Nhận Thức Của Con Người Luôn Bị Giới Hạn, Nhưng Như Vậy Thì Sao?

Tôi luôn thích ngồi trầm tư và thả những suy nghĩ của mình trôi tự do. Hồi học cấp 3, tôi thích nhất là những thầy cô dạy triết học, lịch sử (môn học mà gần đây tôi mới cảm …

Tôi luôn thích ngồi trầm tư và thả những suy nghĩ của mình trôi tự do. Hồi học cấp 3, tôi thích nhất là những thầy cô dạy triết học, lịch sử (môn học mà gần đây tôi mới cảm nhận được giá trị của nó), và tiếng Anh. Đó là các môn học có thể khơi gợi ra những cuộc thảo luận vượt xa khỏi thế giới hạn chế mà môn đại số có thể mang đến. Nhưng mãi cho đến gần đây, tôi mới nghiên cứu về khía cạnh đó trong con người tôi một cách kỹ lưỡng. Tôi thấy thỏa mãn với thói quen đọc sách mình mới bắt đầu, thường kèm theo một điếu xì gà. Việc nghiên cứu về các chính sách chính trị, văn hóa, xã hội học, tâm lý học và triết học trở thành nguồn sống, niềm đam mê thầm lặng của tôi. Tôi đã sống những năm tháng tuổi đôi mươi của mình trong màn sương của sự nghiện ngập – một màn sương mà tôi tin là hàng triệu thanh niên Mỹ cũng vô thức sống trong đó – nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi thà dành ra một buổi tối để suy nghĩ và trò chuyện về những vấn đề sâu sắc, hơn là dành cho những ham muốn nguyên thủy ấy. 

Một phần của sự giác ngộ này bắt nguồn từ những chỗ khiêm nhường nhất: chỉ đơn giản là sự thừa nhận và ý thức về những giới hạn về nhận thức của con người.

Sáu giác quan giới hạn mang đến một tâm trí rất giới hạn 

Một điều mà hầu hết mọi người đã biết (tôi mong thế), và tôi cũng đã biết từ lâu, là tầm nhìn của chúng ta có giới hạn. Những ánh sáng mà con người nhìn thấy được chỉ chiếm 1% trong tất cả nguồn năng lượng ánh sáng. Mắt chúng ta hoàn toàn không thể nhận biết 99.9% sóng ánh sáng còn lại đang tồn tại.

Chiều dài bước sóng của tất cả các nguồn năng lượng ở phía trên và quang phổ nhìn thấy được ở phía dưới.

Thính lực của con người khá hơn nhiều so với thị lực. Phổ sóng âm theo lý thuyết là vô hạn, nhưng chúng ta chỉ có thể nghe được khoảng ⅕ những gì mà tất cả sinh vật trên Trái Đất nghe được. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn đã từng chơi với một cái còi gọi chó hoặc một ứng dụng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các giác quan của chúng ta đều bị hạn chế. Vậy nên câu hỏi phải là, chúng bị hạn chế đến mức nào. 

Chính suy nghĩ này đã đưa đến cho tôi một phát hiện sâu sắc: nếu mỗi giác quan của chúng ta đều bị hạn chế nghiêm trọng thì phần lớn nhận thức của chúng ta cũng như vậy.

Sự nhận thức, sự lĩnh hội, những điều ta biết để làm người, những điều mà ta có thể biết, tất cả đều cực kỳ bị hạn chế bởi chính sự tồn tại của chúng ta.

Không biết là tốt hay xấu, nhưng con người luôn kẹt trong những giới hạn của chính tâm trí và nhận thức của mình.

Điều này mang lại cho tôi (ít nhất) hai kết luận mà tôi sẽ chia sẻ ngay ở đây.

Hãy khiêm tốn

Vì tất cả giác quan và nhận thức của chúng ta đều hết sức hạn chế, nên những gì ta biết chỉ là một phần nhỏ của tất cả những gì tồn tại ngoài kia. Những điều ta coi là chân lý – trọng lực, vật chất, những điều kiện để một vật tồn tại – chỉ là sự ước lượng gần đúng nhất của ta.

Và nếu tất cả nền tảng đều có thể bị hoài nghi, vậy thì những gì ta đam mê nhất – ý kiến, giá trị, đảng phái chính trị – đều trở nên lung lay một cách hài hước. Chúng ta chỉ đang làm tốt nhất những điều mình có thể, với vốn kiến thức rất hạn hẹp mà ta có được.

Sự bất định vô cùng là tất cả những gì mà ta biết.

Cũng phải nói rằng, tôi không phải là người đầu tiên nghĩ ra điều này. Hành trình của tôi được định hình bởi những người đi trước tôi. Ý tưởng này gần như là nền tảng cho rất nhiều học thuyết nổi tiếng trong triết học cổ điển.

Câu chuyện ngụ ngôn về cái hang

Trong tác phẩm kinh điển Chuyện Ngụ Ngôn về Cái Hang, Plato đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều chỉ đang nhìn chằm chằm vào những cái bóng của sự tồn tại thực sự. Như thể chúng ta ngồi trong một cái hang, quay lưng về phía ánh sáng của thế giới thực, quan sát những cái bóng phản chiếu lên vách hang khi các loài động vật đi qua. “Thực tại” của chúng ta chỉ là tổ hợp của những cái bóng, và đó là tất cả những gì ta coi là thực tại. 

Hơn nữa, nếu ai đó đến nói với chúng ta về bản chất thực sự của những thứ ở ngoài hang, chúng ta chắc chắn sẽ mặc kệ và chế giễu những ý tưởng cấp tiến của họ. Tất cả bằng chứng về những gì ta biết đều đến từ những cái bóng, vậy nên ý nghĩ rằng những thứ đó không phải là sự thật chân chính sẽ khiến ta bất an đến mức bác bỏ nó. Vậy nên, hãy nhớ rằng tất cả những gì ta nhìn thấy chỉ là những cái bóng, những ước đoán và sự thể hiện của sự thật chân chính, bị giới hạn không phải bởi một cái hang và nguồn sáng, mà bởi những những hạn chế của các giác quan.

Tôi tư duy, nên tôi tồn tại

Khá chắc là ông ấy thông minh hơn là đẹp trai.

Một nhân vật lớn trong lĩnh vực triết học xuất hiện sau gần 2 thiên niên kỉ, một người Pháp tên là Rene Descartes. Là một nhà toán học và vật lý học với vốn kiến thức uyên bác và phong phú, Descartes bắt đầu tự hỏi: hiểu biết thực sự nghĩa là gì? Toán học và vật lý học có thể coi là những lý thuyết được xây dựng trên nền tảng của nhau, được kiểm chứng và được chứng minh. Nhưng Descartes nhận ra rằng, kể cả những lý thuyết cơ bản nhất, được chấp nhận là những giả thuyết cho thực tại của chúng ta, cũng có thể bị lật đổ bởi thời gian và những tri thức toàn diện hơn.

Động lực có được một điểm khởi đầu về hiểu biết thực sự được ông miêu tả trong tác phẩm có tên gọi rất phù hợp và duyên dáng “Discourse on the Method of Rightly Conducting One’s Reason and of Seeking Truth in the Sciences” (Tạm dịch: “Tham luận về Phương pháp Đúng đắn Để Lập luận và Tìm kiếm Sự thật trong Khoa học”):

“Tôi đã hoàn toàn từ bỏ công việc học hành theo các chữ cái (ý chỉ sự theo đuổi bằng cấp như BA, BS, MA…) và quyết tâm tìm kiếm những tri thức chỉ có thể tìm thấy trong chính tôi hoặc trong sự kì diệu của thế giới…”

Nói cách khác, “tôi có thể kết luận gì từ chính những nhận thức sai lầm của mình về thế giới xung quanh?”.

Một trong số những tác phẩm lớn của Descartes.

Cũng từ đây, Descartes viết ra câu châm ngôn nổi tiếng nhất của mình – câu nói nổi tiếng nhất trong lĩnh vực triết học, chỉ đứng sau câu nói “Hãy sống với ngày hôm nay” – được viết nguyên văn trong tiếng Pháp là “Je pense, donc je suis”. Câu này sau đó được dịch và phổ biến trong tiếng Latin là “Cogito ergo sum”, trong tiếng Anh là “I think, therefore I am” (Tôi tư duy, nên tôi tồn tại).

Descartes còn đưa ra một vài kết luận khác từ sự phát hiện này. Một số như điều tiếp theo tôi sẽ nói đây, được coi là khá hợp lý. Số khác, ví dụ như những bằng chứng về sự tồn tại của Chúa được coi là không đáng tin cậy. Ông ấy quan sát được rằng những người khác có vẻ như cũng có trải nghiệm tỉnh thức này và những trải nghiệm của họ là độc lập với trải nghiệm của ông ấy, vậy nên có vẻ như họ cũng tồn tại.

Bạn biết không, trong bộ ba phim The Matrix Trilogy, ý tưởng về việc không biết rằng liệu mình thực sự đang sống trong thực tại hay đang sống trong một giấc mơ do người khác thao túng đã được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Descartes.

Nhưng mỗi bước tìm hiểu về sự tồn tại của bản thân cũng chẳng qua chỉ là một phép suy luận quy nạp – không có cách nào để thực sự biết rằng liệu tâm trí của bạn có đang thêu dệt, mơ mộng, tự tạo ra thực tại của chính mình, bao gồm mọi vật và mọi người trong đó. Tất cả những gì bạn biết là bạn có tồn tại dưới một thể nào đó, đủ để tự hoài nghi những gì mình biết. 

Hai bài học, một bài học từ triết học cổ điển, một bài học từ triết học hiện đại, nhắc nhở chúng ta hãy tôn trọng và thừa nhận những giới hạn khó tin của bản thân mình và sự khiêm tốn đi kèm với đó.

Ngồi xuống

Kết luận thực tế thứ hai mà tôi rút ra được từ việc quan sát sự nhận thức và lĩnh hội hạn chế của con người là một điều tôi ước có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Niềm cảm hứng cho việc viết lách và chia sẻ của tôi: một sự giác ngộ sâu sắc.

Nếu tôi biết rằng tất cả những gì mình có thể biết đều có giới hạn, thì điều đó không đẩy tôi rơi vào thuyết hư vô và sự vô ích của việc biết rằng mình không bao giờ có thể chạm tới sự thật chân chính, mà lại thúc đẩy tôi tìm kiếm ranh giới của những giới hạn đó và dám đưa những gì chúng ta biết đến gần nhất với giới hạn mà ta không thể vượt qua.

Sự hào hứng của việc có khả năng là tôi sẽ có được một suy nghĩ thực sự độc đáo dâng lên trong tôi.

Thật khó để giải thích hay khái niệm hóa vì sao điều này lại mang lại nhiều sự kinh ngạc và niềm quyết tâm cho tôi đến như vậy, nhưng tôi nghĩ nó bắt nguồn từ nhu cầu khám phá căn bản của con người. Dù là đường chân trời, những đại dương, các vì sao hay tâm trí con người, chúng ta đều có một khao khát mãnh liệt được khám phá chúng. Khám phá chỉ vì muốn khám phá thôi.

Tôi thường băn khoăn không hiểu tại sao con người lại sẵn sàng dong thuyền tiến về đường chân trời, chỉ để thỏa mãn trí tò mò của họ. Những điều bí ẩn luôn khiến con người háo hức theo cách mà không một loài sinh vật nào khác cảm nhận được, ít ra là theo những gì chúng ta đã biết.

Tiến về những bí ẩn vĩ đại, chỉ để biết.

Ngay khi tôi nhận ra rằng hiểu biết của con người là hữu hạn, rằng việc tích lũy kiến thức sẽ luôn là một việc trừu tượng chứ không khách quan, nó thực sự khiến hành trình này trở thành thứ duy nhất có ý nghĩa. Khi nghĩ rằng con người có khả năng nắm bắt được hết tất cả tri thức trên đời, tiến trình phát triển có cảm giác thật chậm chạp, thỉnh thoảng nhích được vài bước. Nhưng khi tôi nghĩ đến sự vô tận theo mọi phương hướng của vũ trụ, cũng như những bí ẩn vô hạn xung quanh nó, tôi lại cảm thấy khao khát được sống với những giới hạn đó. Nó đã khởi đầu một cuộc hành trình mà tôi biết sẽ không có điểm dừng, chỉ có những giây phút trải nghiệm quý giá dành cho tôi.

Tất cả đều bắt đầu từ giây phút tôi ngừng lại để suy nghĩ về ý nghĩa của “ánh sáng nhìn thấy được” và tất cả những gì mà ta không thể thấy.

Dịch: Sophie Nguyen

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Weisomniac

Nguồn bài viết: https://medium.com/@MFrancisWrites/the-empowering-limits-of-human-perception-7e27b9b419b

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO