Phần 1: Xuân 


Trên con đường đất đỏ của làng Mây rất nhiều năm về trước, có một người đàn ông lầm lũi dắt tay đứa bé gái bước đi một cách nặng nề. Vào giữa hạ, mặt trời chưa lên đến đỉnh đầu mà nắng đã gắt như muốn thiêu đốt da dẻ, mặt mày người ta. Mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi chảy thành từng dòng hai bên thái dương, nhưng người đàn ông vẫn nhường chiếc nón rách của mình cho đứa bé. Chắc ông ta là cha nó, hoặc chí ít cũng thương nó nhiều. 


Nhìn quần áo rách rưới của hai người cũng có thể đoán được nhà họ chẳng dư dả gì. Thói đời, chẳng phải cứ chăm chỉ làm lụng là sẽ có của ăn của để, còn phải trông vào ông trời nữa chứ? Vợ ông thì cứ đau ốm luôn, từng thứ từng thứ một cứ thế cắp nón mà lần lượt ra khỏi cửa. Được cả năm nay mất mùa, chẳng được ai thuê mướn, cả nhà cũng đói luôn, nhìn đàn con nheo nhóc mà ông thấy không đành. Chi bằng đem con gái lớn bán cho nhà địa chủ, bớt được một miệng ăn, được vài đồng lo cho u với các em nó.


May ra được giời thương cho khấm khá, mấy năm nữa ông bà tới chuộc nó về. Mà, nhà địa chủ giàu nhất vùng, cánh đồng trải dài từ đầu làng tới cuối làng, người làm công không biết bao nhiêu cho xuể. Năm nay ai cũng đói, chỉ có nhà địa chủ là không. Chẳng phải người ta vẫn nói, làm con chó nhà giàu còn sướng hơn làm người mà khổ đó sao? 


Vậy mới bảo, làm người, đã không làm thì thôi, đã làm thì phải cố mà làm cho ra hồn, cho ra hình người, khổ cũng phải ráng mà sống, nghĩ thôi đã thấy khó. Giá kể, cứ làm con chào mào kia, bắt sâu bắt bọ ăn qua ngày, lại có thể bay đi bất cứ đâu, thì thích phải biết. 


“An.” Giờ ta đã biết được tên đứa trẻ “Qua bên đó, nhớ phải ăn nói cho lễ độ, người ta bảo gì thì làm y như vậy, không được cãi để làm phật lòng ông bà chủ, biết chưa?”


Đứa bé hết sức ngoan, hết sức vâng lời. Nó khoanh tay, cúi đầu chào ông bà chủ, làm ông bà hết sức hài lòng, khen nhà anh này nghèo mà dạy dỗ con cũng có khuôn phép tử tế. Người cha chắp tay tạ, rồi nhận lấy năm đồng như đã hẹn trước, nhìn con lần cuối, rồi cắn răng rời đi, không dám quay đầu lại lần nữa. Không biết là ông cảm thấy thương nhớ con, hối hận hay là hổ thẹn, và cái nỗi đau trong ánh mắt kia rốt cuộc là dành cho mình hay cho con bé. Nỗi đau dành cho một thằng cha khánh kiệt đến mức không lo nổi cho vợ con một bữa ăn đàng hoàng tử tế, phải đem bán đứa con mình dứt ruột đẻ ra như bán một con chó, con gà, rồi lại ra vẻ như đó là lựa chọn duy nhất. 


Hay là nỗi đau dành cho đứa bé con không biết rằng chỉ đi từ đầu đến cuối làng Mơ mà từ nay cuộc đời đã đổi khác. 



An còn nhỏ, chưa ra đồng được, nên được cho ở phía sau gian bếp, vừa phụ chị Súa mấy việc lặt vặt, vừa học làm lụng từ từ. Mỗi ngày nó được cho hai bát cơm, cơm trắng hẳn hoi, chẳng bù cho ở nhà chỉ toàn rễ khoai luộc đắng chát. Chị Súa cũng thương nó, thỉnh thoảng còn đánh cháy lên cho nó ăn, nhưng dặn là không được nói với ai. Ai cũng bảo nhà địa chủ giàu thì ác, nhưng An thấy ông bà chủ là người tử tế, không yêu thương mà cũng chẳng tàn tệ với nó, cứ coi nó như con chó con mèo trong nhà mà nuôi vậy. Ở đây cũng tốt, An nghĩ, nhưng thi thoảng đêm nhớ nhà thì vẫn phải khóc. 


