’


Một số người ‘lười biếng’ bởi vì họ hiểu hoàn cảnh của mình vô vọng đến mức họ thậm chí không thể bắt đầu suy nghĩ kĩ chứ đừng nói đến việc làm gì đó để giải quyết nó. Vì những người này không thể xử lý những khó khăn của họ, nên có thể lập luận rằng họ không thực sự lười biếng - chí ít ở mức độ nào đó, có thể nói rằng họ đều là những người ‘lười biếng’. Chính quan niệm tối thiểu về sự lười biếng đã giả định trước khả năng lựa chọn không lười biếng, có nghĩa là, giả định trước sự tồn tại của ý chí tự nguyện.


Trong một số trường hợp, ‘sự lười biếng’ hoàn toàn trái ngược với những gì nó thể hiện. Chúng ta thường nhầm lẫn sự lười biếng với sự nhàn rỗi, nhưng sự nhàn rỗi - tức là không làm gì cả - không hoàn toàn là sự lười biếng. Một cách cụ thể, chúng ta có thể chọn duy trì trạng thái nhàn rỗi bởi chúng ta coi trọng sự nhàn rỗi là tốt hơn những gì khác mà chúng ta đang làm. Lord Melbourne, thủ tướng được yêu thích của Nữ hoàng Victoria, đã ca ngợi với tên gọi “bậc thầy của sự trì hoãn”. Gần đây hơn, Jack Welch, với tư cách là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của General Electric, đã dành một giờ mỗi ngày cho cái mà ông gọi là ‘thời gian để nhìn ra ngoài cửa sổ’. Và nhà hóa học người Đức August Kekulé năm 1865 tuyên bố đã khám phá ra cấu trúc vòng của phân tử benzen khi đang mơ mộng về một con rắn tự cắn vào đuôi của chính nó. Những người lão luyện trong việc nhàn rỗi có những chiến lược riêng để sử dụng những khoảnh khắc ‘nhàn rỗi’ của họ,, để quan sát cuộc sống, thu thập cảm hứng, duy trì quan điểm, tránh những điều vô nghĩa và vụn vặt, giảm thiểu sự kém hiệu quả và sống nửa vời, đồng thời giữ gìn sức khỏe và sức bền cho những nhiệm vụ và vấn đề thực sự quan trọng. Sự nhàn rỗi có thể dẫn đến sự lười biếng, nhưng đó cũng có thể là cách làm việc thông minh nhất. Thời gian là một thứ rất kỳ lạ, và không hề tuyến tính: đôi khi, cách sử dụng hiệu quả nhất là lãng phí nó.


Sự nhàn rỗi bên khung cửa sổ | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Sự nhàn rỗi thường được lãng mạn hóa, được tóm tắt qua cách diễn đạt của người Ý dolce far niente (‘sự ngọt ngào của việc không làm gì’). Chúng ta tự nhủ rằng chúng tôi làm việc chăm chỉ vì mong muốn sự nhàn rỗi. Nhưng trên thực tế, ngay cả những khoảng thời gian nhàn rỗi ngắn ngủi, chúng ta cũng khó có thể chịu đựng được. Nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người đang biện hộ cho việc trở nên bận rộn và cảm thấy hạnh phúc hơn vì điều đó, ngay cả khi sự bận rộn ràng buộc chúng ta. Đối mặt với tình huống tắc đường, chúng tôi muốn đi đường vòng ngay cả khi con đường vòng đó dường như khiến bạn có thể mất nhiều thời gian hơn là ngồi chờ sự ùn tắc qua đi.


Có một mâu thuẫn ở đây. Chúng ta có khuynh hướng lười biếng và mơ ước được nhàn rỗi; đồng thời, chúng ta luôn muốn làm một việc gì đó, luôn cần được phân tâm. Làm thế nào để chúng ta giải quyết nghịch lý này? Có lẽ những gì chúng ta thực sự muốn là một công việc phù hợp, và sự cân bằng phù hợp. Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ làm việc của riêng mình theo quy tắc của riêng mình, chứ không phải công việc của người khác và theo quy tắc của người khác. Chúng ta sẽ làm việc không phải vì chúng ta cần, mà vì chúng ta muốn, không phải vì tiền bạc hay danh vị, mà (với rủi ro nghe có vẻ sáo mòn) vì hòa bình, công lý và tình yêu.


Nghịch lý giữa mong muốn thảnh thơi và nguyện vọng cống hiến | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Ở vế bên kia của cán cân nghịch lý này, tất cả đều quá dễ dàng để coi sự nhàn rỗi là đương nhiên. Xã hội chuẩn bị cho chúng ta hàng năm trời để trở nên "có ích", nhưng hoàn toàn không cho chúng ta tập dượt, và ít cơ hội cho sự rảnh rang. Nhưng sự nhàn rỗi có chiến lược lại là một nghệ thuật điêu luyện khó thực hiện - đặc biệt là do chúng ta được lập trình để hoảng sợ ngay khi bước ra khỏi cuộc tranh đấu quyết liệt để duy trì vị thế của chính mình.


Như tôi tranh luận trong cuốn sách mới của mình, Heaven and Hell: The Psychology of the Emotions (Thiên đường và địa ngục: Tâm lý của cảm xúc), có một sự phân chia rất rõ ràng giữa sự nhàn rỗi và sự buồn chán. Vào thế kỷ 19, Arthur Schopenhauer lập luận rằng, nếu cuộc sống về bản chất là ý nghĩa hay trọn vẹn, thì không thể có chỗ cho buồn chán. Sự buồn chán, do đó, là bằng chứng về sự vô nghĩa của cuộc sống, mở ra cánh cửa cho một số suy nghĩ và cảm giác rất khó chịu mà chúng ta thường ngăn chặn bằng một loạt các hoạt động hoặc với những suy nghĩ và cảm xúc trái ngược - hoặc quả thực, bất kỳ cảm xúc nào.


Cuộc sống trọn vẹn không có chỗ cho sự buồn chán? | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Trong cuốn tiểu thuyết The Fall (Sự sụp đổ) (1956) của Albert Camus, Clamence phản ánh với một người lạ: ‘Tôi biết một người đàn ông đã dành 20 năm cuộc đời mình cho một người phụ nữ mắc bệnh đãng trí, hy sinh tất cả cho cô ấy, hi sinh tình bạn, công việc, sự đáng kính trọng của cuộc đời mình, và một buổi tối, anh ấy nhận ra rằng anh ấy chưa bao giờ yêu cô ấy. Anh ấy đã nản lòng, thế đấy, rồi cũng chán như hầu hết mọi người. Do đó, anh ta đã tách mình ra khỏi một cuộc đời đầy phức tạp và rối ren. Có những điều bắt buộc phải xảy ra - và điều đó giải thích hầu hết mọi cam kết của con người. Có những điều bắt buộc phải xảy ra, thậm chí là nô lệ bất hạnh, thậm chí là chiến tranh hoặc chết chóc.’


Trong tiểu luận The Critic as Artist (Nhà phê bình với tư cách nghệ sĩ) (1891), Oscar Wilde đã viết rằng ‘trên thế giới này, sự rảnh rỗi chính là điều khó khăn nhất, khó làm nhất và trí tuệ nhất.’


Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn, nếu tất cả chúng ta có thể dành một năm nhìn ngắm khung cửa sổ bên cạnh mình.

Bài báo này ban đầu được xuất bản tại Aeon và đã được tái bản dưới sự chịu trách nhiệm của Creative Commons.

------------

Dịch bởi: Cecile

Biên tập: Trang Thu

Ảnh: Unsplash.com

Tham khảo: Burton, N., 2021. The Paradox of Laziness. [online] Psychology Today.

Available at: <https://www.psychologytoday.com/intl/blog/hide-and-seek/201910/the-paradox-laziness> [Accessed 18 September 2021].

----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan