Người Cha gia trưởng và tuổi thơ kìm nén

Ai mà không phải đi qua những đau thương để lớn lên. Có những vết thương nhỏ, vết thương lớn nhưng chưa có thời gian lành lại có vết thương mới vừa in lên, thì liệu việc làm sao để chữa lành vết thương cho bản thân có thể giao phó cho ai khác - ngoài chính mình.

Có câu nói rằng: “ Con gái là người tình kiếp trước của cha”.

Cũng có câu nói rằng: “ Con cái sinh ra một để trả nợ, hai là trả ơn”.


Nếu mình nghĩ như thế nào với hai câu trên?

Với những gì trải qua, để giờ đây khi đã có chút gì đó về sự chữa lành thì mình nhận ra rằng sinh ra chính là việc vừa trả nợ mà vừa trả ơn. Bởi không được chọn mình muốn sinh ra trong hoàn cảnh nào, ai là cha, ai là mẹ, môi trường cộng với những ảnh hưởng của xã hội nơi ta đến.


Mặc dù, đến giờ cũng không rõ hay không tìm ra nguyên nhân mình đến với thế giới này vừa trả nợ vừa trả ơn là gì, nhưng mình lại có niềm tin như vậy. Tin mọi thứ đều có những nguyên nhân rất riêng mà không phải ai cũng hiểu được điều chính xác là gì? Mà phải đi tìm kiếm, trải qua bao đau thương rồi ánh mặt trời sẽ dẫn đường.


Như thế nào là gia trưởng? Tại sao gia trưởng chỉ có ở con trai, người cha, đàn ông.

Còn nhớ trong chương trình về phụ nữ, chị Hariwon đã nói rằng:

“ Đàn ông ai cũng gia trưởng, chỉ khác là ít hay nhiều mà thôi”.

Từ đó, mình hiểu rằng đàn ông có cái tôi lớn, có trí tuệ, có cơ bắp, có bộ não gấp mấy phụ nữ đó nên họ tự cho mình có quyền đó và được định nghĩa dưới sự nhận thức của bản năng.

Đàn ông luôn có trách nhiệm về trụ cột cho gia đình, duy trì nòi giống - nối dõi tông đường. Cao cả lắm nên dần sự gia trưởng lại càng lúc càng nhiều hơn.

Và mình cũng là một người được sống dưới sự gia trưởng đấy.

Tuổi thơ và những góc phòng tối | Nguồn: Pinterest

Gia trưởng được coi là hành động giới hạn sự tự do và sự tự chủ của cá nhân hoặc hội nhóm và tổ chức.

Gia trưởng còn thể hiện thái độ tiêu cực với con người, với thế giới.

Hình ảnh của mình về ba lúc nhỏ, chỉ là sợ hãi đến mức luôn muốn tránh xa và dần từ từ xây lên một khoảng cách lớn của thế hệ.


Từ nhỏ, hình ảnh vô tư, tự do được trải nghiệm được vui chơi của mình hầu như bị mất hoặc chẳng có ấn tượng gì. Chỉ toàn những lần bị la mắng khi làm trái ý, những lần nằm dài dưới sàn nhà với cây roi tre dài và cứng, những lần chỉ được phép làm này làm kia mà bản thân không hề mong muốn, bởi từ nhỏ đã được đe dọa bằng nỗi sợ hãi từ nơi gọi là người đã sinh ta ra.


Từ chối cái ôm khi bị lạnh.

Từ chối sự trợ giúp khi khó khăn.

Từ chối những lời động viên nhưng ẩn chứa áp đặt.

Từ chối nhận cuộc gọi mỗi lần đi chơi với đồng bọn.

Từ chối việc làm người con gái giỏi việc nhà.

Từ chối và chỉ từ chối.

Rồi cứ thế mãi, lớn lên được gắn với từ “ mày thật bướng bỉnh”.


Bướng bỉnh có lẽ là một chiếc áo giáp được khoác lên bên ngoài bao bọc sự chống đối mạnh mẽ bên trong pha trộn sự giận dữ, sợ hãi.


Những đứa con nhỏ nhắn, mong manh và yếu đuối đã bị những người lớn, dùng chính cái quyền đã có kinh nghiệm, đã trưởng thành, và ta đang phụ thuộc vào họ bởi nhà, thức ăn, quần áo thì có quyền dùng con dao bằng những lời nói để cắt xé vào cuộc sống tự do của người khác hay sao? Dù có quyền thật sự hay không thì họ cũng đã làm rồi, và cứ nối tiếp, đau thương chằng chịt nỗi đau chưa lành cũng chẳng được bắng bó hay sưởi ấm.


Có thể những nỗi đau cứ chất đống ở trong lòng mà không thể giải phóng, kìm nén đến mức có những cái nhìn của sự hận thù, phản xã hội đến mức có những đứa trẻ được gọi với cái danh xưng “ đứa trẻ xã hội”. Những đứa trẻ này chẳng còn sự cảm thông, xung quanh cuộc sống là sự hung hăng, tức giận, gây hấn. Một phần cũng được xây lên trên những đau thương từ cái nơi được sinh ra rồi ám ảnh của tuổi thơ.

Với mình, còn may khi đủ đau thương như vậy nhưng vẫn có ý thức được bản thân muốn sự tự do đích thực, không muốn làm ai khổ, những gì mình đã và đang chịu là quá đủ.

Quá đủ để hiểu nỗi đau là gì? Không cần ban phát cho mọi người xung quanh | Nguồn: Pinterest

Thế nhưng, ảnh hưởng của thói gia trưởng lên mình cũng không hề nhẹ. Khi sự kết nối với mọi người xung gặp nhiều khó khăn, khả năng sử dụng ngôn từ để miêu tả cũng lộn xộn, không thể diễn đạt.

Bởi khi cơ chế chịu sự căng thẳng khi bị la mắng, miệt thị, đánh đập thường xuyên nó không chỉ tác động ở mặt sinh học lên cơ thể nữa còn tác động đến tâm lý.

Những đứa trẻ ấy rất dễ bị kích thích, dễ bị hoảng loạn và trầm cảm và đôi khi mât luôn cả sự đồng cảm và lòng trắc ẩn rồi sinh ra tính cách chống đối xã hội.


Vậy mình đã làm gì trong những sự khủng hoảng và phản ứng mạnh mẽ khi dễ bị kích động?

Niềm tin về sự hạnh phúc đích thực tồn tại.


Mặc dù không thấy rõ ràng hay cụ thể, tuy nhiên với những gì được trải qua, được chúng kiến thì cungax có rất nhiều gia đình khách cũng sống trong sự gia trưởng. Hạnh phúc có, tồi tệ có, đôi khi còn đến mức đổ cả máu.

Những chứng kiến như vậy, nhỏ thôi tự nhiên lại cho bản thân mình thấy rằng thì ra cái hạnh phúc mình chưa có nhưng có thật, bởi được chứng kiến một lần, đôi khi một lần đúng thì chỉ cần một thôi là đủ để thay đổi cục diện.


Tự hỏi, nếu mình sinh ra đã hạnh phúc ngay từ đầu thì liệu có cuộc cách mạng với bản thân không? Có biết nhìn cuộc đời này bằng chiều sâu, biết cho lòng trắc ẩn được hiện hữu, biết cách tìm kiếm hướng đi thế nào bền vững mà không phải rơi vào bẫy bùn lầy đau thương của quá khứ.


Mỗi hành trình sống, ai cũng có những khó khăn và bài học cần học và vượt qua. Để rồi sau khi nhìn lại những đau thương ấy, ta chỉ cúi đầu cảm ơn những gì đã đến, để ta học cách trân trọng và cảm thông cho những con người bị bỏ quên chưa được một lần biết hạnh phúc là gì.


Cái gì cần đến – sẽ đến.

Cái gì cần đi – rồi cũng sẽ ra đi.

Lúc đến thì đau đớn đấy, nhưng khi đã trải qua xong thì lại thấy hoa nở để bắt đầu một công cuộc làm mới.


Tác giả: Bất Hối 💙

BẢN THẢO
Bài viết liên quan