Người hạnh phúc có gì khác biệt?

Chú ý đến tiểu tiết nhiều khi rất hữu ích, nhưng quá tập trung vào chúng sẽ khiến bạn kiệt sức và tê liệt. Người hạnh phúc nhất sẽ chấp nhận rằng, việc phấn đấu cho sự hoàn hảo - và đương nhiên cả tương tác hoàn hảo với mọi người khác - chính là ván cược của một kẻ khờ.

Ảnh: Leohoho | Unsplash

Cách mà chúng tôi - các nhà tâm lý học thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia - mô tả nghề nghiệp của mình cho người ngồi cạnh trên cùng chuyến bay sẽ quyết định nội dung của chuyến bay đó như thế nào. Có thể sẽ là năm tiếng trên không với câu chuyện ngoại tình đầy xảo quyệt hay một cuộc hôn nhân đang dần suy tàn còn chi tiết hơn bạn tưởng tượng rất nhiều. Ngay cả việc đeo tai nghe cũng chẳng thể ngăn được người bên cạnh muốn kể về câu chuyện bị bỏ rơi thời thơ ấu của cô ấy (đó đơn giản là lý do vì sao các nhà tâm lý học luôn miệng nói rằng mọi thứ chúng tôi nói đều chỉ là “phán đoán”). Đối với những người sẵn sàng mạo hiểm, bỏ ra thời gian để nghiên cứu hạnh phúc, có một câu hỏi luôn khiến họ mong muốn tìm được lời đáp: TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ HẠNH PHÚC?

Bí mật của hạnh phúc là mối quan tâm ngày càng được coi trọng trong thời kỳ hiện đại, khi sự đảm bảo về mặt tài chính ngày càng tăng lên, cho con người thời gian để tập trung phát triển chính bản thân mình. Không còn là săn bắn hái lượm, lo lắng về việc tìm bãi săn tiếp theo mà thay vào đó, chúng ta lo lắng về việc làm thế nào để sống một cuộc sống tốt nhất. Những quyển sách viết về Hạnh phúc đã trở thành một ngành tiểu thủ công nghiệp; đào tạo phát triển năng lực cá nhân thì chuyển mình thành một ngành kinh doanh phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Việc theo đuổi hạnh phúc không chỉ diễn ra ở Mỹ. Trong một nghiên cứu với hơn 10 000 người tham gia từ 48 quốc gia, nhà tâm lý học Ed Diener của Đại học Urbana-Champaign và Shigehiro Oishi của Đại học Virginia đã phát hiện ra rằng, mọi người từ khắp ngóc ngách trên thế giới cho rằng hạnh phúc thì quan trọng hơn các ham muốn cá nhân khác của của con người như sống có ý nghĩa, trở nên giàu có hay được lên thiên đàng.

Cơn sốt về hạnh phúc một phần được thúc đẩy bởi một nhóm nghiên cứu ngày càng đông đảo cho thấy, hạnh phúc không chỉ mang lại cảm giác thoải mái mà còn rất tốt trong những khía cạnh khác liên quan đến tất cả các loại lợi ích, từ việc có thu nhập cao hơn và có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn cho đến nâng cao khả năng sáng tạo.

Hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng hạnh phúc thực sự không phải là một mớ những bó cảm xúc tích cực mãnh liệt, nó được mô tả như là một cảm giác “bình yên” hoặc “mãn nguyện” nhiều hơn. Bất kể nó được định nghĩa như thế nào, hạnh phúc một phần chính là cảm xúc - và do đó, gắn liền với sự thật rằng cảm xúc của mỗi cá nhân đều có một điểm đặt tự nhiên, giống như bộ điều chỉnh nhiệt, trong đó vấn đề di truyền và tính cách đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đúng vậy, những sự kiện tích cực là động lực thúc đẩy bạn, nhưng chẳng bao lâu sau, bạn sẽ lại quay trở về với điểm đặt ban đầu của mình.

Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự tồn tại lâu hơn nhiều so với “sự bùng nổ dopamine” nói trên, vì thế nên điều quan trọng là phải nghĩ về nó như một thứ gì đó khác hơn chứ không đơn thuần chỉ là một cảm xúc. Cảm nhận hạnh phúc của bạn cũng bao gồm những phản ánh về nhận thức, chẳng hạn như khi bạn thích hoặc không thích khiếu hài hước của người bạn thân hay hình dáng mũi của mình, thậm chí cả chất lượng cuộc hôn nhân của bạn nữa. Chỉ một phần của cảm nhận này là liên quan đến cảm giác của bạn; phần còn lại chính là sản phẩm của phép tính nhẩm khi bạn tính toán những kỳ vọng, lý tưởng và sự chấp nhận của mình về những yếu tố không thể tác động cùng với vô số các yếu tố khác. Đó là, hay hạnh phúc là, một trạng thái của tâm trí, và như vậy, có thể có chủ đích và áp dụng được chiến lược để đạt được nó.

Bất kể điểm đặt cảm xúc của bạn là gì, những thói quen và những sự lựa chọn hằng ngày của bạn - từ cách bạn xây dựng một tình bạn cho đến cách bạn suy ngẫm về các quyết định trong cuộc đời mình - đều có thể thúc đẩy hạnh phúc của bạn. Một số học bổng gần đây ghi lại những thói quen độc đáo của những người hạnh phúc nhất trong cuộc sống thậm chí còn cung cấp một vài hướng dẫn sử dụng để mô phỏng những người này. Hóa ra, các hoạt động khiến chúng ta cảm thấy không chắc chắn, khó chịu và thậm chí là tội lỗi thì có liên quan đến một vài trải nghiệm đáng nhớ và thú vị nhất trong cuộc đời. Có vẻ như những người hạnh phúc lại có một loạt các thói quen không hề hạnh phúc chút nào.

Phần thưởng thực sự của rủi ro

Khi lo lắng là trạng thái tối ưu

Hãy tưởng tượng đó là đêm thứ sáu và bạn đang lên kế hoạch ăn tối và gặp gỡ bạn bè. Nếu bạn muốn đảm bảo mình sẽ về nhà với cái bụng no nê thì bạn nên ăn pizza hoặc bánh mì kẹp thịt. Nhưng trên bàn ăn, bạn lại muốn chọn một món ăn mà bạn chưa bao giờ thử trước đây (Ví dụ như một món ăn truyền thống của Ethiopia chẳng hạn, tại sao không chứ?). Bạn có nguy cơ sẽ không thích món ăn này và để bụng đói, nhưng đổi lại bạn có thể sẽ được khám phá ra một điều mới mẻ khác, đem lại chút niềm vui đáng ngạc nhiên.

Những người thực sự hạnh phúc dường như có trực giác nắm bắt được thực tế rằng, hạnh phúc bền vững không chỉ là được làm những điều bạn thích, mà nó cũng đòi hỏi cả sự phát triển và phiêu lưu vượt ra ngoài ranh giới của vùng an toàn. Những người hạnh phúc, nói một cách đơn giản, chính là những người tò mò. Trong một nghiên cứu năm 2007, Todd Kashdan (1) và nhà tâm lý học Michael Steger của bang Colorado đã phát hiện ra rằng, khi những người tham gia theo dõi các hoạt động hằng ngày của bản thân cũng như cảm xúc của chính họ trong suốt 21 ngày, những người mà thường xuyên cảm thấy tò mò vào một ngày nhất định nào đó cũng là những người có trải nghiệm hài lòng và tham gia vào những trải nghiệm mang lại hạnh phúc nhiều nhất như thể hiện sự cảm khích với đồng nghiệp hay tình nguyện giúp đỡ người khác.

Tuy nhiên, sự tò mò về cơ bản là một trạng thái lo lắng. Ví dụ, khi nhà tâm lý học Paul Silvia cho những người tham gia nghiên cứu xem nhiều bức tranh khác nhau thì những hình ảnh êm dịu của Claude Monet và Claude Lorrain gợi nên cảm giác hạnh phúc, trong khi những tác phẩm bí ẩn, rối loạn của Egon Schiele và Francisco Goya lại gợi nên sự tò mò.

Có vẻ như sự tò mò chủ yếu là liên quan đến sự khám phá - thường là cái giá của hạnh phúc nhất thời. Những người tò mò thường chấp nhận quan điểm rằng, mặc dù con đường này không thoải mái và dễ bị tổn thương, nhưng đó chính là con đường trực tiếp nhất để trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn. Trên thực tế, nghiên cứu của Kashdan và Steger cho thấy rằng, những người tò mò thậm chí còn đầu tư vào các hoạt động khiến họ khó chịu rồi biến chúng thành bàn đạp để đạt đến đỉnh cao tâm lý.

Tất nhiên, có rất nhiều trường hợp trong cuộc sống mà cách tốt nhất để tăng sự hài lòng chỉ đơn giản là cảm thấy thật tốt, cho dù chỉ vì được nghe bài hát yêu thích hay được gặp người bạn thân nhất của mình. Nhưng theo thời gian, bạn nên tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ hơn, phức tạp hơn, không chắc chắn hay thậm chí là khiến bạn khó chịu; bạn có thể sẽ có được những bước nhảy vọt như hát karaoke lần đầu tiên hay tổ chức một buổi chiếu phim nghệ thuật của người bạn đại học. Những người hạnh phúc nhất lựa chọn cả hai phương thức trên trong những thời gian khác nhau, để cuối cùng, họ có thể hưởng được lợi ích từ cả hai loại hoạt động đó.

Xuyên qua những thăng trầm của cuộc sống

Lợi ích của việc nhìn thấy cả cánh rừng chứ không phải những cây xanh

Một lời chỉ trích tiêu chuẩn đối với những người hạnh phúc là họ không hề thực tế - họ đi qua cuộc sống một cách hạnh phúc mà không dừng lại ở bất kỳ tệ nạn và vấn đề nào trên thế giới. Những người đã mãn nguyện thì thường ít có xu hướng phân tích và chi tiết hóa mọi thứ. Một nghiên cứu do nhà tâm lý học Joseph Forgas của Đại học New South Wales đã phát hiện ra rằng, những người hạnh phúc một cách phiến diện - tức những người có xu hướng chỉ nghiêng về tích cực - ít hoài nghi hơn những người khác. Họ có xu hướng cởi mở một cách không suy nghĩ đối với người lạ và do đó, có thể đặc biệt cả tin với những lời nói dối và hành vi lừa gạt của người khác. 

Chắc chắn việc để mắt đến những điểm tích cực có thể hữu ích trong điều hướng mối quan hệ với đồng nghiệp, người quen hay bạn hẹn hò - những điều mà chúng có xu hướng khó chịu đựng hơn. Trên thực tế, nhà tâm lý học Paul Andrews của Đại học Virginia Commonwealth đã lập luận rằng trầm cảm thực sự có tính thích nghi. Theo logic, những người trầm cảm có nhiều khả năng phản ánh và xử lý những trải nghiệm nhiều hơn so với người khác - vì thế nên họ có được cái nhìn sâu sắc về bản thân hoặc tình trạng con người - mặc dù chỉ ở một mức độ cảm tính. Một chút chú ý đến từng chi tiết sẽ giúp ta đánh giá một cách thực tế hơn về xã hội.

Tuy nhiên, quá chú ý đến chi tiết có thể cản trở hoạt động cơ bản hàng ngày, bằng chứng là nghiên cứu từ nhà tâm lý học Kate Harkness của Đại học Queen đã phát hiện ra rằng những người có tâm trạng chán nản có nhiều khả năng nhận thấy những thay đổi nhỏ trên nét mặt. Trong khi đó, những người hạnh phúc có xu hướng bỏ qua những thay đổi bé như một thoáng khó chịu hay một nụ cười mỉa mai. Bạn có thể nhận ra hiện tượng này từ những tương tác mà bạn đã có với những người xung quanh. Khi đang ở trong trạng thái tâm trạng tồi tệ, chúng ta có xu hướng nhận thấy những thay đổi nhỏ nhất và dường như không thể bỏ qua chúng (“Tôi thấy bạn trợn mắt với tôi. Sao bạn lại làm vậy?”). Ngược lại, khi chúng ta đang trong trạng thái vui vẻ, mọi thứ chỉ là tiểu tiết (“Bạn luôn trêu chọc tôi nhưng tôi biết bạn thích ở bên cạnh tôi”). Những người hạnh phúc nhất có bản năng tự nhiên bảo vệ cảm xúc của họ khỏi việc bị hấp dẫn mãnh liệt bởi những chi tiết nhỏ.

Tương tự, những người hạnh phúc nhất thường ít quan tâm đến hiệu quả công việc. Trong một bài đánh giá tài liệu nghiên cứu của Oishi và các đồng nghiệp, ông cho biết những người hạnh phúc nhất - đạt 9 hoặc 10 trên 10 về các phép đo mức độ hài lòng trong cuộc sống - làm việc kém hơn những người hạnh phúc vừa phải trên thành tích như điểm số, thành tích học tập hay mức lương. Tóm lại, họ sẵn sàng hy sinh một lượng nhỏ mức thành tích của mình để không phải đổ mồ hôi cho những thứ mà theo họ là nhỏ nhặt.

Điều này không có nghĩa là chúng ta nên có thái độ tự do đối với mọi trách nhiệm của mình. Chú ý đến tiểu tiết nhiều khi rất hữu ích, nhưng quá tập trung vào chúng sẽ khiến bạn kiệt sức và tê liệt. Người hạnh phúc nhất sẽ chấp nhận rằng, việc phấn đấu cho sự hoàn hảo - và đương nhiên cả tương tác hoàn hảo với mọi người khác - chính là ván cược của một kẻ khờ.

Người bạn không ghen tị

Chúng ta đang sống nhờ vào vận may của người khác

Tôi chắc rằng bạn đã nghe đến hàng triệu lần câu nói: Định nghĩa về một người bạn tốt là người sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần thiết. Trong một cuộc thăm dò gần đây của Gallup World, yếu tố tốt nhất để dự đoán liệu một người có hạnh phúc tại nơi làm việc của họ hay không chính là liệu người đó có người bạn nào có thể trợ giúp họ mọi lúc hay không. Do đó, cũng không sai khi với ta, một người bạn tốt là người cùng ta đi nhậu và chúc mừng ta khi ta được thăng chức, hay là người ta đến đón ở quán bar sau khi anh ta say xỉn vì bị sa thải.

Thật vậy, sự hỗ trợ như vậy làm dịu đi những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy một ý tưởng ít trực quan hơn về tình bạn: Những người hạnh phúc nhất là những người có mặt khi mọi thứ diễn ra thuận lợi với người khác - và những thành tích của chính họ cũng thường xuyên được chúc mừng bởi bạn bè của họ.

Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ từ nhà tâm lý học Shelly Gable của đại học California, Santa Barbara và đồng nghiệp của cô, những người mà có nghiên cứu tiết lộ rằng: Trong các mối quan hệ yêu đương, nếu một người không coi trọng thành công của người còn lại, mối quan hệ đó sẽ đổ vỡ và ngược lại, họ nhiều khả năng sẽ hài lòng và cam kết nhiều hơn trong mối quan hệ đó, tận hưởng tình yêu và hạnh phúc lớn hơn.

Tuy nhiên, bên ngoài các mối quan hệ quan trọng, tại sao thành công của người khác lại khiến bạn hạnh phúc hơn? Tại sao bạn nên ủng hộ người bạn thân trời sinh đã may mắn bằng cách lắng nghe anh ấy kể chi tiết về một đêm nồng nàn với người yêu sau khi bạn đã thức trắng mấy đêm để đọc hết series truyện tranh về zombie chứ? Vì người đó thực sự cần bạn. Quá trình thảo luận một trải nghiệm tích cực với một người nghe sẽ phản hồi lại mình thực sự sẽ thay đổi cách ta suy nghĩ về sự kiện đó. Vì vậy, sau khi kể cho bạn nghe về nó, bạn của bạn sẽ nhớ về đêm đó theo một cách còn tích cực hơn lúc đầu và sẽ dễ dàng hơn để anh ta vượt qua mọi chuyện khi bị đá vào một năm sau đó. Nhưng một điều quan trọng không kém, là bạn sẽ phải “cõng” sự tích cực không thuộc về mình. Cũng giống như khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều khi tiêu tiền vào quà tặng hoặc làm từ thiện hơn làm hành động cho bản thân, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi dành thời gian quý báu để lắng nghe sự tích cực từ người khác.

Có vẻ như trong cuộc sống, có vô số những chú chim họa mi Florence đang đợi chờ để được thể hiện bản tính anh hùng của mình. Điều quý giá và hiếm có ở đây là những người mà ta có thể thực sự chia sẻ niềm vui và lợi ích mà không bị ghen tị. Vì vậy, mặc dù việc gửi hoa cho bạn của bạn khi cô ấy đang phẫu thuật ở bệnh viện có thể là tốt, nhưng cả hai sẽ cảm thấy hài lòng hơn nhiều với bó hoa mà bạn gửi cô ấy khi cô ấy tốt nghiệp trường y hoặc trong buổi lễ đính hôn lãng mạn.

Thời gian cho mọi cảm xúc

Mặt trái của cảm xúc tiêu cực

Những người cứng rắn về tâm lý vốn dĩ có thể hiểu được nỗi đau khi những người khác quay lưng lại với họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phủ nhận mọi cảm xúc của chính mình hay để vấn đề bỏ ngỏ. Thay vào đó, họ có sự hiểu biết bẩm sinh rằng cảm xúc đóng vai trò như sự phản hồi - một hệ thống radar cung cấp thông tin về những gì đang xảy ra (và sắp xảy ra) trong xã hội chúng ta.

Những người hạnh phúc hầu như không che giấu những cảm xúc tiêu cực. Họ thừa nhận việc cuộc sống đầy rẫy những thất vọng đối đầu trực tiếp với họ. Họ sử dụng sự tức giận một cách hiệu quả, coi những cảm giác tội lỗi là động lực để thay đổi bản thân hành vi của chính họ. Sự chuyển đổi tinh thần nhanh nhẹn này giữa khoái cảm và đau đớn, khả năng thay đổi hành vi để phù hợp với yêu cầu của tình huống chính là sự linh hoạt về mặt tâm lý.

Ví dụ, thay vì âm thầm ghen tị với bạn thân của người yêu để rồi làm xói mòn sự hài lòng của bạn với mối quan hệ đó, hãy chấp nhận cảm xúc của bạn như một tín hiệu. Điều này cho phép bạn áp dụng các chiến lược phản ứng khác có khả năng mang lại lợi tức lớn hơn. Chúng bao gồm lòng trắc ẩn (nhận ra rằng người yêu bạn có những nhu cầu chưa được đáp ứng) và lắng nghe có tâm (tò mò về những gì cô ấy quan tâm).

Khả năng linh hoạt tâm lý hóa ra lại là một khía cạnh cơ bản của hạnh phúc. Ví dụ, nhà tâm lý học George Bonanno của Đại học Columbia đã phát hiện ra rằng, trong hậu quả của vụ khủng bố 11/9, những người linh hoạt tâm lý sống ở New York lúc đó - những người đôi khi tức giận nhưng cũng có thể che giấu cảm xúc của họ khi cần thiết - đã hồi phục nhanh hơn và nhiều hơn về mặt tâm lý và sức khỏe thể chất so với những người còn lại.

Cơ hội để áp dụng tính linh hoạt này có ở khắp mọi nơi: Một cặp vợ chồng mới cưới vừa biết tin mình bị vô sinh có thể che giấu cảm giác vô vọng với mẹ nhưng lại gần gũi với người bạn thân nhất của mình; những người từng trải qua chấn thương có thể tức giận với những người có cùng cảm xúc khác nhưng lại che giấu điều đó với những người cố gắng an ủi họ. Khả năng chịu đựng sự khó chịu do chuyển đổi tư duy tùy thuộc vào người mà chúng ta đang ở cùng, và những gì chúng ta đang làm cho phép ta đạt được kết quả tối ưu trong mọi tình huống.

 Tương tự như việc luyện tập ba môn phối hợp (2), học tập kỹ năng giải tỏa cảm xúc khó chịu là nhiệm vụ được thực hiện tốt nhất khi làm theo từng bước. Ví dụ, thay vì ngay lập tức khiến bản thân mất tập trung với một tập phim của The Walking Dead (3) hoặc với một ly whisky khi bất đồng gay gắt với cậu con trai nổi loạn của mình, hãy chỉ cố gắng chịu đựng cảm xúc trong vài phút. Theo thời gian, khả năng chịu đựng những cảm xúc tiêu cực hàng ngày của bạn sẽ càng mạnh mẽ.

Đạo luật cân bằng cuộc sống

Niềm vui và mục đích làm việc cùng nhau

Ngay cả với những người nhiệt tình hăng hái nhất cũng sẽ đồng ý rằng, một cuộc sống có mục đích nhưng không có thú vui, thì chính là không có niềm vui nào cả. Những người hạnh phúc biết rằng việc cho phép bản thân tận hưởng những phút giây thư thái chính là một phần thưởng vô cùng hấp dẫn - tận hưởng tắm bồn một lúc lâu, ra ngoài ăn chay cùng với bản sao của The Hunger Games (4) của con gái bạn hoặc thỉnh thoảng bỏ qua buổi tập vào thứ bảy để theo dõi trận bóng trên ti vi - sẽ đem lại cho bạn một cuộc sống thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu bạn chủ yếu tập trung vào các hoạt động mà bạn nghĩ rằng sẽ tốt trong thời điểm đó, bạn có thể sẽ bỏ lỡ những lợi ích của việc có những mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu là điều thúc đẩy chúng ta chấp nhận rủi ro và thay đổi - ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đối mặt với khó khăn và hy sinh niềm hạnh phúc “ngắn hạn”.

Nghiên cứu trên những cách mà mọi người dùng để cân bằng giữa thời gian tận hưởng niềm vui và thời gian dành cho mục đích của cuộc sống, Steger bang Colorado và các đồng nghiệp của ông đã chỉ ra rằng, hành động cố gắng hiểu và “điều hướng gió” của cuộc sống thường khiến chúng ta chệch hướng khỏi hạnh phúc. Xét cho cùng, nhiệm vụ đó đầy rẫy những căng thẳng, không chắc chắn và phức tạp, những âm mưu và sự phấn khích ngắn ngủi, và cả sự xung đột giữa mong muốn cảm thấy tốt hơn và mong muốn được tiến bộ ở những gì chúng ta quan tâm nhất. Tuy nhiên, nhìn chung, những người hạnh phúc nhất có xu hướng hy sinh những thú vui ngắn hạn khi có cơ hội tốt để đạt được tiến bộ đối với những gì họ mong muốn trong cuộc sống.

Nếu bạn muốn hình dung được lập trường của một người hạnh phúc, hãy tưởng tượng hình ảnh một cái cây có gốc bám vào hiện tại với tâm niệm biết ơn những gì đang có, và phần ngọn thì vươn tới tương lai, nơi có những ý nghĩa khác của cuộc sống chưa được khám phá. Thật vậy, nghiên cứu của nhà thần kinh học Richard Davidson thuộc Đại học Wisconsin tại Madison đã tiết lộ rằng những tiến bộ của bản thân để đạt được mục tiêu không chỉ khiến chúng ta cảm thấy đang thực sự cố gắng mà còn giúp chúng ta chịu đựng bất kỳ cảm giác tiêu cực nào nảy sinh trong suốt cuộc hành trình.

Không ai có thể giả vờ rằng việc tìm ra mục đích hoặc hoàn thành nó là dễ dàng, nhưng hãy nghĩ về những hoạt động mà bạn thấy bổ ích và có ý nghĩa nhất trong tuần qua. Bạn giỏi và được công nhận ở điểm nào, bạn sẵn sàng từ bỏ trải nghiệm nào và bạn thực sự muốn dành thời gian nhiều hơn cho trải nghiệm nào? Ngoài ra, hãy để ý xem câu trả lời của bạn có nêu nên sự mâu thuẫn giữa những gì bạn nên làm với những gì bạn muốn làm hay không. Ví dụ, trở thành cha mẹ không nhất thiết có nghĩa là việc dành thời gian cho con cái mới là việc có ý nghĩa nhất đời bạn, điều quan trọng là bạn phải chấp nhận điều đó. Lừa dối bản thân là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thiết lập mục tiêu. Những người hạnh phúc nhất có sở trường là trung thực với những gì khiến họ tràn đầy sinh lực và không. Và ngoài việc chuẩn bị cho những thú vui mỗi ngày, họ còn có thể tích hợp những hoạt động mà họ quan tâm nhất vào một cuộc sống có mục đích và sự hài lòng.

Cuộc sống có nhiều hơn là hạnh phúc

Người đoạt giải Nobel Albert Schweitzer từng châm biếm rằng “hạnh phúc không là gì khác ngoài sức khỏe tốt và trí nhớ bền.” Mặc dù có quan điểm rõ ràng là đạt được trạng thái tinh thần tích cực là chủ yếu, các nhà phê bình cho rằng việc theo đuổi hạnh phúc là một mục tiêu sai lầm, là phù du, hời hợt và chạy theo chủ nghĩa khoái lạc.

