Phần Hai: Hạ 


Tiểu thư nhà họ Phan mười sáu tuổi đã đẹp như trăng rằm, nhưng tính tình thì lại ngang ngược, ham chơi, chẳng đoái hoài gì đến chuyện rèn luyện nữ công gia chánh, phải tỏ ra yểu điệu thục nữ để mong lọt được vào mắt xanh của một công tử hào hoa nào đó. 


Nàng thích cười lớn tiếng, thích phô hết cái vui của mình cho thiên hạ thấy, trong khi con nhà gia giáo khi cười là phải lấy tay che miệng, phải nói khẽ, cười duyên. Nàng thích nghĩ gì nói nấy, dù cho có bị trách phạt, nàng cũng quyết không bao giờ sống trái với suy nghĩ của mình, chính vì lẽ đó mà có bao công tử ái mộ nhan sắc ghé qua đều nhăn mặt mà bỏ đi không hẹn ngày quay lại. Nàng thích ăn mặc lộng lẫy, mặc kệ người ta xì xào, bàn tán là cái dáng vẻ chẳng lấy gì làm thanh lịch, nhìn không ra dáng tiểu thư mà chỉ như một kẻ trưởng giả học làm sang. 


Mỗi lần đi chơi hội, biết bao ánh mắt đổ dồn vào nàng. Yêu thích có, ghen tị có, và dè bỉu, chê bai cũng có. Nhưng nàng mặc kệ. Nàng chỉ làm những điều mình thích và những điều nàng thấy đúng. Chẳng ai có quyền gì mà phán xét. Nàng cảm thấy, sống như vậy mới là đáng sống, sống như vậy mới tự do. Nếu không làm điều sai trái, nàng không phải thẹn với lòng. Nếu được sống tự do, khi nhắm mắt xuôi tay nàng sẽ chẳng phải hối hận.  


Nếu không có thứ được gọi là lễ giáo, là quy củ, những thứ không biết từ đâu ra mà vẫn tồn tại suốt cả trăm năm, như cái gông cùm lấy cổ người ta đó, thì nàng và An có thể đã khác. 


Nàng thích An, thích lắm. 


Nàng không biết mình thích con nhỏ đi ở cho nhà mình từ bao giờ, chỉ biết là từ khi nàng bắt đầu lớn lên, biết thích là gì, nàng đã biết là mình thích An rồi. Nó khác với cái thích chạy nhảy, nói cười, hay mặc những bộ cánh xinh đẹp lộng lẫy. Nếu không được làm những việc đó, nàng chỉ buồn một chút thôi. Nhưng nếu không có An, nàng sẽ khóc, rồi buồn rất lâu, buồn đến mức cảm giác như mình mất đi một điều gì rất quý giá. 


Đó là vào một ngày mưa năm mười hai tuổi, An bị sốt rét, suýt chết. Nó cứ nằm trong nệm rơm rên hừ hừ, đắp cho mấy lớp cũng không kêu hết lạnh. Cái rét từ trong bụng hành, làm thế nào cũng không đỡ hơn được. Một đứa ở thôi mà, mất thì thôi, mua lại đứa khác, chẳng tội gì mà phải đi mời thầy lang, khéo tiền công xá, tiền thuốc thang còn đáng giá hơn mấy đồng chuộc lại cái thân nó. 


Nghĩ thế, nhưng ông bà vẫn phải cho con Súa đi mời thầy thuốc, rồi lại bảo nó phải săn sóc con An cho nó khỏi hẳn mới được. Vì con Vy nó cứ nằng nặc đòi phải cứu con An, rồi còn đòi tự tay chăm sóc nó, báo hại ông bà phải tóm nó nhốt vào trong phòng, lại gần khéo lây bệnh thì có mà quá tội. Ông bà không hiểu, từ bao giờ mà một con ở lại quan trọng với con gái mình đến thế. Là nó thương người, hay là nó cũng tiếc như tiếc con chó con mèo nuôi bao năm thôi, hay là còn thứ tình cảm gì đặc biệt hơn nữa?


Cứu một người dù sao cũng chẳng phải chuyện gì xấu, nhưng ông bà quyết định chỉ chiều nó một lần đó thôi. Dây dưa quá, thương người quá cũng là một gánh nặng. 


