Người lớn và trẻ con

"Người lớn nào thì thoạt tiên cũng là trẻ con nhưng ít người trong bọn họ nhớ được điều đó." ~ Hoàng Tử Bé~

Tiếng chuông báo thức, chồng sách vở bừa bộn vương vãi trên mặt bàn học, sàn nhà và giường ngủ, tiếng rày la của mẹ nhắc nhở chuyện học bài mỗi ngày, tiếng giục giã những ước mơ ấp ủ, những khao khát về một cuộc sống tự do - một cuộc sống của người lớn, của riêng mình. Tất cả đã đánh thức chúng ta tỉnh dậy khỏi cơn mộng mị dở dang.


Ta bước xuống giường như bao ngày bình thường khác, soạn đồ, mặc quần áo, đi làm, lặp đi lặp lại, soạn đồ, mặc quần áo, đi làm. Cuộc sống mưu sinh và những lo toan vật chất kéo chúng ta rơi xuống khỏi con thuyền của những nhiệt huyết thời niên thiếu, thuở mà ta luôn nghĩ mọi việc đều sẽ được giải quyết đơn giản hơn khi ta lớn lên và chẳng có gì động trời bằng việc ngày hôm ấy đã nói dối mẹ đi chơi.


Giờ đây, với cuộc sống của người lớn, ta phải biết cách thích nghi với những biến cố khôn lường, khi đến chỗ làm phải chú ý sắc mặt của cấp trên, ra ngoài thì phải cố bon chen để bản thân không bị bỏ lại phía sau, một xã hội cạnh tranh, phức tạp và dễ dàng khiến mỗi người mỏi mệt hơn bao giờ hết.


Không có quy chuẩn nào để người ta so sánh về những vấn đề của trẻ con hay người lớn là to tát hơn, nhất là khi những vấn đề đó phụ thuộc vào tâm lý, độ tuổi, môi trường và các mối quan hệ xung quanh. Bạn có còn nhớ không, khi bản thân còn là một dứa trẻ, chỉ riêng những cuộc cãi vã với nhóm bạn thân đã đủ làm bạn buồn bã, chán nản và cảm thấy tổn thương rất sâu sắc rồi.


Nhưng khi bạn đem câu chuyện đó chia sẻ với một người lớn, thì thay vì sự cảm thông và lắng nghe, bạn chỉ nhận được những câu cười đùa và câu trả lời rằng: “Sau này lớn lên còn nhiều vấn đề hơn” hay “Chuyện bé tí mà cũng khóc được à?”, sau đó là cái ngoảnh đầu lạnh lùng, mặc kệ bạn - một đứa trẻ với những lo lắng thật sự rất quan trọng đối với thế giới và cuộc sống của nó.


Tại sao người lớn lại không biết cảm thông và thấu hiểu như vậy chứ? (Ảnh: Unplash)

Có thể đối với người lớn, thế giới của một đứa trẻ chẳng có chút sức nặng, chẳng có chút ảnh hưởng nào nhưng đối với đứa trẻ ấy, chỉ những thương tổn xung quanh chuyện trường lớp, học hành và bạn bè của nó thôi cũng đã đủ để khiến nó trở nên thu mình và âu lo hơn bao giờ hết. Tại sao một đứa trẻ lại sợ việc bị bạn bè nghỉ chơi đến thế, bởi như vậy nó sẽ bị cô lập, bị đơn độc trong thế giới quan trọng của nó, tại sao một đứa trẻ lại có thể khóc vì bị cô giáo mắng, bởi đối với nó đấy là người có khả năng làm cho nó sợ hãi, phải vâng lời và ngoan ngoãn.


Trong cuốn sách “Hoàng tử bé” có câu nói: “Người lớn nào thì thoạt tiên cũng là trẻ con nhưng ít người trong bọn họ nhớ được điều đó”, để ta thấy được rằng đứa trẻ nào sau khi trở thành một người lớn cũng đều quên mất bản thân mình từng là ai, từng giàu trí tưởng tượng và ước mơ như thế nào, từng có những nhiệt huyết và khát vọng ra sao. 