Các nghiên cứu của nhà tâm lý học Ed Diener cho thấy rằng mọi người thực sự phải trả giá bằng cảm xúc cho những sự kiện mang tính tích cực mạnh mẽ bởi những gì xảy ra sau đó - thậm chí là những sự kiện chỉ “hạnh phúc vừa phải” - có vẻ chẳng hề hạnh phúc như những gì trước đó. (Giống như ta chắc chắn rằng việc tăng lương là điều tuyệt vời, nhưng nó có thể có nghĩa là bạn không được tận hưởng màn trình diễn của con trai mình trong trận đấu ở trường thằng bé.)

Đáng buồn hơn, có lẽ là một loạt nghiên cứu của nhà tâm lý học Iris Mauss của Đại học California, Berkeley, đã tiết lộ rằng những người coi trọng việc hạnh phúc cho biết họ cảm thấy rất cô đơn. Đúng vậy, hạnh phúc có thể có lợi cho sức khỏe - nhưng khát khao hạnh phúc là một con dốc trơn trượt khó kiểm soát.

Là những nhà nghiên cứu về chủ đề này, chúng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của hạnh phúc - nhưng chúng tôi cũng kết luận rằng một cuộc sống tốt đẹp không chỉ là một cuộc sống mà bạn cảm thấy “thăng hoa”. Cuộc sống tốt đẹp được hiểu đầy đủ nhất là một ma trận bao gồm hạnh phúc, thỉnh thoảng buồn, ý thức về mục tiêu cuộc sống, vui tươi và linh hoạt về tâm lý cũng như làm chủ cuộc đời và có nơi thuộc về.

Trong khi một số người vô cùng coi trọng hạnh phúc và hòa nhập được với xã hội, những người khác sẽ cảm thấy họ đã đạt được cảm giác làm chủ và có thành tựu. Cách tiếp cận này đánh giá cao việc mọi người không chỉ khác nhau về ma trận cuộc sống tốt đẹp của họ mà họ còn có thể thay đổi nó sao cho tương xứng với cuộc sống của riêng mình từ thời điểm này sang thời điểm khác.

Ví dụ, cảm giác tự chủ của bạn có thể tăng đột biến khi bạn là sinh viên năm nhất đại học, bạn chuyển từ sống theo quy tắc của cha mẹ sang cuộc sống tự do trong ký túc xá - và sau đó sự tự chủ đó sẽ giảm mạnh khi bạn trở thành cha mẹ và phải hy sinh thậm chí cả khả năng được chọn giờ đi ngủ. Đúng hơn, mỗi một nhóm tuổi đang có những cuộc sống với những hương vị riêng.

Phân tích cuộc sống tốt đẹp thành một ma trận không chỉ là một thủ thuật ngôn ngữ. Cách chuyển hướng nhìn về hạnh phúc sang một hỗn hợp nhiều thành phần sẽ mở ra nhiều con đường hơn để đạt được một cuộc sống như mong đợi. Chỉ một thành công trong một lĩnh vực của ma trận cũng có thể là một lý do tuyệt vời để ăn mừng đấy chứ!

Những con số hạnh phúc

.62

Khoảng cách từ nhà, theo dặm, từ điểm mà những cú tweet thể hiện sự hạnh phúc bắt đầu giảm dần. Đây chính là khoảng cách dự kiến từ nhà đến nơi làm việc của bạn.

40

Đây là tỷ lệ phần trăm khả năng chúng ta có được hạnh phúc nằm trong khả năng thay đổi của chúng ta theo nhà nghiên cứu Sonja Lyubomirsky của Đại học California.

85

Cứ 100 người thì có 85 người cảm thấy hạnh phúc ở Panama và Paraguay, những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

20

Là tỷ lệ phần trăm dân số Hoa Kỳ đủ giàu để tách biệt cảm xúc hạnh phúc với sự biến động về bình đẳng thu nhập.


 (1)  Là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông là giáo sư tâm lý học và giám đốc Phòng thí nghiệm Sức khỏe tại Đại học George Mason.

(2) Ba môn phối hợp bao gồm chạy bộ, bơi và đua xe đạp

(3) Là phần đầu tiên của series phim về đại dịch xác sống

(4) Là series ba cuốn sách phiêu lưu khoa học viễn tưởng của Suzanne Collins


Người dịch: LISA

Theo dõi dịch giả tại: Góc của LISA

Tác giả: Todd B. Kashdan and Robert Biswas-Diener

Link bài gốc

BẢN THẢO
Bài viết liên quan