Đêm đó, Vy nhân lúc thầy mẹ đã ngủ say mới lẻn xuống gian sau, thấy con An đã bớt sốt, ngủ yên thì mới thở phào nhẹ nhõm. Chị Súa đang chập chờn ngủ thì giật mình, hốt hoảng kêu cô mau quay lại gian trên đi, kẻo ông bà biết thì tội con, tội cả con An nữa cô, với đêm gió máy thế này, cô lại bệnh ra đấy thì khổ. 


Sáng hôm sau, An tỉnh dậy, chưa khỏi hẳn nhưng cũng dứt cơn sốt, thấy trong tay mình có một viên kẹo mật nho nhỏ, xinh xắn, ngọt ngào như một cái thơm lên má, ăn vào thôi cũng đã thấy tỉnh cả người, còn hiệu nghiệm hơn bất kỳ thứ thuộc tiên nào. 


Cái mạng này là nhờ cô chủ mới có thể giữ lại được, con An nó từ chỗ miễn cưỡng, tới chỗ chân thành yêu mến Vy cũng là vì như thế. An lúc nào cũng đi theo Vy, nhưng không bao giờ đứng sóng vai, chỉ theo phía sau như một cái bóng nhỏ thôi. Vì chủ tớ thì không được đứng ngang hàng. Nghe thầy mẹ mắng con An một trận nên thân chỉ vì cái chuyện cỏn con ấy, Vy tức lắm, rồi trở nên nổi loạn cũng từ ấy. Ông bà chẳng có cách nào mà dạy được con, âu thì cũng đổ là do cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Sau này, kiếm cho nó một tấm chồng tử tế, rồi con cọp cái cũng tự giác mà thu móng nằm im, ngoan ngoãn như một con mèo con mà thôi. 


Vy đã lớn rồi, nhưng vẫn cứ hồn nhiên nghĩ rằng mình chưa lớn, nghĩ rằng những vị công tử ghé qua thật sự là đồng môn, là người quen của thầy mình, nghĩ rằng chuyện lấy chồng hãy còn xa vời lắm. Nàng tự do tin rằng mình vẫn có thể sống một cuộc đời không bị định đoạt, rằng đâu phải hồng nhan nào mệnh cũng bạc đâu. 


Huống hồ, nàng còn đang yêu cơ mà. 



Đêm nay, nàng lại ghé xuống gian nhà dưới. Chị Súa đi lấy chồng rồi, năm ngoái, chị lấy một anh nông dân hiền lành chất phác ở bên kia sông. Bây giờ, con An không phải nằm trên nệm rơm trong bếp nữa, nó được nằm trên cái phản cũ của chị, trong căn nhà kho cũ tưởng như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. 


Ngày chị đi, con An khóc như mưa, cả cái hôm bị bán nó cũng không khóc như thế. Vy cũng suýt thì bật khóc, nhưng vẫn cố kìm lại, kiêu ngạo nói chị sang bên đó, bị chồng đánh hay chửi gì thì cứ về đây, nhà tôi chẳng thiếu mấy gạo mà nuôi thêm chị đâu. Chị Súa phì cười mà giọng nghẹn ngào, chị sẽ nhớ hai đứa lắm đấy. 


Mãi đến sau này, khi đã đến cái tuổi thất thập cổ lai hy, thờ chồng, chăm con, rồi nghỉ ngơi ở cái đoạn cuối của kiếp này, chị còn nhớ đến một cuộc đời đã cũ ở phía bên kia sông, nhớ năm đó có hai đứa con gái thương nhau thành giai thoại mà sau này ai nghe nước mắt cũng tuôn rơi. 


Vy chìa cho An chiếc áo bị rách một đường lớn, nói An mau khâu lại đi, để ngày mai nàng còn có áo đi chơi hội. An nhìn mà thắc mắc, chẳng biết sao mà áo của cô cứ rách mãi một chỗ, mình khâu chắc chắn lắm cơ mà? Nhưng mà An cũng chẳng thắc mắc, chỉ tỉ mẩn xỏ kim, khâu áo, chậm rãi và cẩn thận như đang nâng niu một thứ đồ quý nào đó. 