Trẻ con lớn lên trở thành người lớn và rồi quên hết tất cả, để rồi từ góc nhìn của một người lớn mà phán xét suy nghĩ của những đứa trẻ, xem nhẹ nỗi buồn bã và lo âu của chúng. Tại sao người lớn lại không biết cảm thông và thấu hiểu như vậy chứ?


Thế là tôi nghĩ rằng, thật ra, người lớn cũng rất cô đơn. Sự cô đơn của người lớn là những nỗi buồn sâu thẳm đến từ thứ cảm xúc bị chối bỏ từ khi còn là một đứa trẻ. Người lớn đó đã trưởng thành với nhiều vết cắt khác nhau, với những cái ngoảnh đầu từ những người lớn khác để rồi khi rời bỏ hình hài một đứa trẻ, họ cũng lại một lần nữa làm tổn thương trái tim của một đứa trẻ khác, giống như họ ngày trước.


Người lớn thật ra cũng rất cô đơn (Ảnh: Unplash)

Đã là người lớn thì không được thể hiện quá nhiều cảm xúc yếu mềm, không được phép gục ngã trước những nỗi buồn quá ư là vô nghĩa, người lớn thì luôn phải thế này, phải thế kia và người lớn thì không còn là trẻ con nữa. Người lớn khi ấy không còn thời gian để thấu hiểu chính mình, để nhìn nhận sự tan vỡ của bản thân mình, khi mà tất cả mọi thứ xung quanh, mọi luồng ý kiến, mọi cái nhìn đều đang hướng vào họ và họ thì không thể trở thành một nỗi thất vọng, chỉ vì không kiềm chế nối xúc cảm cá nhân.


Tất cả giống như một cuộc diễu hành trên dây, ngay từ khoảnh khắc họ bước chân vào thế giới của người lớn, nơi mà chỉ cần lơ là, họ có thể đánh mất những gì mình đang có. Nhưng sự căng thẳng đâu thể kéo dài, khi đôi tay đã gồng gánh quá nhiều thứ, họ trút những nặng nề của mình xuống ai, xuống chính những đứa trẻ - người có thể là con cái, là cháu chắt, là em của họ hay thậm chí là chính những đứa trẻ bên trong tâm hồn họ.


Người lớn thật đáng trách mà cũng thật đáng thương.

Tôi thật sự rất biết ơn những người bố người mẹ - những người lớn đã dành thời gian để thấu hiểu con cái của mình, để lắng nghe và thừa nhận những buồn bã của con là vô cùng quan trọng. Dù không phải tất cả những người lớn đều có được sự thấu cảm đó nhưng ít nhất ta biết rằng, thế giới này vẫn có những người lớn tuy đã trưởng thành mà vẫn giữ lại bên trong họ sự hồn nhiên của đứa trẻ, lòng nhiệt huyết và những suy nghĩ giản đơn.


Sự dạy dỗ và chỉ bảo bằng những cử chỉ yêu thương, thấu hiểu của gia đình đối với một đứa trẻ chính là tiền đề để tạo cho đứa trẻ đó cách trường thành mà vẫn luôn là chính mình, có được khả năng thấu cảm với người khác.


Bởi chúng ta luôn biết rằng thế giới ngoài kia thật sự rất rộng lớn, khi bạn bước chân ra khỏi mái trường, ra khỏi vòng tay bố mẹ, thật sự trở thành một người lớn, bạn sẽ không thể tránh khỏi những giây phút băn khoăn, thậm chí lo lắng và sợ hãi, những vấp ngã rất khó để đứng dậy thì chỉ cần chúng ra luôn lắng nghe đứa trẻ bên trong mình, giữ gìn và vỗ về nó.


Trẻ con thì không thẻ hiểu được nỗi cô đơn của người lớn nhưng người lớn thì vẫn luôn hiểu được những vấn để của trẻ con. Còn bạn, bạn đã lắng nghe những đứa trẻ của chính mình chưa?


-------

Tác giả: Lido

--------


 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan