Người đồng hành trong hành trình chữa lành

"Hình như trong sự bất lực người ta dám làm những thứ mà họ nghĩ là vượt quá ranh giới mà họ đặt ra. Đối với mình lúc đó là đi xa một mình với một tên con trai không có vẻ gì là an toàn"

Mình gặp bạn vào ngày cuối cùng tháng 3 của tuổi mười tám. Không hẳn là gặp nhau lần đầu tiên, chúng mình học cùng lớp hơn 2 năm rồi đấy nhưng đó lại là lần đầu tiên đi riêng của hai đứa.


Bạn trong mắt mình: một chàng trai có vẻ vô tâm hời hợt không thiếu những lời bàn tán, vừa đánh mất niềm tin sau một mối tình không trọn vẹn.

Mình trong mắt bạn: một cô gái vô tư có phần ngờ nghệch quá đà, cuộc sống gói gọn trong sách vở.

Trong lúc tưởng chừng như bị nhấn chìm trong mớ hỗn độn - kết quả của cả một quá trình nông nổi của một đứa nhóc chưa hiểu chuyện đời nhưng lại có thừa cảm tính, mình nhớ tới lời đề nghị của bạn.


“Ê đi biển không?”


Hình như trong sự bất lực người ta dám làm những thứ mà họ nghĩ là vượt quá ranh giới mà họ đặt ra. Đối với mình lúc đó là đi xa một mình với một tên con trai không có vẻ gì là an toàn. Trên quãng đường đi gần 30 cây số đấy, bạn nói nhiều lắm, chủ yếu về người bạn yêu, về cảm giác mà bạn đang chịu đựng, mình ngồi sau xe chỉ lắng nghe, thi thoảng ậm ừ.


Biển hôm đó vắng người, bạn chọn chỗ xa trung tâm, lôi từ trong cặp ra 2 lon cafe không còn mát, mình hơi bất ngờ nhưng vẫn nhận lấy. Mình đã nghĩ đến cảnh tượng đi dạo trên biển hay gì đó người ta vẫn làm khi về với cội nguồn của sự sống, thế mà hai đứa chỉ ngồi đó suốt 3 tiếng đồng hồ, nói đủ thứ trên trời dưới đất, thi thoảng lại bất ngờ vì sự xuất hiện con đom đóm lạ mặt nào đấy.

 

Bạn nói bạn sống nhanh quá, mới 18 tuổi thôi mà bạn nghĩ mình trải qua hết mọi cảm xúc trên đời rồi. Mình than rằng mình lại sống chậm quá chừng, cảm giác như mọi người đã ở thế kỉ nào xa lắm rồi ấy còn mình vẫn đang loay hoay với những niềm vui ‘lập dị’. Nhịp sống hai đứa lệch pha nhiều thế nhưng lại dường như cùng tần số vào khoảnh khắc ấy. Như thể hai tâm hồn đang độc hành tìm được nhau ấy.


Bạn làm mình thoải mái quá chừng đến nỗi mình trở nên tham lam hơn, muốn kể bạn nghe về nỗi sợ mình giấu ở nơi kín nhất, đằng sau cái vẻ ngoài ngờ nghệch của mình.


Mình đã kể, bạn lắng nghe. Bỗng dưng mình phát hiện bạn không đáng ghét như mình nghĩ. Bạn chỉ nghe rồi đồng cảm, không cho mình lời khuyên vì cả hai thật ra đều mới chỉ là những đứa nhóc 18 tuổi, còn dại khờ và vụng về nhiều lắm. Mình nhận ra không phải mỗi mình là có vấn đề đâu, ai chẳng thế, quan trọng là họ chọn chia sẻ hay giấu kín trong lòng. Thật may là do “sự tham lam” mà mình quyết định chẳng gặm nhấm nó một mình nữa.

Chiếc xe đi về nghe chừng đã nhẹ đi một nửa, vì hai đứa đã để nỗi phiền lòng tại bãi biển rồi, tiếng sóng vỗ thế nào cũng xoa dịu được chúng. 

Tối đấy, bạn đăng một chiếc story lên Instagram:


“ Cảm thấy may mắn vì trong sự bế tắc đến ngạt thở này, vẫn có người giúp mình cảm thấy sống chậm lại, dù một chút thôi cũng đã vui lắm rồi”


Cũng tối đấy, tại 1 trang blog 17 người theo dõi nào đấy, một bức ảnh biển buổi đêm được đăng lên, kèm theo hàng caption:


“ Ít nhất trong chuỗi ngày đằng đẵng cô đơn một mình, mình đã có khoảnh thời gian ngắn ngủi cảm nhận được những nỗi buồn của mình đáng được trân trọng”


Bạn trong mắt mình, mình trong mắt bạn: một đứa nhóc bị tổn thương đang tập làm người lớn.



Đã có lúc mình lầm tưởng rằng giải quyết vấn đề một mình mới là mạnh mẽ, những lời than vãn hay cảm xúc tiêu cực chỉ làm bản thân trở nên đáng thương trong mắt người khác. Giống như câu chuyện cậu bé cố gắng tự mình nhấc bổng hòn đá nhưng thất bại, trong lúc cậu rơm rớm nước mắt, cha cậu quan sát từ xa đã lại gần và vỗ vai cậu bé: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”. Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.

" Con đã không dùng hết sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp." Câu trả lời của người bố đã làm mình bất ngờ và mình cũng nhận ra định nghĩa về mạnh mẽ của mình ngu ngốc đến chừng nào.


Có đủ nguyên nhân khiến ta khủng hoảng và cách mỗi người đối phó với khủng hoảng cũng khác nhau. Khủng hoảng của một cô bé lớp 3 có thể là điểm 8 môn Toán, cô bé chọn cách khóc òa với mẹ. Lớn thêm chút nữa như người bạn của mình chẳng hạn, là khủng hoàng hậu tình yêu tan vỡ, bạn chọn cách trải lòng với người bạn tin tưởng. Đến tận khi về già, chúng ta vẫn còn có thể trải qua khủng hoảng vì cảm thấy cô đơn quá chừng, đến lúc đó tìm kiếm một “soulmate” không phải là ý kiến rất tuyệt hay sao?


Chúng ta sở hữu một nguồn sức mạnh to lớn đến từ bản thân và cả mọi người xung quanh. Người mạnh mẽ thật sự sẽ biết tận dụng nguồn sức mạnh đó, trong đau khổ bất lực vẫn đủ tỉnh táo để không chịu đựng một mình. 



So với thời điểm mấy năm trước đây, mình tự tin rằng mình đã mạnh mẽ hơn vì mình cho phép bản thân “được yếu đuối” thay vì cố gắng tạo ra một áo giáp sắt không có thực. Mình chấp nhận sự bất lực, đôi khi là tuyệt vọng của bản thân là yếu tố cấn thiết để rèn luyện tấm áo giáp thật sự cho tâm hồn.


Tác giả: Dory

 Nguồn ảnh: Pinterest


__________________________________

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.


BẢN THẢO
Bài viết liên quan