Vy cũng chẳng hỏi tại sao bình thường An khâu nhanh như cắt mà nay lại chậm và cẩn thận bất thường như thế. Chuyện đó cũng giống như việc Vy cầm kéo tự tay rạch một đường trên áo đó thôi. Người ta đâu có cần áo đẹp, người ta chỉ thích người may áo. Người ta cũng đâu có thích may áo, người ta chỉ thích có người tới nhờ mình may thôi. Có những lý do mình tự biết trong lòng mà. 

Vy đùa, áo em sứt chỉ đường tà, người yêu chưa có, mẹ già chưa khâu. An phì cười: 


“Mẹ cô đâu đã già.”


“Nhưng người yêu thì đúng là chưa có.”


An ngẩng đầu lên, thấy Vy đang nhìn mình bằng ánh mắt xao xuyến và chờ đợi. Xao xuyến cái gì? Chờ đợi cái gì? Chỉ cần biết là không ai có thể từ chối một đôi mắt như thế. An vội cúi đầu khâu áo, lòng thầm nghĩ thật may, mình đã không nói ra một điều gì không nên nói. Tim đập, ray run, suýt chút nữa là khâu lệch, tại càng lúc người này càng sát vào mình, hơi thở cũng nặng nề và ấm áp hơn, còn mùi hoa nhài thơm thoang thoảng. Không thể nào làm lơ được. 


An vội khâu cho xong rồi dúi cho Vy, xong rồi đó cô. Vy chưng hửng, rồi nằm luôn xuống phản, tối nay ta ngủ ở đây. 


“Không được đâu, ở đây lạnh lắm, cô về phòng nghỉ đi, kẻo ông bà biết thì tội tôi.”


“Đêm hè nóng thế này mà kêu lạnh cái gì? Thầy mẹ tôi đi có việc trên kinh thành rồi, còn lâu mới về. Đêm nay tôi cứ ở đây đấy, An dám đuổi tôi đi à?”


An bất lực, đành chui xuống nệm rơm nằm, nhưng bị Vy ngăn lại. 


“Bộ tôi là hủi hay gì mà tránh ghê thế?”


Nào có con hủi nào xinh như cô. 


Nằm chung với người mình thương trên một tấm phản, người kia lại đang mặc độc một chiếc yếm mỏng. Thịt da chạm thịt da, hơi thở nóng phả vào gáy khiến đầu óc không thôi những suy nghĩ miên man. Và đầu óc, con tim như nổ tung khi vòng tay mềm mại đó vòng từ đằng sau, ôm lấy ta như khao khát một điều gì đó. Nhưng ta đã không để dục vọng của mình lấn át lý trí, điều đó là không được. Dù ta có là gái, nhưng có gì đảm bảo chuyện hai đứa con gái tập tành làm đàn bà không bị cạo đầu bôi vôi. Ta biết mình muốn làm gì, nhưng ta không được phép làm như thế. 


Nếu ta làm thế, ta cảm giác ta không thể nào rời xa nàng được nữa. Nàng còn phải lấy một công tử hào hoa phong nhã, sinh những đứa con ngoan ngoãn, kháu khỉnh, hạnh phúc như bất kỳ người đàn bà nào dưới chế độ này. Dù cho nàng không muốn như thế, nhưng số phận của nàng là như thế. Nàng không thể hạnh phúc nếu nàng sống khác đi. 


Ta đành xoay người lại, vòng tay ôm lấy tấm lưng trần của nàng, vùi mặt vào mái tóc thơm mùi hoa nhài của nàng. Chỉ có thế này thôi, chỉ thế này thôi, là đủ cho ta rồi. 


Nàng cũng ôm lấy ta, ôm chặt lắm. 


Đêm dài như vậy, nàng có như ta không, có ngủ được chút nào không?


Hôm sau, phú ông cùng phu nhân về, báo cho tiểu thư biết, tháng sau nàng sẽ được gả cho cậu quý tử con quan Tam phẩm trên kinh thành.


Nguồn ảnh: Unplash


Hết Phần Hai.

Tác giả: Hoàng Minh

BẢN THẢO
Bài viết liên quan