Nhưng An chỉ khóc được có ít ngày thôi, đến ngày thứ ba thì tiểu thư nhà địa chủ phát hiện ra sự tồn tại của nó. Con bé tên Vy, xinh lắm, xinh ơi là xinh, ai nhìn cũng thích, lại được ăn uống tử tế nên trắng trẻo, hồng hào, quần áo lúc nào cũng xúng xa xúng xính, nhìn là biết tiểu thư nhà giàu có. Con bé nghe được cha mẹ bâng quơ nhắc đến chuyện mới mua về một đứa ở bằng tuổi mình, ở đằng sau nhà, chỗ bếp đó, mới tò mò mà xuống xem, như tò mò nhìn mặt một con vật lạ đó mà. 


Tiểu thư ít bạn, phần vì từ nhỏ, mẹ không cho nó chơi cùng những đứa trẻ khác, sợ trầy xước chân tay rồi bẩn thỉu hết quần áo, lại nhiễm cái thói rách giời của bọn con nhà nghèo thì hỏng hết cả người; phần khác cũng vì bọn trẻ cũng chắc thích cho Vy chơi cùng, kêu nhìn nó sang quá, đẹp quá, bạn bè gì với đám chăn trâu chúng mình. 


Xuống nhà sau, Vy tìm thấy một con bé trạc tuổi mình đang nhồm nhoàm nhai cơm cháy, mới cao giọng quát, con kia, ai cho mày ăn vụng cơm nhà tao, tao mách thầy mẹ tao cho coi. Rồi trông cái mặt “con kia” hoảng hồn đánh rơi cả miếng cơm mà vội vàng giải thích, bên trong Vy dâng lên một sự kiêu ngạo và hiếu thắng rất trẻ con, ấy là phải ra oai, chọc cho nó sợ chết khiếp mới được. 


“Không mách cũng được, nhưng mày phải chơi cùng tao.” “Chơi ấy ạ? Nhưng mà chơi cái gì?” “Thì chơi chứ còn cái gì nữa. Sao mà chậm hiểu thế không biết. Bình thường mày chơi gì thì chơi cái ấy.”


“Thế… banh đũa nhé?” “Làm gì có mà chơi.”

“Hay… ô ăn quan?” “Thôi, chán lắm.”

“Vậy cô thích chơi trò gì?” “Gì cũng được.”


An cảm thấy hơi mệt. 


“Thế mày có biết trèo cây không?”


Trèo cây thì đứa nào chẳng biết, nhưng sợ cô ăn mặc đẹp thế, lại chưa trèo cây bao giờ. 


“Có gì mà không được, chỉ cho tao là biết liền à.”


An đành phải chiều theo. 


Tầm nửa nén nhang sau. 


“Tại mày cứ đứng dưới gốc cây nói linh tinh đấy.”


“Rồi rồi, lỗi tại tôi. Cô không sao là tốt rồi.”


“Không sao cái gì. Áo tao rách rồi, lát mẹ tao biết mắng chết.”


“Hôm trước chị Súa có cho tôi ít kim chỉ, để tôi khâu lại giúp cô là được chứ gì?”


Vy tròn mắt nhìn An thoăn thoắt xâu kim, khâu lại đường rách trên áo hệt như mới, thiếu chút nữa là reo lên thích thú, quên luôn cả cơn bực vừa nãy. Mà, nhắc lại thấy tức, nếu không phải vì con bé này cứ đứng dưới gốc cây nói đau hết cả tai: “Cô ơi, cẩn thận đó.” “Cô ơi, hình như có tổ kiến lửa.” thì mình đâu có giật mình mà ngã rách áo… 


“Tại mày mà tao bị ngã cây, tội này to lắm, nếu tao mà mách thầy mẹ thì kiểu gì mày cũng bị đòn.”


Ngang ngược quá. 


Nhưng thôi, không chấp, dù sao nó cũng là con nhà chủ. 


Một sự nhịn là chín sự lành An ơi. 


“Con xin cô, cô tha cho con, cô mà nói với ông bà chủ là con chết.”

“Vậy thì… từ nay về sau, tao nói gì mày cũng phải làm theo cái ấy, phải nghe lời tao hơn cả nghe lời thầy mẹ tao, biết chưa?” 


Nhân duyên bắt đầu từ cái thú tò mò, từ thói kiêu ngạo rất trẻ con của đứa gái nhà giàu, và cái sự nhún nhường rất hiểu chuyện của đứa con vừa bị bố đẻ đem bán. 


Nói chuyện xa thế mà làm gì, chúng chưa biết được đâu.


Nguồn ảnh: Unplash


Hết Phần Một

Tác giả: Hoàng Minh

BẢN THẢO
Bài viết liên quan